Ngày 1: 22/8/2017: Sài Gòn – cửa khẩu Hoa Lư – Kracheh (Campuchia): 258km
Chúng tôi xuất phát khá sớm, lúc 6:30 sáng. Len lỏi giữa dòng người như nêm rời khỏi Sài Gòn, theo quốc lộ 13, chúng tôi đến tỉnh Bình Phước và làm thủ tục thông quan tại hai hai cửa khẩu Hoa Lư (Việt Nam) và Trapeang Sre (Campuchia). Do ít người qua lại nên việc xuất nhập cảnh ở đây dễ dàng và nhanh chóng. Khoảng 10km về hai phía biên giới, nhà cửa thưa thớt, cảnh vật hoang dã buồn tẻ. Campuchia đón chúng tôi bằng cơn mưa trắng trời đất. Mưa trên biên giới, cái vị nghe cũng khác quê mình.
Quãng đường 93km từ biên giới về Kracheh là những ngôi làng nhỏ rải rác bên đường. Nhà sàn, gỗ đã cũ, vằn vện, mốc meo. Trẻ con lóc nhóc, lấm lem bùn đất. Người lớn vận xà rông, quẩn quanh dưới gầm nhà. Campuchia cho ta cảm giác như người Cam chẳng muốn làm giàu. Cuộc sống bình dị và vô tư đến nao lòng.
Kratie hay Kracheh là thị trấn nhỏ nằm bên bờ sông Mekong, phía Đông Campuchia. Dân số khoảng 13,000 người. Đây là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất ở Cam. Khách du lịch đến đây cũng nhiều, chủ yếu để xem loài cá heo Irawaddy huyền thoại. Nhưng rõ ràng, Kratie có nhiều hơn thế.
Những ngôi chùa Nam Tông mái cong dáng núi Meru uy nghiêm, huyền bí. Những con đường nhỏ xinh chạy dọc theo hàng cây giá tỵ to cả một hai vòng tay ôm, trổ hoa li ti rợp trời, mát rượi. Lũ từ sông Mekong của năm nào đó đã bóc đi hết lớp nhựa đường để lại bề mặt gồ ghề, và đang được tân trang lại. Những ngôi nhà sàn cheo leo che chở những con người dễ thương chất phác. Trên đường trở về từ Kampi, bến tàu du lịch ngắm cá heo Irrawady cách Kratie 15km, chúng tôi thấy vài hàng quán có rất đông người địa phương nên cũng tò mò ghé lại nhân tiện đang lúc chưa ăn tối. Gọi hai đĩa ốc nướng và bia Cambodia Lager lạnh uống sét mà bốn anh em phải quơ tay quơ chân, chỉ trỏ, múa may đủ trò mới hay rằng thực sự giữa người và người, ngôn ngữ không phải là phương tiện duy nhất để ta hiểu nhau. Chúng tôi chỉ tốn 13 đô mua thức ăn, lì xì em bé 1 đô mà cả ông bà cha mẹ con cháu ra chắp tay cúi đầu cảm ơn rối rít còn tặng thêm chai rượu.
Chúng tôi quyết định tá túc lại Le Tonle Guesthouse, một nhà nghỉ vô cùng tươm tất và sạch sẽ chỉ cách sông Mekong có vài bước chân. Trong đêm tĩnh lặng, chúng tôi ngồi nhâm nhi bia Cam và bắt chuyện với những người bạn mới vô tình dừng chân cùng nhau trên nẻo đường vạn lý.
Nhiều người nghĩ rằng “Phượt” là đi bụi và hành xác. Cứ cho là đúng đi, dĩ nhiên sẽ vất vả khi phải di chuyển trên những con đường dằn xóc, bùn lầy đầy nắng-gió-mưa-bụi bặm. Nhưng bù lại là những trải nghiệm và cảm xúc hiếm có trong đời. Đi để nhớ ta đã có một thời tuổi trẻ rất phong trần.
Ngày 2: 23/08/2017 Kracheh – cửa khẩu Trapeang Kreal-Nong Nok Khiene – Si Phan Don – Don Khon: 230km
Bình minh chưa ló dạng, chúng tôi đã tranh thủ dậy sớm buộc chặt hành lý, ăn sáng, châm đầy xăng xe. Chúng tôi chạy dọc sông Mekong một chặp nữa trước khi từ giã. Bên bờ kè rộng thênh thang là dòng sông mênh mông phẳng lặng. Gió sớm thoảng đưa vị phù sa mát lành như lời chào và chúc chúng tôi thượng lộ bình an.
Quốc lộ 7 đi về phía Bắc nối Campuchia với anh bạn láng giềng Lào đang trong giai đoạn nâng cấp sửa chữa nên khá bụi bặm và dằn xóc, xen lẫn với những đoạn đường tốt không tưởng. Cũng như bất cứ nơi nào ở Cam, chỉ cần vừa ra khỏi thị trấn là hoạ may lắm mới thấy được bóng người. Hai bên đường vẫn chỉ là những cánh đồng hoang xanh rì trong mùa mưa. Cây cối mọc vô tư chen lấn nhau đủ kích cỡ, phủ quanh chân nhà sàn nằm đơn côi, cũ kĩ bên đường như những ngôi nhà vô chủ. Có khi là những cánh cửa ngả nghiêng, có khi là những tấm vách xiêu vẹo, có khi là những mái tole nằm khiêm tốn dưới tán cây thốt nốt.
