Gia đình mình vừa trải qua một chuyến đi “phượt” bằng ô tô 4 chỗ Ford Focus trong 12 ngày cực kỳ ý nghĩa chứa đựng nhiều điều bổ ích, nhiều điều mới lạ, nhiều thử thách mới, con người và văn hóa độc đáo ở các vùng miền trên đường đi từ TPHCM đến Quảng Bình. Sau đây mình xin viết lại những trải nghiệm tuyệt vời cũng như đầy “bão táp” (vì đi chung với 2 em bé 4 tuổi và 11 tháng tuổi siêu quậy).
Kinh nghiệm du lịch xuyên Việt: Sài Gòn – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Hội An – Huế – Quảng Bình
Lịch trình:
Ngày 1:
Lái xe từ TPHCM từ 7:00 đến Nha Trang tầm 16:00, quãng đường tầm hơn 400 km nhưng đường tốt nên chạy khỏe. Buổi trưa ghé vào Coopmart Phan Thiết, mua nước và nghỉ ngơi. Kết thúc nhanh rồi vào xe bắt máy sưởi cho ấm. Mình không ghé Phan Thiết-Mũi Né hay Phan Rang vì đã đi rồi trong chuyến du lịch trước. Điều đặc biệt là mình đi vào ngày 31/12/2018, cuối năm nên Nha Trang được trang trí lộng lẫy với ánh đèn lung linh trên đường, thông Noel, sân khấu và hội chợ ở khu công viên dọc theo bờ biển đường Trần Phú. Đặc biệt hơn là đang trong dịp vừa mới hết bão ở miền Nam nhưng vẫn còn chút ảnh hưởng ra tới Khánh Hòa, trời mưa nhẹ nhẹ. Và cũng do dịp Tết dương lịch, phòng ở khách sạn tốt hết, giá lại cao, tụi mình chọn khách sạn Phú Quý 2 được xếp hạng 3 sao phòng không cửa sổ 480k vì cũng chỉ ngủ lại một đêm rồi sáng mai đi tiếp. Khách sạn ở sát biển, số 1 Tuệ Tĩnh, giá rẻ nên chất lượng phòng cũng không tốt lắm, nội thất cũ mặc dù cũng đầy đủ không thiếu gì, đậu xe trước cửa trên đường Tuệ Tĩnh luôn, cho nên khách sạn không được đánh giá cao lắm trên Agoda và Tripadvisor, cũng là vì tiếp tân không chuyên nghiệp lắm. Buffet sáng dù không ổn lắm nhưng cũng tạm được so với giá. Nhưng không sao vì sáng mai mình đã đi rồi.
Trời mưa mà người dân và khách du lịch cũng mặc áo mưa và che dù đi chơi ở bờ biển Trần Phú, đi hội chợ, xem hát, xem pháo hoa. Vì có con nhỏ, tụi mình lấy xe hơi lượn vòng quanh chứ không xuống xe. Đi ăn quán bún cá Nguyên Loan, quán bình dân, cũng ngon nhưng không biết thế nào là bún chả cá ngon, ăn thấy đậm đà, chả cá dai, giá cũng không rẻ không đắt 35k/tô.
Ngày 2:
Sau khi ăn sáng và nghỉ ngơi, 9:00 gia đình lên đường đi Quy Nhơn, quãng đường tầm 200 km. Trời mưa lúc nhỏ lúc to trên quãng đường nên chạy xe có phần chậm. Cộng thêm đường xấu, nhám và có nhiều ổ gà, có nhiều chỗ thi công. Đây là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của mình, vì cũng có nghe đồn đường ở Phú Yên, Bình Định siêu xấu nhưng thu tiền không thiếu xu nào. Trạm thu phí có nhiều, mà đường thì như vậy. Lại thêm trời mưa, ôi sao thấy cuộc đời một màu xám y như bầu trời. Thật ra mọi người nói mình đi ngược mùa du lịch. Mùa này vừa mưa, vừa lạnh nên không ai đi tắm biển Quy Nhơn. Theo nhân viên khách sạn nói thì vào đợt cao điểm, đến nhà nghỉ nhỏ cũng không còn chỗ chứ nói gì đến mấy khách sạn 3 sao. Khách đến Quy Nhơn chủ yếu đi tắm biển và ăn hải sản. Nhưng đợt này mình đang gần bị stress vì em bé quậy và công việc nặng nên thôi cứ đi. Cái lợi ở đây có thể thấy các điểm du lịch cũng như khách sạn không quá đông đúc, giá cả hợp lý, chất lượng phục vụ hơn mùa cao điểm nhiều.
Một điểm nhấn là tụi mình đi qua hầm đèo Cả, cảm giác chạy ở đường dẫn lên hầm rồi chạy qua một cái hầm tối thùi lùi, thắp sáng bằng ánh sáng leo lắt, mình chỉ sợ hầm bị sập. Cuối cùng cũng ra khỏi hầm. Có một hay hai xe dừng lại chụp hình kỉ niệm nữa, cũng hay.
Đến Quy Nhơn hơi trễ tầm 15:00, nhà mình chọn khách sạn Lake View 3 sao tại 121 Phan Bội Châu giá 770k, giá này cao do trùng vào ngày 1/1/2019. Nhưng bù lại khách sạn mới toanh, đối diện hồ nước to cảnh đẹp, gần nhiều quán nhậu, tiếp viên dễ thương, bảo vệ giúp đỡ đậu xe, che dù đỡ ướt mưa. Tuy nhiên phòng chật 15 m2 và nội thất bằng gỗ công nghiệp. Tối mình đi ăn bánh xèo tôm nhảy Gia Vỹ 2 tại 14 Diên Hồng. Vì trời mưa, khó tìm, lại sát 2 quán bánh xèo nữa, quán nào cũng chào mời khách, lấy dù ra đón luôn. Mình đậu xe bên kia đường, rồi nhân viên lấy dù ra đón cũng tích cực. Bánh xèo lớn hon lòng bàn tay một tí, có vị tôm và bò. Mình gọi 2 cái tôm, bánh giòn, tôm tươi, nước mắm ngon, ăn thêm một cái bánh gai nữa. Giá 25k/cái bánh xèo, 3k/cái bánh gai. Chủ yếu là khách du lịch ăn, còn người địa phương không thấy, nghe tiếp tân nói là dân địa phương ít ăn chỗ đó, họ ăn ở mấy gánh nhỏ nhỏ trên đường hay trong hẻm. Sau đó mình đến quán Bún cá Ngọc Liên, 379 Nguyễn Huệ mua 2 phần bún chả cá, mỗi phần 30k về khách sạn ăn.
