Quan Sơn là huyện nằm phía tây tỉnh Thanh Hóa, có cửa khẩu quốc tế Na Mèo thông thương với nước bạn Lào, có 2 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được Tỉnh xếp hạng, có trên 200 thác, suối và hang động lớn nhỏ, độ che phủ rừng đạt trên 82% và là huyện dồi dào kho tàng văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch diễn ra quanh năm. Huyện Quan Sơn có núi non hùng vĩ, trùng điệp, mảnh đất “sơn thủy hữu tình” này còn ẩn chứa trong mình khá nhiều danh thắng lung linh sắc màu huyền thoại, gắn liền với đời sống của cư dân, và vô cùng hấp dẫn thu hút được sự chú ý của nhiều người như: động Bo Cúng, bản Chanh, xã Sơn Thủy; động Nang Non, bản Păng, xã sơn Lư; Thác bản Nhài, bản Nhài, xã Sơn Điện; Thác Pa, bản Pa, xã Tam Thanh; Thác Ma Hao, bản Din, xã Trung Hạ và Suối nước nóng, bản Khạn, xã Trung Thượng. Tuy chưa phải là điểm đến nổi tiếng, song xét về tiềm năng du lịch, Quan Sơn có thể xem là một trong những địa phương có nhiều lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp “không khói”. Với rất nhiều lợi thế về sinh thái tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và văn hoá, phong tục tập quán truyền thống huyện Quan Sơn sẽ phát triển tốt các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng. Để phát triển du lịch, thời gian qua, Quan Sơn đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 28 tháng 01 năm 2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy, đề án số 522/QĐ-UBND, ngày 03 tháng 4 năm 2013 của UBND huyện về Ban hành đề án phát triển Văn hóa và Du lịch giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2025. Nhằm khai thác triệt để tiềm năng phát triển du lịch sẵn có của địa phương huyện Quan Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch: quy hoạch xây dựng phát triển du lịch vùng huyện Quan Sơn, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch động Bo Cúng, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 điểm du lịch động Nang Non, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 điểm du lịch Thác bản Nhài.
Huyện Quan Sơn có 13 đơn vị hành chính gồm 12 xã và Thị trấn Quan Sơn trong đó có 6 xã biên giới với chiều dài 64 km đường biên giới giáp với 2 huyện Viêng Say và huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Dân số có 37.343 người, với 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mường, Kinh, Mông, trong đó dân tộc Thái chiếm tỷ lệ 81,14% dân số. Quan Sơn còn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có quốc lộ 217chạy qua và cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Dân cư của Quan Sơn là một cộng đồng nhiều dân tộc cùng sinh sống (Thái, Mường, Kinh và Mông). Mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán, tiếng nói, trang phục, những món ăn đặc thù với bản sắc và truyền thống văn hoá khác nhau. Con người Quan Sơn nhân ái, thuỷ chung, cương nghị, hiếu khách, có truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống đoàn kết thương yêu, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất.
Các loại hình văn hóa dân gian vẫn còn lưu giữ trong sinh hoạt văn hoá của đồng bào dân tộc, như: Khặp Thái, hát ru, múa sạp, cồng chiêng, khua luống người Thái và Lễ hội Mường Xia dân tộc Thái ở xã Sơn Thủy; hiện vẫn đang được các dân tộc gìn giữ. Điều này đã tạo cho Quan Sơn những tiềm năng phát triển du lịch cụ thể sau:
1. ĐỘNG BO CÚNG – VẺ ĐẸP CỦA TẠO HÓA.
Với chiều dài hơn 1000m du khách sẽ ngỡ ngàng và ấn tượng trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của động Bo Cúng nằm trên địa danh bản Chanh, xã Sơn Thủy. Du khách có thể chiêm ngưỡng những kỳ tác thiên nhiên theo trí tưởng tượng đó là những lâu đài thạch nhũ đủ màu sắc hình khối: hình người như tượng phật tọa trên đài sen, ông già ngồi câu cá; hình gà chọi nhau, nương lúa, nương ngô vàng ruộm và những cánh rừng trải dài bất tận và có khi là một cung điện nguy nga lấp lánh… Cùng với suối nước nóng, hang động tự nhiên kỳ thú, chắc chắn động Bo Cúng sẽ là sự lựa chọn lý tưởng để du khách dừng chân thưởng ngoạn.
