12 Aug Kinh nghiệm chạy xe đường đèo khi đi phượt
Các cung đường đèo ở Việt Nam rất nhiều, trang bị thêm kinh nghiệm lái xe đường đèo là việc cần thiết cho những bạn có ít kinh nghiệm hoặc mới chạy.
Chuẩn bị xe cộ :
Đầu tiên là chuẩn bị xe kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi. Việc này rất cần thiết, vì có nhiều hỏng hóc nhỏ sẽ làm ảnh hưởng đến cả hành trình nếu bạn không chú ý. Đầu tiên săm lốp, nếu lốp quá mòn thì bạn nên thay chứ đừng tiếc. Lốp mòn dễ dẫn đến bục săm, trượt bánh khi vào cua. Tiếp theo đến phanh, rồi dầu máy. Nếu dầu máy đã đen quá thì phải thay ngay. Chạy đèo số nhỏ rất nóng máy, để lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến động cơ của xe. Ngoài ra còn đèn, còi, ốc vít… Bạn nên mang xe đi bảo dưỡng để xe được kiểm tra toàn diện một cách tốt nhất. Đừng ngại, vì một chuyến đi suôn sẻ an toàn.
Kinh nghiệm chạy xe đường đèo :
Lên dốc :
Một số lưu ý khi chạy xe đường đèo: Về số trước khi chạy lên dốc: phía trước có dốc bạn hãy về 1 số cách đó khoảng 40-50 mét. Kéo lên 40-50km/h và giữ đều tay ga. Một số bạn có thói quen đến chân dốc mới về số, có khi về số 2, 1 rồi kéo ga. Làm vậy một là máy sẽ bị gằn, kêu rất to. Theo nữa xe đang ở vòng tua thấp bị tăng ga đột ngột xe không lực mà sẽ chạy ì hơn. Máy rất mau nóng và kêu. Còn việc về số tăng ga từ trước chân dốc sẽ tăng vòng tua, tăng đà cho xe chạy dốc rất ngọt. Hãy nhớ là giữ nguyên tay ga khi đang ở trên dốc, nếu có tăng thêm ga xe cũng không nhanh hơn đâu mà còn rất nguy hiểm. Khi đang chạy dốc nếu thấy tốc độ bắt đầu tụt từ từ thì hãy về số luôn và ngay và giữ đều tay ga. Lên dốc số nào xuống số đó: Nếu bạn chạy lên dốc bằng số 3, thì khi xuống con dốc đó cũng chạy bằng số 3. Đây gọi là ép số, dùng số để làm phanh sẽ ghìm máy không bị lao nhanh xuống dốc.
Xuống dốc :
Nếu lúc đi xuống dốc cao hơn thì có thể đi bằng số 2 thậm chí là số 1. Miễn sao không được để xe lao đi quá nhanh như vậy rất nguy hiểm. Không giữ phanh liên tục: khi lên đặc biết là xuống dốc không được giữ phanh liên tục (bóp phanh trước hoặc đạp phanh sau) sẽ dễ dẫn đến bị bó phanh, mòn má rất nhanh. Xuống dốc bạn có thể về số như phía trên đề ghìm xe đi chậm. Nếu về số hết cỡ mà xe vẫn lao nhanh thì có thể kết hợp đạp phanh sau, bóp nhẹ phanh trước rồi nhả. Thao tác nhịp nhàng, tránh bóp mạnh phanh trước (nhất là phanh đĩa) có thể bị ngã.
Ôm cua :
Không ôm cua quá rộng: đường đèo thường chất lượng không tốt như thành phố. Rất nhiều bụi, đá dăm khiến cua rơ dễ bị ngã. Ôm cua rộng dễ bị trượt bánh, đặc biệt nếu bị giật mình khi có xe đi ngược chiều. Bóp còi khi vào góc cua khuất: ra tín hiệu thông báo nếu có người đi ngược chiều.
Hạn chế đi đêm:
Sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế rất nguy hiểm cho phượt thủ khi chạy đêm. Nếu không may phải chạy đêm, thì bạn nên che đèn xe bằng một miếng nilon màu vàng để tăng khả năng chiếu sáng trong sương mù. Để đèn chế độ cos (chiếu gần) và nhìn xuống mặt đường. Vì không nhìn được phía trước nên chỉ có cách nhìn xuống đất để xác định đường đi tiếp. Nói chung tốt nhất vẫn là hạn chế đi phượt vào ban đêm.
Dụng cụ sửa xe :
Trong đoàn nên có ít nhất 1 bạn biết sửa xe cơ bản như là vá săm, tăng xích. Vì khi chạy đèo xe gặp sự cố thì lúc đó chỉ có tự thân vận động thôi. May mắn thì sẽ có một anh dân tộc nào đó dừng lại giúp bạn nhưng đây là trường hợp cực kì hãn hữu. Ngoài ra, trên mỗi xe đều phải có một bộ dụng cụ sửa xe đầy đủ bao gồm cả săm lốp hay thậm chí là vỏ xe dự phòng.
Chạy xe theo đoàn :
Khi chạy theo đoàn, nên giữ khoảng cách an toàn tối thiểu tránh trường hợp 1 xe phanh gấp dẫn đến dồn toa. Nếu bạn còn ít kinh nghiệm chưa chạy nhanh được như mọi người thì cũng không nên cố làm gì, như vậy rất nguy hiểm. Hay chạy trong khả năng có thể, trưởng đoàn nên dừng đợi mọi người ở điểm nào bằng phẳng ít dốc, vừa là để gom xe, vừa là cho máy nghỉ ngơi tỏa nhiệt.