Vào tháng 9 – 10 hàng năm, mình hay đùa tụi bạn đây là lễ hội của Lúa. Vì mọi người sẽ đổ dồn đi Đông Tây Bắc để ngắm lúa cho bằng được luôn, nào là Mù Cang Chải, nào là Sapa, nào là Y Tý, nào là Mai Châu, Pù Luông…
Mọi người có thấy thiếu thiếu gì ko? – Thiếu Hoàng Su Phì đó.
Đại đa số mọi người nhắc đến Hà Giang đều sẽ nhớ đến cao nguyên đá Đồng Văn đầu tiên mà quên mất đi sự xuất hiện của một Hoàng Su Phì cũng ấn tượng ko kém với danh hiệu – Danh thắng ruộng bậc thang cấp quốc gia.
Mọi người muốn mình dẫn đi 1 vòng không? Có thì đi thôi.
- Đọc thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Giang, cung Đồng Văn – Mèo Vạc
Chọn thời điểm đi du lịch Hoàng Su Phì
- Mùa xuân (Tháng 1 – tháng 3): Tại Hoàng Su Phì sẽ diễn ra rất nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những lễ hội tràn đầy sắc màu và âm thanh sống động, đặc trưng của miền núi phía Tây Hà Giang. Đây cũng là thời điểm những vườn đào, lê và đồi chè đẹp nhất.
- Từ tháng 4 đến tháng 6: Đây là lúc những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào mùa nước đổ. Khoảnh khắc ánh nắng chiếu lấp lánh trên những thửa ruộng bậc thang vào thời điểm này đủ sức khiến bạn mê mẩn.
- Tháng 9 hàng năm: Có lẽ đây là thời điểm Hoàng Su Phì đẹp nhất. Những thửa ruộng bậc thang bắt đầu chín vàng tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ, nên thơ vô cùng. Đây cũng là thời điểm Hoàng Su Phì có nhiều khách du lịch nhất. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm săn mây lý tưởng tại Hoàng Su Phì.
- Từ tháng 11 đến tháng 12: Nếu bạn muốn trải nghiệm cái lạnh của Hà Giang thì hãy đi vào khoảng thời gian này. Mùa lạnh trên núi cao đặc biệt với những cơn gió buốt, cây cối chìm trong màn sương lạnh, nhưng có những bản làng ấm áp với làn khói bếp tỏa ra từ lưng núi.
Xem ngay: Tour Hoàng Su Phì 3 ngày 2 đêm
Di chuyển đến Hoàng Su Phì như thế nào?
Hoàng Su Phì cũng thuộc tỉnh Hà Giang, nhưng nằm ở phía tây, hoàn toàn ngược lại với cung đường khám phá Cao nguyên đá (Đồng Văn – Mèo Vạc). Từ Hà Nội đi, bạn sẽ không đi thẳng tới Thành phố Hà Giang mà dừng ở huyện Bắc Quang để tiếp tục hành trình lên Hoàng Su Phì.
Các lựa chọn về xe đi từ Hà Nội:
- Nhà xe Bằng Phấn, Hải Vân xuất phát từ bến xe Mỹ Đình
- Nhà xe Đăng Quang xuất phát từ bến xe Gia Lâm
Với giá vé dao động từ 200.000-250.000vnđ/người/chiều và có nhiều chuyến trong ngày (sáng/chiều/tối)
Ngoài ra cũng có 1 vài nhà xe Limousine tuy nhiên xe chỉ chạy ban ngày, như xe Ngọc Cường chạy lúc 7h00 và 13h00 từ phố cổ và Mỹ Đình, giá vé 350.000vnđ/người/chiều.
Tuy nhiên mọi người sẽ không dừng ở điểm cuối bến xe Hà Giang, mà mọi người nên dừng ở Huyện Bắc Quang, sẽ tiết kiệm được hơn 70km đường đi đó nghe.
Vậy làm cách nào để di chuyển từ Bắc Quang để vào các cơ sở lưu trú kể trên?
Câu trả lời là thuê xe máy hoặc xe ô tô.
