Nếu bạn đã từng đi du lịch Phú Quốc hay đi Du Lịch Nam Du và nghĩ Kiên Giang chỉ có vậy thì bạn đã lầm. Bạn đã nghe đến Hòn Nghệ Kiên Giang chưa? Không xa xôi như Phú Quốc, Nam Du, mà Hòn Nghệ chỉ cách Kiên Giang khoảng 25km mà thôi. Hôm nay, mình sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn tham quan nơi đây.
Hòn Nghệ nằm ở đâu?
Hòn Nghệ là một hòn đảo thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Nằm cách hòn Chồng chỉ 15km và thị trấn Ba Hòn, Kiên Lương, Kiên Giang chỉ 24km mà thôi. Với vị trí như vậy, việc di chuyển đến Kiên Lương dễ dàng hơn đi Phú Quốc và Nam Du rất nhiều.
Đi Hòn Nghệ bằng cách nào?
Để đến được Hòn Nghệ, bạn cần tới Kiên Giang. Vị trí gần Hòn Nghệ nhất là thị trấn Ba Hòn như đã nói ở trên. Hiện nay chỉ có 2 tuyến tàu đi Hòn Nghệ đó là:
- Tàu Rạch Giá – Hòn Nghệ
- Tàu Ba Hòn – Hòn Nghệ
Tàu đi Hòn Nghệ hàng ngày
Tàu Ba Hòn – Hòn Nghệ:
Tuyến Hòn Nghệ – Ba Hòn mỗi ngày chỉ có 2 chuyến thôi (1 lượt vào đất liền và 1 lượt ra đảo, có nghĩa là trong 1 ngày bạn chỉ đi được hoặc là ra đảo hoặc là vào đất liền). Lưu ý đây là tàu gỗ, đi chậm nhé mọi người.
- Chuyến từ đảo vào đất liền: 7h30, 8h30 (chạy gần 2 tiếng thì vào tới đất liền).
- Chuyến từ đất liền ra đảo: 10h30, 11h30 (mình để thời gian trong khoản này, vì cũng tùy lượng khách và hàng hóa mà tàu chạy sớm hoặc muộn một chút)
Vị trí bến tàu để khởi hành ra đảo là đối diện với trung tâm thương mại thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang).
Giá vé: tàu thường 30k/người, tàu cao tốc 50k/người.
Bạn nào mà hay bị say sóng thì nên dùng thuốc chống say tàu xe trước khi đi nhé. Biển êm hay động (lặng sóng hoặc có sóng) tùy thời tiết.
Tàu Rạch Giá – Hòn Nghệ
Tàu Rạch Giá đi Hòn Nghệ do hãng Superdong khai thác mỗi ngày có 1 chuyến:
- Tàu Rạch Giá – Hòn Nghệ: 9h30
- Tàu Hòn Nghệ Rạch Giá: 15h30
Giá vé 210.000đ/1 người.
Đến Hòn Nghệ thì ở đâu?
Chỗ ngủ: Bạn có thể liên hệ với người dân để hỏi chỗ qua đêm, chỗ trọ, hoặc là “xin ta túc lại trên chùa” (nếu bạn là dân đi phượt thì nên thử). Chùa tên là Liên Tôn Cổ Tự tọa lạc trên núi đá, có tượng phật bà quan âm, khi bạn gần vào tới đảo sẽ nhìn thấy. Đây là nơi lý tưởng để bạn thưởng ngoạn cảnh biển.
Ăn gì khi đi Hòn Nghệ?
