Đèo An Khê liên tục ùn tắc
Nhiều ngày qua, các phương tiện giao thông qua đèo An Khê trên QL19 bị ùn tắc, gây bức xúc cho tài xế, khách hàng, người dân địa phương và gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Khoảng 23 giờ ngày 26.1, một xe container chở dăm gỗ lưu thông hướng Gia Lai – Bình Định, khi đến Km 66+800 thuộc QL19, đoạn qua đèo An Khê bị lật. Một lượng lớn dăm gỗ đổ ra đường, cộng với xe bị lật chiếm khoảng ½ mặt đường khiến việc lưu thông của các phương tiện gặp nhiều khó khăn. Hàng trăm phương tiện các loại bị tắc nghẽn, dồn ứ kéo dài trên đèo An Khê từ TT.Đồng Phó (H.Tây Sơn, Bình Định) kéo dài qua đến TX.An Khê (Gia Lai).
Khoảng 3 giờ ngày 25.1, một xe đầu kéo đi qua đèo An Khê bị sình lún, không di chuyển được gây ách tắc giao thông hoàn toàn, đến 15 giờ 45 cùng ngày mới khắc phục xong.
Khu vực này đang có mưa, cộng thêm đường tạm được đắp đất gây sình lầy, rất nguy hiểm. Liên tục trong hai ngày liền, có hai xe bị tai nạn tại đèo An Khê khiến việc lưu thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù lực lượng chức năng của hai tỉnh Gia Lai, Bình Định đã có mặt kịp thời để điều tiết giao thông song cũng không thể giải quyết kịp thời tình trạng tắc nghẽn.
Anh Nguyễn Quang Huy, một tài xế lưu thông tuyến Bình Định – Gia Lai, ngán ngẩm: “Xe của tôi chạy hàng ngày trên tuyến QL19. Đáng lẽ gần 7 giờ sáng thì xe đến TP.Pleiku (Gia Lai). Nhưng hai ngày qua bị tắc đường, toàn muộn giờ. Hôm qua thì hơn 10 giờ sáng mới đến TP.Pleiku. Hôm nay thì gần 1 giờ chiều. Hàng hóa giao chậm, đặc biệt là hàng tươi sống bị ươn hôi, hư hỏng. Hành khách thì muộn giờ, lỡ công việc. Đường thi công đã xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương tiện, lại còn bị chậm tiến độ, kéo dài. Thiệt hại này ai tính cho chúng tôi. Cuối cùng nhà xe phải lãnh đủ !”.
Còn chị Nguyễn Thị Thu, một hành khách cho biết: “Tôi từ Bình Định lên Gia Lai dự đám cưới của cháu. Bị tắc đường nên phải chờ từ 6 giờ sáng đến trưa, lên đến TP.Pleiku đã gần 1 giờ chiều, khi tiệc cưới đã tàn. Giờ đành đón xe về lại, không biết đến khi nào mới về được nhà”.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 27.1, thiếu tá Lê Văn Sáng, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3, Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai, cho biết: “Hai ngày qua, chúng tôi cử lực lượng tham gia điều tiết, phân luồng giao thông. Phương tiện lưu thông qua đèo An Khê tiềm ẩn mất ATGT khi đường đất dễ sụt lún, lại có mưa. Dịp cận Tết, mật độ lưu thông qua đây cũng tăng khiến tình trạng ùn tắc là khó tránh khỏi. Chúng tôi đề nghị đơn vị thi công phải có những giải pháp phù hợp để giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và cả an toàn cho phương tiện khi lưu thông qua đèo An Khê, đẩy nhanh tiến độ thi công…”.
Tồn tại nhiều vi phạm, nguy cơ trên QL19
Tiến độ thực hiện dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây nguyên trên QL19 qua hai tỉnh Bình Định và Gia Lai trong thời gian qua bị chậm, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế – xã hội của hai tỉnh. Tình trạng này đã được lãnh đạo Bộ GTVT ghi nhận và có những chỉ đạo trực tiếp, song tình hình vẫn chưa được cải thiện như mong muốn. Theo đó, tiến độ đã được “du di” sang năm 2024. Tuy nhiên, thời tiết ở Tây nguyên từ tháng 5 đã vào mùa mưa. Nếu các đơn vị thi công không đẩy nhanh tiến độ, dự án sẽ khó về đích và người dân sống dọc tuyến quốc lộ này cũng như người tham gia giao thông sẽ tiếp tục khổ sở, bức xúc.
Theo báo cáo của Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 (thuộc Khu Quản lý đường bộ III, Cục Đường bộ Việt Nam) và kết quả kiểm tra hiện trường ngày 25.1 của đoàn công tác gồm đại diện Ban ATGT Gia Lai, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định và Khu Quản lý đường bộ III, việc khắc phục các tồn tại chưa triệt để, còn chậm trễ, không thường xuyên nên ảnh hưởng rất lớn đến ATGT.
Cụ thể, đường dẫn vào 2 đầu cầu, các cầu tạm tại các vị trí thi công cầu Bàu Sen, cầu Ba La, cầu Lúc Kuc, cầu Hà Tam, cầu Linh Nham, cầu Vàng, cầu Lệ Cần có mặt đường gồ ghề, thường xuyên phát sinh ổ gà, không được khắc phục kịp thời. Hệ thống ATGT ngã đổ chưa được khôi phục thường xuyên.
Mặt đường không sửa chữa kịp thời, không êm thuận gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông tại các đoạn thuộc khu vực đèo An Khê…
Hệ thống ATGT phục vụ thi công chưa đảm bảo theo quy định, thiếu biển báo, cọc tiêu và dây phản quang tại nhiều vị trí. Đặc biệt các điểm đang thi công từ Km 60 – Km 67 qua đèo An Khê thiếu hệ thống an ATGT, để đất đá rơi vãi ra phần mặt đường đang khai thác nguy cơ gây mất ATGT.
Đơn vị thi công xử lý tình huống ách tắc giao thông tại đèo An Khê còn chậm (vụ ách tắc xảy ra từ sáng 25.1), công tác hướng dẫn giao thông và hệ thống ATGT chưa đảm bảo…
Để đảm bảo ATGT trên QL19, phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Khu Quản lý đường bộ III đề nghị Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây nguyên trên QL19) tăng cường chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương thực hiện các biện pháp để đảm bảo ATGT; phát hiện, xử lý kịp thời các bất cập phát sinh trong thời gian đến.
Ban Quản lý dự án 2 phải cử lãnh đạo và bố trí nhân sự, thiết bị trực tại hiện trường trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2024 để thường xuyên kiểm tra hệ thống ATGT hoặc xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn phát sinh nếu có.