Ngày 3:
Điểm cộng của khách sạn là buffet sáng hôm sau nhiều món, sạch sẽ, các loại như bánh mì và các đồ ăn kèm như bơ, mứt, phô mai, trứng chiên đầy đủ, xúc xích, thịt xông khói, các loại rau và nước sốt trộn, rau luộc, rau xào, rồi các món Việt như cơm chiên, mì xào, cháo trắng và các món ăn kèm, bánh địa phương (bánh ướt, bánh hỏi, bánh bèo) và nước mắm, rau sống đủ cả, tráng miệng có chè, bánh ngọt, rau câu, bắp luộc, trứng luộc, nói chung cũng được mình đánh giá cao.
Bắt đầu lái xe ra Hội An, quãng đường hơn 200 km. Trên đường có ghé Coopmart Quảng Ngãi nghỉ mệt. Vợ chồng mình đùa đây là chuyến đi phượt thăm hệ thống Coopmart thì phải. Siêu thị Coopmart Quảng Ngãi ở trong kẹt, nhỏ xíu. Trời lạnh khoảng 18 độ C và gió nên nhà mình cẩn thận mặc áo khoác. Thấy dân địa phương ai cũng mặc áo phao và nói nhà mình mặc phong phanh, mình hơi hoảng và sợ các bé bị ốm.
Đường đi Hội An thật đẹp, bản đồ không chỉ quốc lộ 1A mà đi ven biển, có đi ngang qua biển Cửa Đại và cây cầu thật đẹp và hoành tráng, các đường đi qua làng quê Hội An yên bình, nhà cửa cũng cổ cổ nữa thật là tuyệt vời. Đi ngang khu du lịch Vườn dừa 7 mẫu, ôi là đông khách du lịch, mình xem thông tin thì ra khách rất thích tới đây lên tàu, thúng đi dạo trong vườn dừa nước, xem biểu diễn nghệ thuật, làm các sản phẩm từ lá dừa nước. Mình bị choáng ngợp với các khách sạn ở Hội An nơi mà nơi nơi là khách sạn, resort, homestay, villa, guest house khắp nơi. Mình chọn Riverside Oasis Villa 3 sao, tại 6 Tống Văn Sương, giá 450k mà ban đầu mình tưởng có ăn sáng, ai ngờ không có ăn sáng thì thành ra hơi đắt vì khá xa trung tâm phố cổ. Tưởng là to, ai ngờ villa hơi nhỏ, như là một cái biệt thự vài tầng có hồ bơi để cho thuê. Nội thất ổn, phòng to, nhà tắm không tiện nghi lắm. Tiếp tân dễ thương và rất giúp đỡ khách. Máy lạnh không có chế độ sưởi ấm nên tối đó nhà mình mặc hai ba lớp áo, uống nhiều nước ấm, trà, sữa nóng để đỡ lạnh.
Tối nhà mình chạy ra phố cổ, mua bánh mì Phượng ở 12B Phan Chu Trinh nổi tiếng như cồn ăn. Bánh mì Hội An khác ở Sài Gòn, 2 đầu nhọn hoắt, và đặc ruột hơn. Bánh mì Phượng ổ thập cẩm nhiều chả lụa, thịt có thể là luộc hay làm gì mình không rõ, thịt nướng. Nước sốt đặc trưng theo lời đồn ngon nhưng mình không cảm thấy nước sốt nhiều trong bánh mì. Nói chung ăn xong no quá chừng mà giá rất rẻ 25k. Trong khi đó bánh mì Huỳnh Hoa nổi tiếng ở Sài Gòn giá tới 40k đắt quá. Trời lúc mưa lúc không, nhà mình chỉ lấy xe dạo dạo ở ngoài khu vực cấm xe, qua đến quảng trường sông Hoài. So với Quy Nhơn vắng vẻ, Hội An luôn đông đúc vào bất cứ mùa nào trong năm. Mặc dù ở dạo ở ngoài nhưng không khí cũng vui lắm nha, cực kì nhộn nhịp, khách du lịch cầm ô, mặc áo phao, áo mưa mỏng đi dạo, đi ăn, mua đồ lưu niệm hay quần áo. Lồng đèn vẫn thắp lên rực rỡ.
Kinh nghiệm du lịch xuyên Việt: Sài Gòn – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Hội An – Huế – Quảng Bình
Ngày 4:
Sáng sớm đi ăn ở quán Bông Hồng Trắng, 591 Hai Bà Trưng là nơi sinh ra món bánh bao bánh vạc. Món ăn đắt 70k/dĩa bánh hấp/chiên. Nhưng bánh hấp ngon, dai dai. Bánh bao thì vỏ bánh bọc lấy nhân, bánh vạc thì như hoa hồng có nhụy ở giữa là một viên nhân thịt nhỏ xinh. Khi ăn chấm với nước mắm mặn ngọt vừa miệng. Bánh chiên thì siêu giòn, được phủ với sốt cà chua hơi giống pizza nhưng hoàn toàn khác nha. Lại còn thấy các chị mặc áo bà ba làm bánh tại chỗ, hay lắm. Thực ra ăn 2 dĩa bánh đó cho 2 người và 1 em bé thì không no nên tụi mình đi ăn bánh mì Madam Khánh (Queen) giá 20k/ổ cực ngon và cảm nhận rõ vị ngon của nước sốt. Bởi vậy nên có một số nhận xét từ cộng đồng mạng là bánh mì ở đây ngon hơn Bánh mì Phượng, ít phải chờ lâu hơn. Nói chung bên nào cũng nên thử. Chạy xe đến Quảng trường sông Hoài, gửi xe rồi đi dạo và chụp ảnh, có nhiều ảnh đẹp lắm nhé. Nói chung không cần nói nhiều vì Hội An siêu đẹp, siêu hoài cổ, cảm giác đi dạo ở đó rất lạ, vì có em bé mình không ghé các điểm tham quan nổi tiếng như các nhà cổ. Sau đó tụi mình lái xe đến làng gốm Thanh Hà, tại đây cả làng làm gốm và có khu trưng bày sản phẩm gốm khá hoành tráng, nếu muốn có thể vào trải nghiệm.
