TTTĐ – “Chúng tôi chỉ có duy nhất một chiếc đèn pin có thể chiếu xuống đáy vực tối om. Chỉ nghe thấy những tiếng la hét thất thanh, tiếng ai đó khóc rất to. Tôi cứ cắm cờ lê vào vách đá làm điểm tựa, một tay bám vào gốc cỏ để lần xuống vực…”
Đồng chí Nguyễn Thị Ngà, UVBTV Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, phát biểu tại buổi gặp mặt.
Biến cố ở cuối hành trình
Đoàn phượt Phong Vân có 18 thành viên, 8 nữ, 10 nam. Người trẻ nhất sinh năm 1994, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1985 (đội trưởng). Hầu hết họ là sinh viên, chỉ có 2 người đang đi làm. Chiều ngày 28/8, cả đội xuất phát lúc 18 giờ, thẳng hướng Tây Bắc. Trong đoàn, nhiều người lần đầu đến Tây Bắc nên tâm trạng của cả đoàn rất hào hứng.
Họ đi xe máy theo quốc lộ 2, lên thành phố Tuyên Quang, qua Hoàng Su Phì, Simacai, chạy đến Bắc Hà và dự định vòng lên Sapa vào chiều tối ngày 1/9. Đối với họ, cuộc hành trình cho đến chiều ngày 1/9 là kỷ niệm tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Cô sinh viên Nguyễn Ngọc Trang nhớ lại: “Chúng tôi đã đi qua những cánh đồng lúa vàng rực của Tây Bắc, đắm mình trong ánh sáng trong trẻo của ban mai và cảm nhận sự tinh khiết của những thác nước bắn tung từ lòng núi. Mọi thứ đang thật tuyệt vời, ai cũng phấn khởi, vui tươi. Không ai nghĩ rằng mình sẽ phải đối mặt với một biến cố khủng khiếp đang chờ ở đoạn cuối cuộc hành trình”.
Khoảng 19h ngày 1/9, cả đoàn đã đi qua thành phố Lào Cai chừng 18km, dự định sẽ lên tới thị trấn Sapa và ăn tối luôn ở đó. Tuy nhiên, điều họ không ngờ đã ập đến. Ngọc Trang cho biết: “Chúng tôi đi đến đoạn km 18-19, đoạn Tòng Sành – Dốc Ba Tầng trên quốc lộ 4D, thì bất thần có một chiếc xe khách lao về phía chúng tôi. Nó đâm vào xe con bên vách đá rồi rồi phi qua rào chắn, vọt xuống vực sâu. Nó nhào lộn, lăn lông lốc, đập vào vách núi trước khi nằm bẹp dí dưới đáy vực”.
Bất chấp hiểm nguy, những thành viên trong đoàn phượt lần xuống vực sâu 200m để tìm cứu các nạn nhân. Vũ Như Thương (SN 1991) là một trong những người đầu tiên tiếp cận hiện trường vụ tai nạn. Cậu sinh viên này tâm sự: “Bấy giờ, tôi còn không hiểu có chuyện gì xảy ra. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Ta luy bên đường bị xe đâm dẹt xuống như được cán phẳng, xe còn đâm gẫy một cây to ở bờ vực nữa. Chúng tôi chỉ có duy nhất một chiếc đèn pin có thể chiếu xuống đáy vực. Dưới đó tối om. Chỉ nghe thấy những tiếng la hét thất thanh, tiếng ai đó khóc rất to. Ngay lúc ấy, trong đầu tôi chỉ có ý nghĩ: Phải làm sao để cứu người. Tôi vớ được một cái cờ lê to, chắc là của chiếc xe khách văng ra, và dùng nó để trèo xuống vực. Vực rất dốc, có chỗ dựng đứng, rất sâu và tối. Chúng tôi không biết cái gì đang chờ mình ở phía dưới, bởi có thể trượt chân và rơi xuống bất cứ lúc nào. Chính anh đội trưởng Phong Vân đã bị tuột dốc, nếu không có thành viên trong đoàn kịp kéo lại, không biết chuyện gì sẽ sảy ra. Tôi cứ cắm cờ lê vào vách đá làm điểm tựa, một tay bám vào gốc cỏ để lần xuống. Những người khác cũng bám vào cỏ gianh, cỏ gai để mà xuống”.
