Từ trước tới nay, võng vẫn luôn là một vật dụng rất quen thuộc với chúng ta. Nhiều người ưa thích việc nằm võng hơn cả việc nằm trên những chiếc giường lớn. Bởi họ cảm thấy thoải mái và dễ đi vào giấc ngủ hơn khi chiếc võng đung đưa.
Mặc dù yêu thích nằm võng nhưng không phải ai cũng nằm võng đúng cách. Mọi người vẫn thường cho rằng chỉ cần nằm sao thoải mái là được. Nhưng thực tế thì nằm võng cũng cần có cách đúng, nếu không sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Trong khi nếu biết cách nằm đúng thì sẽ mang tới nhiều lợi ích bất ngờ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ nằm võng như thế nào là đúng. Đừng bỏ lỡ bài viết nếu bạn thường xuyên nằm võng mà chưa chắc chắn cách nằm của mình có đúng hay chưa nhé.
1. Nằm võng đúng cách như thế nào?
Từ lâu, võng đã rất được ưa chuộng và sử dụng phổ biến. Mọi người thường mắc võng ra sân vườn để nằm ngủ, thư giãn hoặc hóng mát vào mùa hè. Vừa nằm võng vừa nghe nhạc hay đọc sách, xem báo, xem tivi…sẽ mang lại cảm giác tuyệt vời, cơ thể được thả lỏng tối đa. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, cần phải nằm võng đúng cách để tốt cho sức khỏe và ngăn những tác hại không đáng có. Áp dụng ngay những cách nằm võng đúng dưới đây.
1.1. Không buộc dây võng quá căng
Nhiều người cho rằng việc buộc võng càng căng, càng chặt sẽ càng đảm bảo an toàn khi ngủ. Thế nhưng thực tế lại không phải vậy. Đôi khi không phải cứ buộc chặt và căng thì mới tạo sự chắc chắn, chỉ cần buộc chắc chắn chỗ thắt nút dây võng là được. Thay vào đó, hãy buộc võng có độ võng trũng nhất định.
Bởi vì khi buộc quá căng và chặt vô tình sẽ gây ra hiệu ứng kén. Nó khiến cho chiếc võng bị bóp lại giống như chiếc kén. Buộc càng căng chặt thì mặt lưới võng càng bị bóp nhỏ lại. Do đó, khi người nằm xuống sẽ bị bóp vai và cong lưng một cách khó chịu.
Tốt nhất nên buộc võng có độ trũng xuống như hình mặt cười. Phần dây võng và trụ buộc dây võng tạo một góc khoảng 30 độ sẽ là lý tưởng nhất. Đây là mẹo quan trọng nhất để giúp bạn nằm võng thoải mái hơn. Độ võng sâu cũng làm giảm trọng tâm, giúp võng ổn định hơn và khó rơi ra ngoài hơn.
Nếu là loại võng xếp, võng thường có các thanh chống cho khung võng gọi là tay chống. Trên mỗi tay chống sẽ có 3 đến 4 rãnh như là các gờ để điều chỉnh độ cao thấp cho võng. Để võng vững chãi và không bị chông chênh thì cần phải chỉnh tay chống nằm ở các gờ bằng nhau. Khi đó, mặt võng được thăng bằng và có độ cao so với mặt đất đều nhau. Thường ở võng xếp thì nhà sản xuất đã đưa ra các mức độ cao phù hợp để sử dụng, chỉ cần điều chỉnh theo hướng dẫn là được.
1.2. Nằm ngủ với tư thế đúng
Để võng cân bằng và không bị nghiêng, đổ, rơi ra ngoài khi ngủ thì nên ngủ ở giữa lưới võng. Không nằm nghiêng sang một bên hoặc lệch lên hoặc xuống một đầu võng, nó sẽ khiến cho bạn không có tư thế nằm ngủ đúng và thoải mái.
Nhiều thường nằm võng ở giữa và thẳng so với hai đầu võng. Nhưng khi nằm với tư thế thẳng trên võng thì sẽ tạo thành một độ trũng nhất định. Lúc này lưng của bạn chịu một áp lực lớn và dễ bị đau mỏi lưng và cột sống. Phần đầu sẽ bị nâng lên cao hơn khiến cho tuần hoàn máu lên não gặp khó khăn, não bộ hoạt động kém hiệu quả và dễ bị chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu khó chịu khi nằm ngủ. Các triệu chứng này đặc biệt rõ rệt ở những người mắc chứng rối loạn tiền đình, huyết áp thấp…Ngoài ra, ở tư thế nằm thẳng này thì phần bụng có độ gập lại nhất định khiến việc hít thở cũng khó khăn hơn, do xương cột sống bị cong nên đè ép lên phổi.
Lời khuyên dành cho các bạn là nên nằm chéo trên chiếc võng. Di chuyển chân của bạn sang phải và di chuyển đầu của bạn sang trái. Nếu bạn đã treo võng đúng cách thì khi ngủ với góc nghiêng chéo này bạn sẽ thấy rằng bạn có thể nằm gần như bằng phẳng không khác gì nằm trên giường nhưng với một sự nhẹ nhàng hơn.
Lúc này bạn sẽ dễ dàng hít thở, đồng thời võng cũng giúp phân tán áp lực lên cơ thể đồng đều. Nói cách khác, lưới võng nâng đỡ cơ thể tốt hơn, khiến cho áp lực của cơ thể ít hơn. Người nằm sẽ thấy thoải mái và được thả lỏng. Tay chân, lưng, cổ, vai gáy không bị đè ép. Cột sống cũng được duy trì ở tư thế thẳng tự nhiên, giảm nguy cơ bị cong vẹo và đau nhức lưng.
