Kinh nghiệm leo đỉnh Tây Côn Lĩnh,
Như một câu chuyện cổ tích, tôi đang lạc vào giữa một khu rừng già với thân gỗ già nua, dây leo chằng chịt. Tất cả đều bị rêu phong bám chặt và giả sử nếu tôi đi một mình tới đây thì có lẽ tôi sẽ hoảng sợ đến chết bởi khu rừng ma mị này. Đó là những ngày tôi bị lạc vào trong rừng cùng những người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì. Chúng tôi đang trong hành trình chinh phục đỉnh núi Tây Côn Lĩnh – Đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc và cũng là đỉnh núi có rất nhiều điều thú vị đang chực chờ phía trước.
Người dẫn đường leo núi Tây Côn Lĩnh
Với độ cao 2428m, Tây Côn Lĩnh không phải là ngọn núi dễ chinh phục. Vậy nên, theo kinh nghiệm leo đỉnh Tây Côn Lĩnh của tôi, bạn nên tìm một người dẫn đường có kinh nghiệm đi rừng lâu năm, để hạn chế tối đa mức độ nguy hiểm của cung đường này.
Đợt này, tôi đi với anh Kinh – Người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì. Anh là chủ của Kinh Homestay, và cũng là người dẫn tour, dẫn đường đi leo núi lâu năm. Anh chuyên dẫn các tour đi trekking từ Hoàng Su Phì qua Đồng Văn Hà Giang, hoặc từ Bản Luốc xuống Nậm Hồng, từ Nậm Hồng lên Xín Mần, Bắc Hà Lào Cai. Tóm lại, tất cả các cung ở Hoàng Su Phì anh đều nắm rõ trong lòng bàn tay.
Với kinh nghiệm 3 năm làm du lịch ở Hoàng Su Phì, đặc biệt, trước hành trình anh căn dặn những đoạn khó đi, rồi anh chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đi leo núi cho chúng tôi, khiến tôi an tâm rất nhiều. Có lẽ vì thế mà tôi tin tưởng tuyệt đối vào khả năng dẫn đường của anh Kinh. Bởi vậy, trong cung đường này, tôi đi cùng với anh. Bạn có thể lưu số của anh Kinh để được tư vấn và hỗ trợ thêm cung đường trekking Tây Côn Lĩnh hoặc trekking đỉnh Chiêu Lầu Thi: SDT – 0988.070.619 hoặc 0916.101.543 (Sếnh – Chuyên tư vấn tour và nhận đặt các dịch vụ tại HTX Du lịch cộng đồng và Dịch vụ tổng hợp Nậm Hồng)
Những chuẩn bị trước hành trình chinh phục Tây Côn Lĩnh
Tây Côn Lĩnh được mệnh danh là đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc. Với những câu chuyện bí ẩn cùng phong cảnh ma mị nhưng hữu tình, đây xứng đáng là một cung đường dành cho những tay đam mê leo núi. Thế nhưng, theo kinh nghiệm đi Tây Côn Lĩnh của tôi, việc chinh phục Tây Côn Lĩnh không phải dễ dàng khi mà con đường đi quá khó khăn và đặc biệt gặp rất nhiều rắn độc. Trước hành trình này, những người leo núi cần chuẩn bị kỹ lưỡng những đồ đạc sau đây.
1/ Ủng hoặc giày có độ bám cao: Rừng Tây Côn Lĩnh là rừng già, với độ cao 2428m, khu rừng này quanh năm bị sương mù dày đặc. Việc mang ủng hoặc giày có độ bám cao sẽ giúp người leo núi tránh né được nhiều rắn độc và các loài bò sát khác trong khu rừng. Đặc biệt, vì rừng bị sương mù, nên đường đi cực kỳ khó khăn đất đá bám rêu phong, cực trơn trượt, nếu đi giày thường thì sẽ rất dễ gây tai nạn.
2/ Gậy leo núi: Đây là dụng cụ không thể thiếu khi leo núi. Nó sẽ giúp bạn giảm được sức nặng balo, và đặc biệt sẽ giúp bạn tiêu diệt trước một vài loài bò sát gặp trên đường đi.
3/ Dụng cụ cứu thương: Tôi leo rất nhiều ngọn núi ở phía Bắc rồi, nhưng đây là ngọn núi tôi sợ hãi nhất. Bởi trong lúc tôi đi, tôi gặp rất nhiều loài rắn, và toàn rắn độc. Việc đem dụng cụ cứu thương sẽ giúp bạn băng bó vết thương nếu gặp tai nạn bất ngờ trên đường.
