Tìm về Việt Nam
Alain Lê (54 tuổi) có bố mẹ đều là người Việt Nam sinh sống tại Pháp. Ông lớn lên tại thủ đô Paris. Lúc sinh thời, mẹ Alain thường xuyên kể về quê hương bà, nơi có cánh đồng lúa chín vàng, dòng sông đỏ lự phù sa, rặng dừa thẳng tắp… Bà cũng thường xuyên nấu cho ông những món thuần Việt, dù nguyên liệu châu Á không dễ kiếm ở Paris.
Mẹ Alain đột ngột qua đời trước đại dịch Covid-19, điều này làm ông cảm thấy đau buồn và suy sụp. Trong khoảng thời gian này, ông nghĩ nhiều về Việt Nam hơn và chăm chỉ học tiếng Việt.
“Từ khi mẹ qua đời, lòng tôi luôn thôi thúc ý nghĩ trở về Việt Nam”, ông nói. Tháng 5/2023, Alain hiện thực hóa ước muốn của mình bằng cách mua vé đến Việt Nam du lịch. Ông quyết tâm thực hiện hành trình phượt từ Bắc vào Nam để khám phá hết vẻ đẹp quê hương mẹ đẻ.
Đáng chú ý, thay vì lựa chọn xe máy hay ô tô, Alain quyết định dùng xe điện một bánh để bảo vệ môi trường, giá 90 triệu đồng.
Ông cho biết, loại xe này có thể đi được khoảng 150 km trong một lần sạc, dựa vào điều kiện đường sá, tốc độ tối đa là 90 km/h. Ông thường duy trì ở mức 30-40km/h, thời gian sạc pin nhanh chỉ mất từ 2-3 giờ. Tuy nhiên, bởi cấu tạo đặc biệt của xe điện một bánh, Alain hầu như phải đứng trong suốt hành trình.
Ngày 22/5, Alain xuất phát tại thủ đô Hà Nội, mang theo hành lý 20kg gồm quần áo, dụng cụ quay phim, pin sạc, máy tính… Hành trình được ông thực hiện trong 25 ngày đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Bình Thuận… đến TPHCM.
Đứng suốt hành trình nghìn cây số, ông cho biết mình chưa gặp vấn đề gì về xương khớp, thỉnh thoảng chân bị đau vào cuối ngày. Ông thường dừng nghỉ 15-30 phút nếu cảm thấy mệt.
“Ở Pháp, tôi cũng sử dụng loại xe này để đi làm, thường xuyên luyện tập thể thao nên không có nhiều trở ngại về sức khỏe. Ý chí bền bỉ là sức mạnh để đi tiếp”, Alain giải thích.
Những kỷ niệm đáng nhớ
Trong chuyến đi, Alain như tìm về những ký ức Việt Nam của mẹ. Ông ghé thăm Phong Nha (Quảng Bình) để cảm nhận được sự hùng vĩ của những ngọn núi và hang động. Alain cũng thật sự ấn tượng với cảnh biển quanh co theo chân núi trên đường đến Đà Nẵng. Khi đến Phú Sơn (Đồng Nai), ông được len lỏi qua vùng nông thôn với những con đường bé giữa đồng ruộng. Trước vẻ đẹp ấy, Alain thấy lòng mình đầy bình yên.
“Việt Nam như một kho báu ẩn giấu đang đợi người con xa quê như tôi đến khám phá”, Alain mô tả. Hơn hết, người đàn ông 54 tuổi còn có những kỷ niệm đáng nhớ về lòng tốt con người Việt Nam.
Trong chặng từ Quảng Ngãi đến Quy Nhơn, ông bất cẩn không chú ý pin chiếc xe có nguy cơ “chết đứng”. Trời tối mịt, xung quanh không có nhà dân, còi báo sắp hết pin réo lên liên tục khiến Alain không khỏi lo lắng.
“Tôi hoang mang vì không muốn phải đẩy xe với chiếc balo nặng trên vai. Tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là đón xe công nghệ, nhưng thú thật chẳng có ai quanh đó cả”, Alain nhớ lại.
Có 3 thanh niên địa phương thấy Alain di chuyển tốc độ khá chậm bèn hỏi chuyện. Họ đã đi cùng ông 30 phút để tìm nhà nghỉ gần nhất để ông sạc điện cho xe.
Lần khác, ông đến Vũng Tàu lúc 22h và tìm chỗ mua nước và sạc xe điện. Khi tìm đến cửa hàng nọ, họ đã đóng cửa nên người dân bên cạnh mời ông sang uống nước và dùng bữa cùng. Một người trong nhóm còn lo lắng ông sẽ phải đi dưới trời mưa nên đổi áo mưa tốt hơn cho ông.
“Tôi biết ơn lòng tốt và sự lương thiện của người Việt Nam. Họ nở nụ cười thân thiện. Một số ô tô đi ngang bấm còi khích lệ, tài xế giơ ngón tay cái ủng hộ tôi tiếp tục hành trình”, Alain kể.
Sau hành trình, Alain cho biết mình có ý định nghỉ hưu tại Việt Nam. Ông cho biết điều kiện sống ở TPHCM rất lý tưởng, đô thị phát triển nhanh và người dân thân thiện.
“Quan trọng nhất, tôi muốn ở Việt Nam bởi sự gắn bó về mặt tinh thần. Đây là nơi tâm hồn tôi cảm thấy thoải mái nhất. Tôi cho rằng Việt Nam là ngôi nhà thực sự của mình, dù tôi lớn lên ở Pháp”, Alain kể.
Chị Hiền Vy (ngụ Bình Thuận) là chủ quán cà phê Sạc, nơi anh Alain đã từng ghé qua. Chị đã hỏi chuyện và khá bất ngờ trước hành trình của người đàn ông 54 tuổi.
Theo chị Vy, Alain đã chuẩn bị rất cẩn thận cho hành trình cho mình, mũ bảo hiểm, đồ bảo hộ tay chân, kể cả việc ăn uống cũng rất kĩ càng. Hành lý của ông Alain khá cồng kềnh chủ yếu là các thiết bị quay phim.
Trò chuyện với Alain, chị cảm thấy anh có ý chí, nắng mưa đều không bỏ cuộc, chưa bao giờ có ý định đón xe khách về nhà. “Mỗi người chỉ sống có một lần nên có ý định làm gì thì hãy cứ thử. Vì nếu bạn không thử thì sẽ không có điều gì xảy ra cả”, chị Vy thuật lại lời Alain.