Phượt không có gì lạ đối với mọi người đặc biệt dân phượt bây giờ lại rất hứng thú phượt vào mùa đông. Mới đầu mùa đông, với cảm giác se lạnh mà trên tất cả các diễn đàn du lịch đã rầm rộ những hội phượt được lập ra. Phượt mùa đông có gì thú vị?
Rộ lên vài năm gần đây, hình thức du lịch bụi (phượt) đã thu hút được rất nhiều bạn trẻ năng động yêu du lịch và thích khám phá những miền đất mới lạ. Ưu điểm của phượt là không giới hạn điểm đến chỉ là các thắng cảnh, resort nổi tiếng như kiểu du lịch theo tour. Đích đến của các “phượt gia” là những nơi ít dấu chân người, càng hoang sơ, kỳ vĩ và mới lạ càng tốt.
Box Du lịch trên diễn đàn Trái tim Việt Nam online (TTVNO) đình đám với những chuyến “phượt” xuyên Việt bằng… xe đạp hay du lịch “man rợ”: Hậu trăng rằm cực Đông Việt Nam – tiếp tục hành trình bất tận tới các ngọn hải đăng: hải đăng cổ Kê Gà – Bình Thuận, hải đăng Đại Lãnh – Phú Yên nơi cực Đông Tổ quốc…
Hay như nick DuGia với chuyến đi mà chỉ nghe tới địa danh cũng đủ xao xuyến cho nhiều dân ham “phượt”: “Suốt chiều dài đất mẹ Việt Nam. Cực Đông Đại Lãnh – cực Nam Cà Mau – Tây Nguyên hùng tráng – Trường Sơn đại ngàn. Khám phá ngã ba Đông Dương – Cửa khẩu Bờ Y” với lý trình 5.500 km.
Với người có nick Vespacutduoi, cứ hứng lên anh chàng này sẵn sàng lên tận Tuyên Quang, Hà Giang bằng chiếc vespa cổ.
Mùa đông, điểm đến yêu thích của các “phượt gia” chính là núi đồi Tây Bắc hoang sơ, kỳ vĩ, “đi để đón cái rét thật sự, mà nếu gặp may có khi thấy tuyết trên đất Việt nữa” – bạn Lê Thanh Mai (Cty chứng khoán VNDirect), một cô gái ưa “phượt” chia sẻ. Năm ngoái, Mai đã đi Sapa một chuyến nhưng thấy vẫn chưa “đã”, cô gái này dự định làm tiếp một tour Sapa – Hà Giang vào tháng 12 tới. Nhóm FanWin trong TTVNO đang “nung nấu” dự định “làm một lèo” bảy tỉnh miền Bắc chào Tết Dương lịch.
Với những chuyến “phượt” đến các địa điểm gần như các tỉnh Tây Bắc, các “phượt gia” chỉ cần tranh thủ lên đường từ sáng thứ sáu tới chiều chủ nhật đã có mặt tại Hà Nội, sáng thứ hai vẫn có thể đi làm như thường. Chi phí cho một chuyến đi kiểu này vô cùng “bèo” nếu so với giá trọn gói của một tour du lịch.
Nguyễn Công Du (Cty Honda Việt Nam), một “phượt gia” từng trải qua gần 20 chuyến “phượt”, cả một mình lẫn đi theo nhóm, từng đi Hà Giang tới 5 ngày mà chỉ mất chưa đầy… 400 nghìn đồng. Kinh nghiệm của anh chàng này là đi xe máy, ngủ nhà nghỉ “siêu bèo” và dự trữ lương khô. Chuyến hành trình cực Tây – Apachải xuyên qua hàng loạt địa danh như Lào Cai- Lai Châu – Mường Lay – Mường Chà – Tả Kho Khừ – A pa chải – Bản Tá Miếu 7 ngày của một nhóm trong TTVNO cũng chỉ mất 1,5 triệu đồng chi phí.
