Phượt Hà Giang là trải nghiệm mong ước và đáng nhớ của các biker. Nơi đây sở hữu nhiều cung đường quanh co, thách thức người cầm lái. Chính vì vậy, cảm giác chinh phục được Hà Giang để chiêm ngưỡng núi rừng hùng vĩ và hòa nhập văn hóa người đồng bào địa phương lại càng đáng quý.
Hà Giang ở đâu và có gì thu hút?
Hà Giang nổi tiếng là tỉnh lỵ địa đầu tổ quốc, là điểm du lịch thiên nhiên ấn tượng trực thuộc vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam. Cực bắc Hà Giang là xã Lũng Cú, tiếp giáp với Trung Quốc. Phía đông giáp Cao Bằng, phía nam giáp Tuyên Quang, còn phía tây giáp Yên Bái và Lào Cai.
Hà Giang đẹp nên thơ nơi địa đầu tổ quốc
Hà Giang có diện tích gần 8.000 km2, được bao phủ bởi quần thể rừng – núi – sông hùng vĩ, nên thơ, khiến nhiều du khách say mê. Bên cạnh ưu ái từ thiên nhiên, nơi đây còn ghi dấu ấn với nền văn hóa lâu đời thuộc niên đại Đông Sơn và sự đa dạng trong bản sắc văn hóa đến từ cộng đồng 22 dân tộc.
Để đến với Hà Giang, du khách cần vượt qua những cung đường quanh co, những khúc cua tay áo đầy thách thức và cả câu chuyện thời tiết thất thường. Vì vậy, đa phần những ai đam mê phượt đều muốn chinh phục vùng đất này ít nhất một lần trong đời.
Đi phượt Hà Giang vào mùa nào đẹp nhất?
Không có câu trả lời thỏa đáng nào cho thắc mắc phượt Hà Giang mùa nào đẹp nhất. Từng thời điểm trong năm tại Hà Giang đều có những cái đẹp, cái hay riêng. Có khi du khách phải trầm trồ với mùa lúa chín vàng ươm hay mùa hoa nở cả một vùng trời, lại có lúc hòa mình vào những lễ hội nhộn nhịp và đặc sắc.
Các biker có thể lựa chọn thời gian vi vu đến Hà Giang tùy vào trải nghiệm mong muốn.
Mùa nước đổ trên ruộng bậc thang – tháng 6 đến tháng 8
Mùa nước đổ là thời điểm khung cảnh ruộng bậc thang ở Hà Giang trở nên huyền diệu và khó đoán nhất. Sau khi cày ải đất, nông dân địa phương sẽ dẫn nước từ đỉnh núi xuống, tràn vào từng cánh ruộng bậc thang bên dưới.
Làn nước nâu vàng sóng sánh khi phản chiếu ánh sớm ban mai, nắng chiều tà hay bóng mây phủ đều đẹp nên thơ. Đây là mùa phượt Hà Giang lý tưởng cho những tay săn ảnh điệu nghệ, nhưng cũng cần chú ý rất dễ gặp những cơn mưa bất chợt.
Khung cảnh Hà Giang biến hóa khó đoán trong những ngày nước đổ
Mùa lúa chín – tháng 8 đến tháng 10
Những thửa ruộng bậc thang phủ màu vàng ươm và thơm hương lúa chín ở Hoàng Su Phì, bản Phùng, bản Luốc, Nậm Ty, Sán Sả Hồ,… có sức hút lớn đối với du khách.
Khung cảnh sắc vàng trùng trùng điệp điệp này xuất hiện vào khoảng tháng 8 đến giữa tháng 10. Vào cuối tháng 10 trở đi, người dân sẽ bắt đầu thu hoạch lúa. Vì vậy, các biker hãy lưu ý để không bỏ lỡ một Hà Giang rực rỡ trong mùa lúa chín.
Hoàng Su Phì đẹp rực rỡ vào mùa lúa chín vàng
Mùa hoa tam giác mạch – tháng 10 đến tháng 11
Khi trời se lạnh vào cuối tháng 10 đến tháng 11, khung cảnh Hà Giang được điểm sắc bởi màu hồng tím mộng mơ của những cánh đồng hoa tam giác mạch. Các điểm ngắm hoa đẹp nhất tại Hà Giang là Cột cờ Lũng Cú, chân đèo Mã Pí Lèng, Làng văn hóa Lũng Cẩm – Sủng Là, Thạch Sơn Thần – Quản Bạ.