Về khách sạn dọn dẹp và rời đi, trên đường có ghé ngang qua làng rau Trà Quế nhưng không vào sâu trong làng được vì đường vào quá nhỏ. Tuy nhiên cũng cảm nhận được không khí yên bình và tươi mát ở làng quê Hội An. Thẳng tiến đến Huế. Trời vẫn mưa và lạnh. Điểm nhấn của hành trình là đèo Hải Vân và hầm đèo Hải Vân rất dài. Ngoài ra khí hậu ở hai bên đèo phân biệt rõ rệt cũng là kiến thức khá mới mẻ.
Mình chọn khách sạn 4 sao Cherrish Hue, 59 Bến Nghé, được đánh giá rất cao trên mạng và đúng là như thế, dịch vụ hoàn hảo từ tiếp tân đến phục vụ ăn sáng, chất lượng buffet, phòng tuy không đẹp như 5 sao nhưng điểm cộng lớn là máy lạnh 2 chiều, quả là một đêm ấm áp. Thêm vào đó, mặc dù trời bên ngoài mười mấy độ, bên trong khách sạn ấm áp vì dùng máy sưởi ở cả sảnh lẫn phòng ăn. Khách sạn đầy khách Tây, tất cả nhân viên đều nói tiếng Anh tốt nên điểm trên mạng cao là đúng rồi. Ở Huế mùa này vẫn đông khách và khá nhộn nhịp. Mình thấy khách check in liên tục.
Tối mình đi ăn bánh canh bà Đợi, 36 Ngô Gia Tự, tuy đơn giản nhưng tuyệt hảo. Nước súp trong, thanh, đậm đà nhưng không quá mặn. Bánh canh dai dai mềm mềm cọng không to không nhỏ nhà làm. Viên chả dai vừa phải, tôm cực tươi, có chén trứng cút luộc ai thích thì bỏ thêm vào 1k/trứng, tô bánh canh quá rẻ 20k/tô. Tóm lại, ngon, dễ ăn vào những ngày mưa lạnh và mệt, rẻ. Bé con mình rất thích, còn chồng mình ăn 2 tô luôn. Sau đó đi đến quán chè heo quay bột lọc ngon nhất Huế- Chè Mợ Tôn Đích, 65 Trần Hưng Đạo. Thật sự là chè heo quay xuất sắc, lớp vỏ bọc trong, không mỏng không dày, mềm dai vừa, heo quay cứng cứng nêm vừa ăn mà lại thơm, nước chè trong, thơm và ngọt mát nhẹ nhàng. 1 ly 4 viên chè 12k, nếu ăn không đủ nhớ mua 2 ly nha. Ngoài ra chè đậu ván bùi bùi và chè khoai tía dẻo cũng ngon lắm nha. Sau đó tụi mình còn lượn qua khu Đập Đá mua 1 phần cơm hến về ăn nữa. Cơm hến lạ, có hến, đậu phộng, tóp mỡ chiên, dưa leo sợi mỏng, nước sốt gì lạ là và bịch nước súp. Ăn cho biết chứ không biết có phải thiệt là ngon tuyệt không. Giá rẻ 10k-15k, 15k thì nhiều hến hơn một tí. Ngoài ra mình còn ghé siêu thị Big C mua áo phao cho cả nhà, mỗi áo khoảng 200k.
Ngày 5:
Ăn buffet ngon nhất trong toàn bộ chuyến đi. Món gì cũng có, ở đây mình xin liệt kê một số món ấn tượng: bánh ngọt nhiều loại rất ngon, phở với nước súp cực kỳ đậm đà và thịt bò rất ngon, xúc xích chất lượng.
Sau khi ăn sáng thì nhà mình lên đường đến Đồng Hới, Quảng Bình, khoảng cách tầm 200 km. Đến qua trưa thì tới nơi, bọn mình chọn khách sạn Mường Thanh Quảng Bình 4 sao, tại 119 Trương Pháp, giá chỉ có 550k. Mường Thanh thì có mấy chục cái ở khắp nơi nên chất lượng phòng ốc khỏi bàn, to và sạch sẽ, nội thất ổn, sát biển nên view đẹp cực kỳ. Nhân viên đẹp dễ thương lắm. Chỉ có cái là đây lại là mùa thấp điểm ở Quảng Bình. Điểm đến nổi bật là động Phong Nha không thể tham quan được vào mùa mưa, nước sông dâng cao ngập đường vào động bằng thuyền. Đến Quảng Bình trời hết mưa nên mừng quá. Chỉ có cái trời còn lạnh mà khách sạn không có máy sưởi, nên ghé Điện máy Xanh mua một máy sưởi nhỏ 300k. Tối đó nhà mình đi rửa xe hơi sau mấy ngày đi mưa. Đến nơi rửa thấy 2 vợ chồng khá nghèo, phòng ngủ không che chắn, không có giường, mà lại có em bé nhỏ. Mùa đông thì lạnh thế này mà ngủ như thế. 2 vợ chồng còn rửa xe hơi rất tích cực 30 phút mà lấy có 30k. Bọn mình thấy vậy đưa 50k nhưng họ nằng nặc đòi thối lại, mình phải đóng cửa xe đi luôn mới thôi. Nghĩ lại ở Sài Gòn xịt sơ sơ cũng 100k, rửa kỹ thì 150k-200k. Nếu khách có đưa thêm tiền thì lấy ngay. Đi ăn món cháo Canh nhưng cuối cùng đi lạc qua Lẩu Dê Nhật Lệ, 60 Đồng Hải, thấy đông và nổi tiếng vào ăn thử. Ôi xe hơi đậu hết cái đường trước quán, phải khó khăn lắm mình mới đậu được xe. Trong quán đông vui chưa từng thấy, mặc dù trời lạnh dưới 20 độ C, trong quán ấm do nhiều người, đồ ăn nóng, họ uống rượu dê, ăn lẩu dê và các món nướng. Xung quanh quán có viết các câu gây ấn tượng: “Chúng tôi nấu cho quý khách như nấu cho cha mẹ mình”. Cô tiếp viên đề nghị mình ăn một cái lẩu hon, thì ra là cục dê có cả da lẫn thịt xương nấu, nước hon cũng như phần thịt màu nâu sẫm, thịt không hôi, dai giòn. Giá một cái hon trong nồi đặt trên bếp là 250k, rau mồng tơi miễn phí, đậu phụ 10k, bánh cuốn 10k, mì trứng 10k. Nói chung vì là lần đầu ăn thịt dê mình thấy ngon, lạ. Chồng mình cũng nói vị lạ so với các quán dê ở Sài Gòn. Còn đọc trên foody thì ai cũng khen hết.
