Đi phượt Sài Gòn – Sapa là điều ít người dám thực hiện. Tuy nhiên, nếu đủ can đảm thì đây cũng là 1 hành trình rất thú vị và đáng để bạn trải nghiệm đấy.
1. Sapa cách Sài Gòn bao nhiêu km?
Sapa cách Sài Gòn khoảng 2000km tương đương với khoảng 35-40 tiếng chạy xe máy. Do vậy, nếu bạn đi phượt Sapa từ Sài Gòn bằng xe máy, bạn sẽ phải lên kế hoạch cho chuyến đi của mình kéo dài khoảng 12-15 ngày là thoải mái.
Hành trình phượt Sài Gòn Sapa sẽ chia làm 2 chặng:
Chặng 1: Tp.HCM (Sài Gòn) – Hà Nội
Quãng đường di chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội dài khoảng 1.700 km, bạn có 2 sự lựa chọn để phượt ra miền Bắc với tuyến đường Bắc – Nam hiện có hai trục chính là quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh.
- Với quốc lộ 1A, bạn sẽ đi qua các đô thị chính, nhiều danh thắng nổi tiếng nhưng đông xe tải và vận tốc lưu thông thấp.
- Đường mòn Hồ Chí Minh hoang sơ, đi xuyên giữa rừng, thưa thớt dân cư và qua các địa danh lịch sử.
Bạn có thể cân nhắc về cung đường đi để thuận lợi nhất với kế hoạch của mình. Chặng đường này, nếu bạn chỉ chạy xe máy mà không tham quan những địa điểm khác trên đường thì sẽ mất khoảng 4 ngày để bạn ra được đến Hà Nội (trung bình mỗi ngày chạy 8 tiếng với vận tốc trung bình khoảng 50km/h).
Một số phương án khác dành cho những bạn không muốn chạy thẳng bằng xe máy chặng Sài Gòn – Hà Nội đó là:
- Đi tàu và gửi xe máy theo tàu từ Sài Gòn ra Hà Nội (mất khoảng 2 ngày).
- Đi tàu hỏa (không kèm xe máy) hoặc máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, sau đó đi xe khách, xe Limousine từ Hà Nội lên Sapa (hoặc đi tàu từ Hà Nội lên Lào Cai, sau đó đi xe khách từ Lào Cai lên Sapa) – thuê xe máy ở Sapa và khám phá Sapa.
Chặng 2: Hà Nội – Sapa (350km)
Sau khi từ Sài Gòn đến Hà Nội, bạn có thể nghỉ ngơi 1 ngày ở Hà Nội để lấy sức chuẩn bị cho hành trình Hà Nội – Sapa.
Cung đường từ Hà Nội lên Sapa rút ngắn xuống chỉ còn khoảng hơn 300km với 2 cung đường:
- Hà Nội – Quốc lộ 2 – Vĩnh Yên – Việt Trì – Yên Bái – Bảo Hà – Tp.Lào Cai – Sapa. (356km)
- Hà Nội – Quốc lộ 32 – Cổ Tiết – Thu Cúc – Nghĩa Lộ – Đèo Khau Phạ – Mù Cang Chải – Quốc lộ 32 – Tân Uyên – Đèo Ô Quy Hồ – Sapa. (348km).
Nếu đi theo cung đường thứ 2 bạn sẽ được trải nghiệm đèo Khau Phạ và Ô Quy Hồ – 2 trong số Tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc và là 2 trong số những cung đường đèo đẹp nhất Việt Nam.
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ nhìn từ trên cao
2. Kinh nghiệm đi Sapa từ Tp.HCM
2.1. Sapa mùa nào đẹp nhất?
Sapa thì mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa lại cảm nhận một nét đẹp riêng. Tuy nhiên, phượt Sapa từ TP.HCM bạn nên chọn đi vào khoảng từ tháng 2 – 6 hoặc tháng 9 – 11.
Sapa mùa hoa mơ nở
Đây là 2 khoảng thời gian có thời tiết ổn định nhất, miền Trung cũng ít mưa bão lớn nên việc đi lại từ Nam ra Bắc sẽ an toàn và dễ dàng hơn.
Một số bài viết về Sapa bạn có thể tham khảo thêm
2.2. Những vật dụng cần chuẩn bị
Quần áo, đồ bảo hộ
Các bạn Sài Gòn nên mang đầy đủ quần áo cho chuyến đi nhưng đừng mang quá nhiều hành lý, sẽ rất khó để di chuyển dài ngày.
Thời tiết Sài Gòn nắng nóng quanh năm, còn Sapa thì ngược lại, luôn là tiết trời se se lạnh, mùa đông sẽ lạnh đến âm độ C, vì vậy, bạn nên chuẩn bị nhiều áo khoác để thích nghi với thời tiết này, tránh bị cảm lạnh.