Cách thị trấn Kratie tầm 140km trên quốc lộ 7 đi Lào là một cây cầu hiện đại bắc qua một con sông mỹ miều mang tên Sesan. Đây là hợp lưu của hai con sông lớn bắt nguồn từ dải Trường Sơn: Dak Poko – Dak Bla (hợp thành dòng Sesan ở Kontum) và Serepok (Đắc Lắc). Người ta gọi Sesan là “dòng sông năng lượng” bởi nó đang gánh trên mình 9 công trình thuỷ điện ở phía Việt Nam và 4 thuỷ điện bên phía Campuchia. Chúng tôi dừng lại giữa cầu, ngắm nhìn dòng sông một chốc như cố tìm xem trong dòng nước trong mát kia, có giọt nước nào mang hình hài của miền cao nguyên đất đỏ, len lỏi qua bao ngọn núi đá, bao cánh rừng nguyên sinh, vượt chặng đường gần nửa ngàn cây số để hội ngộ nhau tại nơi đất khách này. Mặc kệ nhân gian đầy toan tính, dòng nước vẫn âm thầm trôi theo hành trình của nó về phía dòng chính Mekong rồi xuôi về phương Nam. Còn chúng tôi lại lên xe và tiếp tục rong ruổi về phương Bắc, trong lòng dâng lên cảm giác thân thương và đầy trắc ẩn.
Đi thêm khoảng 60km nữa, chúng tôi đến cửa khẩu Tropaeng Kreal (Cam) – Nong Nok Khiene (Lào) đúng vào giờ ăn trưa. Bên phía Cam có rất nhiều quán, bán đủ thứ thức ăn, thức uống, giá cả phải chăng. Ở đây chúng tôi đã có thể thưởng thức món gỏi đu đủ với cà chua xanh, cà pháo, ớt giã chung với đậu phộng beo béo, thơm thơm, cay xé họng có tên là Tam Mak Hung cùng với lon bia Lào lạnh buốt tâm hồn. Cả bữa ăn no nê chỉ có 19 đô.
Chúng tôi bắt đầu làm thủ tục xuất cảnh. Vì có xe máy sang Lào nên thủ tục vất vả hơn. Hải quan bên Cam phải xem xét giấy tờ xe rồi xuất cho chúng tôi một tờ công văn thì hải quan bên Lào mới cấp giấy thông hành cho xe nhập cảnh. Do cửa khẩu này ít người qua lại nên cũng không phải chờ lâu, chỉ là tốn thêm chút phí: 42 đô xuất cảnh cộng với 28 đô nhập cảnh cho 3 xe máy và 4 người.
Đấu nối với Quốc Lộ 7 của Cam là Quốc Lộ 13 của Lào chạy giữa những rừng cây. Cả nước Lào chỉ có 7 triệu dân sống trên diện tích 230.000km2 (bằng 2/3 diện tích Việt Nam). Dân cư ít, nhà cửa thưa thớt nên giao thông thoáng đãng.
Miền cực Nam Lào không có núi cao chập chùng như phía Bắc, chỉ có dòng Mekong thống lĩnh băm nhỏ vùng đất ra thành “4.000 hòn đảo” hay còn gọi là Si Phan Don. Vào mùa mưa, lòng sông có thể rộng đến 14 km, rộng hơn sông Tiền hay sông Hậu cả chục lần. Địa hình này tạo ra vô vàn thác nước đẹp và nổi tiếng trong đó có thác Khone Phapheng lớn nhất Đông Nam Á mà chúng tôi đã có dịp ghé thăm. Con thác này dài đến cả 10km án ngữ dòng sông, không có tàu bè nào có thể vượt nổi để có thể kết nối hạ nguồn và thượng nguồn. Chúng tôi đến vào mùa mưa, dòng nước đỏ ngầu gào thét cuộn trào qua ghềnh đá. Trên đá, cây vẫn mọc, vẫn xanh tốt chẳng cần đất. Có lẽ phù sa từ nước sông đã đủ dưỡng chất rồi. Chả trách mà người Lào gọi sông Mekong là sông Mẹ.
Hình:
Tầm 5 giờ chiều, chúng tôi đã có mặt tại khách sạn Mekong Inn nằm trên đảo Don Khon, đảo lớn nhất trong số 4.000 đảo trên dòng Mekong ở tỉnh Champasak. Nói đúng hơn nó như một cái resort 2 sao, có một khu vườn nhỏ, có hồ bơi dưới sân và một nhà hàng trên sông. Ở đây không phải là trung tâm của du lịch nên xung quanh vắng vẻ. Sau cơn mưa, mặt trời ngủ sớm làm cho ngôi làng nhỏ này cũng đi ngủ theo. Mấy anh em ăn nhẹ vài thứ trong menu, làm vài chai bia Lào nhìn đêm xuống dòng sông tĩnh mịch. Một ngày nhẹ nhàng chỉ di chuyển có 230km.
Ngày 3: 24/08/2017: Don Khone – Wat Phou – Pakse – Tadlo (Lào)
Để tránh nắng, tránh mưa, anh em thường khởi hành khá sớm, thường là 6 giờ sáng. Quốc Lộ 13 của Lào chạy dọc bờ Đông sông Mekong, đường tốt và khá vắng. Những ngôi nhà sàn xinh xắn và tươm tất, sạch sẽ, gọn gàng đến bất ngờ, mọc lên giữa ruộng lúa hoặc lọt thỏm giữa những tán cây cổ thụ, trông như những tổ chim. Cuộc sống ở đây trông có vẻ thịnh vượng. Có thể vì nó được nuôi dưỡng bởi dòng sông Phật giáo huyền bí và lắm phù sa này nên mới hiền hoà và dễ thương đến thế.
