Ngày Saigoneer ra mắt chương nội dung Train Chapter để khám phá vẻ đẹp của đường sắt Việt Nam, vài độc giả đã bình luận vui rằng ai mà yêu nổi cái nết cà rịch cà tang của xe lửa nước mình.
Không thể phủ nhận rằng, đường sắt Việt Nam khó có thể bì lại được các loại tàu điện cao tốc hiện đại đáng mơ ước của các nước láng giềng. Nhưng nếu ta ngồi lại và xem xét giá trị của xe lửa ngoài khuôn khổ đơn thuần là phương tiện đi lại, xe lửa cũng có nhiều phẩm chất hay đẹp khác đáng để chiêm nghiệm. Lịch sử hỏa xa Việt Nam từ thuở sơ khai thuộc Pháp cho đến nay chứa đựng bao giai thoại thú vị minh chứng cho những chuyển mình của đất nước. Trong những thập niên khi vé máy bay vẫn còn rất đắt đỏ, tàu Thống Nhất là cách duy nhất để gia đình Việt ở hai miền có thể gặp nhau. Đoàn tàu xình xịch len lỏi suốt chiều dài bờ biển, nuôi dưỡng hồi ức đẹp của hàng thế hệ người Việt trong những toa tàu đơn sơ ấy.
Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của mạng xã hội khiến cho chặng Sài Gòn-Biên Hòa của tàu Thống Nhất trở thành tuyến đường được ưa thích nhất của một bộ phận các bạn trẻ thành phố đi khám phá Biên Hòa theo lịch trình “sáng đi, chiều về.” Đối với ai có niềm yêu thích xe lửa nhưng không chịu nổi độ dài của chặng Sài Gòn đi Quy Nhơn hay thậm chí Hà Nội, quãng đường 45 phút từ thành phố đi Biên Hòa là khá vừa vặn để trải nghiệm cái không khí đặc trưng của tàu hỏa và về nhà ngay trong ngày. Và nếu bạn đọc thắc mắc rằng nên ăn chơi thế nào ở Biên Hòa, team Saigoneer cũng đã “đi tiền trạm” để lưu lại vài địa chỉ trong phiên bản đặc biệt Train to Biên Hòa của series Stroll — “stroll” tiếng Anh nghĩa là đi dzòng dzòng — của Saigoneer.
Giờ tàu chạy đẹp nhất:
- Sài Gòn-Biên Hòa: Chạy lúc 11h sáng, đến 11h44 sáng.
- Biên Hòa-Sài Gòn: Chạy lúc 5h13 chiều, đến 6h chiều.
1. Cơm Tấm Tị Quỳnh
Địa chỉ: 20/12 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TP. HCM
Giờ khởi hành lúc 11h sáng rất phù hợp để chúng tôi la cà quanh Ga Sài Gòn để “cà phê cà pháo” và ăn sáng nhẹ. Cơm Tấm Tị Quỳnh, tọa lạc ngay trong một chiếc hẻm trên đường Kỳ Đồng, là lựa chọn vừa ngon, vừa rẻ để bắt đầu chuyến Train to Biên Hòa hôm ấy. Thực đơn quán đầy đủ các combo cơm tấm thường gặp, như sườn, bì, chả và ốp la, nhưng món đặc trưng ở đây phải kể đến cơm tấm Long Xuyên. Đến từ Đồng bằng Sông Cửu Long, món cơm dân dã này đã và đang làm mưa làm gió khắp Sài Gòn vì độ dễ ăn của mình. Thay vì ngồi gặm sườn, thực khách có thể nhẹ nhàng múc thịt và trứng khìa ăn kèm đồ chua và rau muống chua.
Có gì hay? Cơm tấm tơi, mềm, đồ chua khá giòn và nước mắm cũng vừa miệng.
Giá: 38.000 VND/phần cơm tấm Long Xuyên.
Nên:
- Đi sớm nếu muốn ăn sườn vì rất nhanh hết.
- Giờ mở cửa: 7h sáng-2h chiều.
2. Tàu đi Biên Hòa
Ga Sài Gòn: 1 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3, TP. HCM
Lịch tàu hỏa từ Sài Gòn lên phía Bắc và miền Trung khá dày, với giờ chạy dàn đều từ 6h sáng đến 10h tối. Tuy nhiên, chuyến 11h sáng là giờ khởi hành tiện nhất, và vì thế cũng nhanh hết vé nhất. Chúng tôi đi bộ từ cơm tấm Tị Quỳnh đến ga dưới cái nắng oi ả tháng 8. Nội thất của Ga Sài Gòn chỉ có thể được diễn tả bằng từ “cơ bản.” Hàng ghế đợi tàu lác đác người ngồi, nằm co ro, quầy bán thức ăn vặt lọt thỏm trong biển bim bim sặc sỡ, đó đây vài áp phích giờ tàu chạy, còn bên kia là sạp gà rán Lotteria ám mùi dầu chiên ngay từ cổng vào.Tựu trung, tiện nghi của ga cũng ổn, nhưng đừng mong đợi mình sẽ tìm thấy khung cảnh chia ly bịn rịn như trong xi-nê hay góc sống ảo có gu gì cả.
