Ông Nguyễn Hữu Khanh – nhà sử làng thôn Thanh Quýt sưu tầm và viết lại những câu chuyện thú vị về làng quê. Ảnh: Nguyễn Thành
Tộc họ Lê Tự hiện sống tại Điện Thắng Trung hơn 400 hộ, là tộc họ thuộc loại lớn nhất vùng. Bao đời con cháu tộc họ Lê Tự truyền miệng nhau câu chuyện ly kì từ ếch và tuyệt đối không ai dám ăn thịt ếch.
Ông Nguyễn Hữu Khanh (73 tuổi) làm nghề cắt tóc nhưng là người được cả xã Điện Thắng Trung kính nể bởi ông chuyên sưu tầm nghiên cứu và viết sách về những trầm tích văn hóa của làng quê. Quán cắt tóc ông vì thế trở thành nơi lui tới của nhiều văn nghệ sĩ Quảng Nam.
Ông Khanh khẳng định một câu chắc bắp: “Họ Lê Tự nhắc tới ếch là sợ. Nói gì đến ăn”. Máu ưa tìm tòi, khám phá những nét độc đáo, đã thôi thúc ông đi tìm những câu chuyện để lưu chép cho con cháu đời sau.
Từ ngày về làm rể họ Lê đã 40 năm nay, ông Khanh cũng theo tục lệ của con cháu họ Lê bao đời: Không ăn thịt ếch. “Là con rể, tôi tôn trọng tục lệ và điều cấm kị của họ từ bỏ món ăn khoái khẩu. Ếch với dòng họ Lê Tự là một giai thoại, một tích đầy tính nhân văn. Một nét văn hóa trong ẩm thực kì lạ nhất dải đất miền Trung”, ông Khanh nói.
Theo chân ông Khanh chúng tôi tìm đến “Miếu thờ việc Nghĩa” nằm ở xóm Chay thuộc ấp Trung Lương trước đây. Các vị cao niên trong tộc họ Lê Tự cho hay “Miếu có từ lâu đời là nơi thờ tự một vị tướng quân của dòng họ”.
Ông Lê Tự Xuyên, trưởng ban tộc họ Lê Tự khẳng định: “Con cháu họ Lê chúng tôi bao đời qua không dám động tới ếch”.
Ông Lê Tự Xuyên (76 tuổi), trưởng ban tộc họ Lê Tự kể câu chuyện truyền miệng bao đời. Chuyện truyền khẩu nhưng đến nay khi nhắc đến các cụ chức sắc dòng họ vẫn kể giống nhau. Tương truyền, đời trước có một vị tổ họ Lê đi đánh giặc chẳng may bị thương nặng, phải nằm lại ở nơi hoang dã. Những vết thương dần dần lở loét do không có thuốc thang.
Không ngờ, cứ tối đến lại có một con ếch vàng to nhảy đến kêu mấy tiếng. Tức khắc, một lũ ếch tập trung quanh chỗ ông nằm thay nhau liếm lành những vết thương. Và tất nhiên, món thịt ếch cũng đã cứu ông khỏi chết đói và đủ sức vượt qua hoạn nạn.
Trở về làng, ông thuật lại sự việc ly kỳ trên. Con cháu từ đấy tự nhủ không ăn thịt ếch đồng thời phải có trách nhiệm với ân nhân của ông Tổ. Kể từ đó cả họ Lê không ai ăn thịt ếch.
” Miếu thờ việc nghĩa” nay chỉ là chiếc am trên nền đất cũ của miếu.
Ông Xuyên kể: “Từ nhỏ tôi đã nghe ông bà cha mẹ kể về những câu chuyện liên quan đến ếch đối với dòng họ. Trong tộc Lê Tự có vị tổ đời thứ chín là ông Lê Tự Chỉnh tham gia nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu. Ông Lê Tự Chỉnh đã tham gia nhiều trận đánh với quân Pháp. Trong một trận đánh không cân sức, ông bị thương phải nằm lại giữa vùng lau sậy tại chiến khu Bàu Đưng. Ông Lê Tự Chỉnh cũng được đàn ếch cứu sống như sự tích của ông Tổ họ Lê”.
Trong thôn ai làm việc gì sai trái, bắt ếch, ăn thịt ếch là có tội với miếu thờ việc Nghĩa
Theo ông Lê Tự Xuyên, cũng như các vị cao niên và nhà sử học làng Nguyễn Hữu Khanh, trước năm 1975 vẫn còn một ngôi miếu thờ ông Lê Tự Chỉnh nằm ở xóm Chay. Con cháu của ông Lê Tự Chỉnh hiện nay gọi ông là ông Tằng Tổ Bá.
Họ vẫn lưu truyền trong tích xưa rằng: “Ngay khi vết thương lành, ông cùng một số tàn binh Nghĩa hội vẫn tiếp tục tổ chức chiến đấu. Trong một trận chiến khác khi mở đường máu băng qua cánh đồng gần làng, ông đã bị giặc Pháp phục kích và hi sinh.
Cảm khái trước tinh thần anh dũng kiên cường, yêu nước căm thù giặc của Lê Tự Chỉnh, con cháu và dân làng đã lập một miếu thờ ông ngay trong vườn nhà. Về sau, người làng quen gọi là miếu thờ việc nghĩa để nhắc nhở hậu duệ nhớ tới công ơn của ông tổ và ơn cứu mạng của ếch. Trong thôn ai làm việc gì sai trái, bắt ếch, ăn thịt ếch là có tội với miếu thờ việc nghĩa”.