Cuối tháng 11, Hà Giang còn tổ chức lễ hội Hoa Tam Giác Mạch với nhiều hoạt động văn hóa đa sắc màu, giới thiệu đặc sản địa phương. Đặc biệt là những giải marathon, giải đua ô tô, mô-tô hấp dẫn với biker.
Sắc hồng của hoa tam giác mạch tô điểm cho Hà Giang
Mùa lễ hội – tháng 1 đến Tết âm lịch
Mùa xuân là mùa của lễ hội và sắc hoa. Đến với Hà Giang những ngày chuyển giao năm mới se lạnh, du khách có thể ngắm mùa hoa cải vàng, hoa mật, hoa đào,… Bên cạnh đó, tìm hiểu những lễ hội đặc sắc của phố núi là trải nghiệm không thể bỏ qua.
Một số dịp lễ nổi tiếng nhất phải kể đến Lễ hội Lập Tịnh của người Dao, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Lễ hội Gầu Tào của người Mông,…
Không khí náo nhiệt tại Hà Giang vào những ngày hội xuân
Có nên đi phượt Hà Giang bằng xe máy?
Với cung đường chênh vênh dọc sườn núi và những khúc cua tay áo đáng nhớ, Hà Giang là điểm phượt không thể bỏ qua với những ai đam mê cầm lái chinh phục mọi nẻo đường. Cảm giác tự mình vượt qua những khó khăn về địa hình và thời tiết để khám phá khung cảnh diệu kỳ của thiên nhiên sẽ vô cùng đáng giá.
Các biker đam mê cầm lái chinh phục đặc sản địa hình Hà Giang
Phượt Hà Giang cũng giúp tiết kiệm chi phí, chủ động thời gian và gắn kết hơn với những người “đồng đội”. Bạn có thể dừng xe trước một khung cảnh hùng vĩ khó quên, chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm hay giao lưu với người dân bản xứ dễ mến bất cứ lúc nào. Đây là trải nghiệm khó có được qua cửa kính ô tô.
Vì địa hình Hà Giang gập ghềnh, khúc khuỷu, nhiều đoạn cua gấp, bạn nên kiểm tra phương tiện kỹ lưỡng và chuẩn bị vật dụng đầy đủ để đảm bảo cho chuyến đi phượt an toàn, thuận lợi.
Những cách di chuyển đến Hà Giang
Từ thủ đô Hà Nội, bạn có thể chọn đến Hà Giang theo hai cách sau đây:
- Di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội đến Hà Giang rồi thuê xe máy để khám phá. Vé xe khách giường nằm tuyến Hà Nội – Hà Giang dao động từ 250.000 – 350.000 đồng/người. Khi thuê xe máy tại Hà Giang, bạn nên chọn xe mới, chất lượng. Giá xe trung bình từ 150.000 – 300.000 đồng/xe/ngày.
- Phượt xe máy từ Hà Nội đến Hà Giang trong 6 – 7 tiếng theo một trong hai cung đường:
– Đầu tiên là cung Vĩnh Phúc khởi đầu theo hướng cầu Nhật Tân, đến gần sân bay Nội Bài thì rẽ phải từ đường Võ Nguyên Giáp sang Quốc lộ 2A. Đi dọc quốc lộ đến TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thì rẽ trái vào Quốc lộ 2C. Từ đây, đi qua TP. Việt Trì, thẳng hướng TP. Tuyên Quang sẽ tới thị trấn Việt Quang (Hà Giang).
– Cung đường thứ hai đi qua Phú Thọ, dài hơn cung đầu 7 km nhưng dễ đi hơn. Khởi hành từ đại lộ Thăng Long, qua 27 km thì rẽ vào Quốc lộ 21. Sau đó đi thêm 20km rồi rẽ vào Quốc lộ 23, đi về cầu Trung Hà sẽ đến Phú Thọ. Từ đây, bạn cũng rẽ trái vào Quốc lộ 2C để đi qua TP. Tuyên Quang, đến thị trấn Việt Quang (Hà Giang) như cung đầu.
Từ Hà Nội đến Hà Giang chưa đến 300 km
Đi phượt Hà Giang cần chuẩn bị những gì?
