Khi nhắc đến Ninh Bình người ta thường liên tưởng ngay đến một vùng nhất có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, núi non trùng điệp của danh thắng Tràng An hay vẻ đẹp thanh bình của ngôi chùa Bái Đính hơn 1000 năm tuổi. Không chỉ nổi tiếng về thiên nhiên hoang sơ, Ninh Bình còn có rất nhiều các địa danh văn hóa, lịch sử. Trong bài viết dưới đây Khách sạn Ninh Bình Legend sẽ chia sẻ cho bạn kinh nghiệm du lịch Cố Đô Hoa Lư nhé!
Giới thiệu về Cố Đô Hoa Lư
Cách Hà Nội khoảng 120km, Cố Đô Hoa Lư nằm ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, giáp ranh giới với hai huyện là Gia Viễn và Hoa Lư. Năm 968 khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, Kinh đô Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền và sau này cũng là kinh đô của hai triều đại phong kiến lớn của nước Việt là Nhà Tiền Lê và Nhà Lý.
Dù chỉ tồn tại trong 42 năm ngắn ngủi, những nơi đây đã từng diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với vận mệnh và lịch sử dân tộc ta.
Kinh thành Hoa Lư gồm có 2 vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. Ba vòng gọi thành là thành Đông, thành Tây và thành Nam, tạo thành hình số 80 hướng về phía Đông. Trong đó thành Nam nằm ở khu vực căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau nên được đặt tên là Tràng An. Hai vòng còn lại là nơi đặt cung điện nên gọi là Hoa Lư.
Sau sự kiện vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (Hà Nội), nơi đây được gọi với một cái tên khác là Cố Đô Hoa Lư, đóng vai trò là căn cứ quân sự quan trọng của quân và dân Đại Việt dưới triều Lý – Trần – Lê – Mạc – Tây Sơn.
Cố Đô Hoa Lư ngày nay không còn nguyên vẹn mà đền thờ Vua Đinh, vua Lê uy nghiêm chỉ được xây dựng theo mô phỏng của kinh đô Hoa Lư xưa. Dù kiến trúc trong quần thể Cố Đô Hoa Lư đều mang một nét rất riêng biệt, nhưng lại chứa đựng chung những dấu tích của thời gian. Tất cả làm nên một vẻ đẹp cổ kính, hào hùng của dân tộc.
Hiện nay, Cố đô Hoa Lư là một quần thể kiến trúc đặc sắc được UNESCO công nhận là một trong 4 vùng lõi thuộc quần thể di sản Thế giới Tràng An. Bên cạnh đó nơi đây còn được nhà nước xếp hạng là quần thể kiến trúc, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt quan trọng, cần được hết sức gìn giữ.
Du lịch Cố Đô Hoa Lư thời điểm nào đẹp nhất?
Bạn có thể ghé thăm Cố Đô Hoa Lư vào bất cứ mùa nào trong năm tuy nhiên mùa xuân có lẽ là thời điểm lý tưởng nhất. Vì lúc này Cố Đô đang diễn ra rất nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc nhằm tưởng niệm các vị vua đã có công xây dựng đất nước điển hình như lễ hội Đền La, lễ hội Đền Thái Vi, lễ hội đền Thánh Nguyễn,…Ngoài ra cũng còn một số thời điểm lý tưởng trong năm vào mùa khô mà bạn có thể ghé thăm Cố Đô Hoa Lư:
Tháng 5: Không những thời tiết lúc này rất nhiều lòng người mà khi ghé thăm Cố Đô vào thời điểm này bạn còn được tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín vàng ươm, trĩu hạt trải dài tít tắp. Ngoài ra bạn có thể kết hợp tham quan một số điểm du lịch Ninh Bình nổi tiếng khác như: du lịch Tam Cốc – Bích Động hay chùa Bái Đính để làm phong phú thêm chuyến đi của mình.
Phương tiện di chuyển đến Cố Đô Hoa Lư?
Từ Hà Nội đến Ninh Bình
Do vị trí địa lý không quá xa Hà Nội, du khách có thể lựa chọn một trong các phương tiện dưới đây tùy theo điều kiện của mình để chuyến đi được trọn vẹn nhất:
- Xe máy cá nhân: Đây có lẽ là phương tiện yêu thích của các phượt thủ thích chinh phục mọi cung đường. Bên cạnh đó phương tiện này cũng rất được ưa chuộng vì sự thuận tiện trong mỗi chuyến du lịch. Để di chuyển bằng xe máy từ Hà Nội về Ninh Bình bạn có thể đi thẳng theo đường quốc lộ 1A với thời gian khoảng 3 giờ đồng hồ.
