Theo bạn, thời gian này, đâu là từ khóa được nhiều người tìm kiếm nhất? Ngọc Trinh và Hoàng Kiều, Noo Phước Thịnh và Blackstick Ocean, hay Sơn Tùng MTP và Lạc trôi? Không phải, theo tôi, tất cả đều nhường vị trí dẫn đầu cho “ngôi sao” đình đám mang tên Phượt.
Bởi lẽ, sau một thời gian ngắn im ắng, Phượt lại có dính dáng tới rất nhiều vụ lùm xùm trong vài tháng trở lại đây. Tháng 11/2016, một nữ sinh trường Đại học Văn Hóa Hà Nội mất tích khi đi phượt cùng một nhóm bạn mới quen.
Tháng 12/2016, một nhóm phượt khoe chiến tích làm gãy cầu ở suối Cá Thần (Thanh Hóa). Cũng trong tháng này, một nam phượt thủ đã được mệnh danh là “phịch thủ” vì có hình ảnh thân mật cùng lời yêu thương với nhiều cô gái trong… cùng một thời gian.
Gần đây nhất, ngày 9/1/2017, câu chuyện một nam và một nữ phượt thủ tử nạn sau chuyến “bão đêm” Tam Đảo đã chính thức đưa Phượt lên vị trí “ngôi sao tai tiếng” hạng A.
Để giờ đây, mỗi khi nhắc đến “ngôi sao” ấy người ta lại dè bỉu vì nghĩ dân phượt chỉ là những kẻ ăn mặc hầm hố đi chỉ để check in (chụp ảnh đăng facebook) thỏa mãn thói sống ảo, là những kẻ vô ý thức đi đến đâu là xả rác bừa bãi, phá hoại cảnh quan thiên nhiên đến đó. Hay phượt chỉ là một cuộc hành xác ăn bờ ngủ bụi, liều lĩnh, gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội,… Không biết tự bao giờ, Phượt đã bị khoác hết lớp áo định kiến này đến định kiến kia chỉ bởi dân phượt, hay nói chính xác hơn là những kẻ mượn danh “phượt”.
Nhưng, nghĩa của từ Phượt đâu phải như vậy.
“Dân phượt” hay “Phượt gia” được gọi là backpacker vốn dùng để chỉ những người thích đi lại. Khi con người ta đã chán những thứ nhàm chán bên cạnh và muốn dịch chuyển nhưng lại không thích phụ thuộc vào các tour du lịch đã có lịch trình sẵn (ăn, ngủ, nghỉ,… đều có giờ giấc quy định, đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng quen thuộc) thì người ta nghĩ đến phượt.
Đi phượt là để giải phóng cái tôi bị bó buộc, để thỏa mãn đam mê khám phá những vùng đất mới mẻ, ăn những món chưa bao giờ ăn, trải nghiệm điều chưa bao giờ trải nghiệm: dầm mưa, dãi nắng, lội bùn, chạy xe thâu đêm,… Từ lúc lên kế hoạch cho tới lúc trở về, phượt thủ phải tự mình làm rất nhiều thứ. Tự chăm sóc bản thân, tự rèn giũa sức khỏe, học hỏi kĩ năng sống, tích lũy kinh nghiệm để vượt qua những cung đường đầy thử thách. Đi, để thấy thế gian này thật bao la, rộng lớn. Đi, để thấy mình trưởng thành hơn.
Sau quá trình trải nghiệm ấy, nhiều người đã viết nên những cuốn sách có giá trị cao như “Ta ba lô trên đất Á” ( Rosie Nguyen), “John đi tìm Hùng” (Tran Hung John), “Xuyên Mỹ, Một mình ở châu Âu” ( Phan Việt), “Con đường hồi giáo” (Phương Mai), “Vào trong hoang dã” (John Krakauer), “Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn” (Mark Twain), “Phương đông lướt ngoài cửa sổ” (Paul Theroux),… Hay các chương trình phượt kết hợp với thiện nguyện giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, mang lại ý nghĩa lớn cho cộng đồng.
Cái gì cũng có hai mặt của nó. Vậy nên, khi thấy bất cứ sự việc bê bối gì có dính líu tới “phượt”, tôi hi vọng bạn đừng “vơ đũa cả nắm” khinh rẻ Phượt và những Phượt gia chân chính. Giống như Karaoke, vốn dĩ mục đích của nó là thư giãn, giảm căng thẳng chứ đâu phải chỉ gắn liền với tệ nạn. Nhưng theo thời gian, nó đang bị một số người lạm dụng với mục đích xấu.
Vậy nên, hãy trả lại đúng nghĩa cho từ Phượt!
Lê Chinh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả