Anh Hoàng Mạnh Thắng (41 tuổi, ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội) làm bố đơn thân khi con trai vừa lên 6. Nghề tài xế của anh thu nhập không cao nên để đi xuyên Việt 70 ngày cùng con, anh phải dành dụm tiền suốt 5 năm.
“5 năm trước, tôi đặt mục tiêu sau khi con học xong cấp 1 sẽ đi một chuyến. Hành trình sẽ giúp con được trải nghiệm và cũng thỏa ước mơ của mình”, anh nói.
Mùa hè sau lưng cha
Anh Thắng xin nghỉ việc để toàn tâm cùng con rong ruổi. Xác định tinh thần có thể ăn, ngủ bất cứ nơi đâu, anh chuẩn bị khá nhiều đồ đạc. Anh gắn thêm baga trên xe để chở quần áo, đồ sinh hoạt cá nhân, lều bạt, vật dụng nấu ăn mini… Sáng 30.6, hai bố con xuất phát từ Hà Nội, dự định đi dọc đường biển vào nam. Tuy nhiên, sau 4 ngày tắm và lặn biển thỏa thích ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Thiện Hải muốn bố chở lên Tây nguyên trước.
Đến Măng Đen (Kon Tum), cậu bé 11 tuổi lần đầu cảm nhận không khí “mát mẻ đến mê hoặc”. Hải cũng được bố chở từ cửa khẩu Bờ Y sang Lào chơi một hôm. “Con đã đi trên những đoạn đường thoáng, rộng với cây xanh mướt mà ở thành phố không có”, Hải hào hứng kể. Mải vi vu nên đến tận hơn 1 tháng 2 bố con mới vào tới TP.HCM. Sau đó, cả hai phượt xuống các tỉnh miền Tây. “Với bố con tôi, miền Tây là một thế giới khác đầy mới mẻ, nhiều điều thú vị”, anh Thắng nói.
Cậu bé Hải cũng thế. Em ngạc nhiên trước giọng nói, cách sinh hoạt, đồ ăn của người dân nơi đây. Em thích nhất là được thử nhiều loại trái cây đặc sản. Hải vốn có sức khỏe tốt, ăn uống dễ nên món nào cũng tấm tắc khen. Đôi khi nhớ nhà nhưng cậu bé không muốn kết thúc hành trình sớm. Xuống đến mũi Cà Mau, lần đầu tiên Hải được thấy cá thòi lòi bò trên bãi bồi, rất thú vị. Cậu bé cũng rất thích rừng ngập mặn, nơi những cây đước cao lớn, rễ cắm sâu dưới nước.
“Hồi bé tôi đọc tiểu thuyết Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, ao ước một lần đến miền Tây. Giờ đây, được dẫn con trai cùng đi, với tôi là một điều quá hạnh phúc”, anh Thắng chia sẻ.
SẼ TIẾP TỤC LÊN ĐƯỜNG
Trên đường trở về Bắc, sợ con mệt, anh Thắng định đi bằng xe khách nhưng Thiện Hải vẫn kiên quyết: “Mình đi tiếp xe máy cũng được bố ạ”. “Tôi không ngờ con khỏe và có tinh thần mạnh mẽ đến vậy. Cùng những chuyến phượt ngắn ngày trước đây, con đã đi hết 63 tỉnh thành”, anh Thắng tự hào chia sẻ.
Điều may mắn nhất trên hành trình là thời tiết đã ủng hộ hai bố con, chỉ hơi khó chịu một chút ở đoạn qua Hà Tĩnh vì nóng. Hải hỏi bố: “Tại sao có gió nhưng mình không thấy mát?”. Vậy là anh Thắng có dịp kể cho con về đặc điểm của gió Lào.
Anh Thắng chia sẻ luôn chỉ bảo để con có sự biết ơn, không chỉ với bố mà còn là tất cả những người bạn đã gặp, những nơi đã qua… Từ đó, ông bố đưa ra một đề nghị, đó là sau chuyến này trở về, Hải sẽ học hành thật chăm chỉ trong những năm cấp 2, tự lập trong sinh hoạt để bố an tâm làm việc. Mục tiêu là 4 năm nữa, khi Hải học xong lớp 9, bố sẽ đưa con đi một chuyến nữa, có thể là ra nước ngoài.
Hết hè, Hải chuẩn bị quần áo, sách vở để bước vào năm học mới, còn anh Thắng cũng vừa xin được một chân tài xế, tiếp tục công việc. “Tôi nghĩ trẻ con thường không bận tâm bố mẹ có bao nhiêu tiền, mà chỉ quan tâm hôm nay bố mẹ đã ở bên mình bao lâu mà thôi. Tôi sẽ dành mọi thứ, cũng như tất cả thời gian của mình để ở bên con nhiều nhất”, ông bố trải lòng.
Ông Thiều Sĩ Nghĩa (50 tuổi) – ông bố từng được Thanh Niên đề cập khi chở con trai 17 tuổi xuyên Việt 30 ngày, cũng theo dõi hành trình của hai bố con anh Thắng trên mạng xã hội. “Đi phượt với trẻ càng nhỏ thì càng khó, bố phải tâm lý lắm. Để cậu bé 11 tuổi như Hải đi cùng bố suốt 70 ngày không phải là điều dễ dàng”, ông Nghĩa nhận định.