Hướng dẫn leo núi Chứa Chan dễ nhất và đi đường ngắn nhất!
1. Giới thiệu núi Chứa Chan (Gia Lào)
Hướng dẫn leo núi Chứa Chan dễ nhất cho các bạn mới đi lần đầu. Như các bạn đã biết, núi Chứa Chan hay còn gọi là núi Gia Lào, Gia Ray, nằm ở huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Đây là ngọn núi cao thứ 2 ở Nam Bộ, với độ cao khoảng 840m và được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Đồng Nai. Núi chỉ cao sau núi Bà Đen ở Tây Ninh thôi.
Núi Chứa Chan hiện vẫn chưa phải là địa điểm du lịch nổi tiếng như núi Bà Đen với hàng trăm lượt người viếng thăm mỗi cuối tuần. Tuy nhiên trong 1,2 năm trở lại đây mình thấy ngày càng nhiều người nhắc đến núi Chứa Chan, nên cũng nhiều dân phượt tìm về chinh phục. Núi nằm cách Sài Gòn khoảng 110km về hướng Đông với gần 3 giờ chạy xe máy nên cuối tuần bạn có thể hoàn toàn đi về trong ngày được. Nếu thích bạn cũng có thể cắm trại qua đêm để sáng sớm hôm sau ngắm mây hoặc bình minh rất đẹp.
Con đường nhỏ vào núi Chứa Chan nhìn từ xa rất đẹp
2. Có 2 đường chính để leo núi Chứa Chan
Đó là đi theo đường chùa và đường cột điện. Hai đường này cũng giống như 2 đường chính và dễ nhất khi leo núi Bà Đen vậy. Bạn nào đã quen với núi Bà Đen thì leo núi Chứa Chan sẽ còn dễ hơn nữa.
- Nếu đi theo đường chùa, các bạn đi cáp treo hoặc leo bậc thang tới chùa Gia Lào nằm ở lưng chừng núi, rồi từ đó đi bộ lên đỉnh núi theo đường mòn. Đường này đoạn đầu đông đúc ồn ào, đoạn sau dễ lạc nên ít được ưa chuộng bằng đường cột điện.
- Nếu đi theo đường cột điện, bạn chỉ việc đếm cột điện và đi theo đường mòn bên cạnh cho tới khi lên tới đỉnh. Đường cột điện là dễ nhất và được nhiều phượt thủ chọn nhất.
Tham khảo thêm: Leo núi Bà Đen – Dễ hay Khó?
Bài viết bên dưới mình giới thiệu với các bạn cách đi từ Sài Gòn đến núi Chứa Chan theo đường ngắn nhất và đường leo cột điện dễ nhất.
3. Đường đi từ Sài Gòn đến núi Chứa Chan
Đường đi từ Sài Gòn đến núi Chứa Chan khá dễ. Các bạn đi theo hướng về Suối Tiên, xuất phát từ cầu Sài Gòn hoặc hầm Thủ Thiêm đều được. Tiếp tục ra xa lộ Hà Nội (QL52) thẳng xuống cầu Đồng Nai. Sau khi vừa qua cầu Đồng Nai và trạm thu phí Đồng Nai, bạn quẹo tay phải để vào QL51. Từ QL51 đi thẳng đến đường Võ Nguyên Giáp. Chú ý khúc này bạn đừng rẻ phải QL51 nhé, nếu không sẽ chạy thẳng về Vũng Tàu luôn đó. Đường Võ Nguyên Giáp này khá lớn và ít xe, đường rộng rãi chạy rất thoải mái. Đi đường này sẽ ngắn hơn 1 đoạn so với đường qua TP. Biên Hòa.
Hầu hết các bài trên mạng hiện tại đều hướng dẫn đi qua TP. Biên Hòa, ngã 3 Hố Nai và ngã 3 Trị An. Tuy nhiên đường này xa hơn và đông hơn so với bạn đi theo QL51 -> Võ Nguyên Giáp.