Vừa ra khỏi Don Khone một đoạn, chúng tôi đã bị cảnh sát tóm lại, nhưng họ chỉ cần cho họ xem giấy phép liên vận được cấp ở của khẩu là ổn. Họ thậm chí không xem chi tiết, chỉ thấy thấp thoáng 3 tờ giấy phép xanh là cho đi trong vui vẻ.
Do chủ quan là sẽ có nhiều ngân hàng bên kia biên giới, nên chẳng ai chịu đổi tiền. Những ngày đầu tiên bên Lào, từ việc ăn, ở đến đổ xăng đều khá chật vật. Khác với Campuchia, người Cam nhận tiền Riel và đô la Mỹ, người Lào chỉ ưu tiên nhận tiền kip Lào (100.000 VND tương đương 36.000 kip Lào). Đến đâu chúng tôi cũng phải giơ tờ đô la ra, quơ quơ, hễ ai gật đầu là okay, còn ai soi soi như thể tiền âm phủ rồi lắc đầu là xong luôn, phải đi tiếp. Bí đường, anh Đức ghé đại một tiệm tạp hoá, đổi ít tiền Kip chữa cháy khi bình xăng dự trữ mang từ Việt Nam sang đã cạn.
Chúng tôi muốn thăm Vat Phou, một ngôi đền khá nổi tiếng mang dấu tích một thời của đế chế Angkor Khmer. Nếu theo chỉ dẫn của google, chúng tôi phải đi lên Pakse rồi vòng xuống mất 180km, điều này khiến chúng tôi phân vân. Cuối cùng, chúng tôi quyết định mạo hiểm đi con đường tắt. Rẽ trái khỏi đường 13 tầm 4km, đến làng Ban Muang, chúng tôi bắt đò Đông -Tây vượt sông Mekong đến làng Ban Phouxai. Chúng tôi tiết kiệm được 130km (70km đi vòng Pakse và 60km đi ngược lại từ Vat Phou về lại Pakse). Trên Google Map ghi là ‘car ferry’ nhưng thực chất chỉ là một chiếc đò nhỏ. Anh Việt có phần ngại, không chịu đi vì sông quá lớn, hơn 1km mà đò nhỏ xíu, áo phao, phao nổi đều không có. Chúng tôi chia làm hai nhóm lên đò qua sông với 30.000 kip/xe, gần 100.000 VND.
Chưa bao giờ tôi thấy sông Mekong chảy dưới chân núi. Nhìn trên đỉnh núi mây phủ trắng xoá. Trời đất bao la. Sông rộng mênh mông. Núi cao chót vót. Mưa lất phất bay. Con xuồng nhỏ chòng chành, nước cuộn dưới lòng xuồng, rỉ vào bên trong. Đặt chân lên bờ bên kia mới hay mình còn sống.
Bên kia bờ là một xưởng đóng ghe ngo, chiếc ghe dài vài chục mét dành cho lễ hội đua ghe ngo quen thuộc của cư dân ven sông. Các bản ven bờ Tây sông Mekong có kiến trúc nhà kiểu thuộc địa khá thú vị. Từ đây phải đi thêm 17km nữa mới đến đền Wat Phou.
Các bảng chỉ đường đến Wat Phou khá chi tiết. Giá gửi xe 5.000 kip một xe máy, giá vé 50.000 kip/người. Nếu có thể leo lên đến đền chính, may ra mới có thể thâu tóm tất cả vào tầm mắt: đền đài, trời đất, cây cỏ, làng mạc và cả con sông uốn lượn mượt mà.
Chúng tôi men theo quốc lộ 14 chạy dọc bờ Tây sông Mekong ngược về thị xã Pakse, thuộc tỉnh Champasak ở hạ Lào. Việc cấp bách tiếp theo chúng tôi phải làm là đổi tiền và tìm một bữa cơm Việt Nam, rồi tiếp tục hành quân về Tad Lo. Ven đường đầy những vạt dã quỳ và giá tỵ. Tôi gọi đây là xứ sở của cây giá tỵ. Chúng đã theo chúng tôi từ khi đặt chân qua biên giới tới giờ.
Tad Lo là một bản nhỏ của người Katu, nằm khoảng 1km trong rừng, bên dòng suối trong veo có cây cầu dài bắc qua. Từ đây có thể thưởng thức dòng thác trắng xoá, đẹp như tranh. Dân trong làng vẫn cứ ra đây tắm giặt. Vẫn là những ngôi nhà gỗ hiền hoà. Heo, bò , gà, vịt chạy loạn xạ ngoài đường. Chúng tôi dừng chân tại homestay Palomei. 20.000kip/người/ đêm. Kết thúc một ngày bằng những câu chuyện linh tinh cùng ngụm bia Lào. Đêm cao nguyên Baloven mát mẻ và yên tĩnh.
Ngày 4: 25/08/2017: Tad Lo – Seno – Thakhek: 350km
Hừng đông ở Tad Lo cũng bình yên như bất kỳ ngôi làng nào ở giữa chốn thâm sơn cùng cốc, ngoại trừ dòng thác xinh đẹp cứ đổ ầm ầm suốt ngày đêm. Phải nói thêm là anh chủ nhà này mới hơn 40 tuổi nhưng có đến 8 người con, lớn nhỏ đủ cỡ. Mọi việc trong nhà đều do các em làm. Mà hình như nhà nào ở đây cũng đều đông con như thế. Phải dựng các em dậy khá sớm để tính tiền ăn ở, rồi chia tay. Mưa lất phất. Hơi thở cao nguyên ươm vào da mát rượi như nước đá. Núi rừng còn say ngủ. 6 giờ sáng, mấy anh em chúng tôi lại lên đường.
