Hai chàng trai Đăng Khoa và Quốc Khiêm đã đi qua tới 7 nước của Đông Nam Á trong dịp tết nguyên đán vừa qua, điều đặc biệt là hai chàng trai này chỉ sử dụng hai chiếc xe phổ thông là Honda Wave RSX và Yahama Taurus. Thời gian của chuyến phượt này là 3 tuần và chi phí chỉ 34 triệu đồng trên 2 người.
Trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay, 2 chàng trai người Việt Nam đã đi thành công cung đường xuyên Đông Nam Á để đón Tết Ất Mùi 2015. Hành trình này trải dài từ TP HCM đến Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, đi phà qua đảo Batam, Indonesia rồi tiếp tục trở ngược lại, vòng lên Lào và về lại TP.HCM. Tổng hành trình với kinh phí chỉ 17 triệu VND/người, bao gồm tất cả chi phí xăng xe, ăn uống, ngủ nghỉ, vé tham quan các nơi, phí qua cửa khẩu và các chi phí khác.
Họ là Trần Đặng Đăng Khoa, người Gò Công, Tiền Giang (1987) – người dẫn đường, lên cung đường, đối ngoại, chở lều bạt, và bạn Trần Quốc Khiêm, người Tây Ninh (1984) – làm nhiệm vụ nấu nướng, hậu cần, chở thực phẩm, chở đồ sửa xe và phụ tùng thay thế. Hai bạn sử dụng xe Wave RSX của Honda và Taurus của Yamaha, đều có dung tích xylanh 100 cc, là dòng xe ít người nghĩ có thể đi được một hành trình rất dài trong thời gian ngắn như thế.
Họ khởi hành vào rạng sáng ngày 13/2 (tức ngày 25 tháng chạp năm Giáp Ngọ) từ TP HCM đến Tân Châu, Tây Ninh, ngủ một giấc ngắn lấy sức rồi sáng sớm tiến về cửa khẩu Xa Mát / Trapeang Phlong, đặt vết bánh xe đầu tiên ở nước ngoài trong hành trình này. Họ đến Siem Riep (Campuchia) lúc chiều tối.
Thăm quan quần thể Angkor của Campuchia.
Sau khi tham quan nửa ngày ở quần thể Angkor, hai người bạn lại tiếp tục đi thẳng đến cửa khẩu Poipet / Aranyaprathet, trú mưa gần 2 tiếng rồi đi tiếp đến Bangkok lúc nửa đêm. Ngày hôm sau lại tiếp tục hành trình đi hết đoạn Nam Thái Lan nằm giữa biển Andaman và vịnh Thái Lan rất dài khoảng 1.000 km nữa để đến biên giới Malaysia.
Hết ngày thứ 4, sau gần 2.000 km tính từ lúc khởi hành từ Sài Gòn, hai người bạn đã có mặt tại Sadao ở cuối Thái Lan để chuẩn bị sáng hôm sau đến cửa khẩu Sadao / Changloon, sang Malaysia.
Trên đất Malaysia, họ đi bên trái theo luật giao thông của nước này, tương tự như ở Thái Lan.Ngày hôm sau, họ đi tiếp đường cao tốc E1 đến China Town của Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia đúng 1 tiếng đồng hồ trước khoảnh khắc giao thừa sang năm mới Giáp Ngọ. Đêm hôm ấy có một trận mưa dầm khá lớn, kéo dài trong suốt thời gian nhóm di chuyển từ Ipoh về tận Kuala Lumpur lúc nửa đêm.
Ở Nam Thái Lan, đoạn giữa tỉnh Nakhon Si Thammarat và Chumphon.
Ngày sau đó, hai biker Việt sau khi tham quan Petronas và chụp hình lưu niệm lại đi tiếp đến Melaka, thành phố cổ ven biển Andaman, rồi đi tiếp về Johor Bahru, thành phố nằm ở phía nam của Malaysia. Sáng hôm sau, hai người bạn lại tiếp tục xuất cảnh Malaysia, chạy xe qua cầu Causeway qua Singapore đến Woodlands Checkpoint của Singapore.