Cuối đường Võ Nguyên Giáp bạn quẹo phải để vào lại QL1A. Từ đây bạn chạy thẳng 1 mạch qua huyện Trảng Bom, qua ngã tư Dầu Giây, qua huyện Long Khánh. Vào huyện Long Khánh chạy 1 lúc bạn sẽ gặp 1 vòng xoay nhỏ, lúc này bạn để ý chạy thẳng chếch bên trái 1 chút để vào đường Nguyễn Văn Bé (Hồ Thị Hường) sẽ gần hơn 1 đoạn. Tiếp tục rẽ vào QL1A chạy 1 đoạn nữa, khi gần tới ngã 3 với đường Hùng Vương (DT766) các bạn để ý bên trái có 1 con đường nhỏ dẫn thẳng đến chỗ gửi xe leo núi Chứa Chan. Ở đầu đường nhỏ có cái bảng 10T. Trên bản đồ Google Map nó có tên là Hiệp Tiến. Đi đường này hoàn toàn ít xe và cảnh đẹp hơn nhiều so với đường Hùng Vương.
Đương đi từ Sài Gòn đến núi Chứa Chan
3.1. Mình tóm tắt đường đi như sau
Hầm Thủ Thiêm -> Mai Chí Thọ -> QL52 -> QL1A -> Cầu Đồng Nai -> Vừa qua trạm thu phí Cầu Đồng Nai -> (Quẹo Phải) -> QL51 -> Võ Nguyên Giáp (Thẳng hoài) -> (Quẹo phải) QL1A -> Nguyễn Văn Bé, Hồ Thị Hương -> QL1A -> (Quẹo trái) -> Hiệp tiến -> Ngã 3 Ông Đồn -> Chỗ gửi xe leo núi Chứa Chan
3.2. Chỗ gửi xe leo núi Chứa Chan
Chỗ gửi xe để leo núi Chứa Chan có bảng cắm bên ngoài nên rất dễ thấy. Đây cũng có bán nước giải khát, các loại cồn, than cho việc nấu nướng, cắm trại nên bạn mua luôn ở đây cũng được. Giá gửi xe là 10.000VNĐ/chiếc nhé. Bên cạnh quán là con đường nhỏ dẫn thẳng lên núi.
Bảng giữ xe leo núi Chứa Chan nằm ở ngoài nên chạy ngang rất dễ thấy
4. Leo núi Chứa Chan theo đường cột điện
Các bạn gửi xe rồi đi men theo con đường nhỏ bên cạnh quán nước để lên núi, bắt đầu đếm cột điện đầu tiên là cột số 20 nhé! (không phải cột 1). Có tổng cộng 145 cột điện. Núi Chứa Chan nhìn chung dễ đi hơn leo núi Bà Đen, độ dốc cũng ít hơn nhưng cảnh thì đẹp hơn nhiều.
Những cột điện đầu tiên khi bắt đầu leo núi Chứa Chan. Đoạn đầu khá nắng và ít bóng râm do nhiều cỏ lau, ít cây lớn có tán rộng.
Có một số đoạn cỏ lau mọc che gần hết đường mòn. Khung cảnh nhìn rất đẹp
Cỏ mọc xanh rì, cao vút, có những đoạn cao quá đầu người
Càng lên cao các bạn càng thấy được khung cảnh nhìn từ núi Chứa Chan xuống khá đẹp.
Càng lên cao bạn sẽ thấy nhiều cây cối rậm rạp, tre trúc cũng nhiều hơn nên bóng mát cũng nhiều. Đặc biết khi đi vào đoạn rừng trúc thì khá mát mẻ. Bạn sẽ đỡ mất sức hơn so với đoạn cỏ lau ở phía dưới.
Rừng tre trúc um tùm lá, rất thích hợp để nghỉ chân 1 lúc
4.1. Cẩn thận bị lạc ở cột điện 98
Ở cột điện thứ 98, các bạn chú ý rẽ trái nhé! Chỗ này nhóm nào đi ban đêm sẽ rất dễ bị lạc. Do từ cột điện 98 sang cột điện 99 thì cột 99 nằm ở hướng bên phải. Nếu đi ban đêm sẽ khó nhìn thấy được đường dây điện mà chỉ nhìn theo cột điện là sẽ lạc ngay. Bạn nào đi ban ngày nhìn theo đường dây điện sẽ ít lạc hơn.