- Tàu hỏa: Một phương tiện khác cho chuyến du lịch Ninh Bình đó là tàu hỏa. Với điểm xuất phát từ Hà Nội bạn có thể mua vé các tuyến SE7 , SE5 , SE9 , SE3 , SE19 với giá vé khoảng 124.000 đồng dành cho ghế cứng nằm điều hòa đến khoảng 219.000 đồng dành cho giường nằm. Lưu ý giá vé có thể thay đổi theo thời gian và tùy vào chương trình ưu đãi của nhà cung cấp.
- Xe khách: Với phương tiện là xe khách thì bạn thể mua vé xe tại bến xe Giáp Bát hoặc Mỹ Đình để tới thành phố Ninh Bình với mức giá 80.000VNĐ – 150.000VNĐ.
- Xe taxi đường dài hoặc xe limousine: Sẽ phù hợp với các đối tượng là gia đình nhỏ hoặc nhóm bạn ít người muốn thuận tiện di chuyển khi đi du lịch Cố Đô Hoa Lư. Bởi vì xe có cung cấp dịch vụ đưa đón tận nơi tới những điểm tham quan cụ thể với giá vé khoảng 150.000 – 350.000 đồng tùy hãng.
Từ Ninh Bình di chuyển đến Hoa Lư
Nếu đã tới được thành phố Ninh Bình, để di chuyển tới Cố Đô Hoa Lư, bạn cần di chuyển theo hướng thành phố rẽ trái rồi đi men theo đường Tràng An. Sau đó bạn đi theo đường chỉ dẫn đến khu du lịch Tràng An Ninh Bình. Đi thêm khoảng 200m là tới Cố Đô Hoa Lư.
Điểm du lịch tại Hoa Lư
Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, Cố Đô dù không còn được giữ lại nguyên vẹn như xưa nhưng sự cổ kính và những dấu tích thời gian tại nơi đây vẫn có một sức hút đặc biệt với du khách gần xa. Dưới đây là một số điểm du lịch nổi tiếng tại Hoa Lư mà du khách không thể bỏ qua.
Đền vua Đinh Tiên Hoàng
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh ( Đinh Tiên Hoàng) lên ngôi hoàng đế đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Ông cũng là vị hoàng đế đầu tiên của nước ta sau thời kì Bắc Thuộc.
Ngày nay, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là một trong những di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ của quần thể di sản Cố Đô. Đền được đặt tại xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa. Đây là nơi duy nhất của Việt Nam thờ đồng thời vua Đinh Tiên Hoàng cùng cha mẹ và các con trai của ông.
Đền sở hữu lối kiến trúc cổ kính với những bức tượng tinh xảo tạc bằng đá xanh, cùng khuôn viên rộng lớn, mặt tiền hướng dãy núi Mã Yên hùng vĩ, phía trên là lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Nếu là một người yêu lịch sử, thích khám phá trải nghiệm thì đây chắc chắn là một trong những địa điểm du lịch mà bạn không thể bỏ qua khi ghé thăm Cố Đô.
Đền vua Lê Đại Hành
Đền thờ vua Lê Đại Hành sẽ là điểm đến tiếp theo mà bạn nên ghé thăm trong chuyến du lịch tại Cố Đô của mình. Lê Hoàn được tôn là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc ta với chiến công đánh thắng quân Tống xâm lược. Sau khi lên ngôi vua ông đổi tên thành Lê Đại Hành sáng lập nhà Tiền Lê, trị vì nước Đại Cồ Việt trong 24 năm.
Đền thờ vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh cùng bài vị của công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng Phạm Cự Lượng. Đền thờ vua Lê nằm cách đền thờ vua Đinh khoảng 300m, mặt trước đối diện với quảng trường trung tâm Hoa Lư, mặt sau là hào nước giữ vai trò như một tuyến phòng thủ cho Cố Đô.
