Phượt ở tuổi trung niên
Ở độ tuổi từ 40 trở lên, khi con cái và kinh tế có phần ổn định, nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc đi du lịch, coi như đó là cách tận hưởng cuộc sống.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Chinh thưởng thức đặc sản Phú Quốc trong chuyến đi phượt hè năm 2015.
Từ vợ chồng phượt thủ
Nhẩm tính ở Việt Nam còn chỗ nào chưa đến, vợ chồng ông Nguyễn Văn Chinh (60 tuổi) và bà Phùng Thanh Bắc Hà (59 tuổi) ở đường Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn, bảo chỉ còn mỗi Tây Bắc thôi. Nhiều năm qua, họ đã phượt từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, rong ruổi qua các tỉnh Tây Nguyên bằng phương tiện duy nhất là xe máy.
“Nếu tính ra thì từ thời bao cấp, năm 1984, vợ chồng tôi đã đi phượt rồi đấy – ông Vinh hóm hỉnh – Từ Quy Nhơn, chúng tôi mang theo con gái mới 1 tuổi chạy xe Honda Dame lên Gia Lai. Dọc đường, phải dừng lại vá xe cả chục bận vì xăm, lốp cũ quá, phải vào nông trường xin ngủ nhờ một đêm”.
Chục năm nay, khi con cái đã ổn định, họ phượt nhiều hơn trên chiếc xe máy Honda Future đã “chinh chiến” cùng họ 15 năm. Ông Chinh nói: “Vợ chồng tôi đều là giáo viên nên chỉ đi trong dịp hè thôi. Mỗi đợt không quá 10 ngày. Thường thì chẳng lên kế hoạch gì hết, thích là đi. Trước khi đi kiểm tra xe thật kỹ, thay xăm, lốp mới tránh hư hỏng dọc đường. Đi phượt chỉ cần mang quần áo, áo mưa, nước uống, đội mũ bảo hiểm thật tốt là đủ”.
Năm 2007, họ ra Bắc với đích cuối là đảo Cát Bà (Hải Phòng). Có lần, ông Vinh chạy một mạch từ Quảng Bình ra Hà Nội, chỉ dừng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) ăn trưa, tắm biển. Hè 2015, họ rong ruổi qua các tỉnh miền Tây Nam bộ, ra đảo Phú Quốc.
Nhắc lại những chuyến phượt, bà Hà nói: “Nhiều hồi nghĩ lại thấy hơi liều. Như năm 2007, chồng rủ đi đường mòn Hồ Chí Minh cho biết. Cả buổi chạy xe tịnh không một bóng người, lỡ có bề gì không biết cầu cứu ai. Có lúc chủ quan không đổ thêm xăng phải dắt xe đi bộ ở cao tốc Hòa Lạc (Hà Nội) thật lâu. Hè năm ngoái, mới chạy vào Phú Yên do tránh xe tải thì chúng tôi bị té, cả hai đều trầy xước hết đầu gối phải ghé vào khách sạn băng bó vết thương…”.
Bà Hà chia sẻ kinh nghiệm, đã là đi phượt thì không cần ở những nơi tốn nhiều tiền. Nên kiếm nhà khách tỉnh ủy, ủy ban ở thành phố, thị xã, vừa rẻ vừa an toàn, hoặc chịu khó vào các nhà nghỉ trong hẻm, giá rẻ bất ngờ. Tìm quán ăn ngon thì hỏi dân địa phương hoặc đi lòng vòng trong phố, thấy quán nào người ăn đông thì vào. Đợt đi các tỉnh miền Tây Nam bộ năm ngoái, hai người chỉ tốn khoảng 5 triệu đồng.
Đến những trải nghiệm
Đã hoạch định việc tận hưởng niềm vui “hậu công chức” từ trước, nên chưa đầy một năm sau ngày nghỉ hưu, bà Hà Phạm (56 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn) đã đi nhiều đến mức có thể. Mới thấy bà ở phía Bắc, lên tận Lạng Sơn, thoắt cái đã “check in” ở Sài Gòn, rồi “bay” sang Campuchia, Myanmar. Chi phí cho những chuyến đi ấy không hề rẻ, song có hề gì, bởi như bà trải lòng trên facebook: “Thứ quý nhất bây giờ không phải là tiền bạc và của cải, mà chính là sức khỏe! Nếu còn đi được bằng đôi chân, hãy tới nơi mà mình hằng mơ ước! Bạn hãy giữ cho tinh thần được thoải mái! Bởi nếu có tinh thần lạc quan, sẽ lướt qua được bệnh tật! Quỹ thời gian phía trước không còn nhiều!”.