Bước chuẩn bị, kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện di chuyển là đóng vai trò quan trọng cho chuyến phượt Hà Giang. Xe số hoặc xe côn là lựa chọn phù hợp hơn khi phải leo dốc và vượt địa hình khó.
Hãy chú ý phanh, bánh xe, xi nhan, dầu nhớt, đen pha,… Vì có một số đoạn đường khá xấu, dễ thủng xăm nên đừng quên trang bị dụng cụ vá, sửa xe cơ bản hoặc bơm dự phòng.
Bên cạnh phương tiện, đừng quên trang bị quần áo, dụng cụ bảo hộ đủ ấm và an toàn trên hành trình chinh phục Hà Giang. Bạn nên chọn mũ bảo hiểm 3/4 có kính chắn gió và vật bay vào mắt. Trang phục nên là quần vải dày, khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, áo mưa rời, giày thể thao hoặc giày da cao cổ, áo khoác và balo chống thấm nước,…
Trang bị mũ bảo hiểm chất lượng là bước chuẩn bị hành trang phượt không thể thiếu
Bạn có thể tham khảo các sản phẩm quần áo đi phượt, mũ bảo hiểm hoặc giày phượt,… tại Bigbike. Chúng tôi tự hào là đơn vị uy tín cung cấp phụ kiện đi phượt chất lượng, với giá thành hợp lý.
Những địa điểm phải ghé thăm khi đến Hà Giang
Hà Giang quy tụ nhiều điểm đến đẹp và ấn tượng về cả thiên nhiên lẫn văn hóa địa phương. Bản đồ phượt Hà Giang của các biker không nên bỏ qua những địa điểm sau.
Cổng trời Quản Bạ
Cổng trời Quản Bạ được xem là cánh cửa mở ra thế giới văn hóa cao nguyên đá Đồng Văn. Địa danh này thu hút du khách khi nằm giữa 2 đỉnh núi tại độ cao 1500 mét so với mực nước biển, mang tới khung cảnh đất trời Đông Bắc giao thoa đầy hùng vĩ.
Để đến được đây, biker cần vượt qua “đặc sản” Hà Giang. Đó là cung đường quanh co, nằm ở lưng chừng trời với một bên là núi đá mây phủ, một bên là vực thẳm sâu hun hút.
Cổng trời Quản Bạ mở ra thế giới cao nguyên hùng vĩ
Núi đôi Quản Bạ
Cùng với cổng trời, Núi đôi Quản Bạ (Núi đôi cô tiên) là một kiệt tác thiên nhiên khác mở ra cửa ngõ tới Đồng Văn. Đúng với tên gọi, hai ngọn núi này mang dáng hình bầu sữa mẹ, gắn liền với giai thoại về chuyện tình nàng tiên Hoa Đào và anh chàng người Mông.
Núi đôi đẹp huyền ảo trong những ngày mây bay, tô vẽ bên dưới chân núi là đồng lúa bao la, tươi mới.
Ngắm nhìn Núi đôi cô tiên từ Cổng trời Quản Bạ
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích sự hoài cổ. Nơi đây mang nét cổ kính, trầm lắng ẩn mình giữa bốn bề núi rừng cao nguyên. Dòng thời gian như ngừng chảy với những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, đêm hội truyền thống hay phiên chợ vùng cao cuối tuần mang giá trị văn hóa đặc sắc.
Nét hoài cổ tại thị trấn Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên Đá Đồng Văn sở hữu vẻ hoang sơ của một “thiên đường xám” dựng lên từ đá. Nơi bốn bề đá phủ đầy khắc nghiệt này được người dân địa phương chinh phục với những hàng rào đá bao quanh xóm làng, những ruộng cải, nương ngô mọc lên xen kẽ.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác khiến biker bị thu hút bởi cao nguyên này chính là cung đường đèo khó nhằn, nằm giữa dãy núi đá tai mèo và vực sâu với nhiều khúc cua tay áo hiểm trở.
Cao nguyên đá Đồng Văn được mệnh danh là “thiên đường xám” của Hà Giang
Cột cờ Lũng Cú
Cực Bắc Cột cờ Lũng Cú là di tích lịch sử quốc gia mang tính thiêng liêng về chủ quyền đất Việt. Cột cờ tọa lạc sừng sững trên đỉnh núi Rồng, cao hơn 1470 mét so với mực nước biển.