Đến tầng thứ nhất của dốc ba tầng, đập vào mắt những “phượt thủ” này là la liệt người nằm trên cỏ nát, mặt mũi đầy máu. Có người gẫy tay, gẫy chân, gẫy cổ, có người bị lòi mắt khỏi tròng. Càng lần xuống sâu hơn, càng thêm nhiều người nằm đổ gục trong vũng máu. Ở tận đáy vực, bên cạnh con suối cạn, chiếc xe khách nằm bẹp dí, biến dạng hoàn toàn. Ngay bên cạnh thân xe là ba người đã chết, da mặt tím đen. Nhóm của Như Thương trèo lên xe, lật từng chiếc chăn, từng chiếc balo với hi vọng tìm kiếm người mắc kẹt. Những người khác tìm kiếm ở các lùm cây, bụi cỏ. Càng tìm kiếm, họ càng cảm thấy kinh hoàng, run sợ.
Đồng chí Lê Quốc Phong,Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam và đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trao bằng khen tặng các bạn trẻ.
Khăn len, thậm chí băng vệ sinh cũng có thể cứu người
Một thành viên khác của đoàn phượt, chàng sinh viên Bùi Ngọc Đức (SN 1991) thừa nhận, dù đã cố gắng trấn tĩnh, nhưng Ngọc Đức vẫn run lên khi chứng kiến tình trạng của các nạn nhân. Thậm chí, nhiều bạn nữ mất bình tĩnh đến mức không thể mở được túi cứu thương chứa băng, gạc. Một số bạn bật khóc trong vô thức.
Trưởng nhóm Phong Vân cho biết: “Chuyện máu me, người chết, gẫy cổ vỡ đầu đã là kinh khủng. Nhưng, sự hoảng loạn của các nạn nhân mới là điều ám ảnh chúng tôi thực sự. Có một chị khá trẻ, tầm chưa đến 30 tuổi, quần áo rách hết, mặt mày xây sát nhưng không bị thương nặng. Lúc chúng tôi đưa lên xe đi cấp cứu, chị ta nhất định không đi, cứ bám chặt tay tôi và gào thét: “Anh ơi, cứu chồng em với, cứu chồng em với”. Chồng chị ta cũng không sao, có lẽ cả hai vợ chồng nằm giường trên nên bị văng ra từ ngay đầu dốc. Chúng tôi phải bảo anh ấy kéo chị vợ lên xe cứu thương thì chị ta mới chịu. Sự hoảng hốt của chị ta có lẽ là do sốc tâm lý quá nặng, quá sợ hãi. Một chị khác thì gần như bị mất trí nhớ. Chị cứ hỏi hết người này đến người khác: “Tôi đang ở đâu đây, anh ơi tôi đang ở chỗ nào, tai nạn xảy ra thế nào?”. Chúng tôi phải động viên chị ấy, nói rằng mọi chuyện đã qua rồi. Sau đó, chị ấy cứ ôm mặt mà khóc. Một anh khác, đeo kính cận, mặc quần ngắn, cứ ngồi thẫn thờ ở vách đá, bảo thế nào cũng không chịu tự leo lên. Thì ra anh ấy bị lạc mất người yêu. Nhưng, anh ấy quá sợ đến mức tê liệt ý thức, nên không biết làm gì mà chỉ ngồi ngây ngây dại dại một chỗ”.
Lãnh đạo Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội cùng các bạn trẻ được nhận bằng khen.
Sự hoảng loạn khiến các thành viên trong đoàn Phong Vân khựng lại. Nhưng sau đó, mọi nỗ lực của họ được dồn vào việc cứu người. Họ sử dụng những chiếc giường của xe khách để làm cáng cứu thương dã chiến. Cứ 8 người kéo một cáng. Họ bám vào cây cỏ đầy gai sắc, nhích từng bước lên miệng vực, bất chấp lòng bàn tay bật máu. Họ dùng khăn quàng cổ để cố định nạn nhân vào cáng đối với những trường hợp bất tỉnh, hoặc gẫy chân, tay. Như Thương nhanh trí xé toạch những chiếc gối trên xe khách để lấy bông cầm máu cho nạn nhân. Đến khi số lượng bông ở gối cạn sạch, họ nghĩ ra cách dùng băng vệ sinh để cầm máu.