Nhưng sau một thời gian khá lâu để giải quyết thủ tục, do thiếu giấy thông hành xe máy ngoại quốc (International Circulation Permit) ở Singapore, và cũng do không thể lấy được khi cơ quan phát hành giấy này là AAS (Hiệp hội xe máy Singapore) cũng đang nghỉ Tết Âm lịch, họ đành quay về Johor Bahru gửi xe máy và đi bus qua Singapore, rồi lại đi tiếp phà từ cảng Harbourfront đến đảo Batam thuộc địa phận Indonesia.
Hai người bạn lúc vừa đến Malaysia, qua cửa khẩu Sadao/Changloon với Thái Lan.
Những ngày sau đó hai bạn lần lượt trở lại Singapore tham quan rồi đi tiếp về Johor Bahru, Malaysia để chinh phục mũi Tanjung Piai cực nam lục địa Á Châu. Đây là một điểm rất hay nhưng rất ít để ý tới, vì nằm ở sát rìa Singapore và Johor Bahru. Họ khám phá ra điểm này cũng là tình cờ, do Khoa phát hiện ra khi tìm hiểu cung đường.
Trên hành trình trở về, nhóm leo đèo lên tham quan cao nguyên Cameron mát mẻ – rất giống thành phố Bảo Lộc của Việt Nam, rồi đi tiếp về biên giới với Thái Lan mà nhóm đã đi qua vài ngày trước để trở lại Nam Thái Lan. Tính ra, hai người bạn chỉ mất hơn 24 giờ để đi xuyên phần bán đảo Malaysia tính từ lúc khởi hành ở mũi Tanjung Piai, cực nam Malaysia phần đất liền.
Hai bạn chia tay nhau ở Sikhio. Quốc Khiêm về qua cửa khẩu Vang Tao, qua Lào, rồi về Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y. Đăng Khoa đánh một vòng dài hơn đến Khon Kaen, đến Udon Thani, Nong Khai để qua Lào qua cửa khẩu cầu Hữu Nghị số một, vượt sông Mêkong.
Tuy nhiên, khi đến cách thành phố Khon Kaen của Thái khoảng 15 km, xe Khoa lại gặp sự cố. Do đi quá nhiều trong thời gian ngắn, máy bị nóng nên bó máy (dân đi bụi hay gọi là “lúp bê”). Không thể tự sửa chữa và không có phụ tùng, không có đồ nghề (đã gửi Khiêm mang về để giảm trọng lượng), Khoa đành phải đẩy xe và nhờ những người dân địa phương tốt bụng dùng xe bán tải chở đi tìm chỗ sửa.
Tại mũi Tanjung Piai ở cực nam Malaysia phần bán đảo, cực nam trên đất liền của Đông Nam Á và của cả lục địa châu Á.
Phải đến tiệm thứ 4 anh mới tìm được tiệm dám nhận sửa, gỡ trái pittong bị dính chặt vào tay dên ra, sửa thêm cần thắng, đèn, và một số hư hỏng khác. Một ngày sau, dù xe không thể sửa chữa và khôi phục hoàn toàn, tốc độ cũng không thể đi quá 50 km/h, Khoa vẫn quyết định tiếp tục đi lên phía bắc, đến cửa khẩu Nong Khai chứ không trở lại về qua Lào qua cửa khẩu gần hơn ở Mukdahan.
Sau khi cố gắng đi được đến Nong Khai, qua Lào, Khoa tham quan một số điểm ở Vientianne, thủ đô Lào, rồi tiếp tục hành trình thêm 3 ngày nữa ở đất Lào đến Pakxan, Thakhek, Savannaket, Pakse… rồi về lại cửa khẩu Bờ Y qua Kon Tum, Việt Nam. Cùng lúc ấy Quốc Khiêm đã về đến Sài Gòn.
Cuộc hành trình kết thúc vào lúc 20h ngày 5/3, đúng đêm Tết Nguyên Tiêu. Cả hai bạn không hề gặp bất kỳ một tai nạn hay sự cố va chạm nào trên suốt hành trình rất dài.