4/Áo ấm: Trên lán cao 1848m vào buổi tối rất lạnh, nên đem 1 áo ấm và quần dài để mặc khi thời tiết chuyển đổi không ngừng.
5/Xe phân khối lớn (nếu có): Đường chinh phục từ bên ngoài vào chân núi Tây Côn Lĩnh cực kỳ khó đi, đất đá lởm chởm, có những đoạn đường lầy lội xấu xí, dốc khúc khuỷu và cua tay áo. Nếu sử dụng các loại xe máy thông thường sẽ rất khó di chuyển vào bên trong. Chỉ những loại xe leo núi có sức khỏe tốt mới dễ đi trên đoạn đường này. Và tất nhiên, nói nhỏ cho các bạn, đoạn đường này, chỉ có sức khỏe của nam mới gánh nỗi, nữ rất khó đi đoạn đường này.
Ngoài ra còn rất nhiều loại vật dụng khác như: đồ ăn, thức uống, nước…Đây là những loại đồ thông thường dành cho những người leo núi mà các bạn phải mang đi trong hành trình chinh phục Tây Côn Lĩnh.
Hành trình chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2428m
Hành trình đi xe máy từ bản Nậm Hồng đến chân núi Tây Côn Lĩnh
9 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ Kinh Homestay Hoàng Su Phì thuộc thôn Nậm Hồng, chúng tôi men thẳng theo con đường xi măng để đi đến chân núi. Anh Kinh chở tôi qua rất nhiều xã nhỏ trong Hoàng Su Phì. Chúng tôi đi qua Nậm Hồng, Nậm Ty, Nậm Dịch rồi vào Bản Nhùng, Bản Chè, Túng Sáng. Tất cả các bản này đang trong mùa vàng vàng ươm, nên cảnh vật trông cứ như một bức tranh, đẹp đến đảo điên lòng người.
Bước vào Bản Nhùng, con đường đi bắt đầu khó khăn khi mà những đoạn đường xi măng đã được thay thế bằng đường đất đá lởm chởm. Đá ở những đoạn đường này nhấp nhô lên từng đợt, có những đoạn bùn lầy dính đầy khiến cho hành trình càng thêm gian khổ. Khó khăn nhất chính là đoạn đến Túng Sáng với những dốc đá cheo leo và khúc cua tay áo nguy hiểm. Thật sự mà nói, theo kinh nghiệm leo đỉnh Tây Côn Lĩnh của tôi, nếu không có xe máy phân khối lớn của anh Kinh chở, một mình tôi không thể đi được đoạn đường này.
Dừng chân ở trung tâm Túng Sáng để ăn trưa. Chúng tôi tiếp tục men theo đoạn đường đất để di chuyển thẳng lên chân núi. Nơi cuối cùng chúng tôi dừng chân trước khi bước vào rừng là ngôi nhà của một người Mông trên núi.
Phải di chuyển đến 54km đường bộ bằng xe máy, cuối cùng, những rừng chè Shan Tuyết, rừng vầu xuất hiện trước mắt. Hành trình chinh phục Tây Côn Lĩnh bằng xe máy kết thúc. Chúng tôi chính thức bước vào trekking Tây Côn Lĩnh 5km bằng đôi chân của mình.
Hành trình trekking từ rừng vầu đến lán
Từ rừng vầu đến lán, chúng tôi phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Những bước đi đầu tiên không hề dễ dàng khi anh Kinh dẫn chúng tôi men theo con suối đá lởm chởm để vào rừng. Khu này, vì quá ít người qua lại nên rêu phủ khắp lối. Mùa tôi đi là mùa nước cực mạnh nên đường đi khó khăn vô cùng.
Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp khi bước vào rừng Tây Côn Lĩnh đó chính là những vườn thảo quả xanh mơn mỡn. Thảo quả ở đây cực kỳ nhiều và nó đang trong mùa thu hoạch. Trái của cây thảo quả màu đỏ tía, mọc bên dưới thân cây. Vườn thảo quả trong rừng mọc um tùm, che chắn lối đi. Người dẫn đường đi trước, dùng cây để khoát lối đi vì không thể nào tìm thấy được đường đi.