Nhớ rẽ trái khi qua cột điện 98 nhé! Nhìn đường dây điện chứ đừng nhìn cột điện 99
Do mình đi vào mùa khô nắng nóng nên các con suối nhỏ đều cạn khô nước. Tuy nhiên đến khoảng cột 115 mình có gặp 1 con suối nhỏ có nước chảy qua. Các bạn nếu gặp có thể dừng chân rửa mặt, nghỉ ngơi lấy lại sức.
Con suối nhỏ cạn gần khô, nhưng vẫn còn chút nước róc rách chảy qua
Sau khi ra khỏi rừng trúc, khoảng từ cột 115 trở lên, thì sẽ ít cây lớn mà chỉ còn đá và các cây cỏ tầm thấp xung quanh. Nếu đi ngày nắng thì sẽ rất mất sức nên bạn nào đi nhớ để ý. Càng lên cao tầm nhìn toàn cảnh càng thoáng hơn.
4.2. Bãi cắm trại ở cột điện 134
Lên tới cột 134 là các bạn có thể cắm trại được rồi. Khu vực này có 1 bãi đất bằng phẳng và 1 view nhìn ra khá đẹp. Bạn nào cắm trại tại đây có thể sống ảo với view “sáng sớm thức dậy ở 1 nơi xa” là đúng chuẩn :))
View nhìn từ bãi cắm trại ở cột 134
Các bạn đi tiếp 10 cột nữa là gặp trạm thông tin bộ đội trên đỉnh núi. Cột cuối cùng là cột 145. Nhưng ngay cột 144 có khu rừng tràm bằng phẳng có thể cắm trại được.
Trạm thông tin liên lạc trên đỉnh núi Chứa Chan
Đặc biệt từ cột 134 đi lên, các bạn sẽ bắt gặp 1 cụm mỏm đá nhìn ra toàn cảnh bên dưới. Chỗ này chụp hình phải nói là rất tuyệt.
Khung cảnh nhìn từ mỏm đá ở khoảng cột 140, gần như toàn cảnh bên dưới
Ngồi đây chụp hình phải nói là quá tuyệt
Có một số lưu ý nhỏ là từ cột 70 – 80 có độ dốc khá cao, nhiều đá khó leo. Nhưng lên đến cột 90 – 100 thì đường lại thoai thoải rất dễ đi.
5. Leo núi Chứa Chan cần chuẩn bị những gì?
Để 1 chuyến leo núi Chứa Chan (Gia Lào) thành công trọn vẹn, các bạn cần chuẩn bị một số thứ cơ bản như sau:
- Nước: khoảng 2 lít nếu đi trong ngày hoặc 3l-4l nếu ngủ qua đêm
- Đồ ăn nhẹ dọc đường như: socola, bánh kẹo,…
- Đồ ăn chính bữa trưa, tối: thường là đồ khô như xúc xích, bánh mì chà bông, hoặc các bạn cũng có thể mang theo đồ nướng BBQ hoặc nấu cơm, cháo tùy thích
- Thuốc: đau bụng, nhức đầu, bông băng, thuốc đỏ,…
- Giấy vệ sinh khi cần
- Gậy leo núi nếu có, không thì cũng chẳng sao
- Mặc đồ thoáng mát, nhẹ nhàng. Nếu leo đêm thì các bạn cần thêm áo lạnh, dài tay. Vì ban đêm trên núi rất lạnh
- Đèn pin cầm tay hoặc đội đầu nếu leo đêm
- Pin sạc dự phòng nếu cần
- Thêm 1 bộ quần áo để thay khi lên tới đỉnh núi
- Lều, bạt nếu ngủ qua đêm
- Và 1 số thứ riêng khác tùy mỗi người.
6. Lời kết
Leo núi Chứa Chan rất dễ nếu đi theo đường cột điện, hầu như các bạn sẽ không bị lạc nếu đi ban ngày. Tuy nhiên gặp ngày trời nắng nóng thì khá mất sức do có những đoạn rất ít cây lớn có bóng râm. Thông thường bạn sẽ mất khoảng 3h-4h để lên tới đỉnh và khoảng 1h30-2h30 để đi xuống. Hiện ngày càng có nhiều người chọn núi Chứa Chan là nơi khám phá núi rừng và hòa mình cùng thiên nhiên, tránh xa sự xô bồ thành thị vào những ngày cuối tuần.
Chúc các bạn chinh phục thành công núi Chứa Chan!