Một điều làm tôi khá ngạc nhiên đó là các anh chị soát vé hầu như chẳng kiểm tra vé đi tàu, mà còn vui vẻ lùa đám chúng tôi qua và chúc một chuyến đi vui. Đây không phải là lần đầu tiên tôi bước chân lên tàu hỏa, nhưng cũng không khỏi cảm thấy hân hoan khi ngồi trong cabin và nhận thấy cảnh vật ngoài cửa sổ bắt đầu lùi từ từ vào hư không — chậm rãi lúc ban đầu, rồi dần tịnh tiến nhanh lên vận tốc chuẩn, để lại đằng sau những ngã tư xe cộ như mắc cửi của trung tâm Sài Gòn, thay bằng khung cảnh gai góc của ngoại ô.
Tôi ngồi đó, lưng tựa vào thành gỗ cabin, đầu ngấp nghé dưới đáy giường tầng trên, người bỗng dưng nhẹ như đang say. Có lẽ lúc ấy tôi đang say thật, say cái niềm thích thú được ngồi tàu hỏa, vẹn nguyên như tâm tư một đứa trẻ. Thích thật, tôi trộm nghĩ, đi xe lửa thích như thế này thì ai lại muốn chen chúc trong xe đò như cá mòi nhỉ?
Anh nhân viên điều phối tàu — tôi vẫn tiếc vì chưa kịp hỏi tên anh — tỏ vẻ rất thích thú khi thấy chúng tôi hí hoáy chụp choẹt suốt quãng đường. Anh còn khoe rằng mình từng được lên sóng truyền hình quốc gia, làm cả làng dưới quê bất ngờ. Chúng tôi chưa kịp ngồi ấm chỗ thì tàu đã từ từ cập bến Ga Dĩ An, Bình Dương, báo hiệu hai phần ba chuyến đi đã qua. Và rồi không tới 15 phút sau, Biên Hòa vẫy gọi.
Chúng tôi đặt chân xuống Biên Hòa vào 11:44 sáng, đúng như trên vé — điều bất ngờ không nhỏ đối với tôi, vì giao thông Việt Nam, dù là trên trời, dưới đất hay trên sông, thường hay trễ giờ. Ai chê thì chê nhưng chuyến đi Biên Hòa kì này đối với tôi bắt đầu rất ổn. Đương nhiên, sau này khi về, tôi mới bàng hoàng nhận ra rằng tôi của 11:44 sáng, trong cơn mê đắm trải nghiệm được đi xe lửa, mới ngây thơ làm sao, nhưng đó là câu chuyện của chặng về.
Có gì hay?
- Nhà vệ sinh nhỏ xinh như chiếc kẹo, nhưng với một quãng đường ngắn như thế, ít ai ngồi xe lửa đủ lâu để “trải nghiệm.”
- Nhân viên tàu rất dễ mến, từ chú soát vé đến anh phục vụ tàu.
- Độ dài 45 phút là vừa vặn, đủ dài để tận hưởng niềm vui đi tàu và cũng đủ ngắn để né những bất tiện và giường nệm rung lắc.
Giá: Vé tàu từ 43.000 đến 58.000 VND tùy hạng ghế.
Nên:
- Đặt vé qua trang chủ của Đường sắt Việt Nam tại đây.
- Vì chuyến 11h sáng rất được ưa chuộng, nhóm đông người nên đặt vé trước từ 3 đến 4 tuần.
- Buồng 4 người là hạng ghế thoải mái, yên tĩnh nhất đoàn tàu.
3. Bò Nằm Nhúng Biên Hòa
Địa chỉ: 382/1 Cách Mạng Tháng 8, phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa
Đến Biên Hòa, lại một lần nữa được con nắng ban trưa chào đón hồ hởi, chúng tôi vội bắt xe ngay đến điểm ăn trưa, quán ăn chuyên về bò tự-nướng với cái tên ngộ nghĩnh Bò Nằm Nhúng Biên Hòa. Về đêm, nơi đây chuyển mình thành tụ điểm ăn uống nghi ngút khói nướng và rôm rả người vui cười, nhưng khi team Saigoneer đến vào ban ngày, chúng tôi đã “bao trọn” cả quán.