Thế rồi chúng tôi phải dùng sức mình bước qua rất nhiều rừng thảo quả, trời bắt đầu tối dần, đôi chân của tôi cũng bắt đầu mỏi mệt, càng lên cao, đường đi càng khó, dốc cao cao, khiến tôi càng mất nhiều sức. Vượt qua được đoạn đường thảo quả, khu rừng già nua xuất hiện trước mắt. Một thân cây già to khỏe bụ bẫm gãy từ trên cao đổ xuống, khiến cho khu rừng yên tĩnh trở nên bị náo động bởi tiếng “phập” của rừng. Chợt tôi có cảm giác lạnh đến sống lưng bởi vì thật may mắn tất cả đoàn chúng tôi đã vượt qua được đoạn đường ấy, nếu không chắc phải bỏ mạng vì bị cây to đè nát người.
Tiếp tục con đường đó, chúng tôi men theo những rừng già đã có tuổi. Tôi nhìn thấy những thân gỗ Pơ Mu, gỗ Ngọc Am đã bị chặt trộm rồi bỏ dỡ ở đó vì không đủ sức mang xuống núi. Gỗ này là gỗ quý, thì ra, khu rừng già này cũng có rất nhiều gỗ quý, nên nó cũng là nơi săn gỗ trộm của nhiều người. Trên đường đi, tôi lại nhìn thấy vài cái chén, bát, đĩa của những người đi trước bỏ lại. Trông màu của bát đĩa cứ như nơi này đã bị bỏ hoang từ hàng nghìn năm trước. Vượt qua một chiếc cầu được 2 cây che chắn, tôi nhìn thấy lán trước mắt. Những mệt mỏi tan biến, giờ chính là thời gian để nghỉ ngơi.
Ở độ cao 1848m, có một chiếc lán, đây là ngôi nhà trong rừng của một người Mông trước kia dùng để đi làm thảo quả. Từ khi mở đường chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, anh Kinh kết hợp với ngôi nhà này để làm nơi ngủ nghỉ cho người leo núi. Nhà ấm áp, có gỗ che kín, bên trong có đầy đủ chăn ấm, bát đũa để sử dụng.
Thả hết balo trong nhà, chúng tôi ra suối để tắm. Gần con suối này, có một ngọn thác cực cao. Mùa này là mùa nước lũ, nên nước đổ ào từ trên cao xuống, kêu gào gầm gừ, khiến tôi sợ hãi. Nhưng hiện tại, anh Kinh bảo chưa tìm thấy đường để chinh phục ngọn thác này. Tất cả các lối đều vô vọng. Buổi chiều, chúng tôi tắm trên dòng suối mát lạnh.
Người dẫn tôi về cũng chính là anh Kinh. Anh dẫn qua gốc cây lúc nãy tôi và Chiến đã đi qua. Anh lấy đèn pin soi vào hốc cây, thấy có một đầu rắn to đang lè lưỡi. Trời ạ! Nơi này là nơi ngủ của 1 con rắn lưỡi cày to bằng bắp tay. Chắc nó là con rắn chúa. Chắc tôi chưa đến số chết nên chưa bị rắn cắn. Bởi vậy, theo kinh nghiệm leo đỉnh Tây Côn Lĩnh của tôi, rừng này có rất nhiều rắn độc, đi đường người đi trekking phải cực kỳ cẩn thận.
3 anh người Dao đỏ quyết định đi giết con rắn. Bởi họ sợ, nửa đêm nó chui vào lán cắn người. Sau 30 phút, anh mang lên 1 con rắn to màu trắng đen cực độc. Anh đè người nó xuống và rạch miệng có nanh vuốt của rắn cho mọi người cùng xem. Anh tiếp tục lột da rắn để làm món lẩu rắn. Con rắn chắc vì quá đau nên cả thân người to của nó vùng vẫy, nhìn cảnh đó tôi nỗi cả gai ốc.
Thế là buổi tối đó, cùng với rắn và ếch được săn từ bờ suối, chúng tôi có một buổi tối ấm áp bên bếp lửa hồng. Tôi nhấp ngụm vài chén rượu dê miền núi, rồi chúng tôi chìm sâu vào giấc ngủ từ lúc nào không hay.
Vào buổi sáng, bên bờ suối, dòng nước chảy róc rách, tiếng chim kêu đâu đây, những đợt gió lùa về và sương mù dày đặc. Chúng tôi thức dậy đón chào ngày mới. 1 bát mì, 1 bát cơm, thế là no căng bụng. Cả đoàn chúng tôi lại bước vào hành trình chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh ngày thứ 2.
Hành trình chinh phục chóp Tây Côn Lĩnh ngày 2
7 giờ 30 phút, chúng tôi bắt đầu leo núi. Theo lời anh Kinh, từ đoạn láng này lên đến đỉnh sẽ mất khoảng 3 tiếng nếu đi chậm và 2 tiếng nếu đi nhanh. Chúng tôi bước qua những khu rừng già nua đẹp ngây ngất. Rừng ở đây còn già hơn rừng ngày hôm qua tôi đã gặp, những thân cây to chắc mẫm đã được rêu phong bám phủ đầy. Cả một khu rừng già nằm im bặc, chúng tôi dùng sức của chiếc gậy để lăn lõi qua những đoạn khó khăn.
