Di chuyển bằng xe máy chắc chỉ có dân đi bụi, đi phượt lựa chọn. Sau trải nghiệm đi tàu “tiết kiệm” sợ hết vía tôi chuyển qua đi xe máy về, cũng may vì thế nên biết đường chỉ lại cho bạn. Có nhiều đường để đi Sapa, tuy nhiên 2 đường chính là đi theo hướng Lai Châu và hướng qua Lào Cai lên Sapa.
Tuyến đường Hà Nội – Lào Cai rồi lên Sapa gần và dễ đi. Tuy nhiên đã gọi là đi phượt, trải nghiệm cảm giác đúng chất phượt thì bạn nên đi theo lối Lai Châu. Bạn sẽ được chinh phục hai trong “tứ đại đèo” huyền thoại của Tây Bắc là Khau Phạ dài 30km và Ô Quy Hồ dài hơn 50km.
Không chỉ thoải mái chinh phục các con đèo, thoải mái dừng nghỉ ngơi, chụp ảnh… đi xe máy còn giúp bạn tiết kiệm nhiều chi phí cho việc di chuyển. Mình đi xe wave alpha đời cũ chỉ mất khoảng 1,5 lần đổ xăng (130.000 VND) là có thể đi thoải mái quãng đường gần 400km, quá ổn cho một người đi bụi và kinh phí eo hẹp.
1. Đi phượt Sapa bằng xe máy theo hướng Lào Cai:
Cách 1: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phong Châu – Đoan Hùng – Yên Bái – Lào Cai – Sapa (Tổng đường khoảng 360km)
- Hà Nội – Vĩnh Phúc ( Các bạn đi qua Cầu Thăng Long, tới ngã 4 Tiền Phong rẽ trái hoặc tới ngã 4 Phú Cường rẽ trái đều được)
- Vĩnh Phúc qua thành phố Việt Trì, đi thẳng lên Đoan Hùng Phú Thọ
- Từ thị trấn Đoan Hùng bạn hỏi đường đi quốc lộ 70, chạy dọc theo quốc lộ 70 sẽ tới thành phố Lào Cai
- Tới thành phố Lào Cai hỏi đường quốc lộ 4D (hoặc đường đi Sapa)
- Bản đồ chi tiết hướng Lào Cai bạn xem tại đây
Cách 2: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cầu Phong Châu – Phong Châu – Đoan Hùng – dọc đường 70 – Lào Cai – Sapa (Tổng đường 370km)
2. Đi phượt Sapa theo hướng Lai Châu:
Lộ trình: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Thanh Sơn – Dọc QL32 – Sapa (Tổng đường hơn 420km)
- Hà Nội – Sơn Tây – Thanh Sơn dọc theo quốc lộ 32 bạn sẽ gặp con đèo Khau Phạ dài hơn 30km. Sau đó tới Mù Căng Chải và rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn
- Tới đây bạn lại được chinh phục con đèo Ô Quy Hồ dài 50km, chinh phục 2 trong tứ đại đèo huyền thoại Tây Bắc quả là một cung đường tuyệt vời phải không? Ngoài ra trên cung đường này các bạn có thể ghé qua Thác tình yêu, thác Bạc nằm ngay trên đường từ Ô Quy Hồ tới Sapa nữa đấy!
- Bản đồ chi tiết hướng Lai Châu bạn xem ở đây
KINH NGHIỆM PHƯỢT SAPA
3. Một số lưu ý cần phải biết cho dân phượt Sapa bằng xe máy:
- Về thời gian thích hợp đi du lịch Sapa:
Thời gian đẹp nhất là vào 2 khoảng thời gian tháng 3 và tháng 5, tháng 9 và tháng 11.
- Du lịch Sapa vào tháng 3 và tháng 5 thời tiết mát lạnh, buổi sáng có nhiều mây bồng bềnh ngay trước mắt bạn, mùa này là mùa lúa xanh, mùa xuân có hoa đào, hoa mận nở rộ rất đẹp. Không chỉ nổi bật với vẻ đẹp danh thắng mà mùa xuân còn có rất nhiều lễ hội thu hút khách du lịch tại sapa.