Lời khuyên là bạn nên chuẩn bị một ít đồ ăn mang theo để dùng. Buổi sáng ở các nơi tập trung đông dân cư sẽ có chỗ bán đồ ăn sáng. Buổi chiều thì hầu như là không có hoặc là ít. Bạn muốn dùng hải sản thì liên hệ người dân nhé (mua nguyên vật liệu + nấu nướng), giá thì mình không rõ, theo một số bạn đi trước bảo là khoảng vài trăm gì đấy tuỳ số lượng. Chất lượng hải sản ở đây khá tươi, giá so với ở trong đất liền thì rẻ hơn rồi, tha hồ mà măm măm nhé. Có thể thuê xuồng, ghe nhỏ để tham quan xung quanh đảo, giá các bạn thương lượng nhé. Người dân nơi đây cũng ít khi chặt chém, nhưng dù sao các bạn cũng nên thương lượng và tuỳ cơ ứng biến để có chuyến đi vui vẻ nhé.
Hòn Nghệ có gì?
Chỗ tham quan, chụp ảnh, tắm biển: Ở núi đá mà khi nãy mình nói có cái chùa đấy. Hai bên là hai bãi cát, rất tuyệt cho việc tắm biển, muốn lặn thì đi lại chỗ có mấy cái cục đá sẽ có cá, sinh vật biển mà ngắm mở mắt đồ (điều kiện là có mang theo kiếng lặn). Chụp ảnh thì lên cái núi đá có tượng phật nhé, có rất nhiều góc ảnh đẹp ở đây. Ngoài ra xung quanh đảo cũng có nhiều cảnh đẹp để cho các bạn lưu giữ lại những khoảnh khắc.
Review Hòn Nghệ
Đây là đoạn review mình tìm được trên trang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin đăng lại:
“Sức quyến rũ của Đảo Hòn Nghệ
Trong chuyến tháp tùng cùng đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Kiên Giang ra phục vụ văn nghệ các chiến sĩ và nhân dân trên đảo Hòn Nghệ nhân dịp hưởng ứng tháng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013. Hòn đảo xinh đẹp này đã có sức quyến rũ kỳ lạ từ những bãi đá hoang dã cùng sóng biển xanh trong tạo nên bức tranh êm đềm với nhiều lồng bè nuôi cá bồng bềnh trên biển khơi, trông thật kỳ thú.
Diện mạo mới đảo Hòn Nghệ
Cách thị trấn Ba Hòn huyện Kiên Lương khoảng 20km về phía Tây Nam, Hòn Nghệ có hình bầu dục, dài 2,5km, ngang 1,6km, diện tích tự nhiên 3,8km2. Sau hai giờ trên biển, tàu cập bãi Nam của Hòn Nghệ. Từ phía biển, chúng tôi nhìn vào đảo thấy một bức tranh non nước hữu tình của hòn đảo xinh đẹp. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là những lồng bè nuôi cá dày đặc trên vịnh biển xanh rờn. Những lồng bè bằng thân cây bạch đàn, thùng phuy và lưới cước được kết vào nhau, nhiều hay ít lồng tùy theo điều kiện kinh tế của chủ hộ, bên trong lồng nuôi cá bốp và cá mú, hai loại cá rất quen thuộc với du khách khi đến các vùng biển Kiên Giang. Lồng bè nuôi cá mỗi năm phải dời ít nhất hai lần: mùa gió nam (từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch) dời sang Bãi Chướng, mùa gió chướng (gió bấc, từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch) trở lại Bãi Nam nhằm tránh sóng, ảnh hưởng đến năng suất cá và khiến lồng bè hư hại. Tàu vừa cập bến, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 20m sừng sững trên một sườn núi uy nghi, mặt quay về làng chài phía đông. Cách Liên Tôn cổ tự chừng 100 m.
Tiếp chúng tôi là anh Huỳnh Văn Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ, qua câu chuyện anh cho biết: Hiện xã đảo có 509 hộ, hơn 2000 nhân khẩu sống ở hai ấp Bãi Nam và Bãi Chướng. Toàn xã có 201 phương tiện đánh bắt lớn nhỏ, đa số người dân sống bằng nghề khai thác hải sản, nhiều người thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng bè. Cả xã có 127 hộ nuôi cá lồng bè với 354 bề. Nghề nuôi cá lồng bè là động lực cho Hòn Nghệ chuyển mình.
Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân trên đảo thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND xã đề ra. Thu nhập bình quân đầu người là 17.600.000đ/năm; chỉ tiêu huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%; phổ cập giáo dục đúng độ tuổi là 86,27%; gia đình văn hóa đạt 395/476 hộ tỷ lệ 83%; tỷ lệ hộ nghèo 6/476, chiếm 1,25%…
Theo anh Nguyễn Văn Thành ở xã Hòn Nghệ nuôi cá lồng bề cho biết: “Nuôi cá bè lợi lắm. Thức ăn thì dễ nữa, là cá tạp như cá trích, cả đỏ, ghe đi về là có. Dân đảo nuôi cá bốp và cá bống mú. Cá bốp giá 115 ngàn/kg, còn cá bống mú giá khoảng 400 ngàn/kg. Chính vì vậy nhiều gia đình trên đảo đã thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng bề”.
Nhiều người đến Hòn Nghệ lần đầu, sẽ không khỏi ngạc nhiên vì ban đêm nhà dân không đóng cửa, không giăng mùng do không có muỗi, phần lớn nhà ở đều được xây tường khang trang. Rừng trên đảo không bị cháy nhờ phát động toàn dân tham gia bảo vệ. Trên đảo hoàn toàn không có trộm cắp, huy các tệ nạn khác…
Tình người trên đảo Hòn Nghệ
Khi chúng tôi đến Đồn Trạm trưởng Trạm kiểm soát Hòn Nghệ được Thiếu tá Lê Đồng Khởi đón tiếp và anh không ngần ngại lấy xem honda chở tôi đến thăm chùa Liên Tôn Cổ Tự vừa chạy xe anh vừa tâm sự: “Hòn Nghệ đã đầu tư xây dựng một con đường bê tông kiên cố dài gần 8km, chiều ngang 4m chạy vòng quanh đảo. Điện được phát bởi máy diesel do xã quản lý từ nguồn kinh phí bao cấp của huyện, cấp điện hàng ngày từ 15 giờ đến 23 giờ đêm. Nước sạch khá đầy đủ được lấy từ các suối trên núi dẫn xuống bằng đường ống nhựa. xã có 4 điểm trường cấp II, một trạm y tế, một bưu cục viễn thông. Biển Hòn Nghệ khá nhộn nhịp nhưng vẫn chưa có cầu cảng để tàu cặp bến. Hòn Nghệ non nước hữu tình, người dân hiếu khách có nhiều cảnh đẹp hoang sơ đầy quyến rũ đang chờ được đánh thức…”
Hòn Nghệ một năm có 2 dịp lễ hội, lễ Nghinh Ông (16 tháng Chạp) và lễ vía Bà (20 tháng 2 Âm lịch), đón hàng ngàn du khách về dự. Miếu Bà nằm ở vị trí rất nên thơ, ngay đầu bãi Chướng, sát mặt biển dập dờn. Lễ Nghinh Ông để dân đảo tỏ lòng biết ơn tới cá Ông, tới tổ tiên, cầu mưa thuận gió hòa, sóng yên bể lặng, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.
Liên Tôn Cổ Tự ở Hòn Nghệ
Thiếu tá Lê Đồng Khởi cho biết thêm: “Liên Tôn Cổ Tự dựa lưng vào vách núi. Trên núi có hòn đá Chuông, khi gõ vào sẽ vang tiếng “boong… boong…boong…” rất lạ tai. Để vào chánh điện, phải đi qua một hang hẹp dài hơn 20m. Đến đây, hang phình to chừng 80m2, trên vách có rất nhiều hình tượng thiên tạo kỳ vĩ. Sau Tết Nguyên Đán, khách thập phương về viếng chùa hàng trăm lượt mỗi ngày. Từ tượng Phật Quan Âm nhìn xuống Bãi Nam, chúng ta có cảm giác như đứng trước một ngư cảng sầm uất, tàu bè chen kín, nhấp nhô cùng với ghe xuồng nhộn nhịp, náo nức từ sáng sớm cho đến lúc hoàng hôn buông xuống”.
