VH- Câu chuyện về chàng trai Việt quê ở Tiền Giang đi phượt bằng xe máy vòng quanh thế giới với một kế hoạch tỉ mỉ, khoa học gây sốt khắp cộng đồng mạng làm nhiều bạn trẻ háo hức ấp ủ những chuyến đi tương tự. Tuy nhiên, nhiều “người trong nghề” cho rằng, không phải ai đi phượt cũng làm được như vậy.
Theo đó, chàng trai sinh năm 1987 Trần Đặng Anh Khoa (quê Tiền Giang) có hành trình vượt hơn 20.000 km đi xe máy qua 23 quốc gia để đến Thủ đô Paris của Pháp. Là một chuyến đi khám phá theo đúng nghĩa nhưng số tiền anh bỏ ra cho hơn 150 ngày rong ruổi không hề nhỏ, ước tính các khoản hơn 10.000 USD, được anh chia ra cụ thể như: 20% là dành cho ăn uống, 25% cho chỗ ngủ, 10% cho xăng, 5% để sửa chữa, bảo dưỡng xe và 40% chi phí khác gồm ship xe, vé tàu, quần áo lạnh, visa, vé tham quan, đổi tiền, quà lưu niệm… Đáng chú ý, câu chuyện của Khoa còn khiến nhiều người lật lại chuyện hàng loạt bạn trẻ Việt khác cũng đi phượt nước ngoài lại bị “ném đá” chứ không được ngợi khen như Khoa khi chia sẻ những câu chuyện “phượt nước ngoài mà chi phí còn rẻ hơn phượt nước mình”.
Nam “phượt thủ” khoe ảnh ngủ trên đường qua đêm để tiết kiệm chi phí
Qua đó, cộng đồng mạng nhanh chóng “đào mộ” lại những bài viết kinh nghiệm phượt nước ngoài “hàng chục ngàn like” của các các bạn trẻ này. Đọc lại, nhiều người không khỏi giật mình với các chia sẻ kiểu: Đi Thái Lan chỉ với 150 ngàn đồng một ngày (tại bãi biển Samae); chuyến đi khám phá hàng loạt danh lam thắng cảnh các nước Đông Nam Á như giá rẻ đến bất ngờ của cô gái 23 tuổi hay chàng phượt thủ đi một loạt 5 nước Đông Nam Á hết 12 ngày mà chưa hết 6,5 triệu đồng (tính luôn tiền vé máy bay)… Để có những hành trình rẻ không tưởng mà người dân bản xứ còn chưa chắc đã làm được là: ăn nhờ, ở tạm và mặc cả mọi thứ trước để mua với giá “bèo” nhất có thể… Điển hình như cô gái Việt “hưởng thụ thoải mái” một ngày tại bãi biển Samae Thái Lan với tổng số tiền bỏ ra chỉ có 150 ngàn đồng bằng cách không sử dụng taxi hay xe buýt trung chuyển mà hoàn toàn lội bộ, đến lúc tham quan các đảo buộc phải mua vé 60 bath/người thì cô đã mặc cả xuống còn 30 bath/người… Nhưng “nể” nhất phải kể đến câu chuyện của anh chàng đi một loạt 5 nước Đông Nam Á hết 12 ngày mà chỉ hết 6,5 triệu đồng với “tuyệt chiêu” là suốt hành trình anh đã ngủ trên xe buýt 3 đêm, ngủ trên tàu hỏa 2 đêm, ngủ ở nhà ga tàu hỏa Bangkok một đêm, ngủ ở cây xăng một lần ở Chiang Rai, ngủ lang giữa đèo, ngủ nhờ trên ghế dựa của một bảo vệ vừa quen…; thức ăn là mì gói hay “tận dụng” chuyện xin thức ăn của những người quen trên hành trình. Những “phượt thủ” này mạnh miệng kêu gọi nhiều bạn trẻ khác hãy mạnh dạn “đi như họ” để thấy “cuộc đời đáng sống”.
Bạn trẻ đi phượt khoe vừa làm quen với một người bảo vệ ở Thái Lan và xin ngồi trên ghế của chú để ngủ nhờ qua đêm Ảnh: T.L
Hướng dẫn viên Tuấn Anh, người có hơn 10 năm dẫn các tour du lịch các nước khu vực châu Á cho biết cảm thấy ngượng khi nhiều bạn trẻ tự nhận bản thân đi phượt, giá quá rẻ mà được tham quan khắp các danh lam thắng cảnh tại nhiều quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Theo anh Tuấn Anh, các bạn đó nói quá sự thật bởi rất nhiều lần Tuấn Anh dẫn các đoàn khách sang các nước thấy những bạn (đi dạng này) chỉ đứng trước cổng các điểm du lịch chụp hình với “khu mặt tiền” rồi về. Thậm chí khi đi dạo quanh thành phố, không ít du khách trong đoàn thấy họ (người tự nhận là dân phượt trẻ đến từ nhiều nước) nằm, ngồi vất vưởng ở các bãi chờ xe buýt, nhà ga…, nhìn rất ái ngại.
Theo anh Tuấn Anh, không bàn đến chuyện sang hèn vì điều kiện kinh tế mỗi người mỗi khác, sở thích được “trải nghiệm” cũng khác nhau, tuy nhiên đã nói là du lịch phượt-khám phá thì ít ra phải đi theo cách văn minh, lịch sự nhất có thể chứ không phải bạ đâu cũng xin làm quen để được ngủ nhờ và ăn ké. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ khác từng “phượt” qua các nước trên (nhưng không được “giá hời” bất ngờ như các trường hợp trên) cũng chia sẻ thêm, tại các quốc gia như Campuchia hay Trung Quốc…, giá vé tham quan tại các điểm thường được họ bán trọn gói cho du khách nên rất đắt. Vì vậy các bạn chỉ đứng chụp với “cổng điểm đến” là phải. Ăn uống ở các nước này có giá từng món nhất định, bán theo từng suất chứ không phải muốn ăn nhiều thì mua nhiều, ăn ít thì mua ít, giá tàu xe cũng nhất định… Nên làm gì có chuyện ăn uống, di chuyển siêu rẻ, tham quan không tốn tiền, tất cả chỉ là “nói phét” nhằm câu like. Nhiều phượt thủ cho rằng tiết kiệm bằng cách “ăn nhờ ngủ bụi” và “đụng ai cũng xin” như vậy thì cần phải… xem lại, bởi nó không hề lịch sự, văn minh và đáng được nhân rộng và cổ vũ tí nào!
Trở lại chuyện của Trần Đặng Anh Khoa, đi phượt được khen vì ngoài việc xây dựng một kế hoạch đi tỉ mỉ, anh còn chuẩn bị kĩ càng mọi phương án ăn, ngủ để không “làm phiền” đến ai. Từ trường hợp này, những “phượt thủ” chân chính đưa ra lời khuyên cho các “phượt thủ nửa mùa” hãy thôi “nổ xuyên lục địa”. Mỗi người có một “khả năng” riêng trong việc tìm cách thích nghi trong từng hoàn cảnh nhưng xin đừng tự hào khoe về những chuyến đi phượt mang phong cách… “cái bang”.
Trần Lâm