Càng lên cao, không khí càng lạnh. Sương mù bây giờ quấn quanh dày đặc, khu rừng này chợt ma mị khó tả. Phải vượt qua rất nhiều dốc cheo leo, chúng tôi mới lên được đỉnh núi đầu tiên. Lại vượt đỉnh núi đầu tiên, khung cảnh thơ mộng lại xuất hiện. Là những loài hoa không tên trong rừng, xinh đẹp và nhiều sắc màu.
Đoạn này chỉ có rừng già bám quanh dày đặc, người dẫn đường bảo đây chính là những thân cây sồi, cây mỡ, thỉnh thoảng đi đường vẫn gặp được vài con rắn đổi màu nằm đứng đó chờ chúng tôi đi qua rồi cắn. May người dẫn đường có kinh nghiệm leo núi, nên mọi khó khăn đều đã vượt qua.
Thế rồi, chúng tôi lại bước đến một khu rừng mới, nơi đây vẫn là những thân gỗ già nua, nhưng bên dưới có rất nhiều loài hoa màu trắng nằm dưới đất. Người dẫn đường bảo, đây chính là hoa chè rụng từ trên cao xuống. Hoa chè có màu trắng, 5 cánh, bên giữa có nhụy, hoa to và xinh đẹp. Đoạn này, rất nhiều hoa chè rơi rụng, khiến cho cảnh vật chợt thơ mộng.
Bước qua đoạn chè, chính là những loài nấm Ngọc Cẩu. Loại nấm này có thể ngâm rượu để uống rất tốt cho sức khỏe. Nấm màu đỏ tía to, anh Kinh bảo nó giống của quý của con chó nên người ta gọi nó là nấm Ngọc Cẩu. Trên núi cao, loài nấm này sinh sôi nảy nở như cây cỏ, hoang dại cả một khu vườn, xinh đẹp lắm.
Vượt qua rừng nấm Ngọc Cẩu, tôi lại nhìn thấy một rừng lạc. Lạc ở đây mọc chi chít trông cứ như thảo quả. Đoạn này đường đi dễ dàng. Vượt qua tiếp rừng lạc, chúng tôi phải leo đến một con dốc rất cao. Tôi thở hỗn hễnh vì quá mêt mỏi, trong rừng lại lạnh tê tái. Bây giờ chúng tôi đang ở độ cao 2400m, chính vì vậy mà chỉ còn 28m nữa tôi đã nhìn thấy đỉnh rồi.
Mọi cố gắng cuối cùng cũng được đền đáp, phía trước tôi chính là chóp đỉnh cao 2428m, chúng tôi chính thức chinh phục được Tây Côn Lĩnh – Đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc. Gương mặt mỗi người trong đoàn đều tỏa ra niềm hi vọng, vui sướng vì đã chinh phục đươc ngọn núi này.
Mọi người lấy mì trong túi ra ăn ngon lành. Trên núi cao, chúng tôi nhìn nhau cười sung sướng, thỏa sức check in, chụp ảnh với đỉnh.
Những giờ sau đó, chúng tôi men theo con đường đất đã được làm để đi xuống đỉnh. Trên đường đi xuống, tôi gặp không biết bao nhiêu loài hoa dại mà tôi không biết tên, sắc trắng, sắc đỏ, sắc cam, sắc hồng, sắc vàng xinh đẹp tuyệt vời. Mọi mệt mỏi đã tan biến, tôi thỏa mãn với hành trình chinh phục Tây Côn Lĩnh.
Một số lưu ý quan trọng khi leo núi Tây Côn Lĩnh
- Tây Côn Lĩnh là đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc, tuy chỉ nằm ở độ cao 2428m, nhưng đường chinh phục cực kỳ khó khăn. Theo kinh nghiệm trekking Tây Côn Lĩnhcủa tôi, những người đi lần đầu tiên nên tìm một người dẫn đoàn nếu không sẽ rất dễ bị lạc.
- Nên đi theo đoàn, vì theo lời người dẫn đường, Tây Côn Lĩnh từng có rất nhiều câu chuyện ma dẫn đường, người trekking không tìm được lối về.
- Chỉ nên uống vừa đủ nước để giữ sức leo, không nên uống quá nhiều nước khi đi đường.