Chị Hà Vân kể lại, Lào là một vùng đất khá mới mẻ đối với phần đa dân mê du lịch, nhưng khác với mọi người chị không thích du lịch “sang chảnh”, thay vào đó chị chọn theo hướng tự túc.
“Tại đất nước bạn Lào có nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu về khách sạn và nhà hàng ăn uống, tới đó bạn có thể tìm hoặc tham khảo trước khi đi. Phương tiện di chuyển, các bạn có thể chọn đi bằng ô tô cá nhân, xe đò, xe máy cá nhân, máy bay. Tuy nhiên máy bay ở Lào giá còn hơi cao. Nếu bạn chọn đi máy bay có thể tới đó thuê hướng dẫn viên, thuê xe ô tô hoặc xe máy tự chạy”- chị Vân chia sẻ.
Chị Hà Vân chụp cùng người dân khi du lịch tại Lào. Ảnh: Hà Vân
Riêng chị Hà Vân, chị đã chọn tự chạy xe ô tô vì chị thích khám phá tường tận các cung đường trên chính hành trình tự lái của mình. “Được khám phá nước bạn bằng đường bộ và bằng ô tô thì thực sự ban đầu mình cũng khá lo âu, tuy nhiên với thói quen tự mày mò đi du lịch thì mình chẳng sợ điều gì, miễn trên tay có điện thoại kết nối mạng là đi đâu cũng được hết. Nhưng cung đường Lào khá xấu nên các bạn đi xe gầm cao, bán tải là tốt nhất”- chị Vân cho hay.
Cần mang gì khi đi ô tô sang Lào?
Chị Hà Vân chia sẻ kinh nghiệm, trước khi đi bằng ô tô, người dân cần có giấy liên vận nếu là xe chính chủ. Trường hợp xe đứng tên công ty thì người đi phải có giấy giới thiệu. Theo đó, các bạn có thể tới Sở GTVT tỉnh, thành phố nơi bạn sinh sống và đăng ký mẫu liên vận quốc tế, nơi này sẽ cung cấp cho bạn trong vòng 3 -5 ngày làm việc.
Hồ sơ gồm: Đơn đăng ký liên vận theo mẫu (có thể tải trên website của Sở GTVT); Bản sao giấy đăng ký xe; Bản chính giấy tờ để đối chiếu, đặc biệt xe đang vay thế chấp ngân hàng cần có bản sao đăng ký có xác nhận của ngân hàng; Sổ đăng kiểm xe.
Những giấy tờ cần chuẩn bị cho chuyến đi: Toàn bộ giấy tờ liên quan đến xe, liên vận, giấy tờ cá nhân bao gồm hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng, vật dụng cá nhân cần thiết…
Món ăn dân dã tại Lào. Ảnh: Hà Vân
Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), phía cửa khẩu Việt Nam: Người điều khiển xe cần chuẩn bị hộ chiếu và giấy phép liên vận để cung cấp cho nhân viên tại cửa khẩu khi vào đến nơi kiểm tra. Cán bộ hải quan sẽ kiểm tra xe và ký tên xác nhận. Khách du lịch nộp lại giấy phép liên vận để đóng dấu hoàn thành và nộp phí qua cửa. Người đại diện mang sổ liên vận và hộ chiếu của thành viên trong đoàn vào Phòng làm thủ tục xuất cảnh để làm thủ tục. Sau khi đã được đóng dấu sổ liên vận và hộ chiếu, tại cổng kiểm soát qua biên giới Lào, nhân viên cửa khẩu sẽ kiểm tra hộ chiếu của du khách một lần nữa.
Tại cửa khẩu Lào: Người đại diện mang sổ liên vận của các thành viên trong đoàn nộp tại Phòng làm thủ tục nhập cảnh. Du khách sẽ được cung cấp tờ đơn xin nhập cảnh, sau khi điền đầy đủ thông tin thì nộp lại tờ khai cùng hộ chiếu kèm 10.000 đồng. Sau khi nhận lại hộ chiếu đã đóng dấu, du khách nộp 40.000 đồng để nhận lại sổ liên vận cùng giấy tạm nhập.