Món chủ đạo ở Bò Nằm Nhúng là set bò nhúng sốt gồm ba chỉ bò, thăn bò, rau củ các loại cùng một vại nước sốt để khách thỏa thích tự “nướng” trên chảo. Thực đơn cũng bao gồm nhiều loại lẩu bò cho những ngày lành lạnh hay mưa dầm.
Có gì hay?
- Thực đơn đa dạng các món bò, từ gỏi, BBQ đến lẩu.
- Bếp nướng tự túc khá vui nếu đi đông người, và giúp thực khách ăn chậm lại để thưởng thức thay vì ngồm ngoàm hết vào miệng (như tôi).
- Phục vụ khá nhanh và ân cần.
- Giá: 245.000/set bò nhúng sốt lớn, đủ cho 4-5 người ăn.
Nên: Né món gỏi bò bóp thấu vì quán cho hơi nhiều chuối chát, khó ăn.
Giờ mở cửa: 10h sáng-10h tối.
5. Chả Lụi Cô Yến
Địa chỉ: 9/8 Huỳnh Văn Nghệ, phường Bửu Long, TP. Biên Hòa
Lượn qua vài diễn đàn, hội nhóm thích xê dịch, cái tên hay xuất hiện nhất mỗi khi Biên Hòa được nhắc đến là chả lụi, nên tôi quyết tâm phải ăn thử cho bằng được trước khi về. Chả lụi là món quà vặt gốc miền Trung, nhưng vì nhiều lý do bí ẩn, đã trở thành đặc sản Biên Hòa. Con đường Huỳnh Văn Nghệ chuyển mình thành một thiên đường chả lụi ban tối, nhưng để tìm được địa chỉ để nhâm nhi ngay sau giờ trưa quả thật không dễ, cho nên tôi rất biết ơn cô Yến và giờ mở cửa ngay lúc 2h30 chiều của nhà cô.
Phần chả trong “chả lụi” là hỗn hợp tôm, thịt heo và gia vị xay nhuyễn rồi được gói gọn trong bánh tráng. Mỗi cuốn chả lụi chỉ nhỏ bằng ngón tay em bé, nướng sơ trên than cho nóng giòn, dậy mùi khói. Cách ăn cũng như nhiều món cuốn bánh tráng khác: người ăn xếp rau sống, xoài xanh, xà lách trên miếng bánh tráng nhỏ, đặt một, hai cuộn chả lụi vào chính giữa rồi cuộn tròn lại cho chắc tay. Cuộn chả lụi chấm ít nước sốt đặc biệt cho vào miệng vừa vặn một bữa xế. Vị đậu phộng trong sốt sẽ rất quen đối với ai đã từng chinh chiến qua ẩm thực vùng duyên hải miền Trung. Tất cả các khía cạnh vị giác, thính giác, xúc giác đều hòa thanh gọn gàng: vị chua của xoài sống, nước sốt ngòn ngọt bùi bùi, thịt chả nướng dậy mùi thơm nhẹ của khói, và bánh tráng nướng giòn bem bép trên lưỡi.
Có gì ngon?
- Nước chấm khá đặc sắc, ăn hoài không ngán, nhưng có lẽ sẽ hơi ngấy với ai không hảo ngọt.
- Trà đá và rau sống đều có thể lấy thêm miễn phí.
- Giá: 25.000 đồng/người
Nên: Rửa tay trước khi ăn vì tất cả đều được cuốn bằng tay. Quán có trang bị sẵn chỗ rửa tay cho khách.
Giờ mở cửa: 2h30 chiều-10h tối
6. Lá Lá Cà Phê
Địa chỉ: 223/13 Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa
Nằm ngoài guồng quay hối hả của xe, khói, bụi dọc theo trục đường chính, Lá Lá Cà Phê nép mình ngay góc công viên Quyết Thắng giữa khu cư xá yên tĩnh, trong trẻo. Đôi khi sự giản đơn mới là cái đem lại bình yên cho người đi cà phê, và Lá Lá là một ví dụ điển hình. Khu vực ghế ngồi được bày biện ngay trong khoảng sân rợp bóng cây cối, dây leo và chiếc mái chở che khách uống cà phê trước cái nắng oi bức — đúng với tinh thần của tên quán. Tuy vậy, ghế ngồi thấp và bàn nhỏ sẽ phù hợp để tán gẫu với bạn bè hay chú tâm vào một quyển tiểu thuyết nào đó hơn là làm việc. Để máy tính ở nhà nhé, bạn ơi.
Có gì hay?
- View công viên rất an yên.
- Một chiếc gương trang trí với vị trí khá độc đáo làm tôi tưởng như quán có lối đi xuống lòng đất.
Giá: Nước giá từ 27.000 đến 50.000 đồng.
Nên: Gọi nước mơ thay vì nước sấu.
