Vì sao “Nơi ấy” được yêu?
Dân phượt xếp “Nơi ấy” vào loại bài hát “không thể không biết đến”. Mặc dù trong một số bảng xếp hạng người ta đặt “Nối vòng tay lớn” lên cao nhất, song những tay phượt dày dạn sương gió đều cho rằng: “Nối vòng tay lớn” chỉ là tinh thần mở lòng, giao lưu, nó không đậm chất phượt.
“Những chuyến đi dài” của Bức Tường cũng được một số fan đưa vào danh sách “phượt ca”, song nếu xem cả MV, dân du lịch bụi cũng vẫn lắc đầu. Những chuyến đi dài trên moto phân khối lớn, dù có qua rừng, qua thác nó vẫn chỉ là cái ngầu mang tính trình diễn. Phượt không đi chơi kiểu ấy!
Phượt, theo định nghĩa đã được thống nhất, là một kiểu du lịch có hơi hướng hành xác, nó xảy ra khi người ta có mong muốn làm mới (ở mức độ cao), hoặc chữa trị tinh thần nhờ khám phá những giá trị nguyên bản ở nơi đến. Phượt từ chối những kiểu đi chơi tiện nghi và hào nhoáng.
Một số người hay nhầm lẫn, phượt tức là đi chơi kiểu con nhà nghèo vì không có tiền. Thực ra, phượt là một lựa chọn. Không thiếu những “phượt cụ” (từ các “phượt con” dùng để tỏ lòng kính trọng đối với các đàn anh) là CEO của các tập đoàn lớn, doanh nhân v.v… Mỗi chuyến phượt đều nhấn mạnh đến yếu tố khám phá bản thân. Vì vậy nó khá cá nhân. Hợp với những chuyến độc hành.
“Nơi ấy” sở dĩ đánh động trái tim dân phượt vì nó chỉ nhấn vào nỗi nhớ, những cảm xúc riêng tư, lại có phần bé mọn. Nốt nhạc đầu tiên vang lên, nỗi nhớ đã ùa về: “Gió, con đường ấy/ Và nắng trên hàng cây/ Nhớ, sao lại nhớ tên/ Sao hình bóng vẫn còn đây/ Những nơi hò hẹn… những gương mặt quen/ Và ta nhớ ơi là nhớ…”. Âm nhạc của Hà có thể nói là dịu dàng, giống một lời thủ thỉ. Về những nơi đã qua, những kỷ niệm đã có, không có lấy một hô ngôn kiểu “dậy mà đi”.
Thế nhưng, nghe xong những comment kiểu như: “Vừa đi về, nghe “Nơi ấy” lại muốn kiếm đâu chục triệu, đi tiếp!” nhiều vô kể. Hình ảnh một thanh niên ôm guitar nhảy xe đò, nhờ xe tải rong ruổi hát du ca nói gì thì nói hợp ý dân phượt hơn nhiều so với đội moto bốc đầu với rất nhiều hotgirl tròn mắt ngồi sau. MV của Hà Okio được xem nhiều và kỹ đến nỗi, dân phượt nói chuyện với nhau, chỉ cần bảo: lên Vừ A Dính (tên một trường tiểu học xuất hiện trong MV) là đủ hiểu sẽ đi vùng nào, với ai và bằng phương tiện gì.
“Nơi ấy” được cover trên khắp mọi nẻo phượt.
Hơn năm năm, “Nơi ấy” được dân phượt phủ sóng “ngoài sức tưởng tượng”, trở thành bài hát đỉnh cao được phượt thủ công nhận và sử dụng trên các hành trình chinh phục của mình. Bản phối do chính Hà Okio thể hiện được tìm kiếm và chia sẻ nhiều hơn hẳn phiên bản do Yasuy thể hiện và giành vô địch Vietnam Idol 2012.
Sau này, người ta mới khám phá ra, sở dĩ “Nơi ấy” thật và hay đến thế là do Hà Okio cũng là một tay phượt có hạng. Nhiều “phượt cụ” đã tuyên bố “rửa tay gác kiếm” vì lý do sức khỏe, vì đã tự tìm được cách cân bằng khác thay vì phải đi xa thú nhận: chỉ cần nghe loáng thoáng bài “Nơi ấy” là lại thấy “các cơ bắp cuống cả lên” và “nông nổi đi đặt vé”!