Tiếp tục theo đường 20 về tỉnh Saravane ở Nam Lào khoảng 20km. Các anh dừng lại uống cà phê ở một góc quán nhỏ nơi các cụ già hay ngồi đàm đạo, rồi sang hàng kế bên mua gà nướng và xôi nếp cho bữa sáng. Xôi nếp là đặc sản của Lào. Có không muốn ăn cũng không được vì đâu còn gì khác. Thấy chúng tôi ăn ngấu nghiến, bà chủ quán cà phê còn chạy vào nhà lấy thêm cho một mẹt xôi nữa. Còn rất nhiều xôi, chúng tôi ăn không hết nên bỏ vào bọc nilon mang theo.
Người Lào rất hiền lành và dễ thương. Họ thích nói chuyện, hỏi thăm đủ thứ. Họ cứ hỏi miết bằng tiếng Lào. Chúng tôi trả lời tiếng Việt. Cứ thế, không ai hiểu ai nói gì nhưng thật vui vì chúng tôi cảm nhận được sự chân thành và bình dị.
Chúng tôi tiếp tục rẽ theo một con đường mới để ra lại Quốc Lộ 13 về Savanakhet, một tỉnh tại Trung Lào. Vừa đi được một đoạn, chúng tôi lại bị công an đuổi theo, dẫn về trạm. Họ cũng dễ thương nếu mình có đủ giấy tờ hợp lệ. Trong lúc đứng chờ họ xét giấy thì có chiếc xe khách Pakse Quảng Bình chạy qua. “Khi bạn đang ở giữa một đất nước xa lạ mà chữ họ viết bạn nhìn mãi không biết nó hình gì, bất ngờ bắt gặp các ký tự la tin, dấu sắc, huyền, ngã, nặng thân quen. Nhóm chúng tôi mừng khôn xiết”, Chi kể lại. Từ đây, chỉ cách Quảng Trị có 150km đường chim bay. Chi nhớ cảm giác này thật khó tả. Cả nhóm ai cũng nhớ nhà mà nghĩ tới cảnh tượng 7 triệu chiếc xe máy lúc nhúc giữa Sài Gòn, chỉ muốn bỏ nhà đi luôn.
Con đường mới này dẫn ra Quốc Lộ 15. Đường đẹp và ít xe. Hai bên là bạt ngàn màu xanh của các nương lúa nếp. Nhà cửa đều bằng gỗ. Tuy là nhà sàn nhưng rất rộng rãi và kiến trúc cầu kỳ như các ngôi nhà biệt thự ở Việt Nam. Các mảnh gỗ được cắt gọt khéo léo và tỉ mỉ rồi được ghép với nhau rất ngay ngắn càng minh chứng thêm cho sự tươm tất của người Lào. Phía xa hơn một chút, là dãy Trường Sơn Tây mây phủ quanh chân, chóp núi nhô lên như một ốc đảo. Chúng tôi đi với tốc độ khá nhanh. Gió lạnh tạt vào mặt. Lúa xanh mướt mắt. Chỉ có mây đen vẫn không thôi quần vũ trên đầu.
Quốc Lộ 13 từ khi ra khỏi Pakse đã không còn tốt nữa. Có nhiều ổ gà, xóc ê hết mình mẩy. Đất đai khô cằn hơn. Chẳng hiểu sao mà nắng như lửa đốt trên lưng. Chạy xe trong nắng nóng rất mệt, mà muốn kiếm một bóng cây nghỉ chân cũng không dễ. Theo kế hoạch là sẽ qua đêm tại Savanakhet. Nhưng sau khi vượt chặng đường 240km, chúng tôi đến nơi mới có giữa trưa. Thế là chúng tôi quyết định ăn trưa tại thị trấn Seno rồi lên đường.
Đích đến mới hôm nay sẽ là Thakhek thuộc tỉnh Khamuane ở Nam Lào, thêm 104km nữa.
Chúng tôi chẳng mong đợi gì ở Thakhek này ngoài một chỗ để ngả lưng cho hành trình quá dài gần 350km. Nhưng đi sâu vào trong, chúng tôi quá bất ngờ và bị cuốn hút ngay lập tức bởi một thị trấn khá rộng nhưng quá đỗi bình yên. Những dãy nhà rất Tây được xây dựng từ thời Pháp thuộc vẫn duyên dáng nép mình bên dòng sông Mekong nước trôi lững thững. Càng thú vị hơn khi tôi sực nhớ ra rằng bên kia sông với hàng loạt công trình hiện đại ven sông, những toà nhà cao tầng sang trọng và những nóc chùa Nam Tông cao vít lên trời chính là của tỉnh Nakhon Phanom thuộc địa phận Thái Lan. Con sông này là ranh giới giữa hai đất nước Lào và Thái Lan, cũng là biên giới của hai thể chế chính trị Xã Hội Chủ Nghĩa và Quân Chủ Lập Hiến. Một thời nó là vùng đệm cho hai vùng thuộc địa: Đông Dương thuộc Pháp (Lào) và Đông Dương thuộc Anh (Thái Lan). Người dân hai nước thông thương qua lại bằng phà và thủ tục khá đơn giản. Tuy nhiên, du khách đến từ nước thứ ba phải làm thủ tục xuất cảnh để di chuyển trên cây cầu Hữu Nghị III.
Trên đường phố, trước cửa hàng và siêu thị cũng như nhà riêng, đầy xe hơi và xe bán tải. Xe máy cũng có nhưng không phải là quá nhiều. Người dân Lào lái xe rất từ tốn và lịch sự. Nhường nhau khi qua các ngã tư hoặc vòng xoay, anh Việt đậu xe chắn mất lối đi của một chiếc xe hơi nhưng họ vẫn chờ và không bấm còi hay khó chịu chửi bới gì cả.