1.3. Nâng phần một bên võng lên cao hơn
Trong một số trường hợp, cơ thể bạn có thể trượt tự nhiên đến giữa võng, điều này đôi khi có thể gây khó chịu. Mặt khác, nó cũng khiến cho chiếc võng bị lệch đi. Để tránh bị trượt và lệch mặt lưới võng hãy thử nâng một bên dây của của võng cao hơn so với bên còn lại. Điều này giúp giữ cho phần thân nặng hơn của bạn không bị trượt vào giữa, tạo nên sự cân bằng và thăng bằng cho chiếc võng.
1.4. Sử dụng gối đầu và miếng đệm kê chân
Khi bạn ngủ trên võng thì cảm giác cơ bắp phần chân của bạn bị căng ra và gây nhức mỏi khi thức dậy. Thêm vào đó, khi nằm thẳng thì áp lực lên phần lưng và cột sống cũng sẽ nhiều hơn. Để giảm áp lực cho chân, lưng và cột sống thì bạn nên sử dụng một miếng đệm để kê phần đầu gối. Có thể dùng miếng lót, một cái chăn gấp lại hoặc một chiếc gối nhỏ đặt bên dưới đầu gối. Cách này giúp giảm áp lực lên các bộ phận như bắp chân, lưng và cột sống. Đồng thời khi kê chân ngủ bạn sẽ thấy thoải mái hơn và ngủ ngon hơn.
Cùng với đó, bạn cũng nên sử dụng gối đầu để giữ cho phần cổ và đầu được nâng đỡ tốt hơn. Mặt khác, nó cũng giúp cổ và đầu không bị vẹo hay lệch sang một bên khi ngủ, tránh đau mỏi cổ khi thức dậy.
1.5. Một số lưu ý để đảm bảo an toàn khi sử dụng võng
- Để tránh bị ngã nguy hiểm, đừng treo võng cách mặt đất quá cao. Khi nằm xuống thì phần trũng xuống của võng so với mặt đất cách khoảng 45cm là phù hợp.
- Không treo võng trên mặt nước, gần các hố đất, vực sâu, con dốc. Không treo võng phía trên bàn hoặc các vật sắc nhọn.
- Không mắc võng vào các vật có thể di chuyển như xe kéo, xe đẩy…Không treo trên cành cây khô, cây chết.
2. Lợi ích khi nằm võng đúng cách
Nằm võng sẽ có hai mặt lợi và hại. Nếu nằm võng đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, trong khi nằm sai cách sẽ đem tới những nguy hại nhất định. Chúng ta cũng đã tìm hiểu cách nằm võng đúng ở trên. Vậy tại sao phải nằm võng đúng cách? Nó có ý nghĩa như thế nào tới sức khỏe?
Chuyển động đung đưa của võng có thể khuyến khích giấc ngủ sâu hơn. Khẳng định này đã được chứng minh trong một nghiên cứu nhỏ năm 2011. Theo đó, có 12 người đàn ông thực hiện thí nghiệm, họ ngủ trưa 45 phút trên giường và võng vào hai ngày khác nhau. Kết quả cho thấy những người ngủ trưa trên võng sẽ chuyển từ trạng thái tỉnh táo sang ngủ nhanh hơn và giấc ngủ kéo dài hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, chuyển động đung đưa của võng có thể tạo ra nhịp điệu ảnh hưởng tới giấc ngủ, giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn. Sự đung đưa nhẹ cũng có thể thúc đẩy sự thư giãn bằng cách tạo ra cảm giác êm dịu. Cũng vì vậy mà võng cũng được cho rằng sẽ giúp cải thiện chứng mất ngủ hiệu quả.
Nghiên cứu thực hiện ở giấc ngủ trưa có thời gian ngắn mà không phải là giấc ngủ vào ban đêm. Mặt khác, nhiều người cho rằng việc ngủ quá nhiều trên võng khiến gây ra nhiều bệnh lý về xương khớp và cột sống. Vì vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên ngủ võng chỉ vào thời gian ngắn. Không nên ngủ võng qua đêm vì chưa thực sự chứng minh được tác dụng của nó trong thời gian dài.
Ngoài ra, nhiều người khi nằm võng cảm nhận được sự thoải mái, dễ chịu, giảm áp lực cho cơ thể. Mọi người tìm đến võng như cách để nghỉ ngơi, thư giãn và thả lỏng cơ thể cũng như tâm trạng.
Nằm ngủ trên võng cũng giúp hạn chế bệnh tật tốt hơn so với việc nằm ngủ trên sàn nhà. Hay nếu bạn ngủ bên ngoài trong một chuyến du lịch dã ngoại chẳng hạn, thay vì ngủ trên nền đất thì hãy sử dụng chiếc võng. Nó sẽ giúp bạn ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, côn trùng trên mặt đất, sàn nhà. Hơn nữa, nó cũng sẽ đảm bảo cho bạn không bị cảm lạnh vì hơi lạnh thoát ra từ bên dưới đất, mặt sàn.
Nhiều người vì sở thích nên lựa chọn ngủ trên võng, một số người lại vì một điều kiện bắt buộc nào đó. Nhưng nhìn chung, ngủ trên võng trong thời gian ngắn mang tới những lợi ích thiết thực như giúp ngủ ngon, giải tỏa áp lực…Dù vậy, điều quan trọng là phải nằm võng đúng cách. Nếu nằm võng sai cách thì rất có thể sẽ phản tác dụng, khiến bạn khó ngủ và cơ thể chịu nhiều áp lực hơn. Vì vậy, hãy nằm võng theo đúng cách mà chúng tôi vừa nêu ra ở trên. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và có cơ thể khỏe mạnh hơn sau những giấc ngủ ngắn trên chiếc võng của mình.