Phó Mạnh Tuấn, 36 tuổi, sống tại Hà Nội, cùng vợ thực hiện chuyến đi Tân Cương 7 ngày hồi tháng 11 để kỷ niệm 20 năm yêu nhau. Từng 7 năm học và làm việc ở Trung Quốc, Tuấn có lợi thế về ngôn ngữ cũng như hiểu biết liên quan đến đất nước này. Do đó, anh thuê một chiếc xe 7 chỗ, kèm tài xế riêng để thực hiện hành trình 2.700 km khám phá Tân Cương.
Tân Cương có diện tích khoảng 1,6 triệu km2, là tỉnh lớn nhất Trung Quốc, với phần đa là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Khu vực này có nhiều thay đổi trong thời gian qua, tạo ra sự giao thoa giữa cổ xưa và hiện đại. Đến Tân Cương, du khách có cơ hội ngắm nhìn cảnh quan siêu thực như từ hành tinh khác, theo Lonely Planet.
Trả lời VnExpress, Tuấn cho biết với hiểu biết ban đầu, anh nghĩ Tân Cương hẳn là vùng đất nghèo, thiếu thốn. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân tới, anh lập tức thay đổi suy nghĩ bởi sự hiện đại của thủ phủ Urumqi với những trung tâm thương mại lớn cùng hệ thống tàu điện ngầm chạy quanh thành phố.
Từ Urumqi, tài xế chở vợ chồng Tuấn tới hồ Sayram, cách đó 600 km. Gần như cả quãng đường, Tuấn chỉ nhìn thấy khung cảnh mờ mịt của mây mù nhưng càng đến gần, trời lại hửng nắng đẹp. Ánh sáng chan hòa chiếu rọi trên con đường phủ đầy tuyết trắng. Sau 6 giờ chạy xe, hồ Sayram hiện ra trước mắt, nằm giữa những dãy núi dài tưởng chừng vô tận.
Trong tiếng Kazak, Sayram có nghĩa “phước lành”. Nằm ở độ cao trên 2.000 m, hồ nước khoảng 70 triệu tuổi này được ví như “viên ngọc lục bảo” của tạo hóa. Nước hồ trong xanh, nổi bật giữa những ngọn núi cao phủ đầy tuyết trắng. Tuấn ngỡ khung cảnh ở hồ Sayram dường như chỉ xuất hiện ở xứ sở thần tiên, đẹp thuần khiết, không từ ngữ hay hình ảnh nào có thể lột tả hết.
Vào ngày thứ hai ở Tân Cương, vợ chồng Tuấn tiếp tục hành trình trên cao tốc Độc Sơn, một trong những con đường đẹp nhất Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã. Cách hồ Sayram khoảng bốn giờ chạy xe, Tuấn cho biết con đường khá vắng vẻ, nhìn thẳng là dãy núi Thiên Sơn hùng vĩ, hai bên đường tuyết trắng phủ đầy. Trên con đường trắng xóa ấy, đàn cừu trăm con nối đuôi nhau chậm rãi di chuyển khiến Tuấn liên tục giơ máy chụp hình.
Theo Tân Hoa Xã, cao tốc Độc Sơn dài 560 km, nối từ bắc đến nam Tân Cương, băng qua nhiều cảnh quan ngoạn mục, từ rừng, đồng cỏ đến sông băng. Do ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên như băng, tuyết, con đường có những giai đoạn đóng cửa để đảm bảo an toàn. Tuấn may mắn tới đây vào đúng dịp thời tiết ổn định nên được trải nghiệm trọn vẹn con đường.
Điểm tiếp theo của hành trình là khu vực thành phố ma quỷ – quần thể địa chất yardang giữa sa mạc Gobi. Địa chất yardang được hình thành do gió và mưa làm bào mòn phần mềm bề mặt trái đất, tạo ra mảng địa hình như điêu khắc trên sa mạc. Đây là dạng địa chất đặc trưng ở Tân Cương. Tuấn chỉ dành ít thời gian ở đây để chụp ảnh và tiếp tục chạy xe tới khu bảo tồn thiên nhiên Kanas – nơi có hồ Kanas nổi tiếng với vẻ đẹp mê hoặc. Tổng thời gian từ thành phố ma quỷ đến Kanas là 6 giờ chạy xe.
Tuấn cho biết đường tới hồ Kanas thường bị cấm nếu có tuyết dày. Nếu tuyết rơi ít, du khách có thể buộc xích vào bánh xe để di chuyển. May mắn, thời tiết hoàn toàn ủng hộ anh trong suốt những ngày ở Tân Cương. Hồ Kanas gần như trong vắt, phản chiếu hình ảnh núi tuyết sừng sững khiến du khách say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hồ nằm ở độ cao 1.375 m so với mực nước biển, có hình dạng như hạt đậu dài và hẹp, nằm lọt thỏm giữa những dãy núi khổng lồ. Tùy điều kiện thời tiết, nước hồ sẽ có sự biến đổi màu sắc khác nhau, khi xanh dương, lúc xanh lá, đôi khi màu trắng sữa. Bên cạnh hồ Kanas, khu bảo tồn này còn là nơi sinh sống của những người du mục tại làng Hemu. Từ hồ Kanas, du khách chỉ cần lái xe hai giờ sẽ tới Hemu.
Theo Tuấn, khung cảnh làng Hemu không khác gì một châu Âu thu nhỏ với những mái nhà gỗ phủ đầy tuyết trắng. Dù là làng cổ, Hemu lại khá hiện đại với đầy đủ tiện ích từ quán cà phê tới quán bar xập xình.
Hemu cũng là nơi tập trung nhiều người trẻ đến để trượt tuyết. Để lên khu trượt tuyết, du khách sẽ ngồi cáp treo với thời gian khoảng 90 phút hai chiều. Tuy nhiên, vì nhiệt độ trên cao tận âm 20 độ C và chưa biết cách trượt tuyết, Tuấn quyết định bỏ qua trải nghiệm này.
Rời Hemu, Tuấn đi qua huyện Burqin, khu vực ảnh hưởng nhiều văn hóa Nga, trước khi vòng ngược trở lại điểm xuất phát Urumqi. Tổng chi phí cho chuyến đi 7 ngày của Tuấn vào khoảng 25 triệu đồng mỗi người. Anh cho biết việc thông thạo ngôn ngữ địa phương giúp anh lên lịch trình hợp lý về cả thời gian lẫn chi phí. Kết thúc hành trình, Tuấn thấy thực sự “thỏa mãn” khi đã hoàn thành “giấc mộng phía tây” sau những lần trì hoãn vì dịch Covid-19.
Tú Nguyễn
Ảnh: NVCC