Giữa tháng 7/2019, khi biết con gái “rượu” Hà Trang, khi ấy 29 tuổi, đang độc hành từ Hà Nội vào đến Đà Nẵng, ông Hà Tiến Bằng nhanh chóng thu xếp công việc ở Sơn La và bay thẳng vào TP HCM. Tại đây ông mượn xe máy của một người bạn, đi hơn 400 km để tới TP Nha Trang (Khánh Hòa), nơi ông và con gái hẹn gặp nhau để tiếp tục hành trình.
Ông cùng con gái đi qua 10 tỉnh, thành như Phan Rang – Tháp Chàm, Phan Thiết, Bình Thuận, Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây trước khi đến Cà Mau. Với họ, 20 ngày đồng hành đã để lại biết bao kỷ niệm vui buồn, những bài học từ lần tranh luận và hơn hết là sự thấu hiểu giữa hai thế hệ.
Hành trình xuyên Việt của cô gái 29 tuổi
Được đi khắp các vùng miền Việt Nam, chiêm ngưỡng những cảnh đẹp chưa từng thấy, gặp gỡ những người chưa từng quen là ước mơ mà Hà Trang ấp ủ từ ngày còn bé. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, Trang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và quảng cáo truyền thông. Tính chất công việc không cho phép cô được tự do về thời gian. Ước mơ về một hành trình khám phá Việt Nam và những vùng đất mới luôn thôi thúc, Trang quyết định rời công việc ổn định sang làm tự do và kinh doanh. Cuối cùng, chuyến đi xuyên Việt của cô được thực hiện.
Xuất phát từ Hà Nội, Trang đi theo đường mòn Hồ Chí Minh tới Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Trang cho biết, cô giấu gia đình về chuyến đi vì sợ bố mẹ sẽ lo lắng và phản đối. Ngày nào trên đường, cô cũng gọi điện về nhà và khi cô đang du lịch ở Đà Nẵng ở khoảng ngày thứ 10 trong hành trình, bố cô phát hiện ra. Biết không thể giấu thêm nữa, cô mời bố cùng tham gia chuyến đi vì cô biết đây cũng là mong ước từ lâu của ông. Nhận được cái gật đầu ngay tắp lự, 2 ngày sau cô và bố đã gặp nhau ở Nha Trang. Cô chia sẻ rất bất ngờ vì bố đã 55 tuổi mà có thể tự đi xa như vậy.
Trang cho biết trong hành trình, bố luôn để cho cô quyết định mọi điểm đến, chỗ ăn, ở vì 2 bố con cùng “gu” thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực… Đi dọc cung đường ven biển Việt Nam tới mũi Cà Mau, “đôi bạn” đã cùng nhau tham quan vịnh Ninh Vân (Khánh Hòa); vịnh Vĩnh Hy, tháp Chăm Kalan Po Klong Giarai (Ninh Thuận); cồn Thới Sơn (Tiền Giang)…
Với 2 bố con, khung cảnh mà họ ấn tượng nhất trong hành trình là khi đi tới vịnh Vĩnh Hy vào giữa trưa. Ánh nắng mặt trời tỏa sáng lấp lánh trên mặt biển như một bầu trời đêm giữa ban ngày. Trang không ngừng hét lớn “Bố ơi, bố ơi đẹp quá”. Đến giờ khi nhớ lại, cô vẫn nổi da gà và xúc động. “Cảm nhận vẻ đẹp qua tất cả các giác quan từ lắng nghe thanh âm của sóng vỗ, cảm nhận cái mát lạnh kèm mùi mằn mặn của gió biển bên cạnh người thân yêu là khoảnh khắc không thể nào quên”, cô nói.
Trong chuyến đi, Trang cũng để bố trải nghiệm các cơ sở lưu trú khác nhau từ ngủ giường tầng ở phòng dorm dành cho khách Tây, đến những homestay của người địa phương và khu nghỉ dưỡng quốc tế. Hai bố con vì thế có cơ hội học hỏi từ nhiều nền văn hoá, nhiều phong cách sống. Qua đây, cô cũng thấy được những tính cách ít biết của bố, không phải là người luôn có vẻ ngoài khô khan, dữ dằn như mọi người hay nhận xét. Dù không biết một câu bẻ đôi ngoại ngữ, ông cũng tự nhiên làm quen với người nước ngoài, thân thiện và tặng cho họ những món quà nhỏ như bánh và cà phê.