Ngày 5: 26/08/2017: Thakhet – Vientian – Vangvieng: 502km
Chúng tôi vẫn khởi hành lúc 6 giờ sáng như mọi ngày. Lúc này trời mát mẻ, ai nấy còn sung sức. Chạy tầm 70km – 100km, ghé lại vừa ăn sáng vừa nghỉ ngơi thì đoạn đường còn lại đã ngắn đi một nửa. Nhưng mà ít quán quá, toàn bán cơm nếp và gà nướng. Thú thật là với dạ dày đã quen ăn gạo tẻ, cơm nếp với chúng tôi dù ngon nhưng rất khó tiêu hóa. Đã 8 giờ sáng, đành tấp vào một quán bên đường, cũng chẳng biết giao tiếp gì, chúng tôi chỉ tay vào thùng mì và nồi nước đang sôi trên bếp, ngụ ý mua mì gói và nhờ chủ nhà nấu giùm. Một bữa sáng ngon lành, mỗi người ăn hai gói mì. Bữa trưa, may mắn thay, chúng tôi tìm được một quán phở Lào bên đường ở Thabok, hương vị khá giống phở Việt Nam.
Chúng tôi đến Vientian lúc 3 giờ chiều sau quãng đường dài 340km, nhanh hơn dự định. Tiễn anh Đức ra bến xe để về lại Sài Gòn, chỉ còn lại ba anh em. Định ở lại Vientian một đêm, nhưng vừa thoáng thấy quảng trường Patuxai, chúng tôi đã bị cảnh sát bắt lại vì đi sai làn. Ở Sài Gòn, chạy lớ ngớ vô làn xe hơi là bị thổi ngay nên cứ khúm núm sát lề phải mà đi là an toàn. Nói thật anh em chúng tôi đến từ thiên đường xe máy, qua nước bạn thấy toàn xe hơi nên không biết đường đâu mà chạy, Chi cười kể lại. Ở Lào, khi dừng đèn đỏ, bên phải là làn dành cho xe rẽ phải. Xe máy dừng đâu cũng được mà trừ làn xe đó ra. Vì không biết luật, chúng tôi đành mất 200,000 kip nộp phạt. Mức này chỉ bằng 10 chai bia Lào, tôi nghĩ bụng.
Chúng tôi dạo một vòng thủ đô Vientian của Lào nhưng không dám nấn ná lâu. Nhìn bản đồ, Vangvieng cách Vientian 130km. Với kinh nghiệm đi đường mấy ngày qua, chúng tôi nghĩ mình sẽ đến nơi trước khi mặt trời lặn nên quyết định đi tiếp để rút ngắn đường về Luang Prabang.
Ra khỏi Vientian, đường quá xấu, gồ ghề, bụi và đông xe. Được cái xe tải ở đây rất dễ thương: chạy chậm, đúng luật, và nhường cho các xe nhỏ hơn. Nếu họ vượt xe máy, họ chừa mình một khoảng cách rất rộng. Nếu mình muốn vượt, họ sẽ nép sát lề cho mình qua. Giao thông ở đây nhìn chung rất ổn.
Đường tới Vangvieng phải chạy men theo cánh rừng nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Phou Phanang. Hoàng hôn hối thúc đằng sau lưng. Hơi lạnh của núi rừng vắng vẻ dồn lên tay ga. Đường còn xa mà đèo dốc quanh co không chạy nhanh được. Trên đường lâu lâu xuất hiện cái ổ gà bất thình lình. Đêm xuống ai nấy trong chúng tôi đều có một cảm giác sợ không thấy đường đi, sợ lạc trong rừng, sợ hết xăng, sợ thổ phỉ… May thay, thỉnh thoảng giữa rừng lại xuất hiện một nhóm người bán hàng rong. Chúng tôi bắt đầu thấy an tâm một chút. Ở Lào, người dân sống hai bên đường thường khá đông đúc. Con đường chiều nay đi qua khiến tôi ngờ ngợ về những con đèo và các bản làng ở Tây Bắc. Nhìn quanh là những mái ngói nâu cũ kĩ, vách nhà ghép bằng gạch xi măng lạnh lẽo. Cái cảm giác một buổi chiều tàn mà vẫn chưa biết đêm nay đi đâu, về đâu, ngủ ở đâu xuất hiện trong tâm trí. Tôi cứ thế chạy miết. Còn 100km. Rồi 80km. Trời nhá nhem tối chạy xe rất bực mình vì cảnh vật rất lập lờ.
Nắng đã tắt từ lâu chỉ còn chút ánh sáng phản chiếu từ những cụm mây bạc. Ba anh em nối đuôi nhau, nhất định phải thấy xe sau mới được. Lúc này chúng tôi còn 60 km nữa. Trăng đã treo trên đầu. Vành trăng tháng 6 khuyết sâu giữa khu rừng đen kịt. 30km nữa ở phía trước. Tay ga cứ kéo lên mà cái xe lắm lúc ì ạch. Xăng đã gần cạn rồi mà cái thị trấn Vangvieng đi hoài không thấy tới. Chúng tôi còn 11km nữa thôi. Xe anh Việt chính thức hết xăng, may thay anh Đức để lại bình xăng dự trữ. 5km nữa là đến đích. Tôi đếm ngược trên kim đồng hồ công tơ mét. Đúng là “Fast and Furious”, tôi nghĩ thầm. Giờ thì ngủ thôi. Mai sẽ khám phá nơi ngày một chút rồi hành quân về Luang Prabang.
