Ngã ba đi lạc rừng Tà Năng – Phan Dũng – Bí ẩn chuyện giấu người
Ngã ba đi lạc hay còn gọi là ngã ba Núi Lở (thuộc xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Tại đây, có nhiều lối mòn dẫn đến các địa điểm khác nhau là thác Yavly, thác Lao Phào hay Đồi Lính nên tình trạng du khách lạc đường thường xuyên xảy ra.
Theo người dân nơi đây, những vụ tử nạn đều liên quan tới chuyện “ma giấu người”. Họ luôn có cảm giác có người đang gọi mình, thậm chí khao khát tách đoàn cứ thôi thúc họ không dừng. Đây là nguyên nhân họ bị lạc và mất tích.
Tháng 10/2017, phượt thủ Nguyễn Thị Tuyết Quỳnh (32 tuổi, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bị lũ cuốn trôi khi băng qua một con suối gần thác Yavly. Thi thể của chị được tìm thấy vào ngày hôm sau tại tầng thứ 7 của thác.
Tháng 05/2018, nam phượt thủ Thi An Kiên (26 tuổi, TP Hồ Chí Minh) bị lạc đoàn trekking tại ngã ba Núi Lở. Sau 8 ngày tìm kiếm, Kiên được phát hiện đã tử vong tại thác Lao Phào thuộc núi Công Chúa.
Điểm “Nóng” bỏ túi khi trekking rừng Tà Năng
Với diện tích rộng lớn, trải đều trên địa bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, Tà Năng – Phan Dũng là điểm đến lý tưởng cho dân trekking. Để khám phá Tà Năng – Phan Dũng, bạn sẽ có 2 điểm “nóng” cần lưu ý là Cung Đồi Lính (35km) và Cung Thác Yavly (55km).
Đường đi theo cung Đồi Lính tương đối thuận tiện, chỉ mất 2 ngày 1 đêm để ra được rừng; đường đi theo cung Thác Yavly mang tính thử thách hơn, mất 3 ngày 2 đêm. Đây là 2 cung đường được khai thác nên chuyến trekking của bạn sẽ diễn ra thuận lợi hơn mà vẫn đảm bảo ngắm nhìn được nhiều cảnh đẹp.
Đối với dân trekking chuyên nghiệp, tất cả đều có xu hướng chọn cung Thác Yavly. Cung đường này có núi, có đồi, có suối và cả thác nước nên du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác “phượt” trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, nếu đi vào mùa mưa, đây sẽ là cung đường dữ dội, nguy hiểm cần phải đặc biệt lưu ý.
Cung Đồi Lính không có thác nước, suối lớn nên hạn chế tối đa được tai nạn người bị lũ cuốn hay bị ngã trên thác cao xuống. Do đó, hướng đi này tương đối an toàn cho người mới tham gia trekking, ngay cả khi đi vào mùa mưa. Tuy nhiên, việc tự mình đi 1 đoạn đường rừng núi gập ghềnh hơn 30km cũng không dành cho những người có thể lực yếu và không có sự chuẩn bị kỹ càng về trang thiết bị, đồ dùng đi rừng.
Tà Năng – Phan Dũng: Cung đường trekking đẹp ly kỳ
Cung đường Tà Năng – Phan Dũng có tổng chiều dài khoảng 55km, được bao bọc bởi rừng núi hoang sơ và những con suối nhỏ. Nơi đây có thảm thực vật đa dạng, khung cảnh hùng vĩ, cộng thêm thời tiết se lạnh mang lại cảm giác thoải mái cho du khách.
Trong năm, Tà Năng Phan Dũng có sự thay đổi về mùa cỏ. Từ tháng 12 đến tháng 5 là mùa cỏ vàng với thời tiết khô ráo, mát mẻ, lý tưởng cho những chuyến đi bộ trong rừng. Mùa cỏ xanh bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hoặc tháng 12, trời có mưa nhưng lượng mưa không nhiều, chỉ từ 1 – 2 giờ và rất ít khi kéo dài.