Một thành viên khác của đoàn Phong Vân, Thùy Trang kể: “Chúng tôi cố gắng tìm kiếm những người còn sống. Tay tôi run lên khi vòng băng giữ gạc cầm máu cho người đàn ông có vết rách to, dài, máu chảy ròng ròng từ trên đầu xuống mặt. Miệng tôi lắp bắp: “Cố lên anh, em cầm máu cho anh rồi”. Có một bạn nữ nào đó ngồi cạnh bên nên tôi tiếp tục chuyển sang nạn nhân khác. Đó là một khuôn mặt rất to, đã tái trắng, mắt trợn, miệng há ra. Sờ má anh ấy thấy vẫn ấm nên tôi nghĩ nạn nhân còn sống và ra sức gọi anh ấy tỉnh lại nhưng mãi không thấy anh ấy phản ứng gì. Mọi người xung quanh kêu tôi hãy bình tĩnh. Họ đặt tay lên mũi anh và kết luận: “Ngừng thở rồi, hãy để anh ấy ra đi”. Chân tôi khi ấy run lên, nước mắt ứa, cổ họng vang lên những tiếng nấc. Cận kề người đàn ông to béo mặt trắng bệch ấy là một cô gái trẻ mắt trợn ngược, mặt đầy máu. Hình ảnh này thật sự ám ảnh, xót xa. Tôi đau lắm, muốn vuốt mắt, đắp chăn cho những nạn nhân đó nhưng phải nhờ một người khác làm hộ vì run, sợ”.
Trong khoảng thời gian nửa tiếng từ khi tai nạn xảy ra, nhóm Phong Vân là những người duy nhất ứng cứu nạn nhân. Trong đêm tối, họ dồn tất cả sức lực và lòng dũng cảm để đưa những nạn nhân lên bờ vực. Họ dùng tất cả những kỹ năng sinh tồn để sơ cứu cho những người đang bị chảy máu, gẫy chân, tay. Đó là điều mà họ không được đào tạo, không được chuẩn bị, nhưng, họ đã thực hiện quá xuất sắc. Sự kịp thời và nỗ lực của họ chắc chắn đã cứu được nhiều mạng người, hay chí ít, cũng làm vụ tai nạn bớt phần thảm khốc.
“Tất cả những nạn nhân tôi gặp đều bị kiến, bọ, ruồi bò lên người”
Thùy Trang hiện đang là phóng viên của một tờ báo điện tử. Rất trùng hợp, cô đã có mặt ngay tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn đối với xe khách Sao Việt vào ngày 1/9. Đối với Thùy Trang, chuyến phượt Tây Bắc vừa qua là một kỷ niệm hãi hùng.
– Xin chào Thùy Trang. Được biết, Thùy Trang là thành viên của nhóm phượt Phong Vân đã tham gia cứu nạn tại Lào Cai ngày 1/9. Thùy Trang có thể cho biết chi tiết?
– Thùy Trang: Tôi đã định không đi chuyến phượt ấy vì cả ngày hôm đó (28/8) và vài hôm trước trời mưa to, dự báo có lụt, sạt lở. Nhưng như là định mệnh sắp đặt, 1 tiếng trước giờ xuất phát, tôi gọi điện cho trưởng nhóm thông báo sẽ tham gia rồi sắp xếp tư trang, đút quần áo vào balo và lên đường.
Vụ tai nạn xảy ra vào ngày thứ 3 trong chuyến phượt của chúng tôi. Xe của 4 thành viên trong đoàn chúng tôi cách vụ tai nạn chừng 10m, 3 xe máy dẫn đầu trước đó tránh được ô tô “tử thần”. Đến giờ nghĩ lại, cả đoàn vẫn cảm thấy may mắn vì nếu xe khách cứ theo chiều đâm vách đá, chắc chắn trong số các nạn nhân vụ tai nạn có chúng tôi.
– Sau khi tai nạn xảy ra, các thành viên trong đoàn phượt phản ứng thế nào? Ai là người đầu tiên xuống vực tìm kiếm nạn nhân?
– Ngay sau vụ tai nạn, phản ứng của một phóng viên, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện về tòa soạn thông báo sự việc. Tôi tiếp tục gọi cho 115. Dưới không gian tối đen của vực, vọng lên trên đường là tiếng gọi thất thanh của một cô gái: “Mọi người ơi xuống đây đi, có nhiều người bị thương lắm”. Âm thanh ấy thôi thúc tôi lao sang đường, bám cỏ tụt xuống dốc sâu. Lúc đầu, tôi không rõ tiếng gọi kia của ai nhưng về sau thì thấy tự hào vì đó là Diệu Lê (22 tuổi) – đứa em yếu đuối nhất đoàn, đêm hôm trước tôi còn phải cho nó uống thuốc hạ sốt. Không biết sơ cứu cũng không có dụng cụ trong người, nữ sinh này chủ yếu ngồi động viên các nạn nhân và dùng chút sức lực yếu ớt cùng các bạn nam đặt nạn nhân vào cáng tự chế là giường nằm của xe và chuyển lên bờ vực. Qua một hồi đi lại, các bạn nam to khỏe trong đoàn còn phải thở hổn hển, Diệu Lê thì ngồi sụp xuống khóc sau đó thì được đưa vào trạm xá tiếp nước vì tụt đường huyết.