Hoa Lư tứ trấn
Hoa Lư tứ trấn là nơi thờ cúng các vị thần thành hoàng trấn giữ 3 vòng thành của Cố Đô và tưởng nhớ các vị anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Tứ trấn bao gồm:
- Trấn Đông: Thờ Thần Thiên Tôn
Đây là vị thần được vua Đinh tế lễ trước khi đi dẹp loạn 12 sứ quân với mong muốn được thần giúp đỡ. Tương truyền Thần Thiên Tôn là vị thiên thần, nguyên là hoàng tử, do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, mang thai và sinh ra. Khi lớn lên hoàng tử sở hữu sức mạnh dũng mãnh hơn người vang danh khắp thiên hạ.
Sau 42 năm tu luyện tại núi Dũng Dương (Hoa Lư) thì đắc đạo, được Ngọc Hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân với khả năng bay lượn, biến hóa, trừ tà ma quỷ quái.
Thiên Tôn là vùng đất “Tú Thủy Kỳ Sơn”, với địa thế núi sông hòa phối, công thủ vững vàng, do vậy sau khi lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn đóng đô tại Hoa Lư và cho xây cất nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài làm nơi đón tiếp sứ thần nước ngoài.
- Trấn Tây: Thần Cao Sơn
Đền thờ Thần Cao Sơn thuộc khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính. Theo như thần tích, Thần Cao Sơn là người con thứ 17 của vua Lạc Long Quân. Ông là người có công trong việc giúp đỡ dân an cư lập nghiệp, chống lại những thế lực phá hoại, được phong Lạc tướng Vũ Lâm và lập đền thờ từ hướng tây trên núi Đính.
Trong thời gian đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, Cao Sơn Đại Vương cũng là người có công tìm ra một loại cây quý mà bột của thân cây có thể dùng làm bánh thay thế bột gạo và ông đã lấy tên mình đặt tên cây là Quang Lang.
- Trấn Nam: Thần Quý Minh
Ngày nay là đền Trần hay còn có tên gọi khác là đền Nội Lâm. Truyền thuyết kể lại rằng Đức Thánh Quý Minh Đại Vương là vị thủy thần có công trong việc trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam, bảo vệ non sông bờ cõi dưới thời vua Hùng thứ 18.
Nhờ có công lớn nên Thần Quý Minh được phong là thượng đẳng thần, nhận sắc phong qua nhiều triều đại và được nhân dân xứ này thờ phụng. Sau này đền chính được vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng ở thành Nam Cố Đô (Tràng An ngày nay), đến thời vua Trần Thái Tông thì được xây dựng lại và giữ nguyên cho đến nay.
- Trấn Bắc: Thần Không Lộ
Đền thờ Không Lộ thiền sư Nguyễn Minh Không hay đền Đức Thánh Nguyễn là một ngôi đền cổ thuộc địa phận xã Gia Thắng và xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn. Nơi đây thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, ông là một nhà cao tăng tài cao đức trọng của triều Lý, được phong tước hiệu Lý Quốc Sư.
Đền thờ được xây dựng trên ngôi chùa có tên là Viên Quang do chính thiền sư Nguyễn Minh Không lập vào năm 1121. Khi ông mất nhân dân tưởng nhớ đến công lao và đổi tên chùa thành đền thờ Đức Thánh Nguyễn.
Bên cạnh đó,còn ông là người có công lớn trong việc tìm hiểu về kỹ thuật nung, pha chế đồng và phục chế nghề đúc đồng (tinh hoa văn minh của Đông Sơn và Việt Cổ).Tương truyền vị thần Không Lộ có thể đi lại bay lượn trên không, có thể tạo ra hòn núi, hang động, hồ đầm.
Các chùa ở Hoa Lư
Cố Đô Hoa Lư không chỉ là một địa điểm du lịch Ninh Bình rất được yêu thích đây còn là nơi được nhà nước xếp hạng là quần thể kiến trúc, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng, cần được giữ gìn. Do vậy vùng đất này chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng với nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng.
- Chùa Nhất Trụ hay chùa Một cột, đây là ngôi chùa được mệnh danh là thạch kinh cổ nhất Việt Nam. Chùa được xây dưới thời vua Lê Đại Hành, dù đã trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, tuy nhiên cho đến ngày nay nó vẫn lưu giữ được những giá trị nghệ thuật, văn hóa và lịch sử lớn lao, nổi bật nhất là Cột kinh phật được làm bằng đá trước sân chùa.
