Nếu cuối tuần chán cuộc sống xô bồ ở thành phố, hãy cùng hội bạn thân đổi gió xách balo du lịch Buôn Ma Thuột, về với cao nguyên đại ngàn thưởng thức hương vị Tây Nguyên.
Lịch trình 2 ngày 1 đêm du lịch Buôn Ma Thuột cùng hội bạn thân
Dưới đây là lịch trình du lịch Buôn Ma Thuột 2 ngày 1 đêm do bạn Mai Nguyễn chia sẻ với iVIVU.com, mời các bạn cùng tham khảo nhé.
Phương tiện di chuyển
Thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cách Sài Gòn 334km và cách Hà Nội 1.278km, nên bạn có thể lựa chọn nhiều loại phương thức di chuyển như đường hàng không, đường bộ.
- Đối với đường hàng không: hiện nay các hãng hàng không khai thác đường bay từ hai thành phố lớn đến sân bay Buôn Ma Thuột đều đặn các chuyến mỗi ngày, chỉ mất khoảng 1 tiếng từ Sài Gòn và 1 tiếng 40 phút từ Hà Nội.
- Đối với đường bộ: tại Hà Nội có một số hãng xe như Thanh Khê, Minh Vương, Anh Khôi… phục vụ chạy tuyến Hà Nội – Đắk Lắk. Còn tại Sài Gòn, bạn có thể tìm đến bến xe miền Đông mua vé đi Buôn Ma Thuột của hãng Mai Linh, Kumho Samco… với giá giao động từ 200.000 – 250.000 đồng/chiều/người. Trong chuyến đi này, bọn mình chọn hãng xe giường nằm Dung Nghĩa với giá 230.000 đồng/chiều/người, đón khách tại số 51 Nguyễn Thái Bình, Phường 4, Quận Tân Bình (0838.461.776 – 0914.002.929). Tại Buôn Mê Thuột: số 161 Hoàng Diệu, Thành phố Buôn Ma Thuột (05003.890.890 – 05003.811.888 – 05003.855.240)
- Đối với những bạn chọn đi xe máy để ngắm cảnh, từ Sài Gòn chỉ cần đi QL13 qua Bình Dương – rẽ qua QL14 và chạy theo quốc lộ này là đến Buôn Ma Thuột. Vì tuyến đường này là cửa ngõ chính nên lượng xe khách và các loại xe khác rất đông, bạn nhớ đặt an toàn lên hàng đầu nhé.
Khởi hành từ 20h00 (tối thứ 6) đến 4h20 (rạng sáng thứ 7) xe dừng ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Điện Biên Phủ, đi bộ khoảng 100m bọn mình đến ngủ nhờ một nhà người quen của 1 bạn trong nhóm.
Ngày 1 (thứ 7): Rong rủi khám phá Buôn Ma Thuột
Do thời tiết lạnh và bụng đói nên không ai trong nhóm ngủ được, chỉ mong trời sáng tìm được chỗ bán “bún đỏ” – một món đặc trưng của Buôn Ma Thuột bất cứ ai đến đây nhất định phải thử một lần.
6h00: Bắt đầu công cuộc đi tìm bún đỏ, mặc dù có nhờ đến công cụ Google nhưng vẫn chưa tìm được chỗ nào nên bọn mình đi dạo vòng quanh khởi động trước. Thành phố Buôn Ma Thuột không xô bồ như ở Sài Gòn hay chen chúc như trên Đà Lạt, đến đây bạn sẽ có cảm giác rất thanh bình. Đường phố với những con dốc không khác gì mấy ở Đà Lạt, nhưng khác ở chỗ có một số góc có đèn tín hiệu giao thông.
Buôn Ma Thuột là thành phố cà phê, bạn sẽ thấy đâu đâu cũng có quán cà phê từ những quán lề đường đến các quán thiết kế sang trọng bắt mắt giành cho giới trẻ. Mùi cà phê lan tỏa hòa cùng không khí khiến cả nhóm thấy hưng phấn hẳn, thơm đến nỗi không ngừng hít những hơi thật sâu còn miệng thì xuýt xoa “thơm quá!”.
