Tạm biệt trời Tây, tìm về vườn ca cao Chợ Gạo để trải nghiệm cách làm sô-cô-la đậm chất Việt Nam.
– Dễ không Khoa? – Dạ, không dễ lắm – Một ngày làm nghìn cái nổi hông? – Chắc là banh xác haha!
Đó là một đoạn hội thoại vui của Trần Đặng Đăng Khoa và Alluvia, khi Khoa lần đầu tiên được tự tay gói từng thanh sô-cô-la đậm vị phù sa Chợ Gạo.
Tạm dừng chuyến đi vòng quanh thế giới của mình do dịch bệnh, anh Trần Đặng Đăng Khoa trở về Việt Nam sau tròn 1.111 ngày xa xứ. “Không đi nước ngoài được nữa vậy mình đi nước trong”! Đây chính là thời điểm thích hợp để Khoa có cơ hội khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn tại chính quê hương mình. Và địa điểm mà chàng trai muốn ghé thăm nhất chính là vườn ca cao Chợ Gạo – ngay quê hương Tiền Giang, nối lại cái duyên vốn bén đã lâu nay mới có dịp gặp lại.
Mối duyên trời định của Khoa và Alluvia
Cùng với “Memo”, “con Wave chiến” đời cũ và hành lý tối giản, Trần Đặng Đăng Khoa đã thành công đặt chân đến các châu lục trên thế giới, đi qua chặng đường gần 80.000 km (gấp hai lần chu vi trái đất). Chuyến đi “gây sốt” của anh vừa là hành trình chinh phục ước mơ đầy tự hào vừa là minh chứng cho tuổi trẻ dám nghĩ dám làm, khơi gợi nguồn cảm hứng và động lực lớn cho người trẻ Việt Nam.
Khoa biết đến Alluvia trong một buổi triển lãm ở Việt Nam và một lần ở Pháp. Những thanh sô-cô-la thơm ngon cùng bao bì bắt mắt đã khiến Khoa không khỏi bất ngờ khi biết rằng Alluvia là thương hiệu đến từ Việt Nam, mà lại còn cùng quê Tiền Giang của mình.
Lần trở về Việt Nam này, Khoa quyết định dành thời gian để đi đây đó khám phá Việt Nam. Tình cờ biết được thông tin về trải nghiệm “một ngày làm nghệ nhân sô-cô-la cùng Alluvia”, Khoa chợt nhớ về một cuộc hẹn gặp nhau tại vườn ca cao dang dở ngày nào. Nghĩ thế là đi! Khoa rủ tôi đến đại bản doanh của Alluvia vào một ngày đẹp trời tháng 7.
Những thanh sô-cô-la đậm vị, bắt mắt của Alluvia tại đất Pháp khiến Khoa nhớ mãi không quên
Cuộc hội ngộ tại vườn ca cao và những trải nghiệm không thể nào quên
Chị Điệp chào đón hai anh em bằng một nụ cười tươi rói và giọng nói đậm chất người miền Tây. Sự thân thiện và cởi mở của chị nhanh chóng khiến không khí trở nên gần gũi hơn, để chúng tôi bắt đầu những câu chuyện không hồi kết về cây ca cao, về những thanh sô-cô-la đậm vị Việt được làm ra bởi những người nông dân chân chất quê mình đã chinh phục khách thập phương như thế nào.
Cây ca cao – nói quen cũng không hẳn là quen, mà lạ thì cũng chẳng xa lạ. Từ đó tới giờ, chúng tôi cứ ngỡ phải lên cao nguyên nắng gió thì mới được thấy đồi ca cao, ai biết được ngay tại quê mình cũng là nơi đất lành cho ca cao phát triển. Thì ra, thiên nhiên đã ưu ái cho miền Tây dòng nước Mê Kông nặng phù sa để không chỉ các loại cây ăn trái nhiệt đới mà ngay cả ca cao cũng chín rộ và hình thành được một hương vị độc đáo không lẫn vào đâu được.
Miền Tây với dòng nước Mê Kông nặng phù sa đã tạo nên những hương vị độc đáo của trái ca cao nơi đây
Tuy đã ngót nghét 30 cái xuân xanh nhưng hai anh em hệt như những đứa trẻ háo hức theo chị vào thăm vườn. Ăn sô-cô-la nhiều nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được xem tận mắt, sờ tận tay những trái ca cao sặc sỡ sắc màu. Chị Điệp hái trái ca cao chín vàng từ trên cây đưa cho hai anh em. Thật kỳ lạ! Làm sao để trái ca cao với thớ thịt trắng ngà này lại trở thành bột ca cao màu nâu thẫm? Làm sao để ca cao tươi với vị chua nhẹ lại trở thành những thanh sô-cô-la đắng và ngọt làm bao người say mê? Hàng trăm câu hỏi cứ thế không ngừng vây quanh anh em chúng tôi. Dường như đọc được tâm trí người khác, chị Điệp bảo: “Phải trải qua giai đoạn lên men, lớp thịt trắng bọc ngoài sẽ tạo nên cái vị chua đậm đặc trưng, còn hạt bên trong thì tạo vị đắng của thanh sô-cô-la sau này”. Nói đoạn, cả nhóm ba người cùng nhau đi qua sân sau – nơi quá trình lên men hạt được thực hiện.
