Những điểm check-in đẹp mơ màng
Ngay sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão kết thúc, ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi có chuyến đi đến một số xã, huyện biên giới miền Tây xứ Nghệ. Khoảng 3 năm trở về trước, các huyện miền Tây Nghệ An có rất ít điểm du lịch trải nghiệm homestay có đầy đủ dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và tham quan cảnh đẹp, khám phá bản sắc văn hoá vùng miền của các đồng bào dân tộc, thì năm 2022 số lượng các “điểm đến” đã tăng khá nhiều.
Du khách tham quan vườn mận và vườn đào cổ ở bản Mường Lống 2. Ảnh: HT
Ví như ở xã Mường Lống, huyện biên giới Kỳ Sơn, năm 2019 chưa có homestay, thì nay đã có 3 điểm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và tham quan. Mỗi điểm đáp ứng phục vụ các đoàn khách du lịch quy mô từ 15- 20 người/đoàn.
Vẻ đẹp tinh khiết của hoa mận Mường Lống. Ảnh: HT
Với truyền thống trồng đào, mận, mơ của đồng bào hàng trăm năm nay đã biến Mường Lống thành “thủ phủ” của những vườn hoa đào, hoa mận có tuổi đời hàng chục năm. Đến mùa Xuân, nơi đây bạt ngàn sắc đỏ hoa đào, trắng muốt hoa mận khiến du khách ngỡ ngàng, chìm đắm trong cảnh sắc thanh khiết của những thung lũng ngập tràn sắc hoa.
Các vườn mận ở Mường Lống mùa hoa nở luôn là địa điểm yêu thích để du khách ngắm hoa, lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Ảnh: HT
Chị Lầu Y Dếnh, chủ cơ sở homestay Y Dếnh ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) cho biết, ngay những ngày đầu năm mới 2023 đến nay gia đình đã đón 3 đoàn khách đến ăn uống, nghỉ ngơi và tham quan, trải nghiệm các cảnh đẹp và các phong tục, hoạt động văn hoá của đồng bào ở Mường Lống.
Vào tháng cuối năm 2022 cơ sở của chị Dếnh cũng đón 5 đoàn khách. “Ngày 27/1, gia đình đã nhận lịch phục vụ 1 đoàn khách 15 người, và phải từ chối 1 đoàn khách khác khoảng 10 người vì họ gọi điện thoại liên hệ muộn quá nên không chuẩn bị kịp thực phẩm. Bởi nhiều món ăn cần thời gian chế biến lâu mới đạt yêu cầu, ví như món lợn bản nướng than, hay món gà nướng, canh da lợn nấu hoa cải…” – chị Y Dếnh cho biết thêm.
Những du khách nhí lưu lại khoảnh khắc đầu Xuân cùng các em nhỏ ở bản Mường lống 1. Ảnh: Quốc Sơn
Ông Vừ Bá Xử – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, năm 2022 Mường Lống đã có 3 cơ sở homestay, nhiều nhất từ trước đến nay. Các cơ sở đều đạt yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ du khách ngủ, nghỉ, ăn uống. Vì vậy, lượng khách du lịch trải nghiệm đến với Mường Lống cũng bắt đầu tăng, nhất là thời gian nửa cuối năm 2022.
Cũng như ở Mường Lống, các homestay ở bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu cũng hoạt động nhộn nhịp trở lại từ năm 2022. Tại bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến hiện có 20 hộ tham gia “làm” du lịch cộng đồng. Một chủ homestay tại bản Hoa Tiến 1 cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay lượng khách du lịch đã tăng trở lại.
Mỗi cơ sở homestay ở Mường Lống có thể phục vụ đoàn khách 15 đến 20 người. Ảnh: HT
Từ tháng 4/2022 đến nay, cơ sở đã đón khoảng 30 đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại đây. Các sản phẩm, dịch vụ được du khách rất yêu thích bao gồm trải nghiệm dệt thổ cẩm, trải nghiệm ngâm và nhuộm màu vải bằng các chất liệu thiên nhiên. Ngoài ra, du khách cũng rất hào hứng khi được xem và cùng tham gia những điệu múa, hát và ẩm thực dân tộc Thái do chính bà con dân bản thể hiện.
Chỉ tính riêng trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão, tức ngày 20 – 26/1/2023), toàn tỉnh đón và phục vụ khoảng 260 nghìn lượt khách tham quan, du lịch, trong đó khoảng 131 nghìn khách lưu trú; hơn 1.100 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 446 tỷ đồng. Các điểm du lịch có lượng khách đến tham quan, chiêm bái lớn gồm: Đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), đền thờ Hoàng đế Quang Trung (thành phố Vinh), Khu di tích Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương) và các vườn hoa Xuân, các điểm du lịch sinh thái ở huyện Nghĩa Đàn, Con Cuông, Quỳ Châu, Kỳ Sơn…
Du khách tham quan gian hàng trưng bày và bán sản phẩm thổ cẩm truyền thống ở bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Ảnh: HT
Quan tâm chất lượng dịch vụ
Những tín hiệu vui cho ngành du lịch – dịch vụ ở các huyện miền Tây Nghệ An không chỉ là chiều hướng gia tăng lượng du khách, mà còn là sự chuyển động trong tư duy, ý thức của chính những người, những chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Tại xã Mường Lống, không chỉ tăng về số lượng các homestay, mà các gia đình kinh doanh dịch vụ cũng càng ngày càng có ý thức đối với việc nâng cao chất lượng phục vụ để tạo uy tín, thu hút nhiều hơn khách tham quan. “Gia đình không chạy theo số lượng khách nhiều hay ít, mà đã nhận phục vụ đoàn khách nào thì sẽ tập trung lo chu đáo để du khách hài lòng. Đặc biệt là thực phẩm luôn tươi ngon, hầu hết đều do những thành viên của gia đình chăn nuôi, sản xuất được, ví như gà đen, lợn đen, gạo, nếp, rau cải… Ngay cả thức ăn cho gà, lợn cũng là do tự gia đình trồng” – chị Y Dếnh cho hay.
