Hoàng Điệp, 29 tuổi, nhiếp ảnh gia kiêm travel blogger sống tại Đà Nẵng. Anh vừa du lịch Campuchia cùng vợ, từ 17 đến 22/8. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên sau Covid-19. Năm 2019, hai vợ chồng phượt xuyên Lào. Sau dịch, họ chọn Campuchia là điểm tiếp theo vì muốn hoàn thành kế hoạch đi đủ ba nước Đông Dương.
Họ di chuyển từ Việt Nam bằng đường bộ với tổng chi phí hai người hết khoảng 12 triệu đồng. Trong đó chi phí đắt nhất là vé xe khách TP HCM – Phnom Penh và Phnom Penh – Siem Reap gần 5 triệu đồng. Ngoài ra theo Điệp, chi phí tại Campuchia đắt đỏ hơn nhiều so với trước dịch. Với du khách, chi tiêu bằng tiền đô được chấp nhận và thuận lợi nhất trên thực tế.
Điểm đến chính mà hai vợ chồng tới thăm là quần thể Angkor, nơi được công nhận là di sản thế giới năm 1992. Nằm cách thành phố Siem Reap khoảng 6 km về phía bắc, đây là một trong những điểm khảo cổ học quan trọng nhất Đông Nam Á, theo UNESCO. Trải dài trên diện tích khoảng 400 km2, bao gồm cả diện tích rừng, công viên Khảo cổ học Angkor gồm những di tích của đế chế Khmer, từ thế kỷ 9 đến 15.
“Tôi ấn tượng nhất khi được ngắm bình minh ở đền Angkor Wat. Vào buổi sớm, rất đông du khách tập trung trước đền chính để đợi mặt trời mọc”, Điệp nói. Buổi chiều, họ ghé đền Srah Srang để ngắm hoàng hôn. Ngoài ra, họ cũng ghé các địa điểm khác trong quần thể như đền Ta som, Neak Pean, Preah Khan.
Vé ngày vào Angkor là 37 USD một người (có hiệu lực trong hai ngày), hạn sử dụng 5 ngày tính từ lúc mua. Điệp mua vé từ chiều hôm trước để tránh xếp hàng vào sáng hôm sau, lỡ thời điểm ngắm bình minh.
Khách được đi xe máy vào trong để tham quan, để xe trước mỗi đền rồi đi bộ vào. Vé bán ở Angkor Park Pass Ticket Counter (phòng vé Angkor), nằm trên đường Apsara, cách Sieam Reap 4 km. Đây là nơi duy nhất khách có thể mua vé trực tiếp để vào Angkor. Ngoài ra, có thể mua trực tuyến.
Điệp cũng dừng chân tại Tonle Sap (biển hồ) – nơi có nhiều người Việt đang sinh sống vào ngày thứ tư. Biển hồ là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông, và là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997. Họ cũng đến thăm thành phố Siem Reap, gần Angkor.
Về ẩm thực, Điệp nhận xét đồ ăn ở đây giống hương vị miền Tây của Việt Nam với nhiều vị ngọt. Một số món ăn đặc trưng, Điệp khuyến khích nên thử là hủ tiếu Nam Vang, côn trùng (châu chấu, nhện, dế) tẩm muối, gỏi ba khía (gần giống Somtam Thái Lan). Giá mỗi món từ 2 đến 5 USD, đồ uống 1 USD. Hai vợ chồng chủ yếu ăn uống tại các khu chợ địa phương.
Điệp lưu ý buổi trưa có rất ít quán bán đồ ăn, hầu như tập trung vào buổi tối. “Bạn nên ở gần chợ đêm, buổi tối đi chơi cho dễ và cũng bán nhiều đồ ăn, rất tiện lợi. Nếu muốn mua nước lọc và các vật dụng cần thiết, nên ghé Seven Eleven, giá rẻ và mát”, anh nói.
Tại Việt Nam, hai vợ chồng bắt xe Kumho còn ở nước bạn, họ dùng dịch vụ của nhà xe Mey Hong, giá vé là 12 USD (285.000 đồng) một người một chiều, xe giường nằm. Vé có thể mua trực tiếp tại quầy ở Phnom Penh hoặc trực tuyến. Nếu đặt mua trên web, có thể trả bằng thẻ visa, và có mail xác nhận. Lúc đến bến xe, khách chỉ cần đưa email xác nhận để nhân viên sắp chỗ.
Giá thuê xe máy tại Siem Reap 10 USD một ngày. Khách chỉ cần đặt cọc bằng lái. “Nhớ chụp ảnh, kiểm tra xe kỹ trước khi nhận. Có thể thuê xe đạp cùng giá”, Điệp nói.
Thời điểm đi du lịch, hai vợ chồng chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine (yêu cầu tối thiểu phải tiêm hai mũi) tại hải quan cửa khẩu. Cuộc sống tại Campuchia gần như quay lại như trước dịch, không yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng.
“Thủ tục xuất nhập cảnh đơn giản, nhưng chi phí phát sinh cao hơn trước dịch. Chúng tôi đi ôtô qua biên giới nên phải đóng phí đường bộ. Vé xe khách và phí đường bộ là 720.000 đồng một người, trong khi trước dịch là 250.000 đồng”, Điệp nói.
Phương Anh Ảnh: NVCC