Ngày 6: 27/08/2017: Vangvien – Luang Prabang
Thị trấn bé nhỏ Vangvieng nằm lọt thỏm trong mênh mông của núi rừng xanh ngát. Được biết đến là vùng quê yên bình với khí hậu trong lành, mát mẻ và cũng là điểm du lịch nổi tiếng của đất nước Lào xinh đẹp. Hàng năm, Vangvieng thu hút một lượng du khách khổng lồ, gấp nhiều lần so với con số 50.000 người địa phương, đa số là Tây balo, giống như khu phố Tây của Sài Gòn nhưng to hơn, đầy bar, pub, club, nhà hàng… Nằm bên bờ sông Mekong, Vangvieng còn có nhiều hoạt động vui chơi như chèo kayak, đi thuyền ngắm khung cảnh núi rừng và dòng Nam Song chảy qua những dãy đá vôi hoặc đi khinh khí cầu lượn vòng vòng.
Ngoại ô Vangvieng thật đẹp với những nương lúa xanh rì, phẳng lì nép mình bên chân núi. Mây sớm bay là đà trên cây cỏ còn lóng lánh sương đêm. Chúng tôi đi qua những con dốc vừa phải và nghỉ chân tại Kasi, một thị trấn trên Quốc Lộ 13 về phía Bắc Vangvieng tầm 60km. Bấy giờ là 8 giờ sáng. Ở đây có vài quán cơm người Hoa. Bữa sáng của đoàn là đĩa cơm rau xào với thịt kho hột vịt đậm chất Việt Nam. Khi bạn đến một nơi mà gạo tẻ là cái gì chẳng ai biết thì bạn mới thấy hết giá trị của những bữa cơm hằng ngày tại quê nhà mà mình cứ hay õng ẹo “ăn cơm thật ngán, không biết ăn gì”. Lâu lắm rồi chúng tôi mới được một bữa cơm sáng dân dã mà ngon lành như thế. Ăn nhiều, vì ngon và cũng để có sức mà vượt qua dãy núi cao trùng trùng trước mặt để về cố đô.
Tại Kasi có hai lựa chọn để về Luang Prabang: đường 4C và QL 13. 4C là con đường mới mở gần đây nằm bên trái Quốc Lộ 4 về Luang Prabang. Hầu hết xe khách sẽ đi theo đường này. Chúng tôi chọn đi theo đường QL 13 cũ vì một lý do khác.
QL 13 của Lào được ví như trục giao thông xương sống nối từ biên giới Campuchia ở phía Nam đến biên giới Trung Quốc ở phía Bắc. Rời khỏi Kasi, con đường uốn lượn cheo leo qua những ngọn núi cao chót vót 1000-2000 mét, được gọi là “the Royal road” – con đường Hoàng tộc, được người Pháp xây dựng năm 1943, và quân đội Mỹ tiếp tục nâng cấp vào thập niên 1960. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh, rồi dưới thời tiết khắc nghiệt cùng sự phá hoại của tàn quân phỉ nên đường 13 bị xâm thực và dần rơi vào quên lãng. Vì sự hoành hành của thổ phỉ nên cung đường này còn có một cái biệt danh rùng rợn khác là “đèo phỉ”. Vì thế, từ Luang Prabang về Vientian nếu không đi bằng máy bay thì phải vòng qua một số tỉnh của Việt Nam. Năm 1992, con đường bắt đầu được khảo sát và xây dựng lại bởi bàn tay của các công nhân Việt Nam và được hoàn tất năm 1996, sau 4 năm. Các công trường làm việc cũng được bảo vệ bởi các đội an ninh của bộ đội Lào. Tuy nhiên, cho đến khi những chuyến xe đầu tiên an toàn lăn bánh đi về giữa hai thành phố bằng con đường mới, thì một góc nhỏ trên đường đã có vài chục nấm mồ của cả công nhân Việt Nam lẫn bộ đội Lào nằm lại đây vì bị phỉ sát hại, vì côn trùng độc, vì sốt rét hay ăn nhầm nấm độc. Anh em chúng tôi rất vinh dự được một lần đi trên con đường này.
Rời Kasi tầm 35km, bên tay trái là một trạm dừng chân vô cùng lý tưởng – Phou Khoun View point and restaurant. Ở đây có trạm xăng, có nhà hàng, quán nước, có cả vài phòng nghỉ sơn đủ màu sắc trông như một bông hoa sặc sỡ giữa muôn trùng màu xanh của cây và núi. Từ đây, có thể phóng tầm mắt về phía chân trời, nơi những ngọn núi cao trên 2000 mét nhô lên như chiếc răng khổng lồ chọc lên nền trời xanh thẳm.
Phía bắc Lào toàn núi là núi. Cố đô có lẽ nằm khuất đâu đó dưới chân những rặng núi xa xa kia. Chúng tôi tiếp tục hành quân về phía Phou Khoun, ở đây có một lối rẽ phải để về Xieng Khoảng nổi tiếng với cánh đồng chum, đi thẳng là về Luang Prabang. Chỉ có ba anh em cứ vắt vẻo cheo leo trên những cung đèo ngoằn ngoèo vắng tanh. Chúng tôi cảm thấy chóng mặt khi nhìn từ trên cao xuống. Vận tốc có khi chỉ chừng 20-30km/h. Thi thoảng, có vài bản nhỏ của người dân tộc thiểu số, nơi chúng tôi ghé lại châm xăng, mua nước hoặc ít bánh kẹo ăn cho tỉnh táo. Sự cách biệt về địa lý khiến những ngôi làng gần như cô lập giữa núi rừng. Chúng tôi rất hiếm khi nhìn thấy trường học trong chuyến hành trình mấy ngày qua. Theo một số bài báo nước ngoài thì Lào chỉ có khoảng 7 triệu dân nhưng có đến 49 dân tộc, nhiều người trong số họ chỉ nói tiếng của dân tộc mình thôi nên khó học được tiếng Lào phổ thông hoặc đòi hỏi những chương trình giáo dục khác nhau cho từng nhóm người. Tỷ lệ mù chữ ở Lào là 23%, riêng một số dân tộc thiểu số, con số này có khi lên đến 93-95%.