Kinh nghiệm du lịch xuyên Việt: Sài Gòn – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Hội An – Huế – Quảng Bình
Ngày 6:
Ở cái khách sạn xịn như vậy mà có mấy người thôi nên buffet khá kém, phở thì phở gà có mấy miếng gà nhỏ, phở thì nhiều mà nước phở nhạt, cơm chiên đầy dầu mỡ, mì tôm xào, và các món còn lại thì bánh mì, bơ, trái cây, trứng chiên thì cũng như các chỗ khác. Bữa sáng không như mong đợi ở chuỗi khách sạn Mường Thanh, không mong đợi vì chồng mình có ở Mường Thanh Luxury 5 sao ở Nha Trang nói rất tuyệt, buffet đầy đủ các món Âu Á rất ngon nên tưởng ở đây cũng vậy. Nói chung cùng hệ thống nhưng tùy tình hình kinh doanh nữa.
Trời đẹp nhưng lạnh tầm 20 độ C thích hợp để đi thăm các hang động. Theo lời khuyên, bọn mình lái xe đi động Thiên Đường trước, cách thành phố khoảng 70 km. Nghe đồn là đường ra động đẹp lắm, đúng là đẹp thật, đẹp như tranh vẽ, đẹp hơn tranh vẽ. Ngồi trong xe mở cửa kính và chỉ muốn tận hưởng cảm giác đó mãi mãi. Điểm nhấn là núi phủ bởi màu xanh của rừng trùng trùng điệp điệp lúc ở xa xa lãng đãng trong mây, lúc sát hai bên đường. Những ruộng lúa, vườn trồng cây, thỉnh thoảng có con sông nhỏ nước trong và xanh điểm tô thêm vào vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Ban đầu mình tưởng là không có dân sống nhưng hoàn toàn ngược lại, vẫn có người dân sống sâu trong rừng núi heo hút, họ làm nông như mình vừa kể, cũng có khu chợ, trường học đàng hoàng mặc dù còn nghèo. Lát sau cô lái xe điện kể ở đây nghèo thật, đất chỉ gieo trồng được một mùa trong năm, người dân chỉ biết làm du lịch mà du lịch chỉ được vài tháng mùa khô, họ uống nước sông khi mùa nắng không có mưa và không có nước máy.
Càng đến gần động thì đường càng vắng nhà, cảnh càng đẹp, đường càng nhỏ hẹp, càng quanh co, càng dốc. Cuối cùng khi thấy bãi xe với nhiều xe khách du lịch tụi mình thở phào nhẹ nhõm. Thời gian đi thăm động khoảng 2-2.5 tiếng. Mua vé cổng động thiên đường 250k/khách, xe điện 100k/2 khách 2 lượt đi về. Ai khỏe thì không đi xe điện, nhưng mình thấy đoạn này khá xa nên khuyên là nên đi. Xe điện dừng và bắt đầu đi bộ lên dốc. Mình đọc trên mạng nói đi khoảng 200 m nhưng mình cảm nhận là xa hơn. Ôi đường lên động siêu xa đối với tụi mình vì ẵm một đứa bé 10 kg, dẫn một đứa bé kia 16 kg thỉnh thoảng phải ẵm. Cả nhà mặc áo phao vì lạnh mà đi được 1/3 đã phải mở áo ra cho đỡ nóng. Đường lên làm trơn láng, không có bậc thang, dọc đường nhiều cây xanh và đá tảng cũng hay. Đến cửa động mừng quá, thì biết tin phải đi cầu thang gỗ mấy trăm mét lên xuống nữa. Cầu thang gỗ hơi trơn nên mình hơi sợ nhưng cuối cùng đã vượt qua được. Mình không chuẩn bị trước nên mang dép lào, khuyên mọi người nên đi giày thể thao, ăn mặc đơn giản. Trong hang còn lạnh hơn bên ngoài, hơi tối nên em bé hơi sợ một chút, chỉ có ánh đèn nhân tạo leo lắt. Tuy nhiên vì có nhiều người nên đỡ sợ. Đi hết đoạn vừa kể thì mới đến các thạch nhũ đẹp như mình đọc từ trước. Đúng là không hổ danh là thiên đường, xinh đẹp không thể tả, bàn tay tạo hóa quá tuyệt vời. Chỉ tiếc là không đi sớm hơn. Mình đi bộ tầm mấy trăm mét nữa chiêm ngưỡng vô vàn tuyệt tác, là đến chỗ dừng tham quan. Muốn tham quan sâu hơn cần thêm nhiều tiền hơn vì cần đội hỗ trợ và nhiều dụng cụ khác. Khi trở ra thì xuống dốc bằng cầu thang nên thời gian nhanh hơn.