Giờ mở cửa: 7h sáng-10h tối.
7. Vịt Lộn Thu Hà
Địa chỉ: 175 Phan Đình Phùng, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa.
Sau vài chuyến xe Grab để tránh nắng, cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân xuống thật sự đi “dzòng dzòng” Biên Hòa, vì Lá Lá Cà Phê chỉ cách quán trứng lộn nức tiếng Biên Hòa 7 phút đi bộ. Hơn ai hết, tôi cũng cảm thấy hơi mất mặt một tẹo khi tổ chức chuyến đi để xây dụng bài cho series đi bộ khám phá Stroll, nhưng gần nửa thời gian đã ngồi ru rú trong xe. Tôi hy vọng rằng bạn đọc, nếu có hứng thú đi phượt Biên Hòa, sẽ dũng cảm đối đầu với nắng nôi hơn team Saigoneer.
Vừa lúc chúng tôi an tọa tại quán Thu Hà, trời bất thình lình chuyển mưa xám xịt, và rồi chỉ trong nháy mắt, nước bắt đầu đổ xối xả xuống Biên Hòa khi phần trứng nóng hổi đến bàn. Tọa lạc ngay một ngã ba đông đúc, Vịt Lộn Thu Hà là huyền thoại tại thành phố, với hàng thập kỉ gầy dựng tên tuổi nhờ vào món vịt lộn hấp nước dừa và chén nước chấm bắt mắt — trên giấy tờ là vậy. Kì thực, vịt lộn ở đây tuy ngon nhưng cũng không khác biệt mấy so với trứng ở Sài Gòn, nhưng được ngồi nhấm nháp vịt lộn nóng hôi hổi, hấp vừa chín dưới làn mưa cuồn cuộn ngoài kia quả thật rất thích. Hớp một tí nước trứng vịt là bao cõi sâu kín trong tâm khảm cảm thấy ấm lên ngay.
Có gì hay?
- Vịt lộn tươi, nước chấm chua cay vừa phải, tuy nhiên giá cũng hơi chát.
- Menu trà sữa đa dạng đến lạ.
- Thời tiết lành lạnh thêm phần nên thơ cho trải nghiệm ăn vịt lộn Biên Hòa.
Giá: 12.000 đồng/trứng
Nên:
- Ăn trứng theo số lẻ để thay cơ đổi vận.
- Gọi ít nhất một người một trứng.
Giờ mở cửa: 2h chiều-10h tối.
8. Tàu về Sài Gòn
Ga Biên Hòa: Cuối đường Hưng Đạo Vương, TP. Biên Hòa
Đúng lúc chúng tôi thưởng thức xong loạt hột vịt lộn, cơn mưa đã dịu lại thành bầu trời chiều quang đãng, phủ lên khắp thành phố lớp không khí mát mẻ. Tôi chẳng nhớ nổi những miếng vịt lộn cuối cùng vị như thế nào, vì giờ tàu chạy trên vé đang đến rất gần. Chúng tôi phi như bay đến ga, ngơ ngác khi thấy… một biển người cũng đang chờ tàu đến. Ai ngờ được rằng Sài Gòn là điểm đến được người Biên Hòa ưa thích đến thế.
Tưởng như đoàn đã suýt đã lỡ tàu, nhưng cuối cùng chúng tôi đến ga còn sớm hơn xe lửa hơn một tiếng đồng hồ, vì chuyến Biên Hòa-Sài Gòn về rất trễ so với giờ niêm yết. Ngồi thừ ra trong ga chờ tàu, tôi mới từ từ nhận ra rằng gian nhà chờ có phần bình dị này không đủ sức chứa hàng chục, gần trăm con người vừa đói, vừa nhễ nhại mồ hôi, vừa cáu bẳn vì chờ đợi. Trái ngược với niềm phấn khích ban sáng, chiều tối hôm ấy, chúng tôi lên tàu trong tâm trạng ỉu xìu như vịt lộn lạnh. Bão lửa du lịch bị dập tắt bởi cơn mưa rào và mong ước mãnh liệt được cuốn gói về nhà. Tuy tàu về Sài Gòn trơn tru, tôi cũng tự nhủ rằng đúng là mình đã quá cả tin, chờ đợi một phép màu đến từ đường sắt Việt Nam.
Nên:
- Chuẩn bị tinh thần ngồi chờ tàu về trễ.
- Đem theo phương tiện giải trí trong lúc chờ đợi: board game, bài tarot, nồi lẩu di động, cờ tỷ phú, ván trượt, vạc nấu độc dược, chổi thần Quidditch, v.v.
- Nếu cần về gấp, tốt nhất khách đi tàu nên chọn phương tiện khác để về lại Sài Gòn.