Hầu như người dân ở đây là người miền Bắc, Trung, hòa cùng đồng bào Eđê,… tạo nên bản sắc riêng độc đáo. Họ rất thân thiện và nhiệt tình đã chỉ đến tận nơi bán “bún đỏ” ngon mà nhiều người hay lui tới. Đó là số nhà 18 nằm trong khu chợ Mây, từ đường Hoàng Diệu rẽ vào chỉ cách mấy bước chân là thấy liền.
Bún đỏ – tô bún cũng không khác mấy với canh bún ở Sài Gòn nhưng thay vì ăn kèm với rau muống thì bún đỏ ăn kèm với cải xanh, cần đước và giá, bỏ thêm chút ớt rừng say nhà làm, mắm tôm, vừa ngon vừa cay cay kèm theo ly trà lá dứa ấm ấm bụng thì còn gì bằng, rất thích hợp cho cái se se lạnh ở Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra xung quanh còn có bán các món khác như bánh mỳ chả cá Nha Trang, bánh bột lọc, cơm,… Bọn mình gọi thêm bánh bột lọc kế bên chỗ bán bún, bánh chuối và bánh bò ở góc đầu lối vào chợ.
9h00: Bọn mình lấy balo và bắt taxi đến trường Đại học Tây Nguyên nằm ngay tại mặt tiền đường Lê Duẩn (Ea Tam, Buôn Ma Thuột), đây là ngôi trường đại học trong vùng đa ngành, đa lĩnh vực. Có lợi thế diện tích khoảng 30ha, trường đầu tư các giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu, ký túc xá, thư viện, bệnh viện đa khoa Tây Nguyên,… nhằm tạo thuận lợi cho sinh viên, giảng viên học tập và nghiên cứu.
Trong khuôn viên trường có một hồ nước gọi là “hồ tình yêu” và một cây cầu gỗ bắt ngang rất thích hợp cho các bạn chụp hình “sống ảo”.
Trường còn giữ nguyên nét kiến trúc khá đặc biệt, nằm giữa khu vực giảng đường 1-5-6 và thư viện có một hành lang dài mái lợp gạch ngói, những cây cột trụ bằng gỗ đặt khoảng cách bằng nhau, hai bên là hàng cây đại già nở hoa trắng xóa được trồng thẳng tắp mang đến không gian cổ kính lạ thường.
10h30: Bọn mình nhận phòng tại một khách sạn gần trường Đại học Tây Nguyên. Theo dự định điểm tiếp theo là Bảo tàng Đắk Lắk nhưng vì đang trong thời gian chuẩn bị “Lễ hội cà phê” nên đành quay về.
11h00: Cả nhóm được hướng dẫn đến ăn trưa tại một quán cơm gà xé tên Uyên Uyên 5 trên đường 59 Y Wang. Ở đây cơm gà rất bình dân chỉ có 25.000 đồng/dĩa, bạn có thể chọn cơm gà xé, cơm đùi gà chiên…
19h00: Bọn mình đi thưởng thức bánh canh bột lọc đối diện trường Đại học Tây Nguyên (560 Lê Duẩn), khá nổi tiếng được nhiều người ghé ăn.
Ngoài ra, bọn mình được thưởng thức thịt heo rừng được chế biến thành nhiều món như thịt heo rừng hấp xả, thịt heo rừng xào xả ăn chung bánh đa nướng,… Đặc biệt, bọn mình còn được nếm thử một đặc sản của Tây Nguyên mà du khách nào cũng nên thử một lần, đó là rượu cần.
Ngày 2 (Chủ nhật): Thưởng thức cà phê – Khu du lịch Ko Tam
7h00: Cả nhóm đi ăn bún bò cũng nằm đối điện Đại học Tây Nguyên. Bún bò cọng nhỏ như cọng bún riêu, thịt bò rất mềm, có cả huyết, nước lèo đậm vị hầu như không cần phải nêm nếm thêm nước mắm hay gia vị nào khác.
