Khái niệm “4 cực một đỉnh một ngã ba” để chỉ cực Bắc Lũng Cú, cực Tây A Pa Chải, cực Đông Mũi Đôi, cực Nam Mũi Đất, đỉnh Fanxipan và ngã ba Đông Dương.
Cực Bắc (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang)
Cùng với vẻ đẹp hùng vĩ của vùng đất cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú hiên ngang trên đỉnh núi Long Sơn là địa đanh đầy cảm xúc. Điểm cực Bắc chính xác về tọa độ của lãnh thổ nước ta nằm ở gần sông Nho Quế, khu vực hiểm trở khó đi lại, nên từ lâu cột cờ Lũng Cú đã trở thành một cột mốc với lá quốc kỳ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Có thể dễ dàng chinh phục cột cờ Lũng Cú bằng ô tô hay xe máy, và leo 389 bậc cầu thang để đến gần hơn với lá cờ, ngắm nhìn bản Lô Lô Chải bình yên. Thời gian đẹp nhất đến Lũng Cú chính là cuối tháng 10 khi hoa tam giác mạch nở rộ.
Cực Tây (A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên)
Đây chính là điểm đến khó chinh phục nhất trong các cực, thử thách sự quyết tâm, bền bỉ của bất kỳ ai muốn chạm đến. Cực Tây được ghi dấu bằng cột mốc biên giới ba mặt, mỗi mặt có quốc huy và tên nước hướng đó (Việt Nam – Lào – Trung Quốc). Cách thành phố Điện Biên Phủ 250 km, cung đường chinh phục cực Tây trải qua nhiều địa hình phức tạp, có những đoạn phải offroad, tới đồn biên phòng A Pa Chải để gửi đồ và nhờ sự trợ giúp của những người lính. Sau đó là quãng đường trekking lên núi Khoang La San nơi có cột mốc số 0 hiên ngang. Có vất vả, mạo hiểm, xuyên rừng, leo dốc, bám cây… nhưng đến được cực Tây là hoàn toàn xứng đáng với lòng quyết tâm của người chinh phục.
Cực Đông (Vạn Ninh, Khánh Hòa)
Có nhiều tranh luận về điểm cực Đông của nước ta giữa Mũi Đại Lãnh (Phú Yên) và Mũi Đôi (Khánh Hòa), nhưng đối với nhiều dân phượt thì đó là phần lục địa nằm ở Mũi Đôi, bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hành trình cần 2 ngày nếu xuất phát từ Nha Trang, có thể đi thuyền từ Đầm Môn hoặc đi đường bộ – cách mà dân phượt vẫn chọn. Băng qua cồn cát dưới cái nắng gay gắt, “nhảy ghềnh”, đi bộ xuyên rừng nên đòi hỏi bạn cần có sức khỏe tốt, trang bị gọn nhẹ và lòng quyết tâm. Chạm đến cực đông Mũi Đôi không chỉ là sự thỏa mãn về việc chinh phục được một tọa độ đặc biệt của Tổ quốc, bạn sẽ có được trải nghiệm thú vị và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp biển trời bất tận của vịnh Vân Phong.
Cực Nam (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau)
Hành trình khám phá cực Nam có phần dễ chịu hơn với những con đường trải nhựa phẳng lỳ, thẳng tắp đến thị trấn Năm Căn và lên ca-nô vượt sóng đến với Đất Mũi. Sau khoảng một giờ lênh đênh, ca nô cập bến đưa du khách đặt chân lên mũi Cà Mau, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, nơi có mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 và “mũi thuyền Cà Mau” sừng sững cùng sóng gió nơi tận cùng đất nước.
Đỉnh Fanxipan (dãy Hoàng Liên Sơn, Lào Cai)
Để chạm tới nóc nhà Đông Dương cao 3.143 m, bạn có thể mua tour của các công ty du lịch uy tín ở thị trấn Sa Pa và chọn cung đường phù hợp với mình. Những người dẫn đường địa phương, bước chân xuyên rừng bám theo những dốc đá, thấp thoáng hoa đỗ quyên nở hay bữa ăn “dã chiến” ở lán, sẽ là những trải nghiệm khó quên.
Ngã ba Đông Dương (Ngọc Hồi, Kon Tum)
Có nhiều đường và lựa chọn phương tiện để đến với xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Nếu từ phía Bắc, có thể đáp máy bay đến Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) và tiếp tục tìm xe khách để đến Ngọc Hồi. Ngoài ra, xe khách chạy từ TP HCM, hay các tỉnh ở dọc quốc lộ 1A như Quảng Bình, Quảng Ngãi… đến Kon Tum rất nhiều. Sau khi tham quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y, theo con đường hơn 10 km vòng vèo quanh mấy ngọn đồi và leo những bậc thang để chạm đến cột mốc làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi có độ cao 1.086 m so với mực nước biển, ghi danh ba quốc gia Việt – Lào – Cambodia.
Thanh Tuyết
- Xanh biếc biển trời dưới chân hải đăng Đại Lãnh
- Gian nan chinh phục cực Tây của Tổ quốc
- Những cột mốc nổi tiếng nhất Việt Nam