Chị Lầu Y Dếnh (ngoài cùng bên trái) giới thiệu các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của đồng bào Mông do gia đình tự tay chế biến. Ảnh: Quốc Sơn
Khi chúng tôi trải nghiệm dịch vụ tại cơ sở homestay Y Dếnh, không chỉ vợ chồng chị Dếnh mà các con trai, con gái và anh trai, chị gái của Y Dếnh đều tham gia hỗ trợ nhau để đón khách. Họ cùng nhau chuẩn bị các món ăn, phòng ngủ nghỉ, phân công dẫn du khách đến các vườn đào, vườn mận để tham quan, chụp ảnh kỷ niệm. Đặc biệt, họ chào đón du khách như người thân lâu ngày trở về nhà, tạo không khí ấm cúng, thân thiện cho những vị khách phương xa đến với bản làng nơi biên giới xứ Nghệ.
“Xây dựng cơ sở homestay, gia đình được hỗ trợ 100 triệu đồng từ đề án phát triển du lịch của tỉnh, vợ chồng tôi đầu tư xây dựng ngôi nhà gỗ chắc chắn trị giá khoảng 2 tỷ đồng để phục vụ du khách có nơi nghỉ ngơi sạch, đẹp” – ông Vừ Bá Và, chồng chị Y Dếnh cho biết.
Theo lãnh đạo xã Mường Lống, mến khách đã là truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Tất cả các cơ sở homestay ở Mường Lống khi hình thành và đăng ký dịch vụ không chỉ được hỗ trợ về kinh phí theo Nghị quyết quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, mà còn luôn được quán triệt việc đảm bảo chất lượng phục vụ tạo uy tín, niềm tin cho du khách, từ đó giúp ngành nghề đặc biệt chưa bao giờ có ở Mường Lống ngày một phát triển, giúp cho nhiều hộ gia đình dần vươn lên khấm khá.
Mường Lống mùa Đông còn trở thành đề tài sáng tác cho rất nhiều tay máy chuyên và không chuyên. Ảnh tư liệu Hồ Nhật Thanh
Cũng như vợ chồng chị Y Dếnh, tại cơ sở du lịch trải nghiệm Nhật Minh farmstay ở xã Châu Thôn, huyện Quế Phong, chủ cơ sở là anh Đinh Bá Cương cho hay, Nhật Minh farmstay tham gia chuỗi liên kết du lịch – dịch vụ miền Tây Nghệ An, khoảng tháng 6/2022 đến nay lượng khách du lịch trải nghiệm tại nông trại Nhật Minh cũng như các cơ sở khác có xu hướng tăng. Đây là tín hiệu vui cho những người “làm” du lịch, song cũng là thách thức trong tạo sức hút và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là về chất lượng phục vụ.
Một góc trải nghiệm tại Nông trại Nhật Minh, xã Châu Thôn, huyện Quế Phong. Ảnh: PV
Những năm qua, khách du lịch đến tham quan, du lịch tăng trưởng bình quân 10-12%/năm, doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng, bước đầu hình thành và xây dựng được một số sản phẩm du lịch. Người dân vùng dân tộc thiểu số đã có thu nhập, hưởng lợi từ các giá trị, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Một số tour du lịch mới đã bước đầu được khai thác, như tour du lịch khám phá sông Giăng – bản Cò Phạt – bản Búng; tour du lịch sinh thái tham quan Vườn quốc gia Pù Mát; tour du lịch sinh thái và tham quan tìm hiểu văn hóa cộng đồng tại Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong; tour du lịch quốc tế theo tuyến đường 7 đi Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng), Luang Prabang (Lào)…
Miền Tây xứ Nghệ có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Ảnh tư liệu
Đối với các định hướng phát triển kinh tế ở Nghệ An, du lịch được xác định là một trong những ngành trọng điểm theo định hướng của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghệ An đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch thực hiện và nghị quyết của HĐND tỉnh để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.
Một điểm du lịch cộng đồng tại bản Yên Hoà, xã Mỹ Lý vừa được hình thành cuối năm 2022 gắn với các công trình lịch sử, văn hoá đậm bản sắc dân tộc miền biên giới Nghệ An. Ảnh: Quốc Sơn
Trong đó chỉ rõ, quá trình phát triển du lịch cần bảo tồn, củng cố, xây dựng và phát huy tài nguyên một cách tối ưu; phát triển hạ tầng giao thông, thông tin để phục vụ, hỗ trợ cho du lịch và kinh tế du lịch. Tăng cường quảng bá, đầu tư từ phía doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Bên cạnh đó là đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng hình thành văn hóa du lịch. Đối với người dân và doanh nghiệp phải đổi mới toàn diện nhận thức về cách làm du lịch, thay đổi tư duy cách phục vụ khách và cách dẫn dắt, định hướng thị hiếu của du khách; tăng cường kết nối thông tin và thị trường du lịch với nhau không chỉ trong nội địa mà vươn tầm quốc tế./.