“Ở nhà mình có lẽ là người thân nhất với bố, thường tỉ tê, nhổ tóc bạc vậy mà chỉ khi đi du lịch cùng mới biết, bố mình lại có những khoảnh khắc đáng yêu như vậy”, Trang nói.
Những bài học từ chuyến đi
Thân thiết nhưng khoảng cách thế hệ vẫn khiến Trang và bố có những bất đồng quan điểm. Đôi khi cô lái xe với tốc độ cao hơn bố, ông hơi giận vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Dọc đường, ông luôn để ý, nhắc nhở cô phải cẩn thận và tới mũi Cà Mau, cuộc tranh luận của 2 bố con cũng lên tới đỉnh điểm. Khi Trang hỏi bố muốn tham gia hành trình để tận hưởng hay chỉ lo lắng cho con, ông chỉ từ tốn trả lời rằng là bố mẹ thì không thể ngừng lo lắng cho con cái. Tối đó, mưa và gió lớn từ biển ập vào như muốn thổi tốc mái căn phòng, hai bố con đều có một đêm trằn trọc khó ngủ.
Sáng hôm sau, Trang xin lỗi bố và chia sẻ rằng bản thân không khó chịu với sự quan tâm của ông mà chỉ là muốn ông tận hưởng chuyến đi một cách trọn vẹn nhất, chứ không cần phải lo lắng cho cô như cách ông vẫn làm 30 năm qua. “Mình nhận ra rằng mình đã sai khi hiểu lầm bố. Mỗi thế hệ có quan niệm và ưu tiên cho sự tận hưởng cuộc sống khác nhau. Với người làm cha mẹ, con cái luôn là ưu tiên số một”, Trang thổ lộ.
Từ cuộc tranh luận nhỏ, hai bố con đồng cảm nhiều hơn và cùng tận hưởng hành trình khám phá hết sông nước, chợ nổi, miệt vườn miền Tây, rồi chạy xe về Sài Gòn. Do bận công việc, ông Bằng lên máy bay trở về nhà trước, còn Trang tiếp tục chạy ngược lên Tây Nguyên trong 10 ngày.
Hành trình độc hành những dải đất Tây Nguyên, có những khoảng khắc Trang nhớ bố vô cùng. Trên đoạn đường Đắk Nông sạt lở và lầy lội, cô ước có bố lội bùn, đẩy xe cùng cô đi tiếp hành trình. Rồi khi một mình chạy xe trên con đường rộng lớn bạt ngàn cao su từ Buôn Ma Thuột đi Pleiku, Trang khóc nức nở khi nhìn vào gương chiếu hậu không còn thấy bóng dáng thân quen của người bố luôn lặng thầm chạy xe phía sau, giữ khoảng cách 100 m để đảm bảo con gái luôn trong tầm mắt và biết con đang an toàn. Lần lượt hiện lên trong cô là ký ức về những lần xe thủng xăm, hết xăng dọc đường nơi vắng vẻ, hai bên chỉ có rừng tràm, hai bố con cùng dắt xe cả tiếng đồng hồ tìm chỗ sửa khi trời đã nhá nhem tối.
Trước đây khi làm xa nhà, Trang ít có thời gian dành cho gia đình và cũng không nhiều lần nói cảm ơn, yêu thương bố. Sau chuyến đi, cô thể hiện điều ấy nhiều hơn. “Chuyến đi đã dạy mình bài học biết ơn sâu sắc. Khi ấy mình 29 tuổi, mình luôn nghĩ bản thân mạnh mẽ nhưng hóa ra lại bé nhỏ, yếu đuối trước tình yêu thương của bố. Có bố đồng hành, mọi việc trở nên dễ dàng hơn và có bố đằng sau luôn là một cảm giác rất an toàn, ấm áp”, cô nói.
Với ông Bằng, đây là một chuyến đi thực sự ý nghĩa cùng con gái để ông trân trọng, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn thay vì những lo toan, bó hẹp trong việc kinh doanh và chăm sóc gia đình. Sau chuyến đi đó, ông cũng học được cách chăm sóc bản thân và sống đơn giản hơn ở tuổi xế chiều.
Trong những cuộc gọi của ông với người bạn chí cốt, đều dặn dò họ giữ sức khỏe, để cùng ông đi xuyên Việt một lần bằng xe máy. Cả ông và Hà Trang đều rất mong chờ chuyến đi dọc Nam – Bắc của cả gia đình, với mẹ và em trai cô sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Lan Hương