Đồ dùng cần mang theo khi đi phượt Sapa từ Sài Gòn
Vì là đi phượt dài ngày, bạn phải trải qua những ngày dài trên chiếc xe của mình tới những thành phố khác nhau, thế nên hãy đảm bảo trang bị đầy đủ khẩu trang, mũ, khăn quấn cổ, găng tay và đồ bảo hộ tay chân để đi dài ngày không bị mệt mỏi và ốm bệnh. Hãy chọn cho mình một đôi giầy chắc chắn để vững bước trên mọi nẻo đường bạn nhé.
Tiền, thẻ tín dụng, ATM
Bạn nên mang một lượng tiền kha khá cho chuyến phượt dài ngày của mình. Bạn nên lên kế hoạch xem mình sẽ đi trong bao nhiêu ngày, đến Sapa bằng cách đi xe máy từ Sài Gòn hay đi máy bay ra Hà Nội rồi thuê xe máy, hoặc gửi xe máy lên tàu…. trên đường về nên đi xe máy hay đi máy bay, đi tàu về,…
Từ đó, bạn có thể dự tính được số ngày đi du lịch và ước chừng khoảng tiền phải mang theo (bạn nên bỏ ít tiền mặt ở ngoài thôi rồi để trong thẻ tín dụng hoặc ATM) để chi trả cho các khoản phí sinh hoạt, chi phí vé tàu, vé máy bay, tiền xăng xe, tiền tham quan,…
Xe máy
Bạn nên chọn cho mình một chiếc xe khỏe, có độ bền cao, nên đi bảo dưỡng và kiểm tra toàn bộ xe trước khi đi, luôn mang theo trong cốp một vài dụng cụ sửa xe cơ bản để xử lý tình huống kịp thời.
Giấy tờ tùy thân
Dù là ở đâu bạn cũng nên mang theo giấy tờ tùy thân bên mình, nhất là đi du lịch, đến vùng đất mới, bạn nên có CMND để thuê phòng khách sạn, bằng lái và giấy tờ xe để xuất trình khi cần thiết bởi bạn sẽ đi phượt nhiều ngày, việc bị kiểm tra giấy tờ rất có thể xảy ra.
Những đồ dùng khác
Hãy mang 2 balo, một túi để những thứ quan trọng sát bên mình, một túi đựng quần áo, đồ ăn và những đồ dùng khác, đảm bảo quản lý tư trang thật tốt. Ngoài ra, chiếc máy ảnh sẽ rất hữu dụng để bạn lưu lại khoảnh khắc đẹp trong chuyến đi của mình.
2.3. Đến Sapa nghỉ ở đâu?
Ở Sapa có nhiều phòng tập thể, giường tầng cho các bạn thích du lịch bụi với giá từ 100k trở lên.
Nhà nghỉ thường có giá trung bình khoảng 200 – 300k/đêm vào ngày thường, nếu vào ngày cuối tuần, lễ tết và thời gian cao điểm du lịch thì giá phòng ở đó có thể đắt gấp 2 – 3, thậm chí 4 lần ngày thường.
Nếu bạn ở những khách sạn có tiếng và chất lượng, khách sạn hạng trung 1 – 2 sao giá từ 300 – 600k/đêm như Hoàng Hà, Royal, Holiday, Starlight, Công Đoàn… Khách sạn cao cấp như Victoria Sapa, Topas Ecolodge, Châu Long, Bamboo… có giá từ 50 – 170$/đêm.
Ngoài ra, bạn có thể chọn hình thức Homestay ở nhà dân, vừa tiết kiệm chi phí, khám phá nét văn hóa và bỏ ra chi phí thấp hơn hẳn thuê nhà nghỉ, khách sạn.
Chia sẻ với bạn
3. Những hình ảnh đẹp về Sapa
Sapa mùa hoa tam giác mạch
Sapa mùa nước đổ
Bờ hồ Sapa
Quảng trường Sapa
Nhà thờ đá Sapa
Quảng trường Sapa về đêm
Nhà thờ đá Sapa về đêm
Đồ nướng ở Sapa
Hành trình đi phượt Sapa từ Sài Gòn là 1 hành trình khá dài đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và nhiều kỹ năng khi di chuyển trên đường. Nếu bạn không phải là người quen đi phượt xe máy thì không nên đi bằng xe máy từ Sài Gòn lên Sapa. Chúc các bạn có 1 hành trình thú vị!
Bài viết được tổng hợp và biên tập bởi Quang Huy – SEO Marketer tại Nội thất Đức Khang – Đại lý phân phối các sản phẩm ghế văn phòng chất lượng, uy tín của các thương hiệu nổi tiếng. Bạn có thể tham khảo những sản phẩm này tại danh mục: ghế ngồi làm việc nội thất Đức Khang.
Đăng bởi: Huyền Nghiêm