Chỉ trong 21 ngày, hai chàng trai Việt Nam đã đi hết gần 10.000 km (nếu tính theo hành trình dài hơn của Khoa), tức là bằng 1/4 chu vi xích đạo của trái đất, hay bằng đường chim bay từ TP HCM đến Berlin, Đức. Cả hành trình chỉ tốn gần 17 triệu, so với dự tính ban đầu 15 triệu/người (tăng 2 triệu do sửa xe hư nặng và một số chi phí phát sinh khác).
Hai bạn cho biết, để tiết kiệm được như thế và tham quan được nhiều nơi là nhờ nhóm đã mang theo bếp cồn, mì gói, một số thực phẩm gọn nhẹ như thịt hộp, cá mòi, xúc xích ăn liền và mang theo lều và túi ngủ để ngủ bụi ở những chỗ tương đối an toàn. Đa số đồ dùng là hai bạn đã có sẵn qua các chuyến đi trong nước, và của một số bạn bè thân thiết cho mượn hoặc gửi tặng đồ ăn mang theo dọc đường để tiết kiệm chi phí. Đa số kinh phí mang theo được dùng để trang trải xăng xe, vé tham quan, một số món ngon các nước, chi phí qua cửa khẩu…
Chụp hình kỷ niệm tại điểm hẹp nhất phần đất liền Thái Lan chỉ hơn 13 km từ biên giới với Myanmar đến bờ biển vịnh Thái Lan.
Tuy hành trình khá dài, một ngày phải di chuyển trung bình 400-500 km (chưa kể hai ngày không chạy xe ở Singapore, Indonesia và đảo Phi Phi), hai bạn vẫn có thể ghé thăm một số nơi nổi tiếng của các quốc gia ở các nước khu vực Đông Nam Á như quần thể Angkor của Campuchia, tàn tích cố đô Ayutthaya của Thái Lan, đảo Phi Phi, bãi biển Cha-am của Thái Lan hay đảo Batam của Indonesia, đảo Penang, phố cổ George Town hay thành phố cổ Melaka, cao nguyên Cameron của Malaysia, Thạt Luỗng – biểu tưởng quốc gia của Lào ở Vientianne, hay Vat Phou, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận cùng thời với Angkor ở tỉnh Champasak, Lào. Hai bạn cũng đã ghé thăm và trải nghiệm giao thông ở các thành phố lớn như Siem Riep, Bangkok, Hua Hin, Butterworth, Kuala Lumpur, Johor Bahru, Singapore, Udon Thani…
Trước đây, hai người bạn Khoa và Khiêm cũng đã từng thực hiện khá nhiều các chuyến đi ở khắp đất nước Việt Nam, chinh phục bốn cực một đỉnh của Việt Nam, từ mũi Cà Mau cực Nam đến cột cờ Lũng Cú ở miền Bắc, từ cực đông ở mũi Đôi, Khánh Hoà đến Apachai cực tây Việt Nam, và chinh phục một số cung đường offroad tương đối khó ở vùng Tây Nguyên và một số nơi ít người biết đến khác. Khoa thường tổ chức các chương trình thiện nguyện cho trẻ em nghèo ở khu vực trung du, miền núi phía Nam.
Khoa thì đang làm cho công ty Ishida Việt Nam của Nhật Bản chuyên về lĩnh vực máy móc công nghiệp thực phẩm, còn Khiêm làm tại ngân hàng Sacombank, trụ sở chính TP HCM.
Về yếu tố tạo nên thành công của chuyến đi, hai bạn chia sẻ, một chuyến đi dài ngày trong thời gian ngắn và qua nhiều quốc gia như thế đòi hỏi người đi phải có sức khoẻ tốt, tính đồng đội cao, có kinh nghiệm và khả năng đi xe đường dài, cũng như khả năng giao tiếp và xử lý tình huống tốt. Ngoài ra, một số kiến thức về địa lý, về ngoại ngữ, khả năng xử lý sự cố đơn giản của xe cộ cũng rất cần thiết cho một chuyến đi xa dài ngày xuyên quốc gia.
Nói về những dự định cho các chuyến đi sắp tới, Khoa đang có ý tưởng xin một hãng xe tài trợ cho chuyến đi một vòng qua 9 nước Đông Nam Á (trừ Brunei và Philippines chưa tìm được cách mang xe vào), hoặc xuyên lục địa đến Australia.
Theo Hải An