Để chạm tới lá cờ đỏ sao vàng tung bay đầy kiêu hãnh trên đỉnh cột cờ, bạn phải vượt qua gần 1000 bậc cầu thang. Càng lên cao, khung cảnh nơi địa đầu tổ quốc càng đẹp huyền diệu.
Cột cờ Lũng Cú hiên ngang nơi cực Bắc tổ quốc
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì là nơi ngắm ruộng bậc thang đẹp hàng đầu tại Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Ẩn mình giữa từng lớp sương sớm và mây trắng là những thửa ruộng uốn lượn quanh sườn núi, đẹp dịu dàng trong mùa nước đổ, mùa lúa xanh và cả khi lúa chuyển vàng.
Hoàng Su Phì là điểm ngắm ruộng bậc thang đẹp nhất ở Hà Giang
Đèo Mã Pí Lèng
Đèo Mã Pí Lèng là một trong tứ đại đỉnh đèo của núi rừng phương Bắc. Cung đường đèo uốn quanh dài 20 km, nối Đồng Văn và Mèo Vạc khiến nhiều biker khát khao được chinh phục.
Ngoài ra, từ đỉnh đèo, bạn có thể ngắm trọn vẹn dòng sông Nho Quế xanh ngọc bích đang uốn lượn ôm lấy những sườn núi.
Chinh phục Mã Pí Lèng là khao khát của các biker
Chợ tình Khâu Vai
Chợ tình Khâu Vai (chợ Phong Lưu) là sự kiện văn hóa độc đáo của người đồng bào dân tộc hơn 100 năm qua. Phiên chợ được tổ chức vào 27/3 âm lịch hàng năm để những mối tình dở dang có thể gặp gỡ và hàn huyên chuyện cũ.
Tại chợ Khâu Vai, không có ghen tuông hay ngờ vực, sau khi ôn lại quá khứ, họ trở lại với cuộc sống thường ngày. Đây là nét đẹp văn hóa mộc mạc và nghĩa tình của người đồng bào, thu hút du khách. Tham gia phiên chợ, bạn có thể trải nghiệm những lễ hội đặc sắc, ngắm trang phục dân tộc và chơi trò chơi dân gian.
Chợ tình Khâu Vai nghĩa tình của người đồng bào
Lịch trình đi phượt Hà Giang bằng xe máy
Rong ruổi trên những cung đường Hà Giang với xe máy sẽ giúp biker tận hưởng không khí núi rừng một cách trọn vẹn, tự do thăm thú và lưu giữ những bức ảnh đẹp. Dưới đây là một số gợi ý về lịch trình phượt hà giang bằng xe máy.
Lịch trình phượt Hà Giang 4 ngày 3 đêm
Đây là thời gian thích hợp để khám phá hầu hết những địa danh nổi tiếng ở Hà Giang.
- Ngày 1
Đến Hà Giang check-in nhận phòng. Nếu đến từ sáng sớm, bạn có thể chọn thăm ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì rồi nhanh chóng quay lại trung tâm thành phố nghỉ ngơi.
- Ngày 2
Xuất phát từ trung tâm thành phố đến Quản Bạ để thăm dốc Bắc Sum, chợ Quyết Tiến, cổng trời, núi đôi, dốc Cán Tỷ,… Đến trưa di chuyển qua Yên Minh ngắm rừng thông, đến chiều đi qua dốc Thẩm Mã và đèo Chín Khoanh để tới Đồng Văn. Bạn có thể thăm thú thung lũng Cẩm Trên, Phố Bảng, Sủng Là (Nhà Pao), và cao nguyên đá Đồng Văn. Chiều tối nghỉ chân ở Phố cổ Đồng Văn.
- Ngày 3
Bạn có thể đến thăm cột cờ Lũng Cú, cột mốc 428 ở địa đầu tổ quốc, dinh thự họ Vương rồi quay lại Đồng Văn. Sau đó, đi qua đèo Mã Pí Lèng và ngắm sông Nho Quế rồi đến Mèo Vạc.
- Ngày 4
Từ Mèo Vạc, bạn di chuyển đến Mậu Duệ, Du Già và Yên Minh thăm thú trên đường trở về trung tâm thành phố Hà Giang.