- Tháng 9 và tháng 11 là khoảng thời gian lúa đã chín, Sapa được phủ bởi một màu lúa chín vàng, thời tiết mát mẻ vừa phải, có thể ngắm toàn cảnh vẻ đẹp thung lũng mường hoa, những thửa ruộng bậc thang,…
Nhìn chung bạn có thể đi tour du lịch Sapa❤️ vào bất cứ mùa nào trong năm nhưng 2 thời điểm trên là 2 thời điểm thích hợp nhất bởi thời tiết Sapa ổn định: ngày nắng ấm nhẹ, đêm hơi lạnh. Bạn sẽ được thưởng thức Sapa chìm trong hoa sắc đua nở, những cánh đồng thửa ruộng bậc thang rộng lớn,…Đặc biệt vào cuối tháng 12 đến tháng 2 thời tiết trở nên rất lạnh và đôi khi còn có tuyết rơi ở Sapa.
- Về việc xác định thời gian xuất phát:
Trước khi xuất phát chuyến đi phượt, bạn nên xem dự báo thời tiết hoặc gọi điện hỏi ai đó quen ở Sapa về khí hậu hiện tại ở nơi đó. Sẽ rất vất vả nếu ở Sapa đang mưa vì đường xá lúc đó sẽ khá nguy hiểm, nhất là đoạn vượt Ô Qui Hồ. Mặc dù năm 2011, đoạn đường đèo đó đã có sự sửa chữa và nâng cấp xong để an toàn hãy đảm bảo những bạn cầm lái là những bạn chắc tay nhất nhé! Mọi người cũng đừng nên chọn phượt Sapa vào mùa mưa bão tầm tháng 7,8 nhé!
Đi xe ô tô mất gần 5 tiếng để lên Sapa, phượt xe máy chắc chắn sẽ lâu hơn nên các bạn cũng phải chọn thời gian phù hợp trong ngày để xuất phát, đến nơi còn nghỉ ngơi và kịp lúc vui chơi.
- Về những thứ cần chuẩn bị:
Quần áo + Tiền: đừng mang quá nhiều quần áo nếu bạn không muốn đôi vai của mình nhức mỏi suốt chuyến du lịch, và điều đó cũng thật bất tiện. Nếu đến Sapa vào mùa hè tuy ban ngày có thời tiết khá dễ chịu nhưng ban đêm sẽ có cảm giác se lạnh nên các bạn nhớ mang theo áo khoác mỏng. Còn về mùa đông thì nhớ đem theo áo khoác dày và ấm áp, đeo khẩu trang, khăn quàng để tránh bị cảm lạnh.
Về giày dép thì các bạn không nên đi giày cao gót, giày da hay các loại giày thời trang mà nên đi giày thể thao, giày leo núi hoặc nếu đi dép thì phải là dép có quai và có độ bám dính tốt.
Còn tiền, vì là đi phượt nên chi phí sẽ tiết kiệm hơn nhưng bạn và nhóm đi cùng bạn cũng nên họp bàn nhau về lộ trình chuyến đi, những nơi mình sẽ đến, thời gian là bao lâu rồi sau đó thống nhất chi phí, lên kế hoạch chi tiêu cho từng ngày và tính thêm khoảng 20- 50% đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra. Nếu đi một hoặc hai người, bạn có thể học theo công thức: Trước khi đi du lịch bày hết chỗ quần áo và tiền bạn định mang đi ra, hãy lấy nửa số quần áo đó và 2/3 số tiền.
Giấy tờ: nên mang theo CMND để thuê khách sạn, làm thủ tục thuê phòng, nếu ở homestay thì không cần thiết. Và đương nhiên, giấy phép lái xe + giấy tờ xe, vì bạn đi xe máy mà. Hơn nữa, giấy tờ và tiền bạc không nên để cùng hành lý mà nhớ mang theo bên người cho chắc chắn.
Xe máy: tốt nhất nên tân trang, bảo dưỡng xe máy của bạn ở nhà cho trơn tru trước đi nhé! Mang theo đồ sửa xe đơn giản ( đoạn vượt đèo mà thủng xăm hay hỏng xe thì khổ lắm ). Và nhớ đi đúng làn đường nhất là đoạn từ Lào Cai lên Sapa vì cảnh sát giao thông luôn sẵn sàng túc trực để bắt những ai đi sai làn đường, tránh những cung đường tối có thể gây ra nguy hiểm.
Một số thứ khác: khẩu trang cho chuyến đi phơi mặt ra đường, kem chống nắng, kính râm phòng đoạn trời quá nắng và bụi, đồ bảo hộ tay chân ( nếu có ) cho chuyến đi an toàn và trông cũng thật ngầu hơn nữa, bản đồ du lịch Sapa,…cuối cùng là sức khỏe và sự tỉnh táo của bạn.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ trở thành những kinh nghiệm du lịch Sapa có ích với bạn. Chúc bạn có một chuyến phượt Sapa an toàn và vui vẻ!