Làng văn hóa du lịch thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang những năm gần đây nổi lên là điểm đến hấp dẫn du khách. Tựa mình bên dãy núi đá vôi trùng trùng điệp điệp, nghiêng soi bên hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình, những homestay được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày khiến du khách cảm thấy thích thú.
Bên nếp nhà sàn vương khói trắng, anh Hoàng Văn Minh – chủ homestay Tài Ngào say sưa giới thiệu với du khách những nét đặc sắc của văn hóa bản địa. Tại cơ sở lưu trú này, từng chi tiết nhỏ nhất như chiếc cốc, móc áo bằng tre cũng được chăm chút, giữ đúng truyền thống của người dân địa phương. Anh Hoàng Văn Minh cho biết, với mong muốn giúp du khách được hòa mình vào cuộc sống ở nơi đây, homestay còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm cộng đồng: giã bánh dày, chơi những trò chơi như đánh pam, đánh yến, giao lưu văn hóa văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp, nghe hát then, đạp xe tham quan bản làng…
“Tôi cũng đầu tư phát triển về du lịch, đẩy mạnh công tác cộng đồng. Đã xác định làm du lịch thì cả thôn phải làm và giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Mình tận dụng lòng hồ là một lợi thế tốt, tuy nhiên giữ bản sắc dân tộc là điểm cốt yếu để giữ được niềm tin của du khách đến đây”, anh Hoàng Văn Minh chia sẻ.
Được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh đẹp như vùng hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình, tuy nhiên “hồn cốt” của du lịch Lâm Bình còn bắt nguồn từ sức hút văn hóa riêng có, khác biệt của một địa phương có tới hơn 10 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Được sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, nhiều bản người Dao, người Mông, người Tày đã nhộn nhịp du khách đến thăm. Hay như những người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang là một cộng đồng dân tộc ít người cũng đã tự tin làm du lịch. Tại đây, những nét văn hóa đặc sắc như nghi lễ nhảy lửa huyền bí hay nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang được người dân lưu giữ.
Anh Xìn Văn Toàn, người dân thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang chia sẻ: “Cách đây 2-3 năm, dân tộc Pà Thẻn cũng hơi mai một phần nào về nhảy lửa, về nghi lễ dệt, về ăn lúa mới, lễ cưới. Bây giờ sau khi được Nhà nước quan tâm, chúng tôi đang có 11 học viên đang theo học để phong tục không bị mai mòn đi”.
Người Lâm Bình đã bao đời gắn sinh kế của mình với cây củi trên rừng, với thửa ruộng lúa nước, với nương ngô, với con tôm, con cá trong lòng hồ, khe suối. Giờ đây cũng chính những con người ấy đã trở thành chủ nhân của loại hình du lịch nông thôn đầy tiềm năng. Nhận thấy văn hóa bản địa mới chính là lợi thế giữ chân du khách nán lại lâu hơn với địa phương, Đại hội đại biểu huyện Lâm Bình nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển du lịch là một trong 2 khâu đột phá của huyện. Trong đó, tập trung các giải pháp giữ gìn nét đặc sắc văn hóa bản địa để phục vụ du lịch.
Ông Cao Văn Minh – Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Phòng Văn hóa thông tin huyện Lâm Bình đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch có hệ thống, bài bản, thực hiện chỉnh trang khuôn viên nhà ở, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc. Các nhà bố trí gian đón khách, công trình vệ sinh đạt chuẩn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như nếp nhà, trang phục, tiếng nói, chữ viết, dụng cụ sản xuất sinh hoạt, tâm linh tín ngưỡng… gắn với phát triển du lịch”.
Ngày càng được đông đảo du khách biết tới, chính quyền và người dân Lâm Bình hôm nay đang nỗ lực chuyển động, tạo ra các giá trị mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo ấn tượng đẹp, xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Bình thân thiện trong lòng du khách, nhằm từng bước hiện thực hóa ước mơ “nông thôn là nơi đáng sống, là nơi để quay về”.