2. SUỐI XIA – MẠCH SỐNG VÀ TÂM HỒN ĐỒNG BÁO THÁI QUAN SƠN
Dòng suối Xia trải mình trên bãi đá cuội, dỡn đùa với nắng hồng rực rỡ. Trong sắc hoàng hôn khi chiều về, suối Xia lại hóa mình thành bức tranh thủy mặc huyền bí…Ẩn hiện thấp thoáng giữa núi rừng hoang sơ, dòng suối Xia trong xanh, hiền hòa uốn lượn quanh dãy núi Bo Cúng như kể cùng du khách về chuyện làng, chuyện bản…Suối Xia còn đặc biệt với mạch nước nóng, là điểm giao hòa của tình hữu nghị Việt – Lào. Tại cửa khẩu Na Mèo bạn thăm thú phiên chợ vùng cao, ngắm dòng suối Xia men theo các chân núi đá vôi thơ mộng, rồi hòa vào con sông Luồng tạo nên vùng ngã ba sông – suối, đây cũng chính là nơi sầm uất nhất và là trung tâm của đất Mường Chu Sàn.
Nằm ngay giữa bản Chung Sơn, gần sát nền móng ngôi nhà ở của Tư Mã Hai Đào. Người Mường Xia coi Tư Mã Hai Đào như một vị thần giữ vía cho cả Mường. Toàn bộ cư dân Mường Xia đều gửi vía vào một hòn đá gọi là “Hòn đá vía” tiếng Thái gọi là “Lặc Mắn” để cầu ông giữ vía cho cả Mường.
3. NÚI PHA DÙA – DẤU ẤN VỀ CÂU CHUYỆN TÌNH BI AI NỔI TIẾNG
Nằm trên bản Thủy Sơn, núi Pha Dùa với phong cảnh núi non hùng vĩ thơ mộng gắn với câu truyện tình bi ai của đôi trai tài gái sắc Mường Xia, Mường Mìn. Tương truyền rằng, xưa kia là nơi đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Cô gái là nàng Lá Nọi – con gái một nhà lang đạo giàu có nổi tiếng khắp vùng Mường Mìn. Chàng trai lag con nhà tạo Mường Xia, nhưng gia đình khốn khó, không tương xứng với ông Tạo Mường Mìn. Mối tình của họ không được cha mẹ cô gái chấp nhận, họ quyết gả bán cô cho một nhà tạo giàu sang. Không chấp nhận hôn nhân không có tình yêu, bất chấp sự ngăn cấm của cha mẹ, anh em họ hàng, họ vẫn đến với nhau bằng yêu tha thiết, thề nguyền mãi mãi bên nhauc, cùng chết bên nhau để biến vào núi Pha Dùa và lên đỉnh núi cao làm thần hai Mường.
Từ đó, mỗi độ xuân về trai gái Mường Xia có tục du xuân vào hang Dùa cầu duyên, cùng nhau chơi cát bên chân núi, ném còn ngoài bãi sông và lắng nghe lời tình tự của đôi trai gái Mường Xia- Mường Mìn năm xưa.
4. ĐỀN THỜ TƯ MÃ HAI ĐÀO
Được bà con Mường Xia lập tại bản Chung Sơn ngay sau khi Tư Mã Hai Đào mất để tiện việc hương khói thờ phụng và tưởng nhớ người đã có công gìn giữ biên cương trấn ải, xây dựng bản mường trù phú, đông vui. Cũng từ đó, mỗi khi trong Mường có con em đi bộ đội hay làm ăn xa, thường mang một cái áo của người sắp lên đường đi xa lên đền thờ thắp hương xin ông phù hộ cho chân cứng, đá mềm. Như một lời nguyền thần bí hiệu nghiệm, tất cả những người được gửi vía và giữ vía tại đền và tại Hòn đá vía đều gặp may mắn, bình an nơi trận mạc trở về.
5. LỄ HỘI MƯỜNG XIA
Lễ hội Mường Xia – một lễ hội truyền thống gắn với huyền sử về cuộc đời binh nghiệp của Tư Mã Hai Đào thế kỷ XVII và câu chuyện tình Pha Dùa thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc.