Một anh bạn hướng dẫn viên mà chúng tôi mới được làm quen – Singthong người Khmú cho hay: anh được học chữ trong chùa do các sư dạy, sau đó lớn lên anh đi học một lớp về du lịch rồi về làm hướng dẫn viên. Nghe đơn giản và dễ dàng nhưng ẩn trong đó là cả một quá trình gian nan biết mấy. Hành trình trên miền thượng du Lào này khiến tôi có cảm giác mình đang đi trên cỗ máy thời gian, càng đi càng lùi xa thế giới văn minh bề bộn.
Đi vào một con đường vòng vèo dưới chân núi với rất nhiều xe cộ, cố đô Luang Prabang hiện ra trước mắt anh em chúng tôi sau khi vượt hằng trăm quả núi suốt chặng đường gần 200km. Chúng tôi tìm đường về Hello Guesthouse gửi hành lý, sau đó đi ăn trưa muộn và bắt đầu khám phá phố huyện này.
Tôi yêu Luang Prabang ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ quý tộc mà giản dị của nó. Không có bóng dáng của một toà nhà chọc trời nào ở đây cả. Chỉ có những dãy nhà thuộc địa cao không quá hai tầng, phủ đầy rêu phong; những con phố nhỏ xinh nép mình bên dòng sông huyền bí; những ngôi chùa Phật giáo dát vàng óng ả, uy nghiêm, mái cong vút lên nền trời xanh thẳm; những con người dễ mến, hiền từ; những nhà sư tuổi thiếu niên đi hoá duyên, bóng áo cam nhuộm rực rỡ những con đường trong nắng sớm.
Luang Prabang từng là kinh đô thịnh vượng rồi bị lãng quên theo những bước thăng trầm của vương quốc Lan Xang từ thế kỷ 14. Trong tiếng Lào, Lan Xang có nghĩa là triệu voi, dụng ý về đội quân hùng mạnh của một vương quốc rộng nhất nhì Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Ở Luang Prabang, bạn không cần bản đồ. Bất kì con phố nào cũng đáng để bạn khám phá ra hàng tá điều thú vị. Chỉ cần giơ máy ảnh lên, Luang Prabang sẽ đẹp từ mọi góc độ. Một anh bạn Tây trên đường cười nói: “This is the museum of pagodas”. Một khái niệm mới mẻ mà cũng đúng, cứ đi vài bước bạn sẽ thấy một ngôi chùa. Chắc vì vậy mà người dân ở đây dễ mến, hồn nhiên và an yên vậy.
Sau khi ngắm hoàng hôn quyến rũ rơi trên sông Mekong từ núi Phou Si, chúng tôi đi vòng quanh khu chợ đêm bên cạnh rồi về một quán nhỏ cạnh guesthouse ăn tối. Anh chủ mời chúng tôi món mới của quán anh, tiện thể ngồi nhăm nhi chai bia Lào. Cuộc nói chuyện hoàn toàn thông qua Google dịch vì anh không biết tiếng Anh hay tiếng Việt gì cả nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp và chân thành từ trong bản ngã của nhau. Tôi ngỏ ý muốn đi theo mẹ anh tham gia vào buổi hoá duyên với các nhà sư. Anh cười, gật đầu và hẹn đúng chỗ này vào 6 giờ sáng mai.
Mấy anh em đi ngủ sớm, nôn nao cho cuộc hẹn ngày sau. Thành phố yên bình, nằm cuộn mình trong sương đêm giữa những dãy núi đá vôi theo tôi vào cả trong giấc mơ.
Ngày 7: 28/08/2017 Luang Prabang
Tại Luang Prabang, chúng tôi quyết định ở ngoài phố cổ, nơi không có khách du lịch. Sáng sớm, ba anh em líu ríu kéo nhau qua nơi các sư đi khất thực chỉ cách đó một con đường. Mế hàng xóm chuẩn bị 3 mẹt cơm nếp và 3 dãy khăn quấn cho mấy anh em. Họ đã tới từ rất sớm. Ba anh em chúng tôi tới sau cùng. Mế đưa mẹt cơm nếp lên ngang đầu, khấn gì đó. Tôi cũng bắt chước làm theo. Rồi mế chỉ chúng tôi ngắt từng ngụm cơm nhỏ thôi, chứ hàng trăm sư lận, khéo kẻo không đủ. Đâu đó tươm tất, mọi người kiên nhẫn chờ các nhà sư đi qua. Thành phố tĩnh lặng. Những dãy nhà nằm im lìm trong sương sớm. Gió từ sông Mekong mang theo hơi lạnh se se từ đá núi. Bình yên từ không gian đến tâm hồn.