Cung đường Hoàng Su Phì được ví von “Nhất Su Phì, Nhì Bắc Mê”; nghe thôi đã đủ thấy độ khó trong việc cua tay áo ở con đèo này rùi. Tuy nhiên điều đó lại kích thích các phượt thủ vô cùng, vì vậy các bạn có thể thuê xe tại những địa điểm như
- Hằng Thường
- Motogo
Bảng giá thuê xe máy đi Hoàng Su Phì tại Bắc Quang
Các mẫu xe máy cho thuê tại Hà GiangĐơn giá (VNĐ/ngày)Giá thuê xe máy Wave Honda Blet 110cc tại Hà Giang200,000Giá thuê xe máy Wave Honda RSX 110cc tại Hà Giang200,000Giá thuê xe máy tay côn Suziki HJ2019 tại Hà Giang300,000Giá thuê xe máy tay ga Honda Airblade 125cc tại Hà Giang200,000Giá thuê xe cào cào Honda 150cc tại Hà Giang650,000Giá thuê xe máy pkl Yamaha 155cc tại Hà Giang700,000
Ngoài ra, với những bạn chưa vững tay lái, bạn có thể liên lạc để thuê xe taxi hoặc ô tô nhé.
Dịch vụ lưu trú ở Hoàng Su Phì như thế nào?
Lưu trú ở Hoàng Su Phì có khá nhiều lựa chọn, nhưng tập trung chủ yếu ở
- Bản Luốc
- Bản Phùng
- Thông Nguyên.
Vì sao á? Vì đây là 3 địa điểm gần nhất và có cánh đồng ruộng bậc thang đẹp nhất Hoàng Su Phì. Các homestay nhiều mức giá, phổ biến từ 150.000vnđ/người/đêm trở lên, kể đến như:
- Hào Thu Homestay, Nậm Hồng, Thông Nguyên
- Kinh Homestay, Nậm Hồng, Thông Nguyên
- Tạ Quyên Homestay, Nậm Hồng, Thông Nguyên
- Panhou Village, Thông Nguyên
- La Chí Phong Homestay, Bản Phùng
- Chí Tài Homestay, Bản Phùng
- Đặng Văn Nam Homestay, Bản Luốc
- Canh Homestay, Bản Luốc
Vài năm trở lại đây, nhu cầu của khách du lịch đến với Hoàng Su Phì ngày càng nhiều, và nhóm khách có khả năng chi trả cũng nhiều dần lên, nên tại đây cũng đã xuất hiện những khu lưu trú “cao cấp” hơn, ví dụ như:
- Việt Phủ Lê Gia, Thông Nguyên
- Dao’s Bungalow, Nậm Hồng, Thông Nguyên
- Hoàng Su Phì Lodge, Thông Nguyên
Nhiều cơ sở lưu trú là thế, tuy nhiên Hoàng Su Phì lại không có nhiều nhà hàng, vì đại đa số các nhóm khách lên Hoàng Su Phì sẽ có sự chuẩn bị trước, và chủ yếu mọi người sẽ sử dụng dịch vụ ăn uống đi kèm với lưu trú; nhưng không vì thế mà đồ ăn ở những homestay hay bungalow kém hấp dẫn đâu nhé, vừa ngon vừa đặc sắc là đằng khác, vì người dân ở đó nấu theo mùa nào thức nấy, nên đồ ăn vừa tươi và đậm đà nhé các bạn.
Xong xuôi rồi, giờ thì chắc hẳn mọi người sẽ thắc mắc, chơi gì ở Hoàng Su Phì bây giờ nhỉ?
Phần hay nhất ở đây nè, ngồi xuống đi, để mình kể mọi người nghe kỹ hơn nào.
Đến Hoàng Su Phì trải nghiệm gì?
Thời điểm đẹp nhất trong năm để đi Hoàng Su Phì là vào mùa lúa, khoảng tháng 9 đầu tháng 10. Lúc này, những thửa ruộng bậc thang vào mùa, chín vàng khắp trên các dãy núi hùng vĩ. Cảnh đẹp của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào mùa lúa thực sự sẽ khiến bạn mê mẩn
Ruộng bậc thang
Điều đầu tiên và đặc biệt nhất chắc chắn phải kể đến ruộng bậc thang rồi. Như mình đã đề cập ở trên, các điểm ngắm lúa xuất sắc nhất ở Bản Luốc, Bản Phùng hay Thông Nguyên, ngoài ra còn có những điểm như Hồ Thầu, Nậm Tỵ đều xuất sắc vô cùng. Điểm hay ho ở đây là người dân địa phương đã xây dựng rất nhiều điểm ngắm cảnh (viewpoint) để khách du lịch có thể dừng chân ven đường và ngắm thành quả lao động của bà con vùng cao từ hàng trăm năm trước đến nay.
Hoa tam giác mạch
Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo với vẻ đẹp miên man, hoang dại, hàng năm thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Cao nguyên đá. Những năm gần đây, hoa tam giác mạch còn được trồng trên chính những thửa ruộng bậc thang tại 2 huyện phía Tây của tỉnh là Hoàng Su Phì và Xín Mần. Lên Hoàng Su Phì vào thời điểm cuối thu, sau khi những thửa ruộng bậc thang được thu hoạch xong thì cũng là lúc màu vàng của lúa được thay thế bằng sắc màu say đắm của những bông hoa tam giác mạch.
