Mỗi gia đình có một cách riêng để cùng nhau thư giãn vào những dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần. Có gia đình cùng nhau đi dã ngoại để “đổi gió”, có gia đình tổ chức những bữa ăn tại gia “an toàn, bổ, rẻ”, cũng có nhà mong cho tới kỳ nghỉ để đi du lịch xa… Tuy nhiên, gần đây có một số thành viên bỗng dưng muốn “tách đàn” làm các thành viên khác trong gia đình khó chịu.
Từ bỏ mặc cho bõ ghét
Dạo gần đây, chị Hà (một nhân viên ngân hàng ở quận 5) bỗng ghét cay ghét đắng khi chồng mình tự dưng lại trở thành người “vô kỷ luật”. Đang đưa đón con đi học mỗi ngày, bỗng dưng anh suốt ngày nhờ vợ đón con. Ngoài tứ tuần, đã có xe máy, xe hơi rồi giờ lại tha về một chiếc xe đạp địa hình, chăm chút cho nó còn hơn con mọn. Đã vậy thỉnh thoảng anh lại biến mất cả ngày với chiếc xe, thậm chí không trả lời tin nhắn của vợ. Ghét nhất là từ ngày trong nhà xuất hiện chiếc xe đạp, anh như thể “có mới nới cũ”. Lúc trước đây, đường cống, ống nước bị hư, quạt máy bị hỏng, hay thậm chí cái cửa lâu ngày bị gỉ sét ới một tiếng là anh sửa ngay. Giờ suốt ngày anh cứ chúi đầu vặn ốc, tra dầu, thay đổi phụ kiện cho xe… khiến chị Hà thấy bực bội, có cảm giác anh đang làm những việc vô bổ, bỏ bê chuyện gia đình. Cứ ngày cuối tuần là anh và chiếc xe lại “biến mất dạng”, lấy đi những ngày sum họp vui vẻ của gia đình.
Cùng nhau thư giãn vào những dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần là một cách bảo vệ niềm vui chung. Ảnh: HTD
Trường hợp khác, chị Thân là một người nội trợ, suốt ngày quẩn quanh với công việc gia đình. Chị vốn là người không thích sự thay đổi và di chuyển. Với chị, không đâu bằng nhà mình nên chị ít khi đi chơi, đi du lịch. Còn anh Thanh – chồng chị – lại là dân “phượt” chuyên nghiệp nên hai người nhiều khi bất đồng. Cứ đến các kỳ nghỉ, hễ anh định đưa vợ con đi chơi cho biết đó biết đây, thưởng thức những món ăn lạ để làm mới cuộc sống là chị lại gạt phắt: “Bày vẽ tốn kém, vừa không an toàn, vừa lạ giường mất ngủ”. Vậy là gần đây anh gặp lại một nhóm bạn cùng thích “phiêu” nên rủ nhau cùng “phượt”. Anh bắt đầu đi xa như một “gã độc thân” trên chiếc xe máy cà tàng. Đã hẹn hò những bữa cơm cuối tuần ngon lành với nhau, thế mà chỉ cần một cú điện thoại của bạn là anh biến mất dạng, bỏ mặc mấy mẹ con lủi thủi. Không biết làm sao, chị đành bấm bụng ra quy định mỗi khi “phượt” về anh không được than mệt. Có những đợt anh bị cảm dài ngày sau những chuyến đi xa, thay vì lo quáng quàng lên như trước thì nay chị bỏ mặc, không thèm nấu cháo hành, lá xông cho nữa. Trong bụng cũng xót nhưng chị mặc kệ: “Nếu mình chăm sóc, nay mai khỏe lên “hắn” lại đi tiếp, tốt nhất là để vậy cho chừa tính đua đòi”. Chồng tủi thân nhưng không dám trách vợ, vợ xót chồng nhưng lờ đi cho biết tay.
Đến lên án chồng vì “phượt”
Nhờ có Facebook mà chị Hằng phát hiện chồng mình đang tham gia một nhóm “phượt”. Công việc của anh Tú vốn đi lại nhiều nên chị vẫn quen thay anh đảm đương hết công việc gia đình. Cứ nghĩ anh túi bụi với công việc nên không có thời gian cho bản thân, thế nên khi thấy anh post những bức ảnh đi cùng nhóm với nụ cười mãn nguyện và hồn nhiên như “thanh niên mới lớn”, chị thấy khó chịu vô cùng. Chị ghét luôn những lời bình luận, những cú like sau mỗi tấm ảnh. Người thì bảo tuyệt vời, kẻ thì khen hoành tráng, có cô còn tâng bốc “Đẹp “zai” quá! Giá mà em được đi cùng anh!”. Không kiềm chế được, chị nhảy vô Facebook rồi thẳng thừng ngăn chặn bằng những lời lẽ cay nghiệt. Chị lên án những ai chọn việc đánh lẻ đi “phượt” là ích kỷ, vô trách nhiệm với gia đình. Kể từ khi biết vợ xuất hiện trên Facebook với vai trò “chính chủ”, anh xấu hổ với bạn bè nên đã đóng Facebook và chiến tranh lạnh luôn với vợ.
Thật ra cũng khó trách chị Hằng bởi những người vợ thường không thích thú vui đi “phượt” của chồng vì những bữa cơm thân mật vào ngày lễ, cuối tuần là dịp để gia đình bên nhau nên hễ chồng đi chơi một mình là chị thấy tủi thân. Bởi chẳng người vợ nào dám tin chồng tuyệt đối khi biết chồng đang hân hoan với những “cảm giác lạ”. Và sợ nhất là sau những chuyến “phượt” dài ngày, danh sách bạn khác giới cùng “phượt” với chồng cứ dài ra…
MINH HUỆ