Du khách có thể ghé chợ đêm tại Lào để thưởng thức các món ăn. Ảnh: Hà Vân
Khách du lịch mang sổ liên vận đến phòng bán bảo hiểm bắt buộc cho xe ô tô, nộp sổ liên vận cùng 80.000 đồng. Sau khi nhân viên cửa khẩu kiểm tra giấy bảo hiểm xe và sổ liên vận là du khách đã hoàn thành thủ tục.
Đi Lào khám phá những đâu?
Hai ngày đầu tiên chị Hà Vân đến Viên Chăn tham quan: vườn tượng Phật Xiêng Khuông ( Budda Park), Khải Hoàn Môn Patuxai, Chùa vàng That Luong ( có tượng phật nằm rất lớn bằng vàng), quanh đó có vài ngôi chùa kiến trúc lạ Pra Keo, Prathat Bangphuang. Tối đi chợ đêm Viên Chăn tham quan văn hoá Lào và thử các món Lào như gỏi tép rong ăn sống, xiên thịt nướng, món ăn vặt và thưởng thức chai bia Lào lạnh.
Sau đó chị đến Vang Viêng, di chuyển 129km với 3 giờ và ăn trưa tại đây. Ở đây chị đã thuê xe địa hình, xe điện đi quanh thành phố để khám phá chiều hoàng hôn, chèo Kayak dọc sông Nậm Song để du ngoạn dọc theo làng và thưởng thức dòng sông vàng được hắt lên bởi ánh hoàng hôn vàng suộm.
“Buổi chiều tối đi dọc bờ sông rồi ghé vào quán dưới men sông ăn gà nướng, thịt nướng kèm với xôi nếp Lào”- chị Hà Vân chia sẻ.
Một ngày tại Luang Prabang, chị Hà Vân đã thuê kinh khí cầu hoặc dù lượn để bay trên không trung ngắm toàn cảnh thành phố với ánh bình minh của mặt trời ửng đỏ sáng sớm rất yên bình. Di chuyển đi Luang Prabang Khám phá Phố cổ LuangPrabang khi chiều tà và sự đổi thay vô cùng nhộn nhịp.
“Hiện nay đã mở cửa nên du khách Trung Quốc đi rất thoải mái bằng ô tô riêng hoặc phương tiện công cộng thẳng sang Lào rất tiện. Tại Luangprabang rất đông khách du lịch”- chị Hà Vân kể lại.
Chị cũng cho biết, khoảng 15 giờ, chị leo lên đỉnh núi cao, ngắm toàn cảnh Luangprabang và thưởng thức hoàng hôn rất lãng mạn. Những ngày sau đó, chị đi tham quan Thác Kuang Si, chùa Xiêng Thong, bảo tàng quốc gia Lào, thưởng thức không khí đường thuỷ luangprabang … Sau đó chị cũng ghé đường Sakkaline ở phố, nghỉ đêm tại Xiêng Khoảng.
Người dân tại Lào khá thân thiện với các du khách. Ảnh: Hà Vân
Sau khi kết thúc chuyến đi, chị Hà Vân đã di chuyển khoảng 1.641.km với 41 giờ chạy xe.
“Những điều bất ngờ khi đến Lào là tôi thấy đường sá rất ngoằn nghèo, bụi bặm và ổ gà rất to. Nhiều tuyến đường đang sửa hoặc xây dựng nên tốn nhiều thời gian hơn. Nhưng người dân ở đây hay khách du lịch đều tự giác nhường nhau kể cả không có đèn đỏ”- chị Hà Vân nói.
Chị Hà Vân cũng lưu ý thêm, người đi xe du lịch bằng ô tô nên nhớ mua bảo hiểm xe tại Cửa khẩu nhập cảnh nhiều hơn số ngày dự trù đi để tránh hết hạn. Tại đây, CSGT thường xuyên kiểm tra.
“Nếu không đi phương tiện cá nhân thì nên tải app gọi xe LOCA (car hoặc bike) hoặc nhờ lễ tân khách sạn gọi bằng app rất rẻ, khi về căn chi phí tầm đó rồi trả giá. Đi Tuk Tuk cũng là một lựa chọn cho du khách, nhưng mọi người cần thỏa thuận trước”- chị Hà Vân cho hay.