Trải nghiệm nơi cột mốc thiêng liêng
Thượng tá Bùi Văn Mạnh – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải (Phong Thổ, Lai Châu) cho biết: “Đường từ đơn vị lên cột mốc số 79 dài gần 30km. Sau quãng đường ngắn đi bằng xe máy đến bìa rừng, từ đây, muốn lên cột mốc trên đỉnh Phàn Liên San phải đi qua các khu rừng già, rừng trúc, trèo núi, lội suối với các con dốc gần như thẳng đứng. Nhiều đoàn công tác đã hăm hở lên cột mốc, nhưng hầu hết mọi người chưa đi được một phần ba quãng đường phải quay xuống vì hành trình quá gian nan, nguy hiểm. Vì vậy, những người lên được cột mốc 79 chỉ có chiến sĩ biên phòng, dân bản và dân “phượt”.
Vì lên cột mốc không có đường đi, nếu lạc đường không tìm được đường ra nên để khám phá, trải nghiệm một lần chạm tay vào cột mốc cao nhất nước, dân “phượt” phải đi cùng bộ đội hay đi cùng dân bản. Dân “phượt”- người có sức khỏe, hăng hái nhất muốn lên tới cột mốc cũng phải mất 2 đến 3 ngày cả đi và về. Với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, chỉ có đúng một ngày để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Ở đây nhiều năm, Thiếu úy Lư Văn Thuấn kể cho chúng tôi nghe về các trải nghiệm của anh sau những lần đi tuần tra: “Địa hình rừng núi hiểm trở, heo hút nên mỗi lần tuần tra mốc, một đội tuần tra cần phải có 7 hoặc 8 người cùng đi để hỗ trợ nhau. May mắn đi vào ngày nắng ráo còn đỡ. Chẳng may, gặp mưa, trời lạnh xuống, đường trơn trượt, đi lại rất vất vả. Đã vậy, trong rừng già, trời tối rất nhanh. Lên tới mốc, anh em tổ chức nghi lễ chào cột mốc, lau chùi, nhổ bớt cỏ dại, kiểm tra xung quanh… Bởi vậy, để chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, hàng năm, Tổ công tác địa bàn Đồn Biên phòng nơi đây đã xây dựng kế hoạch chi tiết ngày, tháng đi tuần tra cột mốc”.
Gian nan đường lên đỉnh trời
Theo lời kể của Thiếu úy Lư Văn Thuấn, trong suốt quãng đường gần 30km dốc ngược, cứ cắt rừng, vạch đường mà đi, những người lính Biên phòng phải bò, trườn, vịn vào cây, bám vào đá để leo lên. Khi xuống còn khó khăn và nguy hiểm gấp nhiều lần. Đi mãi, đi mãi, Tổ tuần tra cũng đến được nương thảo quả trong các khe núi, giữa mây ngàn. Trong chặng đường tuần biên của những người lính, nương thảo quả như một cái mốc để dừng chân. Ở đó bao giờ cũng có khe nước, có lán nương, những thứ thật đơn sơ nhưng giữa rừng già thì vô cùng quý giá.
Lên đến độ cao 2.200m là đến khu rừng nguyên sinh. Những thân cây khổng lồ rêu mốc phủ kín ẩn hiện trong màn sương. Vẻ đẹp đúng nét nguyên sơ, hoang dại vốn có. Những cây chè cổ thụ to cả người ôm, cao hơn 20m. Bên dưới mọc dày đặc những cây nhỏ hơn do hạt của cây mẹ rụng xuống, mọc thành cây chè con. Những búp chè có vị thơm của thời gian, vị thơm của sương, băng tuyết, của sự hoang dại nơi đại ngàn. Rừng Mồ Sì San có 3 giống chè, người Dao Đỏ gọi là chè chua, chè đắng và chè ngọt. Chè ngọt chính là loại chè cổ thụ giữa cánh rừng.
Qua rừng chè cổ thụ là tới rừng dẻ. Có những cây dẻ phải 3 người ôm mới xuể. Chúng tựa như những cột chống trời giữa núi rừng Tây Bắc.
Lên đến độ cao 2.600m, khi vào khu rừng trúc rậm rịt thì hoàn toàn không còn đường nữa. Giống trúc ở đây lùn, mọc tầm thấp, vô cùng cứng cáp, tạo thành bức tường thành choán hết cả đường đi, phải dùng dao để phát đường. Rừng trúc là nơi lý tưởng cho loài dúi phát triển vì chúng rất thích ăn cây trúc lùn. Chúng đào hang làm tổ ngay chân rừng trúc và kiếm thức ăn tại đó.
Ba năm qua, thực hiện Chỉ thị 01/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, vai trò của người dân được phát huy triệt để và có hiệu quả.
Ông Tẩn Sai Phạ – Trưởng bản Séo Hồ Thầu cho biết: “Bà con có nương thảo quả gần cột mốc 79 được giao nhiệm vụ bảo vệ cột mốc và an ninh trật tự quanh khu vực. Khi thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường xảy ra, người dân đều kịp thời thông tin cho Tổ công tác địa bàn”. Vì vậy, những năm qua, mặc dù cách xa đơn vị, nhưng cột mốc 79 và khu vực xung quanh luôn được quản lý, bảo vệ tốt.