Tương truyền, vào khoảng năm 1972, thiền sư Thích Nhật Minh trụ trì một ngôi chùa ở Sài Gòn, đến thăm đảo Hòn Nghệ, nhìn thấy vẻ đẹp hoang sơ nơi đây rất thích hợp cho việc tu luyện và an dưỡng. Khi về Sài Gòn, ông đã vận động bà con Phật tử và người dân đóng góp, sau đó trở lại xây dựng ngôi chùa Liên Tôn Cổ Tự. Năm 1974, tượng Phật Bà Quan Âm được xây dựng. Năm 2005, ngôi chùa và tượng Phật Bà Quan Âm được trùng tu sửa chữa mới khang trang hơn để thu hút khách du lịch.
Chúng tôi theo đường đi qua nhiều ngóc ngách quanh co lắt léo, có khi phải bò qua những mỏm đá. Hang nhỏ bằng một gian phòng khách, có một tượng Phật lẻ loi bằng đá mà ai đó đã đặt chẳng biết tự bao giờ! Từ cửa hang, ta nhìn thấy biển đẹp như bức tranh thủy mặc… hang Gia Long dành cho những ai thích mạo hiểm. Hang nằm sát biển ở độ cao trên 10m, vách gần như thẳng đứng. Có hai con đường đi đến hang, một dọc theo mép biển, hai là vượt qua đỉnh núi đá tai mèo cheo leo. Cả hai con đường đều hiểm trở với gành đá, vực sâu, núi cao, gây cảm giác mạnh cho du khách. Lại có một số hang động nằm ở phía bắc đảo đâm thẳng ra biển hoặc ăn thông lên đỉnh giống như một cổng trời tạo cho ánh sáng tràn vào, lung linh chảy dài trên những vách đá và những rễ cây ngoằn ngoèo, dáng hình cổ quái. Đứng từ cửa hang phóng tầm mắt ra khơi, tai nghe tiếng lá rì rào cùng gió biển mơn man, tâm hồn ai nấy cũng đều khoan khoái nhẹ nhàng như bỏ lại sau lưng tất cả những mệt nhọc và phiền muộn.
Cuộc sống bình yên tại Hòn Nghệ
Chiều đến, có thể tìm thuê một chiếc xuồng bơi dọc theo bến mua vài thứ đặc sản, rồi mang về nhà dân bày tiệc vì bà con ở đảo rất hiếu khách. Những món ngon nổi tiếng ở Hòn Nghệ có chả trứng cá ngát mùi béo ngậy, mực nướng vừa thổi vừa nhai, còn tôm tích luộc thì ăn tới đâu ngọt lịm tới đó. Hấp dẫn nhất là ốc nướng chao và vọp nướng mỡ hành, chấm muối tiêu chanh. Bình minh trên biển Hòn Nghệ đẹp thanh bình, tàu ghe đánh cá nườm nợp tới lui mua bán thủy hải sản trên biển. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng người gọi nhau ơi ới tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, huyên náo đầy sức sống.
Ai đến Hòn Nghệ một lần chắc sẽ muốn quay lại vì sức quyến rũ của đảo Hòn Nghệ với khí hậu thật trong lành, mát mẻ, cảnh vật yên tĩnh, đặc biệt là hệ sinh thái đa dạng với đầy đủ biển, núi, rừng… Và hầu hết đều còn hoang sơ với nhiều nét độc đáo riêng.”
Hình ảnh Hòn Nghệ
Bạn thấy Hòn Nghệ thế nào? Bạn đã đến Hòn Nghệ chưa? Hãy cùng chúng tôi khám phá Hòn Nghệ ngay hôm nay nhé.