Vẫn là “đi để trở về” nhưng trẻ hơn
Hình ảnh giản dị của Soobin Hoàng Sơn trong “Đi để trở về” cũng rất được lòng các phượt thủ trẻ tuổi.
Sau khi “Nơi ấy” chiếm lòng dân phượt tuyệt đối, nhiều người cũng sáng tác về đề tài này. Chẳng hạn “Đi thôi” của Hoàng Thùy Diễm, “Đi về phía chân trời” của Châu Khải Phong hoặc “Đưa nhau đi trốn” của Đen và Linh Cáo nhưng độ phủ sóng chưa bài nào bằng với “Nơi ấy”.
Chỉ tới đầu tháng 1, “Đi để trở về” (sáng tác Tiên Cookie, biểu diễn Soobin Hoàng Sơn) ra mắt, “Nơi ấy” mới lại có đối thủ.
Ra mắt trên Youtube từ Tết Dương lịch 2017, MV “Đi để trở về” chỉ trong vòng một tháng đã thu hút hơn 7 triệu lượt nghe. Rất nhiều bản cover ca khúc mới này được thể hiện lại bởi giới trẻ yêu nhạc đã tiếp sức tạo sự lan tỏa mạnh mẽ cho MV gốc.
Giới yêu nhạc lý giải: chính nét vui tươi, giai điệu bắt tai nhưng chứa đựng thông điệp ý nghĩa đã giúp MV này tạo hiệu ứng cộng đồng cao. Sau hai tháng ra mắt, “Đi để trở về” thu hút gần 30 triệu lượt xem, được đánh giá là một kỷ lục của nhạc Việt thời gian gần đây.
Tác giả của “Đi để trở về” Tiên Cookie nói rằng cô “khá hài lòng về phần thể hiện của Soobin. Ngọt ngào, tình cảm và trẻ trung”.
Giống như Hà Okio, thế mạnh của Tiên Cookie là kể những câu chuyện giản dị đời thường bằng những giai điệu nhẹ nhàng và ca từ giản dị, lãng mạn. Rất nhiều ca từ của cô đã được giới trẻ lấy làm slogan, kiểu như: “Anh đưa em theo với, cầm tay em và đưa lối” (Có khi nào rời ra), “1 2 3 5 anh có đánh rơi nhịp nào không” (Mình yêu nhau đi), “Mua bao thuốc lá, mua dăm gói bánh. Anh sang thưa chuyện cùng em” (Gửi anh xa nhớ)…
Tiên mặc dù không phải phượt thủ, nhưng quan điểm sáng tác của cô rất gần với tôn chỉ của dân phượt: “Đa số thời gian còn lại tôi cất các danh hiệu đi. Tôi muốn là kẻ mơ mộng trong những sáng tác của mình.
Phượt một mình để khám phá những giới hạn của bản thân là giá trị được các phượt thủ ghi nhận.
Tôi vẫn nghĩ mình đang là kẻ thám hiểm, cần mẫn từng ngày bước đi trên con đường âm nhạc mà không biết điểm đến là đâu. Nhưng bạn đừng hiểu nhầm, đó không phải cảm giác hoang mang. Mà ngược lại, đó là niềm hạnh phúc vì tôi thích tận hưởng mỗi bước đi của mình dù sai lầm hay thành công”.
Cách đây một tuần, Soobin Hoàng Sơn “thừa thắng xông lên”, tái xuất với một MV khác “Đi và yêu” (sáng tác Phạm Toàn Thắng) và cũng thu được thành công đáng kể.
Dù mới trình làng được ít ngày, “ Đi và yêu” cũng đã lọt vào các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín trong nước và được đông đảo khán giả hâm mộ chia sẻ trên mạng xã hội. Không dừng lại ở đó, loạt câu hát gần gũi, dễ chạm như: “Đi thật xa, yêu lại gần hơn”, “Đi thật xa để mình gần hơn”,… trở thành hot trend mà nhiều bạn trẻ dùng để bày tỏ cảm xúc với người mình yêu.
Dân phượt kết luận: Hà Okio và Soobin Hoàng Sơn chia khán giả phượt ra hẳn làm hai dòng. Phượt anh thích “Nơi ấy”, phượt em mê hai bài “Đi” của Sơn. Sở dĩ, có sự phân chia vì nó liên quan đến cảm xúc, độ chín và sự từng trải của mỗi ca khúc.