Động Thiên Đường đã đẹp, vậy mà động PHong Nha còn đem đến cho mình nhiều cảm giác tuyệt vời hơn nữa. Lý do là để đến động Phong Nha, vốn là một động nước, khách phải xuống bến tàu ngược theo dòng sông Son khoảng 10 km mới đến cửa động. Quãng đường này tàu chạy bằng máy. Giá tàu là 660k/12 khách, nếu đi càng đông thì càng tiết kiệm. Giá vé động là 150k/khách. Sông Son xanh màu ngọc bích tuyệt đẹp, đặc biệt sông lặng sóng, kết hợp với núi non hai bên đường làm cho người ngồi trên thuyền có cảm giác khó tả “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” chính là đây. Ôi sao đất nước mình đẹp thế. Khi đến cửa động Phong Nha, người lái tàu chuyển sang chèo tay vào động đi một quãng 800 m. Ngồi trên tàu đi chậm chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang động với nhiều hình thù kỳ thú như tượng phật di lạc, con có, rùa, cá sấu, hoa, bãi tắm tiên. Không còn gì tuyệt vời bằng, âm thanh trong động vang vọng. Khi tàu đi ra sắp đến cửa động, tàu cho mình lên một hang động khô, cũng rất đẹp để đi bộ khoảng vài trăm mét ra ngoài để tàu đón. Ngoài ra phía trên động nước Phong Nha là động khô Tiên Sơn, phải leo 200 bậc thang để thăm động này nhưng vì đã thăm động Thiên Đường nên mình không đi nữa. Thời gian thăm động nước là 2.5 tiếng, nếu thêm động khô là 4 tiếng tổng cộng. 2 động này được ví von như một cặp trời sinh, món quà của đất trời dành cho Quảng Bình.
Thêm một phần lưu ý là ở khu động Thiên Đường còn khá vắng vẻ, trong khi khu vực lân cận bến tàu đi Phong Nha rất nhộn nhịp. Khắp nơi là khách sạn, nơi lưu trú, nhà hàng phục vụ khách du lịch.
Mình về tới khách sạn khá muộn tầm 17:00. Bọn mình ăn tối với Cháo Canh đặc sản Quảng Bình, nói thật là không hợp khẩu vị một chút nào với người miền Nam nhưng vì đói nên cảm thấy thật ngon. Cháo canh có nước súp sao mà hơi nồng mùi riêu cua hay tôm gì đó, nêm không có ngon, nước súp lềnh lềnh không trong, sợi bún to hơn bún thường nhưng hơi bở, có bỏ thịt cá, heo quay, chả cá. Ấy vậy mà nơi đâu ở Quảng Bình cũng thấy bán cháo canh. Quán đó không nhớ rõ lắm nhưng cũng lớn chứ không phải lề đường, nằm trên đường Trần Hưng Đạo và nghe đồn là quán cháo canh ngon nổi tiếng. Có nem rán (chả giò) của quán rất ngon, giòn. Giá là 20k/tô cháo canh, 3k/nem.
Tụi mình còn ghé quán gà đồi Quân Phượng ăn thử cho biết. Gà đồi là gà thả nuôi trên đồi nên thịt chắc thơm. Mua 1 bịch cháo, 1 bịch miến nước, 1 xôi gà xé, 1 xôi chiên với chà bông gà hết 175k không biết có tính tiền nhầm không mà hơi đắt. Cháo và miến đều có gà xé, ngon thiệt nhưng có bỏ đậu xanh và nêm hơi nhạt, lại không hợp khẩu vị miền Nam nữa rồi.
Tối hôm đó bọn mình ở khách sạn 4 sao Sài Gòn Quảng Bình, 20 Quách Xuân Kỳ, giá 735k vì phòng có điều hòa 2 chiều nên ấm hơn. Ở đó gần Vincom Plaza cũng đẹp nên bọn mình có ghé vào mua ít đồ đạc.
Còn các món ăn thì mình chỉ nghĩ không hợp thôi chứ mọi người đừng bỏ qua thử các món đặc sản nha, có khi nào hợp khẩu vị các bạn thì sao.
Ngày 7:
Buffet nhiều món hơn nhưng cách nấu cũng không có gì ngon. Hình như ẩm thực Quảng Bình không hợp vị miền Nam. Có món súp lươn khá tanh. Tuy nhiên mình đánh giá cao khách sạn này.
Mình lái xe quay về Huế, trên đường ghé chùa Thiên Mụ bên dòng sông Hương. Cảnh đẹp và du khách dập dìu rất nên thơ và đáng xem. Sau đó đặt khách sạn 4 sao Gold Hotel, 28 Bà Triệu rẻ 320k. Nghe đồn ở đây có 2 khu, một khu cũ và một khu mới. Mình đoán ngay là cho ở khu cũ vì mình đặt từ Agoda với giá quá rẻ. Phòng hẹp, nội thất cũ nhưng sạch sẽ. Vậy cũng được rồi vì rẻ mà. Tuy nhiên do ở chung với khách ở khu mới, chắc bán được giá cao, và vì khách đông nên bọn mình được ăn buffet rất xịn vào ngày hôm sau.
Chiều đó bọn mình đi ăn bún bò Huế bà Cẩm, 45 Lê Lợi. Theo tin đồn là ngon và lâu đời gì đó, thực sự là không ngon vì mình ăn nhiều quán bún bò Huế rồi. Chỉ được cái sạch mà thôi, với lại toàn khách Tây, không thấy dân địa phương, mà cũng lác đác thôi. Còn so với bánh canh bà Đợi và chè Mợ Tôn Đích thì mình thấy luôn đông và có nhiều dân địa phương. Giá là 40k/tô bún. Xong rồi bọn mình đi ăn bánh khoái Hạnh, 11 Phó Đức Chính. Thì mình khuyên là không nên ăn vì quán cực kỳ đông, phần lớn là Tây, lèo tèo khách Việt mà cũng là du khách chứ không phải dân địa phương, lại cực kỳ đắt. Nem nướng 80k/phần, bánh khoái 25k/cái, bánh bèo 50k/phần. Ôi đắt quá, mình gọi 2 cái bánh khoái vì đã no rồi. Vậy mà nhân viên trở mặt ngay, tụi mình ngồi chờ lâu mà không có trong khi 3 bàn khách nước ngoài rõ ràng đi sau mà đã có rồi, trong đó họ có gọi bánh khoái. Ý là thấy gọi 2 cái nhân viên trở mặt thì đã đoán được sẽ ngồi chờ. Nói chung ý mình là mình là người Việt không việc gì phải tìm đến quán chuyên phục vụ du khách, nhân viên nói được tiếng Anh nên giá thành cao là đúng rồi. Bù lại bánh khoái rất ngon nhé, giòn, đồ ăn tươi, rau sạch, nước chấm làm từ hỗn hợp gì đó rất lạ và tuyệt ngon. Sau đó tụi mình đi ăn chè tráng miệng ở Chè Hẻm, số 1 kiệt 29 Hùng Vương. Chè Mợ Tôn Đích là một quầy với mấy cái bàn ghế ở lề đường, còn quán này ở trong nhà, bàn ghế gỗ nhỏ. Tuy nhiên chè heo quay không ngon bằng, giá thì cũng như bên kia, các loại chè xanh dừa, khoai tía, heo quay (5 cục), trái cây đều là 10k/phần. Mình quên nhắc là chè trái cây rất dở nhé, rất ngọt.