Cũng với tinh thần tận hưởng cuộc sống như trên mà chị Bình Hòa (43 tuổi, nhà ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) luôn để dành một khoản tiền cho việc du lịch trong và ngoài nước. Chị làm việc cho công ty nước ngoài nên thường được mời sang châu Âu công tác. Ngoài chi phí do công ty đài thọ, chị còn bỏ thêm tiền tranh thủ đi thêm một số nước khác trong khu vực. Nhờ khá tiếng Anh, kinh nghiệm di chuyển nhiều nên chị Hòa khá tự tin khi đi một mình, tự lên mạng đặt vé tàu, đặt phòng khách sạn.
“Tôi thích đi một mình, tận hưởng cái cảm giác lang thang từng con phố, thưởng thức món ăn cũng như ngắm cảnh và người ở mỗi quốc gia khác nhau. Chuyến đi tới, tôi không đặt phòng ở khách sạn như trước mà đặt chỗ ngủ ở hostel (nhà nghỉ), giá rẻ hơn một nửa. Mỗi phòng có 10 giường, nam riêng nữ riêng, là nơi dân phượt hay ở. Đây sẽ là một trải nghiệm khác của tôi”, chị Hòa hào hứng cho biết kế hoạch chuyến công tác kết hợp du lịch vào tháng 4.2016 của mình.
Ông Trương Quang Khải, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ du lịch KMK (77 Phan Đình Phùng, TP Quy Nhơn) cho biết, khách trong tỉnh ở độ tuổi trung niên chiếm 50% lượng khách của công ty. Dòng khách này thường chọn tour (trong nước) đi không quá 5 ngày, yêu cầu chất lượng dịch vụ (ăn, ngủ) cao hơn, hướng dẫn viên chuyên nghiệp hơn. Vì vậy, Công ty thường thiết kế riêng tour dành cho người trung niên, di chuyển chậm hơn, chú trọng chất lượng phục vụ và hạn chế đến khu vực có trò chơi mạo hiểm.
Từ kinh nghiệm thực tế hoạt động lữ hành, ông Khải khuyên, nếu khách mắc chứng sợ độ cao, hoặc có tiền sử về bệnh tật thì nên thông báo trước để công ty du lịch có sự chuẩn bị hoặc nên đi cùng với người thân.
THU HÀ
Kinh nghiệm phượt xe máy một mình
– Tìm hiểu về cung đường: Ðầu tiên, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về cung đường mình sắp đi, đo khoảng cách và tham khảo một số người đã đi trước là ý tưởng hay. Việc này giúp bạn nắm lộ trình các đoạn đường xấu để chuẩn bị cẩn thận hơn cho hành trình.
– Kiểm tra, bảo dưỡng xe máy: Trước khi đi, bạn nên đưa xe máy đi kiểm tra lốp, nhông xích, bạc đạn và thay nhớt. Nếu phượt một mình, việc bị kẹt giữa đường cùng một chiếc xe hỏng là điều tệ hại nhất.
– Đồ bảo hộ nên mang theo: Áo mưa; giáp tay và chân; mũ bảo hiểm nên dùng loại trùm kín toàn bộ khuôn mặt hoặc ít nhất cũng phải được 3/4 khuôn mặt; Kính chống bụi (loại lớn, ôm sát mặt, hoặc dùng kính bảo hộ để chống bụi và gió); giày: giúp dễ điều khiển phanh và số. Ngoài ra, mang theo nước uống và một chút bánh ngọt.
– Chuẩn bị về tinh thần: Nên lường trước mọi tình huống xấu nhất như hỏng xe, gặp trời mưa, hết xăng hay những trục trặc khác.
– Chạy xe trên đường nên chạy đúng tốc độ cho phép. Khi vượt xe tải, nếu đường không có làn dành riêng cho xe máy, bạn sẽ phải sang bên trái và bật xi nhan, bóp còi xin vượt.
T.H (Theo VnExpress.net)