Bên cạnh vẻ đẹp nên thơ của núi rừng, Tà Năng còn thu hút dư luận bởi những câu chuyện về “ma dắt người”, “mỗi năm lấy 1 mạng người”. Các vụ tử nạn của phượt thủ diễn ra tuần tự theo quy luật đã đặt ra dấu hỏi lớn với khách du lịch.
Vụ tử nạn của nữ phượt thủ Quỳnh, nam phượt thủ Kiên, cùng hàng loạt vụ mất tích, lạc đoàn trekking của du khách đều có một khung thời gian định kỳ (tháng 10 hoặc tháng 4 âm lịch).
Năm 2016, 1 phượt thủ (quê Vũng Tàu) tử nạn vào ngày 30/04, đúng ngày 28 âm tại dốc Long Bích được đội cứu hộ X tìm thấy. Đến tháng 10/2017, nữ phượt thủ Quỳnh (quê Đồng Nai) bị nước lũ cuốn trôi khi cố băng qua con suối rộng khoảng 10m. Chưa dừng lại ở đó, tháng 05/2018, nam phượt thủ Kiên (quê TP Hồ Chí Minh) được phát hiện đã tử vong tại thác Lao Phào sau 8 ngày mất tích.
Mỗi vùng đất, đặc biệt là nơi linh thiêng như núi rừng theo người dân địa phương đều có thần thánh cai quản. Ngay cả những porter lâu năm luôn tỏ lòng tôn thờ, thành kính thần Rừng Tà Năng Phan Dũng. Nhiều người cho rằng, những vụ mất tích, tử nạn của các phượt thủ là do bị “ma dắt hồn” hoặc do phạm húy thần Rừng.
Theo anh X – 1 porter lâu năm chuyên dẫn khách trekking Tà Năng Phan Dũng kể lại: “Đợt ấy đoàn mình quyết định dựng lều ngủ đêm ở bìa rừng. Lều nhỏ nên cứ 2 người sẽ nằm chung 1 lều. Đang ngủ thì bạn nằm cùng lều với mình kêu ầm lên là có ai sờ má bạn ấy, nhưng mở mắt ra lại không thấy ai.”
“Lúc đó, mình cũng rợn hết cả người vì trong lều làm gì có gió nên không thể có chuyện gió thổi khiến bạn đó lầm tưởng thành ai sờ má được. Sau khi loại trừ hết các khả năng, mình chợt nhận ra lúc ở lại qua đêm chưa xin phép thần Rừng” – Anh X chia sẻ thêm.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, do đó, khi đến trekking Tà Năng, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ tư trang, thiết bị, bạn cần làm tâm linh tốt. Theo lời khuyên của người bản địa, khi dừng chân nghỉ lại qua đêm, bạn nên mời rượu và khấn xin thần Rừng cho phép cả đoàn được ở nhờ. Lúc di chuyển trong rừng, tuyệt đối không được nói những câu phạm húy như “Không có gì mà phải sợ”, “Tôi muốn ở lại đây luôn quá”, “Rừng là nhà của tôi”…
Mặc dù đã có kết luận từ phía cảnh sát về những vụ tử nạn song vẫn nhiều người cho rằng chúng có liên quan đến yếu tố tâm linh. Tại sao người mất ở Tà Năng đều diễn ra trong khoảng thời gian tháng 10 và tháng 4 âm lịch? Tại sao các phượt thủ đều mất dấu đoàn đội ở ngã ba đi lạc rừng Tà Năng?…
Không thể khẳng định được điều gì nếu chúng ta không trực tiếp trải qua, tuy nhiên, bạn vẫn có quyền quyết định cuộc trekking của mình thú vị hay trở thành chuyến “hành xác”. Hãy chuẩn bị sẵn tâm lý, trang thiết bị cũng như làm theo những lời khuyên của porter, dân địa phương để hạn chế tối đa sự cố xảy ra, bạn nhé!
*** Tên nhân vật trong bài có sự thay đổi nhằm đảm bảo thông tin của người đã mất