Đi để… “khám phá con người”
Trên các diễn đàn mạng xã hội, cộng đồng phượt ngày càng bức xúc sự “thay máu” của thế hệ phượt mới. Trước đây, phượt là một từ rất hay, để chỉ chuyến đi của người ưa khám phá, đầy bản lĩnh trong mắt người khác. Thế nhưng bây giờ, ngay đến nhiều phượt thủ cũng không muốn nhận “danh hiệu” này.
Nguyên nhân đến từ quá nhiều những hành động vô ý thức, thiếu hiểu biết của những phượt thủ trẻ, khiến khái niệm phượt bị hạ thấp, mất đi ý nghĩa. Ngoài những tai tiếng liên quan đến ứng xử, dân phượt ngày nay ngày càng lộn xộn, phức tạp bởi sự ảnh hưởng của mạng xã hội. Nhiều đối tượng tham gia các đoàn phượt chẳng phải vì mục đích khám phá thiên nhiên, đất trời gì, mà nhằm “khám phá con người”, cư dân mạng cứ vui vui gọi là “chịch thủ”,“phịch thủ”.
Nhiều bạn nam đi phượt chỉ chăm chăm “soi” xem trong đoàn có bạn nữ mới nào, trông xinh xinh thì tự quyết luôn làm “ôm” cho mình. Gặp phải bạn nữ dễ dãi thì chẳng mấy chốc “gạo nấu thành cơm”. Nhưng không chỉ nam, mà các nữ phượt thủ cũng ngày càng táo bạo.
Chia sẻ về chuyến đi phượt đầu tiên tới Hà Giang trong 3 ngày 2 đêm, một nam phượt thủ tỏ ra khá sốc không phải bởi khung cảnh thiên nhiên đất nước hoang sơ, hùng vĩ mà bởi sự bạo dạn của các cô gái trong đoàn. Thậm chí đã từng có những kinh nghiệm “truyền tai” rằng “gái phượt khá dễ dãi nên có cơ hội thì cứ tiến tới thôi, dại gì chê “mỡ dâng miệng mèo”.
Ngoài ra có những phượt thủ còn tỏ ra hồn nhiên quá mức về chuyện giới tính. Chuyện các chàng, nàng phượt thủ “không mảnh vải” chụp ảnh với lý do “thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên, đất trời” ngày càng nhiều trong các đoàn phượt.
Diễn đàn mạng đã từng “dậy sóng”, giật mình bởi bức ảnh phản cảm của hai chàng trai tạo dáng trên đỉnh Pha Luông (Mộc Châu, Sơn La) trong tình trạng “không mảnh vải che thân”, trước mặt hai bạn gái trong đoàn.
Đi để khoe, đi để phá
Ngày nay, giới trẻ đi phượt để tìm về thiên nhiên nhưng vẫn sống ảo trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ đi đến đâu là chụp ảnh, check-in đến đó. Liệu các bạn khi đặt chân đến làng quê, núi rừng, những di tích văn hóa, di tích lịch sử có hiểu được những câu chuyện đằng sau những địa điểm này hay không?.
Không những thế, liệu họ đã được trang bị những kiến thức cần thiết về điểm đến, cũng như kỹ năng sinh tồn để xử lý các rủi ro hay không?. Có đoàn phượt 50 người lên Hà Giang, nhưng vì thiếu kinh nghiệm không lo kịp chỗ ở, họ đã phải qua đêm trên đường cao tốc, đó là một điều hết sức nguy hiểm.
Đi để “cúng face” là chính, nhiều bạn trẻ không ngần ngại nguy hiểm tính mạng, leo trèo trên những mỏm đá, lội suối chảy xiết, vắt vẻo trên cây nhằm thể hiện bản thân, và có được những bức ảnh độc đáo để câu view. “Nhẹ nhàng” hơn, có bạn đi đến đâu là “đánh dấu lãnh thổ” đến đấy, hái hoa bẻ cành, vứt rác bừa bãi.
Nhiều người dân bản địa tỏ ra bức xúc, khó chịu khi nhìn thấy các đoàn phượt bởi họ đến đâu là phá đến đấy. Chuyện không mới, nhiều đoàn phượt dựng trại ngủ qua đêm trong rừng, ăn chơi nhảy múa ồn ào cả đêm, ngày hôm sau thản nhiên rời đi, để lại một la liệt rác thải.
Không những thế nhiều phượt thủ còn có thái độ vô lễ, hỗn xược với những người dân bản xứ, bởi cậy mình “có đông đồng bọn”. Câu chuyện đoàn phượt thủ 16 xe 28 người nghỉ qua đêm ở cafe võng với tổng chi phí 400.000 đồng, sau đó có thái độ “chê đắt” với bà cụ 70 tuổi, rồi lên mạng “bóc phốt” để rồi bị chỉ trích gay gắt. Những lời bình luận ác ý trên mạng không những ảnh hưởng đến việc kinh doanh, còn xỉ nhục đến phẩm chất, con người của bà cụ
Từ những hiện tượng trên, mặc dù không thể “chụp mũ” toàn bộ giới phượt là tồi tệ, nhưng chính những cá nhân, nhóm thế này làm hình ảnh dân du lịch bụi ngày càng xấu đi, ngày càng hiếm các đoàn phượt đúng nghĩa.
Phượt ngày càng xa rời hình thức du lịch khám phá, lại càng không phải du lịch nghỉ dưỡng. Không có bất cứ định nghĩa chính xác nào về phượt và cũng chẳng có giới hạn nào để định danh ai đó là phượt thủ hay không, và cũng chẳng có cơ quan chức năng nào trực tiếp quản lý ý thức, hành vi của dân phượt.
Chính vì thế, chỉ trong giới phượt “tự bảo nhau” một nguyên tắc mà bất cứ phượt thủ nào phải ghi nhớ, đó là “không làm ảnh hưởng đến thiên nhiên, văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa”, chứ không phải cứ “xách ba lô lên và đi” là đã trở thành phượt thủ. Dù vậy, vẫn có nhiều bạn trẻ hứng thú với phượt. Nhưng phải chăng đó chỉ là sự bốc đồng do ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông?
Theo Đỗ Trang
Baophapluat.vn