Sau khi ăn sáng tại một quán bún nhỏ trên đường, chúng tôi xuất phát đi thác Kuang Si. Thác nước này nằm cách thành phố Luang Prabang 30km về phía Tây Nam. Đây được xem là một điểm đến không thể bỏ lỡ khi đã đến Luang Prabang. Đường đi đến đó có lúc mượt mà cũng có khi gồ ghề, hư hỏng nặng. Một nhóm các bạn trẻ từ Úc chạy xe máy bị sụp ổ gà, ngã lăn trên đường. Tuy không nguy hiểm nhưng sỏi nhọn trên đường đâm vào tay và chân rướm máu. Sẵn có bộ bông băng cứu thương và thuốc sát trùng mang theo. Chúng tôi trở thành những nhân viên y tế bất đắc dĩ. Cũng may, dù chuẩn bị kỹ nhưng suốt chuyến hành trình, chúng tôi đã không phải dùng chúng cho chính mình, nhưng có cơ hội để giúp đỡ người khác. Băng bó vết thương xong xuôi, chúng tôi tiếp tục băng qua những con dốc cao thẳng đứng mới đến được thác. Giá gửi xe máy ở đây là 2.000Lak/ xe. Vé vào cổng 20.000Lak/ người. Chẳng ai mong đợi gì nhiều vì chúng tôi đã đi qua quá nhiều thác trong suốt những chuyến hành trình nhiều năm nay.
Đường lên thác phải băng qua một khu bảo tồn gấu, bảo vệ chúng trước nguy cơ săn bắt trộm đến tuyệt chủng. Tạm biệt mấy chú gấu, chúng tôi đã thấy dòng nước chảy róc rách đâu đó. Tiếp tục bước theo lối mòn, tôi đã thấy dòng thác trong veo, nước xanh như ngọc, chảy trên các phiến đá đổ vào những lòng hồ như những bể bơi tự nhiên. Rất nhiều người trút xiêm y rồi hoà vào dòng nước. Nước ở đây có màu xanh cẩm thạch. Chúng tôi đi xa hơn, leo cao hơn theo các bậc thang vì con thác khá dài. Chúng tôi đến được dòng thác chính. Ở đây, người ta có xây một cây cầu bắc qua để nhìn được toàn cảnh ngọn thác chính đổ từ độ cao 60m, trắng xoá như một dải lụa. Hơi nước bốc lên nhoà cả không gian, khiến cho xung quanh cũng mát rượi theo dù đang là giữa giờ Ngọ.
Chúng tôi phát hiện ra là giấy phép cho xe máy hoạt động ở Lào chỉ còn hạn có 1 ngày. Chúng tôi đành ra bến xe Luang Prabang để hỏi cách gửi chúng về Việt Nam nhanh nhất. Những người bán vé ở đây chỉ bán vé cho người chứ không nhận xe. Chúng tôi phải tìm cho được các bác tài. Chật vật mãi họ mới chịu nhận. Vé xe bằng vé người, 750.000 kip (xấp xỉ 2.700.000 VND) cho ba người và ba xe. Họ bắt đầu rút hết xăng trong xe, hì hụt tháo gương chiếu hậu, tháo bánh và đưa vô thùng xe buýt. Nhìn có vẻ không chuyện nghiệp lắm nhưng chúng tôi cũng hết lựa chọn rồi.
Xe buýt về Vinh có đi ngang Xieng Khoảng. Nằm trên xe cả đêm dù mệt cũng không dám ngủ vì đường quá đèo dốc. Xe giường tầng chạy rất nhanh. Từ Luang Prabang qua Xieng Khoảng chắc tầm 250km mà họ chạy có 6-7 tiếng. Đường đi quanh co khúc khuỷu làm chúng tôi chóng mặt vô cùng. Có khi lên dốc nửa chừng xe phải khựng lại một chút rồi lấy đà lên tiếp. Còn xuống dốc thì cứ thả vô tư. Nằm nghe tiếng thả ga của xe trên đường, sực nhớ mấy đỉnh núi cheo leo, vực sâu thăm thẳm mà mấy anh em băng qua hôm trước, tự dưng tôi cảm thấy rùng mình.
Tới cửa khẩu lúc 5 giờ sáng hôm sau, nhưng phải chờ tới 7 giờ, hải quan mới làm việc. Mất hai tiếng đồng hồ ở đây vì xe buýt bị kiểm tra khá gắt gao ở Lào. Có vài người bị phạt nặng hoặc phải bỏ lại các sản vật có liên quan tới rừng như phong lan hoặc nấm. Chúng tôi khá mất thời gian với các thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh cho xe máy ở cả hai cửa khẩu, nhưng cũng may thay là cái giấy thông hành xe còn đúng ngày cuối cùng. Ở cửa khẩu, họ còn đòi thêm giấy đăng ký xe, còn gặp công an dọc đường họ hay đòi bằng lái vì hình như xe bên Lào không cần đăng ký, từ xe máy đến xe hơi đều không có biển số.
Chúng tôi đến cửa ngõ Vinh lúc 3 giờ chiều. Bác tài và anh lơ ráp xe lại cho chúng tôi nhưng họ lại “râu ông này cắm cằm bà kia”. Chúng tôi phải chạy thêm 16km nữa vào ga Vinh và làm thủ tục gửi xe máy về Sài Gòn bằng tàu hỏa. Đâu đó xong xuôi, mấy anh em tìm quán cà phê ngồi thư giãn, đọc báo và hàn huyên. 9 giờ tối, chúng tôi lại vác ba lô lên tàu đêm về Quảng Ngãi mất gần 15 tiếng nữa.
Rời Luang Prabang, chúng tôi mất 3 ngày 2 đêm trên xe buýt và tàu hoả mà chẳng có tí nước sạch tắm giặt hay đánh răng cũng chẳng có được một bữa ăn đàng hoàng. Tuy vậy, ai cũng đều thật hạnh phúc về những trải nghiệm không dễ gì có được trong những ngày vừa qua.
Ảnh: NVCC