- Chùa Bái Đính: Là di tích nằm ở phía Bắc của khu quần thể danh thắng Tràng An. Ngôi chùa hơn 1000 năm tuổi được xác lập với nhiều kỷ lục nhất Việt Nam và đây cũng là điểm du lịch tâm linh rất được yêu thích tại Ninh Bình.
- Ngoài ra còn một số ngôi chùa cổ khác như: chùa Bàn Long, chùa Kim Ngân, chùa động Am Tiên hay chùa Bà Ngô,…..
Các hội truyền thống ở Cố Đô Hoa Lư
Vào mùa xuân hằng năm từ 8/3 – 10/3, Cố Đô Hoa Lư diễn ra rất nhiều lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao của các vị vua và anh hùng dân tộc. Một số lễ hội truyền thống thu hút đông đảo du khách thập phương có thể kể đến như: Lễ Hội Đền Thái Vi, Lễ Hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương, Lễ hội Trường Yên, Lễ hội Hoa Lư, Lễ Hội Tràng An,….
Lịch trình du lịch Hoa Lư trong 1 ngày
Bạn đang có kế hoạch du lịch Cố Đô Hoa Lư nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, tham khảo ngay lịch trình du lịch Cố Đô Hoa Lư trong 1 ngày mà Ninh Bình Legend chia sẻ dưới đây nhé!
- 7h – 9h: Bạn bắt đầu khởi hành từ Hà Nội về tới Trung tâm thành phố Ninh Bình, thời gian di chuyển mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Sau đó bạn có thể bắt taxi, xe ôm để di chuyển khu du lịch sinh thái Tràng An.
- 9h – 11h30: Sau khi đến Tràng An bạn có thể dành khoảng 2 – 3 tiếng để tham quan các địa điểm du lịch Ninh Bình yêu thích bằng thuyền. Và tiếp tục lịch trình du lịch Cố Đô Hoa Lư theo đúng kế hoạch.
- 11h30 – 14h: Bạn có thể tìm một nhà hàng gần đó ăn uống, nghỉ ngơi để lấy lại sức tiếp tục hành trình du lịch Cố Đô buổi chiều.
- 14h – 17h: Lịch trình buổi chiều trước khi kết thúc chuyến tham quan Cố Đô bạn có thể lựa chọn tham quan chùa Bái Đính – ngôi chùa cổ hơn 1000 năm tuổi giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam hoặc khám phá vẻ đẹp hoang sơ nơi thâm sâu cùng cốc của Tuyệt Tình Cốc – một danh lam thuộc quần thể di tích Cố Đô Hoa Lư.
Lưu ý khi du lịch Cố Đô Hoa Lư
Để chuyến du lịch Hoa Lư của mình thật trọn vẹn và an toàn bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Cố Đô Hoa Lư là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, do vậy bạn cần ăn mặc những trang phục lịch sự, kín đáo, tuyệt đối không gây mất trật tự và xả rác bừa bãi nơi công cộng làm ảnh hưởng đến tôn nghiệm của khu di tích.
- Nếu là du lịch Cố Đô Hoa Lư tự túc, bạn cần chuẩn bị trước bản đồ khu du lịch Ninh Bình để tránh mất quá nhiều thời gian tìm kiếm và thuận tiện hơn trong việc di chuyển.
- Bạn cần xem trước dự báo thời tiết trước chuyến đi và nên mang theo một số vật dụng cần thiết như ô, mũ, kem chống nắng, đồ ăn nhẹ, nước uống,…
- Cần tuân thủ theo những quy định của ban quản lý khu di tích để tránh những tình huống xấu xảy ra.
Trên đây Khách sạn Ninh Bình Legend đã chia sẻ cho bạn kinh nghiệm du lịch Cố Đô Hoa Lư chi tiết nhất. Mong rằng thông tin trên sẽ giúp bạn có một chuyến du lịch Cố Đô thật an toàn và tiết kiệm. Và đừng quên theo dõi trang để biết thêm nhiều thông tin du lịch Ninh Bình hữu ích nhé!
Xem thêm:
- Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Ninh Bình tự túc 1 ngày chi tiết nhất
- Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng tại Ninh Bình mà bạn nhất định phải ghé một lần trong đời
- Tổng hợp những điểm vui chơi giải trí tại thành phố Ninh Bình