Vườn ca cao Chợ Gạo chỉ cách nhà Khoa hơn chục km nhưng đây là lần đầu tiên Khoa trực tiếp ghé thăm & trải nghiệm trọn vẹn qui trình sản xuất ra một thanh sô-cô-la
Theo lời chị Điệp thì để “hô biến” ca cao thành sô-cô-la, cần trải qua 7 công đoạn gồm: ủ hạt – phơi khô – rang hạt – nghiền mịn và cuối cùng là gia nhiệt – rót khuôn rồi gói thành phẩm. Tuy lý thuyết nghe chừng có vẻ đơn giản, nhưng thực tiễn lại phức tạp hơn rất nhiều. Ví dụ như khi ủ hạt phải theo dõi liên tục để bảo đảm vị chua vừa đủ, rang hạt lại càng khó hơn khi phải canh chỉnh thời gian và nhiệt độ sao cho hạt ca cao vừa chín tới, hương thơm và màu sắc đạt đến độ hoàn mỹ. Hóa ra ăn sô-cô-la thì dễ mê còn làm sô-cô-la thì khó dễ sợ! Hai anh em cứ thế mà mắt tròn mắt dẹt lắng nghe.
Theo lời chị Điệp, quá trình “hô biến” ca cao thành sô-cô-la nghe thì dễ nhưng làm thì rất khó
Sau khi thu hoạch, hạt ca cao được ủ lên men trong các thùng gỗ để làm dậy vị chua đặc trưng
Hạt ca cao đang được phơi khô ngoài nắng trước khi mang vào xưởng để rang và tách vỏ
Sô-cô-la đen nâu mịn, sóng sánh, thơm nức mũi là thành quả của quá trình rang hạt, nghiền mịn và conching vô cùng kỳ công
Sô-cô-la được đổ cẩn thận vào khuôn để hình thành nên những thanh sô-cô-la mang nét đặc trưng của Alluvia
Chưa hết trầm trồ trước những khay sô-cô-la đen nâu mịn và thơm nức mũi, khu vực đóng gói thành phẩm càng làm cả hai bất ngờ! Trái ngược với tưởng tượng của hai anh em, Alluvia không sử dụng máy móc để đóng gói mà toàn bộ sô-cô-la đều được gói thủ công và đây là một công việc không hề dễ dàng. Thanh sô-cô-la phải được gói bằng hai lớp gồm giấy bạc và giấy gói; lúc gói cần cực kỳ cẩn thận và nhẹ tay sao cho giấy vào đúng nếp và không bị rách, không bị nhăn. Thế mới biết, mỗi sản phẩm sô-cô-la ra đời không chỉ chất chứa câu chuyện về hạt ca cao, nó còn là sản phẩm của sự tỉ mỉ, khéo léo và tài hoa của những nghệ nhân sô-cô-la Việt. Sau một hồi lâu ngắm nhìn và “nghiên cứu”, Khoa háo hức xắn tay áo xin gói thử thanh sô-cô-la của chính mình. Kết quả là:
– Dễ không Khoa? – Dạ, không dễ lắm – Một ngày làm nghìn cái nổi hông? – Chắc là banh xác haha!
Mọi người trong xưởng đều bật cười vì cảm nhận “thô mà thật” của chàng trai trẻ rất chất này.
Khoa lần đầu trải nghiệm gói sô-cô-la bằng tay dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân sô-cô-la
Người con miền Tây và niềm mong mỏi phát triển quê hương mình
Đã từng đi đến những miền đất xa xôi và lạ lẫm nhất của địa cầu nhưng giờ đây Khoa mới được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp độc lạ chỉ có ở quê hương mình. Ngay cạnh Chợ Gạo là Gò Công – nơi Khoa sinh ra – cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt với những giá trị văn hóa, du lịch tuyệt vời nhưng ít người biết tới. Vừa tự hào lại vừa tiếc nuối vì những giá trị đang ngày càng bị lãng quên, Khoa cùng chị Điệp ấp ủ một khao khát tạo ra trải nghiệm Chợ Gạo – Gò Công để quảng bá nét đẹp quê hương rộng rãi hơn. Đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh, chẳng cần mơ chi trời Tây xa xôi khi người Việt có thể đi du lịch ngay trong nước để biết Việt Nam mình đẹp và kỳ thú lắm.
Chia tay Alluvia tại đây, chàng trai trẻ ước mong được quảng bá những giá trị tuyệt vời của quê hương đến nhiều người hơn nữa
Tạm chia tay Alluvia nhưng những câu chuyện “rất tình người” mà chuyến đi để lại chắc chắn còn được Khoa nhắc đến và nhớ mãi. Giờ đây cầm thanh sô-cô-la trên tay, Khoa biết trân quý và nâng niu hơn bởi phía sau đó là tâm huyết, công sức của những nông dân đồng thời cũng là niềm tự hào lớn lao cho một sản phẩm từ người Việt và của người Việt. Chúc cho những ấp ủ của Khoa về phát triển du lịch quê mình sẽ sớm thành công và mong rằng sẽ càng nhiều người biết đến vẻ đẹp của đất nước mình hơn. Đặc biệt, vườn ca cao Chợ Gạo của Alluvia vẫn luôn mở cửa chào đón quý khách ghé thăm và trải nghiệm.
Phan Quang