Khoảng cách một số điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Giang
Lịch trình phượt Hà Giang 3 ngày 2 đêm
Lịch trình phượt 3 ngày 2 đêm cũng đi qua các điểm tương tự, nhưng được gói gọn hơn. Cụ thể, bạn có thể tham khảo kinh nghiệm phượt Hà Giang 3 ngày 2 đêm dưới đây.
- Ngày 1
Di chuyển trung tâm thành phố Hà Giang đến Quản Bạ để ngắm cổng trời, núi đôi và hồ Nặm Đăm. Sau đó di chuyển đến Yên Minh vào tầm trưa, nghỉ ngơi rồi di chuyển qua Đồng Văn. Đây là tuyến đường đẹp qua dốc Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh,…
Hãy cân nhắc thời gian để chọn điểm khám phá tại cao nguyên đá và phố cổ Đồng Văn, bao gồm Phố Cáo, Phó Bảng, Sủng Là (Nhà Pao),…
- Ngày 2
Tại Đồng Văn, bạn có thể tham gia chợ phiên sầm suất rồi ghé thăm dinh thự Vua Mèo với kiến trúc tinh xảo hoặc tranh thủ lên Lũng Cú ngắm cột cờ. Khi trời đứng bóng, quay lại Đồng Văn để di chuyển theo hướng Mèo Vạc ngắm sông Nho Quế.
Tới khoảng 15h thì đi đến đèo Mã Pí Lèng, thư thả ngắm cảnh, đến gần tối nghỉ chân ở Làng văn hóa dân tộc Mông ở Pả Vi.
- Ngày 3
Mèo Vạc cách trung tâm thành phố 150 km. Nếu bạn đón xe tầm trưa thì cần khởi hành về lại trung tâm sớm. Nếu đặt chuyến tối, bạn có thể tranh thủ tham quan thêm Làng dệt Lùng Tám, hang Lùng Khúy,… trên đường về.
Nhiều bạn chọn trải nghiệm ngày 2 lâu hơn ở Đồng Văn, đến sáng ngày 3 mới thăm đèo Mã Pí Lèng và trở về trung tâm Hà Giang vào buổi chiều.
Sắp xếp lịch trình hợp lý để khám phá Hà Giang trọn vẹn
Lịch trình phượt Hà Giang 2 ngày 1 đêm
Kinh nghiệm phượt Hà Giang 2 ngày 1 đêm là chọn từ một đến hai điểm đến chính. Các điểm tham quan Hà Giang trải dài trên diện tích rộng lớn, cách xa nhau, nên sẽ là “cưỡi ngựa xem hoa” nếu muốn trải nghiệm tất cả trong 2 ngày 1 đêm.
Do đó, nếu bạn không có quá nhiều thời gian khám phá mảnh đất Hà Giang, bạn có thể chọn chuyến đi từ trung tâm Hà Giang đến Hoàng Su Phì để ngắm ruộng bậc thang.
- Ngày 1: Xuất phát từ sáng sớm tại trung tâm, bạn đi qua Tân Quang để tới Hoàng Su Phì vào tầm trưa. Tại đây, bạn có thể khám phá Thông Nguyên, Nậm Tý và nghỉ chân ở thị trấn Quang Vinh.
- Ngày 2: Thăm thú Bản Phùng, Bản Luốc, Hồ Thấu, Sán Xá Hồ rồi quay trở lại trung tâm Hà Giang vào xế chiều.
Đến Hà Giang ở đâu?
Du khách đến Hà Giang thường lựa chọn homestay để trải nghiệm gần gũi hơn với văn hóa địa phương và tiết kiệm chi phí. Một số homestay nhận được review tương đối chất lượng là Bụi, Đồng Văn B&B, Du Già, Làng Tày,… Các biker có thể chọn khách sạn tiện nghi hơn như Huy Hoàn, Phoenix, Hà Giang Historic House,…
Tuy nhiên, nếu muốn nghỉ dưỡng thoải mái lấy sức cho hành trình phượt Hà Giang và trải nghiệm “chữa lành” giữa núi non hùng vĩ, bạn có thể chọn khu nghỉ dưỡng cao cấp P’apiu ở xã Yên Định, huyện Bắc Mê. Nơi đây có con đường thổ cẩm dài nhất Việt Nam và biệt thự, villa thiết kế theo nhà trình tường người H’Mông cho các biker khám phá.