Kinh nghiệm du lịch xuyên Việt: Sài Gòn – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Hội An – Huế – Quảng Bình
Ngày 8:
Sáng ăn sáng rất ngon, đồ ăn nhiều, chất lượng. Mình đặc biệt thích bún bò Huếbao gồm nước súp, chả, huyết và thịt giò còn ngon hơn bún bò bà Cẩm nữa. Tuy là không thể nào sánh ngang với Cherish Hotel, nhưng với giá 320k thì quá rẻ quá chất lượng.
Sau khi ăn uống no thì nhà mình bắt đầu đi thăm thú. Mình đi các lăng và chùa vào buổi sáng. Lên kế hoạch và vẽ đường đi tất cả các lăng. Đầu tiên là lăng Tự Đức, vé 100k/khách. Lăng nằm trên phần đất rộng, đồi nhỏ với cỏ và cây xanh, các hồ nước rộng, cầu nhỏ, nhà hóng mát tạo nên một khung cảnh yên bình, an nhiên, hữu tình thể hiện con người thích thơ văn của vua Tự Đức. Các điện thờ cũng hay với kiến trúc đẹp, đồ đạc sơn son thiếp vàng, có nhiều cổ vật trong điện. Người ta đang cho trùng tu lại một số công trình cũ. Ngoài ra còn có biểu diễn ca Huếnữa. Nói chung là đáng xem lắm nha. Bên ngoài lăng người ta bán đồ lưu niệm, đồ ăn, giữ xe đầy đủ. Đậu xe hơi ở đâu cũng bị thu tiền 10k. Sau đó đến lăng Đồng Khánh, đang trùng tu không vào được nhưng mình thấy không bằng lăng Tự Đức. Sau đó mình lái xe đến Đồi Vọng Cảnh – thắng cảnh của Huế khá nổi tiếng. Đồi phủ đầy cỏ và cây thông lá kim, có nhiều dân địa phương và du khách leo lên đồi ngắm cảnh. Sau đó đến Lăng Thiệu Trị, vì đường vào nhỏ chỉ vừa lọt một xe hơi nên nhà mình không ghé vào, có đọc trên mạng lăng này đã bị hư hỏng vẫn chưa trùng tu. Sau đó lái xe tiếp ra xa khỏi trung tâm thành phố để thăm lăng Minh Mạng. Thật bất ngờ vì ở đây được đầu tư du lịch khá tốt, đầy đủ. Bước vào khu lăng mộ, thấy đúng là ở đây đáng xem, giá vé 100k/khách. Lăng rộng, đẹp, sông nước cây cỏ đủ cả, địa thế đẹp, kiến trúc đẹp. Tuy nhiên vẻ đẹp khác với lăng Tự Đức nhiều. Có sân với nhiều bức tượng, có điện thờ, nhà hóng mát. Ở đây rất mát mẻ nha. Cuối cùng là lăng Khải Định – là lăng nổi tiếng nhất và là một nơi không thể bỏ qua. Lăng không có sông nước hữu tình mà nằm trên triền núi cao phải leo lên cầu thang cao mới tới. Kiến trúc cực kỳ lạ, có nhiều nét lai phương Tây và nhiều điểm đáng xem. Giá vé 100k/khách nha.
Sau khi thăm hết các lăng thì nhà mình đi các chùa theo danh sách chùa đẹp ở Huế thì thấy một trong số đó đường vào rất khó cho xe hơi, một số không đặc sắc, chỉ có được được là chùa Từ Đàm là to và đẹp. Nhưng đối với tín đồ phật giáo thì mình không nên bỏ qua.
Và khoảng 14:00 thì gia đình đã đến kinh thành Huế. Giá vé 150k/khách, nếu đi xe điện thì hình như thêm mấy chục ngàn nữa, để không phải đi bộ và có thêm hướng dẫn viên. Có người thuê xích lô chở đi nữa. Ở Huế xích lô màu tím rất dễ thương. Kinh thành Huế gây ấn tượng với sự rộng lớn với các công trình hoành tráng. Nhà mình đi bộ chậm chậm vừa đi vừa nghỉ. Nên chú ý có 3 vòng thành, vòng ngoài cùng là Kinh Thành, vòng kế là Hoàng Thành, vòng trong là Đại Nội. Ở các vòng thành đều có tường cao và đào hào. Ngoài ra hồ Tĩnh Tâm cũng đáng chú ý vì rất to. Còn sân Đại Triều Nghi và cổng vào phía Nam rất đáng chú ý. Các cổng trên đường dẫn đến sân cũng như Điện Thái Hòa rất đẹp. Điện Thái Hòa không có gì đặc biệt, chỉ gây chú ý với cột và các phần trang trí gỗ, chạm trổ và vẽ đẹp, sơn son thiếp vàng. Ngoài ra điểm chú ý là ngói lợp các công trình làm bằng ngói màu vàng hoặc xanh ngọc. Các công trình phần lớn bị phá hủy trong chiến tranh, đang trong quá trình phục dựng. Chỉ còn các hành lang dài, rồi các tàn tích trong khuôn viên rất rộng của kinh thành. Còn một công trình còn nguyên đó là Thái Bình Lâu từng là nơi thư giãn và đọc sách của các vua, Điện Long An hiện trở thành bảo tàng cổ vật cung đình Huế, Triệu Tổ Miếu (vừa mới trùng tu) thờ các vua nhà Nguyễn ta có thể thắp nhang nếu muốn. Ngoài ra còn có 4 khẩu đại bác Xuân, Hạ, Thu, Đông cũng nên ghé vào xem.
