Hachi8: Khái niệm “phượt” đang bị hạ thấp
Hachi 8 tên thật là Ngô Huy Hòa. Anh không phải là một cái tên xa lạ trong cộng đồng phượt những người yêu nhiếp ảnh. Những bức ảnh, những kinh nghiệm phượt mà anh chia sẻ trên Facebook và các diễn đàn là một nguồn tin uy tín, quý giá với tất cả những ai đang chuẩn bị bước chân vào một hành trình đến vùng đất mới.
Sau nhiều năm rong ruổi trên các nẻo đường và đã viết sách về chính chuyến hành trình của mình, với anh, phượt có ý nghĩa như thế nào?
Càng đi, tôi càng thấy rõ câu nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” chưa bao giờ là sai cả. Đặt chân đến vùng đất mới, mình có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế cùng những bản sắc văn hóa mà trước nay chưa từng biết đến.
Trước đây, phượt còn là một khái niệm lạ lẫm. Những người chấp nhận dấn thân đi trong khi thông tin không có, họ buộc phải tự mình mò mẫm mọi thứ. Khó khăn nhiều hơn, đồng nghĩa với việc tự cảm thấy có trách nhiệm với bản thân mình hơn nên việc đi mang rất nhiều ý nghĩa.
Cái thú của việc phượt, theo cảm nhận của riêng tôi, là ta có thể có những cảm nhận sâu sắc hơn người đi du lịch theo hình thức thông thường.
Sau hàng loạt những tai nạn cùng nhiều ý kiến trái chiều trong suốt thời gian qua, anh có cho rằng, khái niệm “phượt” đang dần bị biến tướng?
Không có bất cứ định nghĩa chính xác nào về phượt, và cũng chả có giới hạn nào để đánh giá việc bạn có đang trở thành một phượt thủ hay không. Ngày càng có nhiều bạn trẻ hứng thú với việc phượt. Đó có thể là đam mê. Nhưng cũng có thể là sự bốc đồng do ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông.
Có thể ban đầu, “phượt” là từ rất hay. Nhưng bây giờ, ngay cả một số phượt thủ chân chính cũng không muốn nhận “danh hiệu” này. Bằng những hành động vô ý thức, bằng sự bồng bột, thiếu hiểu biết, nhiều bạn trẻ đang khiến khái niệm “phượt” bị hạ thấp, mất đi ý nghĩa ban đầu.
Phượt không giống hình thức du lịch khám phá và càng khác xa du lịch nghỉ dưỡng. Có một nguyên tắc mà bất cứ phượt thủ nào phải ghi nhớ, đó là không làm ảnh hưởng đến văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa. Đừng nghĩ rằng, cứ “xách ba lô lên và đi” là đã trở thành phượt thủ.
Nhiều người cho rằng, đi phượt cũng đồng nghĩa với hành xác?
Mỗi người có một cách nghĩ khác nhau, có một cách đi của riêng mình. Có thể với bạn, càng “hành xác”, càng vất vả, gian khổ bao nhiêu, bạn càng tìm được sự hấp dẫn, hứng thú. Nhưng đối với người khác, họ tìm thấy ở mỗi chuyến đi sự thư giãn, thoải mái và bình an trong tâm hồn.
“Phượt” cũng không đồng nghĩa với việc di chuyển bằng xe máy. Bạn có thể đi bằng máy bay, bằng tàu hỏa hay bằng bất cứ phương tiện gì. Nhưng dù lựa chọn phượt theo cách nào, điều quan trọng là bạn nhận được gì, học được gì sau mỗi chuyến đi ấy.
Ngày nay, các phượt thủ có lợi thế hơn rất nhiều bởi có thể tìm kiếm mọi thông tin một cách dễ dàng. Nhưng có lẽ, cũng chính vì vậy mà nhiều người chủ quan, lên đường mà không chuẩn bị hành trang, kiến thức đầy đủ và để xảy ra nhiều câu chuyện đáng tiếc.
Với tư cách là một người trẻ, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, anh có bao giờ coi phượt như một cách để thể hiện bản thân?
Với người trẻ, ai cũng có “nhu cầu” thể hiện bản thân. Ngay chính bản thân tôi cũng vậy. Nhưng thể hiện không đồng nghĩa với việc phá vỡ những giới hạn, chuẩn mực về đạo đức, về nhân cách hay về sự an toàn.
Sau mỗi chuyến đi, chính những gì bạn trải nghiệm, bạn tích lũy cho bản thân sẽ trở thành minh chứng để bạn “thể hiện” với mọi người.
Phong Vân: Hãy đi để trở về
Phong Vân là leader của team phượt Phong Vân với hơn 200 thành viên và đã cùng nhau đi hàng chục cung đường lớn nhỏ từ Bắc tới Nam.
Năm 2014, trên đường đèo Sa Pa, một chiếc xe khách đã bị văng khỏi trục đường, rơi xuống vực. Lúc đó, nhóm phượt Phong Vân đã nhanh chóng leo xuống cứu nạn, giúp đỡ người bị thương.
Hành động đó đã tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, trở thành một hình ảnh đẹp của những người trẻ yêu xê dịch.
Dành khá nhiều năm gắn bó với các hành trình, anh có suy nghĩ gì khi thấy ngày càng có nhiều ý kiến phê phán việc phượt?
Phượt là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ của tôi. Phượt khiến tôi cảm nhận thêm ý nghĩa cuộc sống.
Giờ đây, phượt đang dần trở thành phong trào. Điều tất yếu, khi một phong trào lan rộng, bao giờ nó cũng có 2 mặt: tốt- xấu. Những phượt thủ chân chính thì không nói, nhưng những người không hiểu, không biết về phượt mà chỉ a dua theo trào lưu, rõ ràng sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Từng là thủ lĩnh của một nhóm phượt gần 200 người, những kinh nghiệm của anh là do đâu mà có?
Trước khi là thủ lĩnh, đã có một thời gian tôi tự đi một mình trên những chuyến hành trình dài. Nhờ thế mà kinh nghiệm bản thân tích lũy được không hề ít. Mình biết cái gì nên hay không nên, cái gì cần thiết hay có thể bỏ qua để chuyến đi lý thú và chịu ít rủi ro nhất.
Đến khi trở thành thủ lĩnh, trước mỗi chuyến đi, mình luôn tổ chức các buổi offline, gặp mặt mọi người, nói rõ mọi vấn đề cũng như training (tập luyện- PV) cho mọi người ứng phó với bất trắc có thể xảy đến.
Như vậy, phải chăng trách nhiệm của người dẫn đoàn là quan trọng nhất?
Trưởng đoàn luôn là người để cả nhóm noi theo. Đừng nghĩ trưởng đoàn chỉ cần tập hợp đủ nhóm, thu đủ phí là xong.
Trách nhiệm của người dẫn đoàn rất lớn, cả về ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Trưởng đoàn phải là người nắm được từng đường đèo, từng khúc cua. Nếu không thể đảm bảo được an toàn cho mọi người, thiết nghĩ người trưởng đoàn đó cần phải xem xét lại.
Tuy nhiên, mỗi người cũng nên có trách nhiệm với chính bản thân mình. Công nghệ thông tin giờ phát triển, nên ngoài việc học hỏi từ trưởng đoàn, các bạn có thể xem thêm trên các diễn đàn, hội nhóm. Những thông tin đó hoàn toàn hữu ích và có thể giúp cho các bạn rất nhiều trên cung đường phượt.
Hoàng Ngọc