Ít có thành phố nào có nhiều cù lao bao quanh như Biên Hòa. Các cù lao quanh thành phố không chỉ là nơi sinh sống của người dân; lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của thành phố hơn 300 năm tuổi mà còn góp phần làm nên nét đặc trưng riêng cho thành phố.
Một góc Cù lao phố (nay là P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa)
Sử sách ghi lại, sông Đồng Nai chảy qua TP.Biên Hòa đã tạo nên nhiều bãi bồi lớn nhỏ. Có những bài bồi lớn bằng địa giới hành chính của một xã, phường, có những bãi bồi là mỏm đất nhô cao giữa dòng chảy. Theo thời gian, một số bãi bồi không còn, một số bãi bồi mới hình thành làm nơi sinh sống và trú ngụ cho nhiều người dân nơi đây.
* Cù lao Phố – chốn đô hội xứ Biên Hòa
Điểm chung của các cù lao ở TP.Biên Hòa là đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, con người hiếu khách. Các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái đang được người dân và cả cộng đồng chung tay bảo vệ và phát huy.
Ấn tượng và nổi tiếng nhất ở TP.Biên Hòa là cù lao Phố (P.Hiệp Hòa, rộng gần 700ha). Nơi từng được mệnh danh là chốn đô hội xứ Biên Hòa, là thương cảng sầm uất, có vai trò đặc biệt trong tiến trình mở cõi phương Nam. Dải đất sa bồi này được hai nhánh sông Đồng Nai ôm trọn. Người có công lớn phát triển dải đất cù lao này là Tổng binh Trần Thượng Xuyên.
Cù lao Phố hiện còn lưu nhiều dấu tích về thời hưng thịnh của vùng đất, đó là các ngành nghề: gốm sứ, điêu khắc, buôn bán; những công trình lịch sử, tín ngưỡng giá trị như: chùa Đại Giác, đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, miếu Quan Đế. Theo thống kê, Cù lao Phố hiện có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh, 11 ngôi đình, đền lưu giữ sắc phong của nhà Nguyễn, 40 ngôi mộ cổ.
Một góc Cù lao phố (nay là P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) nhìn từ trên cao.
Trong xu thế phát triển, cù lao Phố đang được quy hoạch thành điểm nhấn mang tính biểu tượng cho thành phố có bề dày lịch sử nhất nhì đất phương Nam. Nơi đây có không gian kiến trúc được quy hoạch hài hòa với không gian cảnh quan sông nước và môi trường sinh thái; các công trình, giá trị di sản, văn hóa đặc trưng vốn có ở cù lao xưa được bảo tồn và phát huy cùng với các công trình đô thị đương đại. Cù lao Phố trở thành khu dự trữ sinh quyển xanh cho thành phố. Ngoài ra, Cù lao Phố cũng được quy hoạch trở thành điểm du khảo lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên, thích nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của vùng đất.
* Cù lao Cỏ – “nàng thơ” yên ả
Khác với vẻ bề thế của Cù lao Phố, Cù lao Cỏ (hay còn gọi Cù lao Bảy Mẫu) nằm nép mình bên nhánh sông Cái, thuộc địa bàn P.Thống Nhất chỉ rộng chừng 7ha. Theo lời những người cao niên, khi người dân chưa đến khai khẩn, Cù lao Cỏ là rừng già, lau sậy mọc um tùm. Vài người dân bên này bờ nhìn sang cồn đất cỏ cây tốt tươi đã bơi sang khai hoang trồng lúa, hoa màu và cây ăn trái. Một gia đình, rồi 2, 3 gia đình, thời kỳ cao điểm, cù lao Cỏ có gần chục hộ dân sinh sống bằng các nghề chài lưới, đánh bắt và nuôi thủy sản trên sông.
Từ bên bờ P.Thống Nhất ra Cù lao Cỏ khoảng 100m. Do đặc điểm nằm ở lòng sông, không có cầu bắc qua và phương tiện duy nhất kết nối với bên ngoài là xuồng, thế nên cuộc sống của người dân cù lao tự cấp tự túc, ít bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài. Chẳng hạn như những ngôi nhà ở đây không cần phải cửa đóng then cài, người ta phân định ranh giới đất với nhau bằng hàng cây, bờ vườn mà không cần đến tường bê tông, lưới thép. Người dân ở cù lao gắn bó, đùm bọc nhau và sống ôn hòa với nhau từ đời này sang đời khác. Vài năm trước, có dự án tour du lịch kết nối Cù lao Cỏ với các cù lao khác của thành phố được một đơn vị tư nhân đến nghiên cứu, tìm hiểu, nhưng đến nay, dự án này vẫn “nằm im” và người dân Cù lao Cỏ vẫn có một cuộc sống vô tư, tự tại.
Có người từng nói, Cù lao Cỏ là “nàng thơ” bị ngủ quên, nhưng không, những người con của cù lao vẫn cần mẫn trồng cây, nuôi cá, đánh bắt để đời sau có cuộc sống tốt hơn. Lâu lâu, người dân Cù lao Cỏ lại đón các đoàn nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ đến tìm đề tài sáng tác. Những áng văn, trang thơ, bài báo về Cù lao Cỏ mỗi ngày một nhiều. Dưới đôi mắt của người cầm viết, Cù lao Cỏ như một “nàng thơ” thanh bình và yên ả, đang dần chuyển mình.
* Cù lao Ba Xê – miền Tây thu nhỏ ở Đồng Nai
Từ Cù lao Phố, xuôi dòng Đồng Nai sẽ bắt gặp Cù lao Ba Xê (P.Long Bình Tân, khoảng 27ha). Cù lao Ba Xê được ví như miền Tây thu nhỏ ở Đồng Nai bởi từ nhiều năm trước, cù lao này đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái gắn với vườn cây, sông nước. Cù lao hạ nguồn của thành phố không có nhiều công trình xây dựng, cuộc sống của người dân nơi ốc đảo này hòa mình và dựa vào thiên nhiên là chính.
Du khách đến tham quan Cù lao Ba Xê
Ẩm thực đặc trưng nhất ở cù lao Ba Xê chính là chuột đồng nướng, món ăn mà không phải ai cũng đủ can đảm thưởng thức. Người dân địa phương xem chuột đồng là món ăn ngon, bổ, rẻ, món đặc sản không phải nơi nào cũng có. Chuột ở đây thường làm hang trú ngụ ở các mép nước, chúng săn cá, rắn nhỏ làm thức ăn là chủ yếu nên thịt dai ngon, mùi thơm. Cũng chính món ăn này đã góp phần làm nên thương hiệu “miền Tây thu nhỏ của Đồng Nai” ở Cù lao Ba Xê.
Cù lao Ba Xê (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa)
Năm 2018, tuyến du lịch đường sông từ Bến tàu (đối diện chợ Biên Hòa) – Cù lao Phố – làng bè Tân Mai – Cù lao Ba Xê được đưa vào khai thác. Trong đó, Cù lao Ba Xê được chọn là đích đến cho du khách tham quan và trải nghiệm các dịch vụ sinh thái sông nước như: bắt cá, chèo thuyền và thưởng thức ẩm thực “hương đồng gió nội” là cá, tôm, vịt trời, chuột đồng. Tuyến du lịch này góp phần phát triển kinh tế cho người dân các cù lao, tạo điểm nhấn cho du lịch Đồng Nai nói riêng và du lịch Đông Nam bộ nói chung. Đó là phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường dựa vào lợi thế cù lao trên sông Đồng Nai.
Hoàng Lộc