7h30: Nhóm mình đón xe bus tuyến Hồ Lắk giá 10.000 đồng đi vào trung tâm thành phố để thưởng thức cà phê. Trạm dừng tại đường Nguyễn Công Trứ và Y Jut, đi bộ dọc con đường Y Jut bạn có thể vừa chụp hình vừa nhìn ngắm chợ trung tâm Buôn Ma Thuột rộng lớn và sầm uất. Nếu đi vào buổi tối bạn nhớ dạo chợ đêm Buôn Ma Thuột nằm trên đường Quang Trung nhé.
Quán cà phê Memory (số 248 Y Jut) là nơi mà bọn mình chọn thưởng thức cà phê. Thật bất ngờ khi quán có không gian hoài cổ, hầu hết nội thất đều trang trí bằng gỗ, tầng trệt trên tường trưng bày các máy ảnh hiệu Nikon, Canon, giàn nhạc hay hẳn một chiếc xe máy hiệu Yamaha thời xưa…
Lên tầng trên bên phải có một gian tựa như phòng họp, với không gian gợi lại những năm 80-90.
9h30: Rời quán cà phê cả nhóm bắt taxi đi Khu du lịch Ko Tam mất khoảng 15 phút. Mua vé 20.000 đồng/người, Khu du lịch Ko Tam chào đón bọn mình bằng không gian tươi mát của cả khu đồi. Với diện tích rộng lớn 13ha, Khu du lịch Ko Tam là sự sắp xếp không gian hài hòa giữa cây cỏ, hồ câu và những dãy nhà sàn truyền thống.
Bọn mình bị thu hút bởi kiểu nhà sàn hay còn gọi là nhà dài – đặc trưng của người Eđê theo chế độ mẫu hệ được thể hiện qua cầu thang. Đây là một điểm nhấn nhà dài của người Eđê gắn với hai cửa: cửa phía trước là cầu thang chính hướng Bắc dành cho khách và nam giới, cửa phía sau dành cho phụ nữ.
Sau khi khám phá mọi ngóc ngách trong Ko Tam, bọn mình kéo nhau vào nhà hàng Ko Tam đã đặt bàn trước, thưởng thức với các món đặc trưng của Ko Tam như lẩu thập cẩm với rổ rau rừng bao tươi, chả ram Ko Tam, cơm lam Ko Tam, gà nướng Ko Tam…
15h00: Rời Ko Tam quay về khách sạn. Trên đường cả nhóm ghé mua một ít đặc sản của Buôn Ma Thuột.
16h00: Cả nhóm về đến khách sạn dọn dẹp balo và trả phòng. Đi ăn tối nhẹ đến 19h00 xe đón bọn mình trước trường Đại học Tây Nguyên. Kết thúc chuyến đi vào 4h00 sáng ngày hôm sau, tuy còn nhiều luyến tiếc chưa khám phá hết Buôn Ma Thuột, nhưng cả nhóm hẹn một dịp không xa sẽ quay lại một lần nữa.
Chi phí:
- Vé xe: 460.000 đồng/2 chiều/người.
- Di chuyển trong Buôn Ma Thuột cả hai ngày (bus + taxi): 100.000 đồng/người.
- Ăn uống: 220.000 đồng/người.
- Vé cổng Khu du lịch Ko Tam: 20.000 đồng/người.
- Khách sạn: 150.000 đồng/phòng/2 người.
Tổng cộng chi phí 1 người cho chuyến du lịch Buôn Ma Thuột trong 2 ngày 1 đêm: 875.000 đồng/người (chưa bao gồm chi phí mua quà mang về).
Lưu ý: Do Đắk Lắk là một tỉnh vùng cao nên nhiệt độ thay đổi đột ngột trong ngày, trước khi đi bạn hãy tìm hiểu nhiệt độ để chuẩn bị đồ phù hợp. Nắng ở đây khá gắt và chói chang nên bạn cũng cần mang theo kem chống nắng nhé.
Theo Mai Nguyễn (Ảnh: Mai Nguyễn)
****
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
iVIVU.com Tháng Ba 20, 2017