Quãng đường bộ từ thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đến thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) dài khoảng 210 km, đi qua quốc lộ 27…
Quốc lộ 27 là tuyến quốc lộ theo hướng Đông Tây, Nam Bắc, kết nối tỉnh Ninh Thuận thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ đến các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk thuộc khu vực Nam Tây Nguyên. Điểm đầu của quốc lộ 27 nằm tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), theo hướng Tây Bắc qua huyện Ninh Sơn, qua Đèo Ngoạn Mục đến thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng).
Từ đây, con đường chạy theo hướng Tây đến ngã ba Finom, rồi đến ngã ba sân bay Liên Khương trên quốc lộ 20 thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Từ ngã ba Liên Khương quốc lộ 27 tiếp tục theo hướng Tây Bắc đi lên phía Bắc qua các huyện Lâm Hà, Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng), huyện Lắk, Krông Bông, Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) và kết thúc tại ngã ba Km 5 trên quốc lộ 26 (còn gọi là ngã ba Hòa Bình) thuộc thành phố Buôn Ma Thuột.
Dưới đây là những hình ảnh ghi lại hành trình từ thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đến thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đi qua quốc lộ 27 trong chuyến song hành Tây Nguyên hồi cuối năm 2020 của mình.
Bắt đầu từ thành phố Đà Lạt, tụi mình đi theo hướng đèo Tà Nung. Những lúc phải tạm biệt Đà Lạt thiệt là không nỡ chút nào. Luyến tiếc làm sao không khí se lạnh thiệt thích! Luyến tiếc làm sao cảnh quan rừng núi mênh mông, những đồi thông xanh rì rầm kể chuyện tình ca…
Ngang qua làng hoa Vạn Thành.
Ngang qua chùa Vạn Đức.
Ngang qua Linh Ẩn Tự (chùa Linh Ẩn) và KDL Thác Voi.
Đường đi tương đối dễ và láng mịn, trơn tru. Tuy nhiên, có nhiều đoạn ở gần ranh giới với tỉnh Đắk Lắk là đường mặt sạn, hoặc đang làm, đầy ổ voi ổ gà, bụi mù mịt.
Khoảng cách 210 km nghe thì có vẻ ngắn, nhưng đi mới thấy mất cả ngày trời chứ chẳng chơi! Ngồi sau xe máy là ê ẩm mình mẩy hết cả luôn đó!
Cuối năm, những khóm hoa dã quỳ vàng rực cuối mùa đang cố bung nở cho hết.
Trước đất trời Tây Nguyên hùng vĩ, chợt thấy mình chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi, thực sự. Cảm ơn vận mệnh đã cho bản thân cơ hội được đi đây đi đó, ngắm nhìn những khoảng không bên ngoài vòng an toàn quen thuộc!
Chính thức rẽ vô quốc lộ 27.
Ngang qua một khu chợ.
Ngang qua Bửu Sơn Tự (thuộc xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Nghe nói ngôi chùa được gọi là chùa “ma khóc” và thu hút nhiều du khách quốc tế tò mò muốn ghé thăm.
Ngang qua giáo xứ R’Lơm.
Chặng đường từ Đà Lạt xuống Buôn Ma Thuột (hoặc ngược lại) là sự “trình diễn” của các cung đường đèo và dốc. Đèo nối tiếp đèo. Dốc nối tiếp dốc…
Một khúc cua hình chữ C đẹp mắt trên đèo Phú Sơn. Tiếc là tiết trời u ám, hẳn là cơn mưa lớn đang chờ tụi mình phía trước.
Tấm này đã chỉnh sáng và màu sắc à nha!
Ghé quán cà phê võng Hồng Yến tình cờ gặp trên đường để nghỉ ngơi ăn trưa. Đoạn này đã gần tới địa phận Đắk Lắk rồi. Nguyên chặng đường dài toàn qua đèo, đường vắng nên không có hàng quán gì nhiều đâu. Nhất là với người ăn chay như mình thì càng khó để kiếm quán chay.
Mình ăn đỡ mì gói. Suốt chuyến Tây Nguyên 7 ngày phải vài lần ăn mì gói như vậy vì không thể kiếm đồ ăn chay. Còn chị bạn đồng hành thì ăn bún bò hầm. Món này khá phổ biến ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên.
Đi tiếp xíu nữa là tới Đắk Lắk rồi đây!
Ngang qua khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar của tỉnh Đắk Lắk.
Các nhà bè nuôi cá trên hồ Nam Kar. Dọc đoạn này bạn sẽ thấy người ta bán cá hồ một nắng rất nhiều.
Ghé ăn xế bánh bèo ở huyện Lắk, Đắk Lắk.
Đường từ huyện Lắk đến thành phố Buôn Ma Thuột đi qua những cánh đồng lúa. Cảm giác thân thuộc như đang ở Bình Định quê mình vậy.
Ngang qua một cánh đồng hoa sao nhái (hoa cánh bướm, hoa bươm bướm), nơi người ta dựng các tiểu cảnh cho du khách thuê chụp hình.
Đoạn này ở gần lối rẽ vào núi Đá Voi Mẹ (Đá Voi Yang Tao, thuộc huyện Krông Bông). Tụi mình cũng tính ghé qua, nhưng tới đây thì trời đổ mưa tầm tã, coi như không có duyên với địa danh độc đáo ấy!
Cuối cùng thì cũng đến được thành phố Buôn Ma Thuột rồi đây! Dịp cuối năm, bạn sẽ gặp cảnh phơi hạt cà phê dọc khắp các nẻo đường Tây Nguyên như thế này.
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet.
Đăng bởi: Trúc Đào Vi