Thế là đã xem xong các điểm đến quan trọng của Huế, tuy nghe ra thì nhiều nhưng không mệt nha. Lý do là vì mỗi điểm đến đều là nơi nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái. Bây giờ chỉ còn việc đi ăn nữa thôi. Mình ăn thử bánh canh Nam Phổ ở quán Thúy, 16 Phạm Hồng Thái là một quán bình dân, bàn ghế nhựa, giá siêu rẻ toàn 10k/tô bánh canh/bánh bèo và các bánh huế khác. Bánh canh Nam Phổ sền sệt màu cam, cọng bánh canh ngắn, mềm, tự cắt, có thịt và tôm. Phải ăn 2 tô mới no nha. Nói chung rất là vừa ý. Sau khi ăn bánh canh Nam Phổ thì đi dạo một vòng ngắm cầu Tràng Tiền 6 nhịp và ngắm cảnh thuyền rồng đưa khách du ngoạn sông Hương với tiếng ca Huế âm vang. Chồng mình muốn ăn khuya với bánh canh bà Đợi. Xong rồi về ngủ.
Một điểm cộng của Gold Hotel là không có máy lạnh 2 chiều nhưng ai yêu cầu họ sẽ mang quạt sưởi tới. Nên đêm đó nhà mình ngủ siêu ấm luôn.
Ngày 9:
Ăn bữa sáng ngon ở Gold Hotel, rồi lên đường đi thánh địa Mỹ Sơn. Đường đi lên thánh địa khá xa, lái xe có nhiều đoạn hơi chậm. Đến nơi mua vé 100k/khách, bao gồm xe điện chở 2 km đến gần thánh địa. Xe điện dừng ở nhà hàng và cửa hàng lưu niệm, tại đây đi bộ lên đồi tầm 200 m để thấy quần thể tháp C đẹp nhất, còn nguyên vẹn nhất, hoành tráng nhất. Trên đường đi còn nhiều quần thể khác nhỏ hơn, có cái bị hư hỏng, có cái đang được trùng tu. Quần thể tháp được xây dựng từ thế kỷ 7 đến 13 và tồn tại đến hôm nay cũng là điều kỳ diệu. Nói chung không nên bỏ qua.
Vì đã thăm Đà Nẵng năm trước, mình bỏ qua, hành trình kế đến là làng Bích Họa Tam Thanh – một làng quê nghèo ven biển được các họa sĩ vẽ tranh lên các bức tường theo dự án hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc. Làng trở nên nổi tiếng, thành một điểm đến du lịch, xuất hiện một số dịch vụ du lịch nhỏ lẻ của người dân bán nước giải khát, đồ ăn, homestay, có một hai cái resort 3 sao ven biển và các nhà hàng hải sản. Đường đến làng nhỏ dần, rồi cũng đến nơi, ôi ven đường và trong các kiệt (ngõ hẻm) các bức tường được vẽ nhiều tranh với đủ các đề tài: đội bóng Việt Nam, cô bé, cậu bé, ngư dân, không thể kể hết. Các thúng cũng được vẽ nữa. Phía ngoài biển hoang sơ rất đẹp với cát, biển, tàu cá. Đến đây mà có thời gian chụp ảnh thì không còn gì bằng.
Thăm xong làng bích họa cũng đến chiều rồi nên nhà mình ghé vào Quảng Ngãi ở khách sạn Thiên Ấn Riverside, 1 An Dương Vương ở sát bờ sông Trà và chợ đêm ven sông cực kỳ nhộn nhịp nhé. Khách sạn lớn, phòng rộng, đông khách, nhưng nội thất hơi cũ rồi. Sau đó đi ăn đặc sản Quảng Ngãi: Don Cổ Lũy, 20 Trà Bồng Khởi Nghĩa, Ram thịt nướng Loan, 234 Phan Đình Phùng và Cơm gà Nhung 2, 134-136 Phan Đình Phùng. Thực lòng mà nói món nào cũng ngon tuyệt. Don thì là món nước, nấu từ con don tương tự con hến, don được bắt ở sông Trà Quảng Ngãi, nước ngọt thơm, thịt don dai, có bánh tráng bỏ vào ăn mềm, còn bánh tráng nướng dọn riêng thích ăn không hoặc bẻ bỏ vào cũng được. Ram thịt nướng Loan quán cũng rộng, một dĩa 80k có đủ thịt nạc mỏng ướp nướng rất ngon, ram (bánh tráng cuốn) tôm đất nướng giòn rụm, ram thịt nướng, nem nướng, bò lá lốt, dọn thêm rau sống và bánh tráng để cuốn. Nước chấm sền sệt màu cam có tí mè ngon tuyệt vời nhé, không phải là nước mắm đâu. Cơm gà Nhung là quán lớn, rất rộng, rất nổi tiếng, cơm ngon, hạt cơm tơi, thơm, gà dai không mỡ, dưa chua cũng tuyệt nhưng mà giá đắt. Cơm gà quay 45k 3 cục thịt gà. 1 cái đùi gà 180k nha.
Kinh nghiệm du lịch xuyên Việt: Sài Gòn – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Hội An – Huế – Quảng Bình
Ngày 10:
Sáng ăn sáng ở Thiên Ấn đầy đủ các món cho Tây và Á, lần đầu tiên ăn rất nhiều đồ chiên (tôm lăn bột, chả cá, hoành thánh, chạo nem, khoai tây, thịt heo tẩm bột), bánh truyền thống, nhất là bánh hỏi và chả rất ngon. Nhân viên rất thân thiện nha.