Mường Xia còn gọi là Mường Chu Sàn vùng đất sơn thủy kỳ thú, nơi giao hòa của dòng suối Xia bắt nguồn từ đất nước bạn Lào đổ về Việt Nam. Khi mùa xuân còn vương trên sắc đào hồng thắm là thời điểm diễn ra lễ hội Mường Xia. Vào các ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch thường niên, hàng vạn đồng bào vùng cao biên giới Việt – Lào cùng du khách muôn phương nô nức kéo nhau về thủ phủ Mường Xia trẩy hội cầu may, cầu phúc và cầu duyên…
Trong không gian lễ hội, du khách được tận mắt chứng kiến một nghi lễ văn hóa tâm linh đặc biệt đó là tục cúng tế “Hòn đá vía” nhằm bày tỏ lòng tri ân thành kính đối với người anh hùng Tư Mã Hai Đào đã có công bảo vệ bờ cõi biên cương, dựng nên vùng đất Mường Xia đông vui, trù phú. Đây cũng chính là nét nhân văn trong tục “gửi vía” rất riêng đã trở thành tập quán nối đời của người Thái vùng biên giới xứ Thanh.
Du khách có cơ hội đặt tay lên “Hòn đá vía” cầu may; thắp hương tại đền thờ Tư Mã Hai Đào; thăm động Bo Cúng – bức tranh thạch nhũ tuyệt mỹ của thiên nhiên; hướng về núi Lá Hoa, Pha Dùa nghe câu chuyện tình bi ai của đôi trai tài gái sắc; chiêm ngưỡng dòng suối Xia trải mình trên những bãi cuội trắng xóa…
Đến đây du khách còn được thưởng thức các sản vật tinh hoa của núi rừng miền Tây xứ Thanh như cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rượu nếp nương… tận hưởng không khí trong lành mát mẻ của thiên nhiên và những điệu múa, trò chơi dân gian hấp dẫn để rồi lòng bỗng thấy nhẹ hơn và xốn xang lạ thường.
6. CỬA KHẨU QUỐC TẾ NA MÈO
Na Mèo từ lâu đã trở thành cung đường thú vị với dân du lịch. Từ Mai Châu (Hòa Bình) du khách có thể qua Quan Sơn (Thanh Hóa) rồi qua Hủa Phăn – Lào rất thuận tiện. Qua cửa khẩu Na Mèo du khách cũng có thể đi thăm quan thủ đô cách mạng Lào; Viêng Xay rồi qua Sầm Nưa tới Xiêng Khoảng bước vào con đường di sản nổi tiếng của Lào.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Na Mèo thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn tỉnh Thanh Hóa, có vị trí thuận lợi cách thành phố Thanh Hóa 194 km, cách trung tâm huyện lỵ Quan Sơn 53 km về phía Việt Nam và cách tỉnh lỵ Hủa Phăn 80 km. Khu vực này đã hình thành tụ điểm kinh tế và dân cư của huyện Quan Sơn, là cửa ngõ phía Tây của tỉnh Thanh Hóa – Việt Nam với Lào.
Hành trình đến với Na Mèo bạn sẽ không khỏi bất ngờ trước khung cảnh núi rừng hùng vĩ, những tảng đá lớn nhỏ, nhiều dáng hình lô nhô bên dòng suối với làn nước trong xanh. Bốn bề là những ngọn núi cao ngất, cây rừng nguyên sinh nổi bật trên nền trời xanh ngắt.
Trong những năm qua Na Mèo không những đã khẳng định vị thế là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện Quan Sơn mà còn là vị trí quan trọng trong an ninh – quốc phòng của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung góp phần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trước mắt cũng như lâu dài đối với nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các nước trong khu vực.
7. CHỢ PHIÊN NA MÈO
Chợ phiên Na Mèo không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là địa điểm giao lưu văn hóa thắm đượm tình nghĩa 2 nước Việt – Lào.