Con đường thổ cẩm dài nhất nước tại khu nghỉ dưỡng P’apiu của Hà Giang
Chi phí cho chuyến đi phượt Hà Giang là bao nhiêu?
Tùy lịch trình và trải nghiệm mong muốn của từng người mà chi phí phượt Hà Giang sẽ khác nhau. Ngoài ra, các biker nếu đi theo nhóm để chia sẻ các khoản phí sẽ giúp tiết kiệm đáng kể. Trung bình, chi phí tối giản cho một chuyến phượt Hà Giang 4 ngày 3 đêm nằm trong khoảng 3.000.000 đồng/người như sau:
- Giá cước vé xe khách khứ hồi Hà Nội – Hà Giang: 500.000 đồng/người.
- Tiên thuê xe máy: 600.000 đồng/xe.
- Tiền xăng: 150.000 đồng.
- Chi phí ăn uống: 900.000 đồng.
- Vé tham quan các điểm du lịch tính phí: 150.000 đồng.
- Thuê phòng nghỉ: 700.000 đồng.
Chi phí phượt Hà Giang tiết kiệm chỉ nằm trong khoảng 3.000.000 đồng
Một số lưu ý khi đi phượt xe máy đến Hà Giang
Thời tiết là yếu tố quan trọng, thậm chí quyết định chuyến đi phượt suôn sẻ hay khó khăn. Ở Hà Giang, khí hậu phân chia rõ ràng theo 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Hà Giang nóng nhất vào tháng 6 – 7 và lạnh nhất vào tháng 1.
Các biker cần lưu ý thời tiết ngày và đêm có chênh lệch nhiệt độ rất lớn. Hãy tăng cường sức đề kháng để đảm bảo sức khỏe trước khi phượt Hà Giang.
Bên cạnh đó, biker cũng cần ghi nhớ một số lưu ý về văn hóa địa phương để chuyến đi thuận lợi, không phạm phải những điều không nên như:
- Cho tiền và xoa đầu trẻ em
- Gây ồn ào, phản ứng thái quá, dùng những từ kiêng kỵ khi tiếp xúc với người bản xứ
- Tự tiện chụp hình, sử dụng đồ không xin phép
- Hoang phí nước sạch, đồ ăn và tỏ ra giàu có, dư tiền của
- Đụng chạm di sản, công trình,…
- Từ chối uống rượu nhưng vẫn ngồi nhìn, không tránh đi nơi khác
Hãy tìm hiểu văn hóa địa phương để hòa nhập với người đồng bào dễ mến
Phượt Hà Giang mua gì về làm quà?
Hà Giang có nhiều loại đặc sản ngon miệng và dễ bảo quản để mang về làm quà. Nổi tiếng nhất là cam Bắc Quang chín mọng mang hương vị đặc sắc. Nhẹ ký và bớt cồng kềnh hơn có thịt trâu và lạp xưởng gác bếp, bánh tam giác mạch, chè Shan Tuyết cổ thụ, mật ong bạc hà của cao nguyên đá, bánh tam giác mạch,…
Bạn có thể tìm được những đặc sản làm quà này được bán trên đường phượt và các phiên chợ ở Hà Giang.
Người Hà Giang làm bánh tam giác mạch
Tổng kết
Hà Giang đẹp quanh năm với những đặc điểm đặc sắc riêng theo từng mùa. Các biker phải tự mình trải nghiệm mới thật sự hiểu vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này cùng nét văn hóa đa dạng từ người đồng bào địa phương. Hãy lưu lại bài viết này để chuẩn bị cho chuyến đi phượt Hà Giang sắp tới.
Ngoài ra, các biker đừng quên ghé Bigbike để trang bị cho mình đồ bảo hộ chất lượng như mũ bảo hiểm, găng tay, áo quần, giày, phụ kiện đi mưa, đai lưng, pinlock,… Sản phẩm đồ dùng đi phượt tại Bigbike đa dạng và chất lượng đến từ các thương hiệu danh tiếng như Alpinestars, Scoyco, Furygan,… đảm bảo độ an toàn và tiện chi cho các biker trên những nẻo đường chinh phục của mình.