Nhiều người còn có suy nghĩ : “Tích cóp tiền và “phượt”… ngoại”
Một dân “phượt” chính hiệu đã chia sẻ: Tây làm Tây ba lô được thì ta cũng làm ta ba lô được. Nhưng để chu du ngoại được, thường bạn phải là dân lão luyện trong nghề du lịch bụi, dày dạn kinh nghiệm, có năng lực tài chính khá mạnh và đặc biệt cần thời gian.
Các địa điểm quen thuộc của nước láng giềng Trung Quốc như Vân Nam, Côn Minh, Hàng Châu hay Angkor của Campuchia, Bagan, Yangon của Myanma đã không còn thu hút được dân “phượt” lão luyện, thay thế vào đó là những địa danh xa xôi hơn nhưng cũng đầy sức hút như Tây Tạng, Mông Cổ…
Dũng cảm để “phượt” ngoại không chỉ là nam giới, các thành viên của diễn đàn Vietdu cũng phải ngả mũ kính phục chuyến du lịch Tây Tạng (Tibei) của một cô gái có nick Baxu. Chuyến đi và câu chuyện kể ly kỳ này cũng đã hút một lượng lớn view (lượt xem) trong box Du lịch của TTVNO. Nhưng khác với “phượt” nội, “phượt” ngoại đòi hỏi phải “tỷ phú thời gian và tiền bạc”. Nick Len81 cũng đang lập kế hoạch cho tour Philippines Tết này, ngắm kỳ quan Braune, thăm núi lửa Pinatubo, mua sắm ở Manila. Trang (nick x0x) dự tính bụi từ Hà Nội qua Campuchia một tuần với chi phí dự kiến 4-5 triệu đồng. Với những chuyến “phượt” bụi kiểu này, như Trang chia sẻ “vì cái máu du lịch nó không để cho mình yên, chứ bạn nào kỳ vọng thấy hàng hóa đẹp, xe đẹp thì… miễn đi”.
Một chút lưu ý với các bạn có ý định “phượt” mùa này, nếu đi bằng xe máy phải chuẩn bị thật kỹ như tập tháo lắp bánh xe, kiểm tra thật kỹ dây ga, thắng, đèn, kính chiếu hậu 2 bên… Đi đường xa không nên vá, mà nên thay luôn xăm cho an toàn. Để tiết kiệm chi phí tốt nhất là mang thức ăn khô dự trữ, nếu phải vào quán bạn nên chọn những quán có xe khách vào ăn để tránh bị “chặt chém” mà thức ăn lại dở.
Đi du lịch mùa đông này, để tránh những đợt rét cắt da và những cơn mưa kéo dài, nhất thiết phải chuẩn bị quần áo thật ấm, tốt nhất mặc một áo thun dài tay để giữ nhiệt bên trong áo len hoặc áo khoác da. Giày nên là giày bít thích hợp với việc đi bộ và leo núi. Nếu có ý định “phượt” ngoại mùa đông, bạn phải mang theo áo ấm thật dày kèm theo bộ tất dày, găng tay, khăn quàng cổ và mũ len bởi cái lạnh của các nước phương Bắc khắc nghiệt hơn rất nhiều Việt Nam.
Theo chia sẻ của một dân du lịch dày kinh nghiệm, khi đến xứ lạnh không nên uống nước lạnh, mà nên tìm mua các loại bình nước du lịch giữ nhiệt gọn nhẹ như bình Themó dung tích 350ml giá 585 nghìn đồng. Với các bạn gái, vật dụng cần giữ bên mình là kem dưỡng da tay, da mặt để giữ da không bị nứt nẻ.
“Nếu Tây Bắc hùng vĩ giống như một giai nhân tuyệt sắc. Đông Bắc ví như người con gái đẹp nhẹ nhàng và cuốn hút, đẹp trong từng đường nét” – những cảm nhận say đắm này của phượt gia Xadieu_2000 chắc chắn sẽ khiến bạn muốn “phượt” một chuyến lên núi rừng phía Bắc mùa này.
Xem thêm bài viết:
Kinh nghiệm du lịch bụi Sài Gòn
8 mẹo du lịch bụi châu Âu
9 ngày du lịch bụi ở Lào