Phiên chợ độc đáo này chỉ họp duy nhất buổi sáng thứ bảy hằng tuần. Chính vì thế, để kịp có mặt cho buổi họp chợ, rất nhiều người dân ở xa của huyện Quan Sơn đã phải mang hàng đi khỏi nhà từ sáng thứ sáu, đến chiều tối là họ đã có mặt tại chợ Na Mèo. Đồng bào các dân tộc nước bạn Lào cũng vậy. Những người ở xa đến từ chiều thứ sáu, họ tụ tập gần khu vực biên giới. Sáng thứ bảy làm thủ tục qua cửa khẩu xong là xuống chợ.
Nét đặc trưng và độc đáo nhất của chợ Na Mèo mà ít chợ biên giới nào có được là những món hàng người dân mang đến. Họ bán tất tần tật những gì họ làm, trồng, săn bắn được như: rau, củ, quả, cá suối nướng, tôm xiên, thịt rừng, bọ xít, bọ ngựa nướng… Và ở chợ này còn có một món ăn rất “độc” và lúc nào cũng có đó là chuột rừng phơi khô, chuột rừng nướng.
Cảnh mua bán diễn ra vui vẻ, thân thiện, không có chuyện kỳ kèo, so đo bớt một thêm hai như chợ dưới xuôi. Điểm đặc biệt ở chợ cửa khẩu quốc tế Na Mèo là dù không biết tiếng của nhau nhưng mọi người vẫn có thể mua, bán, trao đổi hàng hóa bằng cách ra ký hiệu. Tại đây, việc mua bán cũng rất thuận tiện vì cùng một lúc, chúng ta có thể dùng được 3 loại tiền là VNĐ, kíp Lào và USD để trao đổi.
Đi chợ Na Mèo không đơn thuần chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà đây còn là nơi giao lưu văn hóa để thanh niên nam nữ từ các bản làng xa xôi hẹn hò, tìm kiếm bạn tình. Những ngày cận kề Tết, đêm ở cửa khẩu Na Mèo đông đúc và tưng bừng hơn ngày thường. Ánh đèn cao áp từ khu cửa khẩu soi sáng cả một vùng. Từng tốp thanh niên nam nữ người Mông, Mường, Thái… của 2 nước từ các bản làng đã dập dìu cùng nhau xuống chợ từ sớm trong bộ áo mới thơm lừng hương vị thổ cẩm. Họ tụ tập bên những quán nhỏ ven đường, uống rượu ngô và ca hát suốt đêm.
Phiên chợ Na Mèo thường diễn ra đến khoảng 11 giờ trưa thì kết thúc. Họ chia tay nhau trong cái nắm tay thật chặt thắm tình đoàn kết.
8. NHÀ SÀN
Những mái nhà sàn gỗ truyền thống hàng trăm năm tuổi vẫn còn được lưu giữ ở các bản Chanh, Chung Sơn, bản Hậu, bản Ngàm hay bản Khạn…Lúc hoàng hôn buông xuống là thời khắc tuyệt vời nhất để du khách lặng ngắm những mái nhà sàn lúc ẩn lúc hiện trong khói lam chiều.
Lạc bước vào một ngôi nhà sàn xinh xắn, bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng những sắc màu Thổ cẩm bên khung cửi – nơi gửi gắm khát vọng và tâm hồn của các cô gái Thái; được thết đãi bữa tiệc núi rừng mang hương vị độc đáo và hơn cả là sự hồn hậu mến khách của người Quan Sơn làm cho du khách muốn khám phá nhiều hơn về vùng đất Quan Sơn kỳ thú.
Đây là thế mạnh của địa phương, do điều kiện của huyện là huyện thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước nên chưa đủ điều kiện để đầu tư với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc mang tính bản sắc của địa phương.
Hy vọng rằng, thời gian tới việc quản lý, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch vừa đa dạng, vừa phong phú, vừa hấp dẫn. Huyện đã công bố quy hoach xây dưng chi tiết các khu, điểm du lịch rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tỉnh, các ngành và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông, đường điện và khách sạn, nhà hàng tới các điểm du lịch của huyện. Để tạo điều kiện giúp du khách có thể tiếp cận các điểm du lịch tại địa bàn mà còn có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển KT – XH của huyện nói chung. Góp phần phát triển tiềm năng Du lịch để Quan Sơn sẽ là mũi nhọn trong công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt công tác đối ngoại trở thành điểm nhấn miền Tây xứ Thanh./.