Sau đó lên đường đi Eo Gió. Tập đoàn FLC đầu tư ở gần khu này, xây đường to rộng hoành tráng, giá 1 đêm 5 sao ở FLC 1,6tr nhưng mình thấy khu này hơi buồn nên về trung tâm Quy Nhơn. Eo Gió thu 25k/khách, do FLC đầu tư, quản lý, thu tiền. Thật bất ngờ vì mình đi cũng giữa trưa mà ra Eo Gió trời rất mát, gió tung nón áo, sóng vỗ ầm ầm, mùi biển, mùi đá, cỏ cây thơm tạo cảm giác thật yomost. Họ có xây con đường với tay vịn giả gỗ rất ăn ảnh. Không biết phải tả sao nhưng rất đẹp nhé.
Lái xe về thành phố Quy Nhơn nghỉ ở khách sạn Osaka. Nghe tên cũng biết là theo kiểu Nhật rồi, trang trí hoa anh đào này nọ, phòng theo tông màu tím, giá 650k mà chỉ được phòng ổn, còn buffet thì dở nên thành ra hơi đắt, nhân viên thì hơi lơ ngơ nhé.
Tối đó đi ăn bún chả cá Ngọc Liên, tô bún/bánh canh chả cá 30k, bún/bánh canh sứa và chả cá 35k, bún/bánh canh cá ngừ 40k. Bánh canh làm bằng bột lọc cực kỳ dai nhưng ăn cũng ngon lạ. Nước súp đậm đà vô cùng, chả cá và cá ngừ tươi ngon, đặc biệt một tô cực kỳ to.
Kinh nghiệm du lịch xuyên Việt: Sài Gòn – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Hội An – Huế – Quảng Bình
Ngày 11:
Ăn sáng ở Osaka cực kỳ ít món, chất lượng cũng ổn, nói chung đầu bếp nói đang mùa thấp điểm, ít khách nên đồ ăn ít.
Lái xe đi thăm gành đá dĩa, đường đi xa và sâu, lại nhỏ nữa, ven đường người dân phơi rơm nên chạy hơi chậm. Đến nơi mua vé 20k/khách. Cũng có vài nhà hàng, chỗ bán đồ lưu niệm và đặc sản. Đi bộ khoảng 150 m thì trông thấy ghềnh đá dĩa. Quả thật kì lạ và đẹp tự nhiên. Không nên bỏ lỡ chỗ này nhé các bạn, ngắm cảnh cũng đẹp mà chụp hình cũng đẹp luôn.
Lái xe về Nha Trang ở tại khách sạn 4 sao Angella, 3 Trần Hưng Đạo, 612k là giá rẻ nhất trong các khách sạn 4 sao rồi. Thật bất ngờ vì sân rộng rãi đậu xe, đất rộng, nhà hàng tiệc cưới, sảnh rộng, phòng rộng. Tuy nhiên tiếp tân và nhân viên hơi không chuyên nghiệp, ti vi trong phòng còn là ti vi loại cũ to đùng chứ không được màn hình phẳng đâu. Sáng hôm sau ăn sáng đồ ăn nhiều nhưng có vẻ không chất lượng lắm. Tuy là chê vậy nhưng giá đó và chất lượng đó thì cũng ổn rồi. Điểm cộng là phòng rộng có view, có bồn tắm, có chỗ đậu xe hơi, ăn sáng nhiều lựa chọn.
Tối đó đi ăn bánh căn Út Năm, 127 Nguyễn Bỉnh Khiêm ở vỉa hè. Bánh ngon nha, giòn ngoài trong mềm dai, nước mắm siêu ngon, có xoài giòn, tóp mỡ giòn béo, mỡ hành ăn thả ga, mực cực kỳ tươi, giá hạt dẻ 20k/dĩa 8 bánh. Sau đó sang quán nem nướng Vũ Thành An nổi tiếng mua phần nem nướng 40k, bún thịt nướng 35k. Nem nướng cực ngon, bánh tráng chiên cực kỳ giòn, nước chấm ngon tuyệt cú mèo mà còn nóng ấm. Mình thấy ngon hơn Nem nướng Đặng Văn Quyên. Tuy nhiên bún thịt nướng không ngon bằng Đặng Văn Quyên. Đổi lại sợ bún rất dai, mà mình thích thế. Quán này giá rẻ hơn bên kia nhưng nhân viên không có chuyên nghiệp bằng. Tại vì mình thấy Đặng Văn Quyên đối diện Vũ Thành An chủ yếu khách nước ngoài và du lịch, lại đang xây thêm cơ sở mới bên canh. Vũ Thành An có vẻ mang tính gia đình và không mở rộng kinh doanh.
Kinh nghiệm du lịch xuyên Việt: Sài Gòn – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Hội An – Huế – Quảng Bình
Ngày 12:
Ăn bữa sáng nhiều món ở Angella rồi lái xe thì tầm 17:00 tới TPHCM.
Chi phí: 19,500k, chi tiết như bên dưới
Xăng: 4,200k
Phí cầu đường: 930k (cao tốc và các BOT)
Gửi xe: 140k
Phí tham quan: 2,010k (em bé 3 tuổi và 1 tuổi không tính vé)
Khách sạn: 6,500k (phần lớn 4 sao)
Ăn: 1,740k (chủ yếu là đặc sản địa phương ăn vào buổi tối, ăn sáng đã bao gồm trong tiền phòng khách sạn, ăn trưa nhẹ với bánh và trái cây mua ở siêu thị)
Siêu thị: 5,130k (đồ ăn Hipp đóng lọ, cho em bé khoảng 1tr, sữa công thức 1 hộp 500k, tã 700k, nước đóng chai, sữa, sữa chua, trái cây, bánh ngọt các loại, áo phao cho 4 người 1,000k, máy sưởi 300k)
Phân tích: vì có em bé nên phần chi phí sữa, đồ ăn, mua áo phao, máy sưởi chiếm khoảng 4tr phần siêu thị. Nên chi phí cho 2 người lớn chỉ khoảng 15tr thôi. Nếu ở nhà thì bọn mình cũng tiêu tốn hơn 5tr tiền ăn và xài. Nên tóm lại thêm 10tr là đã có một chuyến đi tuyệt vời.
Kinh nghiệm du lịch xuyên Việt: Sài Gòn – Phú Yên – Quy Nhơn – Quảng Ngãi – Hội An – Huế – Quảng Bình