– Thùy Trang cảm thấy điều gì là kinh hãi nhất khi tiếp cận hiện trường vụ tai nạn?
– Tất cả những nạn nhân tôi gặp đều bị kiến, bọ, ruồi bò lên người. Tiếng hờ: “Chị ơi xem giúp em, có con gì đang đốt” thật ám ảnh. Tuy nhiên, hình ảnh đáng sợ nhất về những con bọ ấy, nằm ở chỗ Vân, một sinh viên ĐH Y Hà Nội. Ngoài kiến, có một con như con sán bò vào hốc mắt của em. Tôi từng bị ám ảnh trong lần trông bà ngoại sắp mất, sán bò từ trong miệng ra nên thấy cảnh tượng ấy, tôi hét một tiếng sợ hãi rồi vội lấy tay nhặt con đó vứt thẳng đi. Tôi liên tục phải gọi Vân vì cô bé quá yếu, cứ nhắm mắt lại. Mỗi lần nghe tiếng của tôi, Vân mở mắt ra. Trong ánh đèn mờ dưới đáy vực, tôi cúi nhìn vào mắt em, máu trong mắt vằn đỏ rực, hốt hoảng.
Vân là nạn nhân còn sống cuối cùng được chuyển đi. Lo xong cho em, tôi cũng bám dây thừng, níu tay các anh cơ động, cứu hỏa đứng dài theo dây, bám cỏ bò lên ở những chỗ không có người cứu hộ. Nửa đường, cảm giác mệt phờ. Khi ấy, điện thoại đổ chuông, cả đoàn phượt đang chờ tôi, người cuối cùng của đoàn lên để di chuyển đến Sapa. Chân không muốn bước nữa nhưng suy nghĩ phải đi tiếp thúc đẩy tôi. Có tiếng gọi ở trên: “Chị ơi đi đường bên này”, tôi rời con đường bị lạc vì khi ấy mệt chẳng rõ lối lên xuống. Bám cỏ, cào đất, vịn đá, cuối cùng tôi cũng lên được nơi. Ngồi thở hổn hển một lúc, tôi lờ đờ bước đi tìm đồng đội của mình. Mấy lần tôi được người dân kéo vào đường để tránh xe hay cái gì đó, bởi khi ấy tôi không tỉnh để nhìn thấy rõ.
– Ngày hôm đó kết thúc như thế nào? Bạn có suy nghĩ gì về hành động cứu nạn của mình?
– Bữa cơm tối của chúng tôi hôm ấy diễn ra lúc 00h. Trưởng đoàn và tôi mời cả đoàn nâng ly cảm ơn các em (trong đoàn, tôi và trưởng đoàn lớn tuổi nhất) đã làm rất tốt khi dũng cảm xuống vực cứu người. 16 thành viên sau đó đều nhớ và nhắc lại những nạn nhân mình cứu, những hình ảnh đáng sợ vừa qua. Trong câu chuyện của họ, tôi thấy những thứ còn ám ảnh hơn hình ảnh mình gặp. Một thành viên thấy nạn nhân đồng tử bị lòi ra, người khác bắt mạch ở cổ không được bèn lật nạn nhân ra thì chiếc cổ bị oặt, mắt trợn trừng đầy máu. Lại có trường hợp không nhận dạng được mặt người vì máu phủ kín, nạn nhân yếu ớt thở, bong bóng máu phập phù. Những thanh niên trẻ tuổi mới 20-23 tuổi đã thật dũng cảm khi vượt qua nỗi sợ để chung tay cứu người bị nạn.
Câu chuyện về vụ tai nạn chỉ được nhắc đến chưa đầy 5 phút trong bữa ăn, chúng tôi phải chuyển chủ đề khác vì không muốn nhớ lại các hình ảnh hãi hùng đó. Ngày hôm sau, tôi lên đường về Lào Cai làm công việc của một nhà báo. Các thành viên trong đoàn Phong Vân chiều đó cũng vào bệnh viện thăm các nạn nhân mình cứu đêm qua. Những cái bắt tay, lời cảm ơn của gia đình và chính nạn nhân (chứng tỏ nạn nhân đã có dấu hiệu hồi phục) khiến mọi người hạnh phúc. Như vậy là đủ rồi.
– Xin cảm ơn Thùy Trang và chúc cả đoàn Phong Vân sức khỏe.
Hoài Sơn