Đặc sản săn mây
Thiên nhiên đã ưu ái tặng cho Hoàng Su Phì khá nhiều thứ, 1 trong số đó là biển mây khổng lồ xuất hiện thường xuyên từ những ngày cuối tháng 8 – cùng thời điểm mùa lúa chín. Những tọa độ săn mây có thể dễ dàng bắt gặp tại các bản Luốc, bản Phùng hay Nậm Hồng
Đỉnh Chiêu Lầu Thi
Đỉnh Tây Côn Lĩnh sẽ là 1 thử thách với những tay mơ, vì các bạn sẽ phải treking liên tục trong 2 ngày 1 đêm để chạm tay được vào đỉnh núi, trong khi Chiêu Lầu Thi lại có phần nhẹ nhàng hơn, với đường dải bê tông dễ dàng hơn đến chân núi, sau đó bạn “chỉ phải” leo bộ khoảng 1000 bậc thang để chạm tay đến đỉnh núi. Bật mí, đỉnh Chiêu Lầu Thi cũng là 1 địa điểm camping vô cùng hot trong giới Trekking and Camping đó nha.
Chợ phiên
Chợ phiên ở Hoàng Su Phì vô cùng đặc sắc, có thể tần số ko quá dày như ở bên người anh em phía Đông Cao nguyên đá, nhưng sự độc đáo thì lại có chút nhỉnh hơn khi sắc tộc ở Hoàng Su Phì có sự khác biệt, ở Hoàng Su Phì là nơi lưu trú của 12 dân tộc như người Dzao, người Nùng, người Hmong, người La Chí, người Tày… với sự khác biệt về lối sống và đặc biệt là về trang phục.
Đến với chợ phiên Hoàng Su Phì, chắc chắn bạn sẽ đắm chìm trong những màu sắc ấn tượng, cùng sự đa dạng về hàng hóa nơi đây.
Các phong tục và lễ hội truyền thống của người bản địa
Lễ hội Khu cù tê của dân tộc La Chí
Tháng Bảy “Khu Cù Tê” hay còn được gọi là tết uống rượu tháng Bảy của người La Chí. Đây là ngày tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người La Chí để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân bản có cuộc sống bình yên.
Lễ Cấp sắc, Nhảy lửa, Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ
Đại diện lần lượt cho Lễ trưởng thành, Lễ năm mới và Lễ cầu mùa của người dân tộc Dao đỏ. Người dân ở đây tin rằng, chưa thực hiện nghi lễ cấp sắc, người đàn ông đó vẫn còn là trẻ con; chỉ có người được chọn mới có thể thực hiện nghi lễ nhảy lửa, trở thành thầy cúng để thực hiện nghi lễ Cầu mùa cho mưa thuận gió hòa.
Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng
Mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực với nhiều nghi thức khá giống với lễ hội Tịch điền của người miền xuôi. Mở đầu lễ hội, người ta chọn ra một người đàn ông có uy tín trong cộng đồng, hoàn cảnh gia đình tốt và là người cày giỏi nhất, đại diện cho người dân trong bản cày đường cày đầu tiên như một sự lấy may, suôn sẻ cho vụ mùa của năm đó.
Lưu ý khi đi Hoàng Su Phì
Nghe vậy đã đủ làm bạn muốn xách balo lên và ghé Hoàng Su Phì 1 chuyến chưa? Nếu câu trả lời có rồi, thì nhớ 1 vài lưu ý mách nhỏ của mình dưới đây nhé:
- Nếu du hí Hoàng Su Phì bằng xe máy, các bạn nhớ mang theo đầy đủ các loại giấy tờ, kiểm tra chất lượng xe và mang theo đồ phản quang, kiểm tra chất lượng phanh và đen pha của xe nhé.
- Thời tiết ở đây cũng khá lạnh, bạn nên mang theo áo ấm và chú ý lựa chọn trang phục phù hợp với du lịch đồi núi nhé, mách nhỏ là áo sáng màu lên ảnh cực lung linh luôn.
- Các bạn cũng nên mang theo chút bánh, kẹo và đồ ăn vặt trên đường vì không có hàng quán nhiều đâu.
Ảnh đẹp Hoàng Su Phì, Hà Giang
Cùng ngắm nhìn những hình ảnh đẹp về mùa lúa Hoàng Su Phì từ blogger Blue Nomad (Nhật Nam) nhé