Đi leo núi hả? Đi đâu? – Núi Bà Đen á – Nóc nhà của Đông Nam Bộ à nha!
- Giới thiệu núi Bà Đen và cách di chuyển
- Chuẩn bị gì cho chuyến leo núi Bà Đen
- Đường đến đỉnh núi
- Một số lưu ý đặc biệt
1. Giới thiệu núi Bà Đen
Núi Bà Đen thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh – Đỉnh núi cao 989m, là cung đường yêu thích của rất nhiều trekker, đặc biệt là điểm đến nổi tiếng đối với những bạn mới bắt đầu sự nghiệp trekking của mình. Núi Bà Đen cách Thành Phố Hồ Chí Minh khoảng 100km đi xe máy. Bạn có thể di chuyển đến núi Bà Đen bằng nhiều phương tiện.
Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy:
Cách 1: Khởi hành từ quốc lộ 22A, bạn đi đến ngã ba Trảng Bàng thì rẽ phải vào tỉnh lộ 782; Đi trên tỉnh lộ 782 khoảng 62km nữa là đến núi Bà Đen. Thời gian di chuyển khoảng ba tiếng – sẽ khá mỏi lưng nên hãy cân nhắc nghỉ ngơi ở quán nước ven đường, giữ sức còn leo núi nữa. Cách 2: Vẫn khởi hành từ quốc lộ 22A đến ngã ba Trảng Bàng, bạn rẽ trái vào thị trấn Gò Dầu rồi rẽ phải đi tiếp trên quốc lộ 22B, tiếp tục đi khoảng 67Km tới Thị Xã Tây Ninh, tiếp tục đi khoảng 5km nữa là núi Bà Đen. Cung đường này có phần dài hơn, nhưng phù hợp cho những bạn có đam mê chụp ảnh, check-in.
Hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng: Xe bus. Ta sẽ đi 2 chuyến, Chặng 1 đi chuyến 703 Bến Thành (Hồ Chí Minh) đến Gò Dầu (Tây Ninh), sau đó đi chặng 2 từ Gò Dầu đi Long Hoa (Ví dụ như tuyến số 4 – bến xe Tây Ninh – bến xe Gò Dầu, tuyến này hoạt động từ 5h-17h hằng ngày).
2. Chuẩn bị gì cho chuyến leo núi Bà Đen
1. Chuẩn bị thể lực
Có thể đây là chuyến đi đầu tiên của bạn, nhưng cho dù là lần thứ “n” bạn chinh phục ngọn núi này thì thể lực vẫn là điều cần chuẩn bị chu đáo. Không cần những bài tập chuyên nghiệp cường độ cao, chỉ cần tập duy trì sức bền và tập để bạn không bị đau cơ khi di chuyển xuống núi.
2. Chuẩn bị vật dụng dùng chung
Một số vật dụng dùng chung nhất định phải chuẩn bị chia làm 2 phần:
- Chỗ ngủ: Cần chuẩn bị những thứ cơ bản như:
- Lều
- Tăng (Mùa mưa thì nhất định phải có)
- Tấm trải
- Dụng cụ ăn uống + sinh hoạt:
- Đồ ăn – Hãy chuẩn bị đủ bữa, đủ khẩu phần
- Dụng cụ nấu ăn: Vỉ nướng, bếp nấu, nồi, ấm, đũa, muỗng,…
- Dụng cụ ăn uống: Chén, dĩa, ly uống nước,…
- Nước uống, nước vệ sinh
- Đèn pin sử dụng chung
- Khăn giấy
- ….
Đồ dùng cá nhân:
- Nước uống trong quá trình leo núi.
- Thức uống bù khoáng và thức ăn bổ sung năng lượng trong quá trình leo núi.
- Một chút đồ ăn ngọt sẽ là cứu tinh cho cả đoàn khi ai cũng thấm mệt.
- Đồ để thay – Hãy chọn những bộ trang phục phù hợp, đủ thoải mái để leo núi, hoạt động.
- Đồ giữ ấm như áo khoác, túi ngủ…
- Đèn pin cầm tay cá nhân, hoặc đèn pin đội đầu nếu leo đêm.
- Dụng cụ vệ sinh cá nhân.
Đổ xăng đầy bình và xuất phát thôi!!!!
3. Đường đến đỉnh núi
Nên leo núi Bà Đen vào mùa nào trong năm? Thời gian nào trong ngày?
Vì thuộc địa phận Đông Nam Bộ, khí hậu tương đối dễ chịu – trừ cái nắng thì mùa nào cũng có. Bạn chỉ cần tránh ngày mưa bão, còn lại thì mùa nào cũng có thể chinh phục ngọn núi này. Bạn có thể chọn xuất phát khoảng 2h chiều, lên đến đỉnh trễ nhất khoảng 7h tối, dựng trại, nấu nướng ăn uống và vừa. Hoặc để mát hơn bạn có thể chọn leo đêm – đối với những bạn đã có kinh nghiệm hoặc đi với leader có kinh nghiệm. Bắt đầu đi từ HCM khoảng 7/8h tối, đến chân núi khoảng giữa đêm, lên đến nơi là mờ sáng – vừa kịp ăn uống, săn mây. sau đó ngủ nghỉ một xíu rồi xuống núi trong ngày.
Có nhiều hướng để chinh phục Nóc nhà Đông Nam Bộ, 2 cung phổ biến thường được các trekker lựa chọn là Cung đường chùa và cung đường cột điện.
Cung đường chùa
Bạn sẽ bắt đầu hành trình bằng những bậc thang, những bậc thang lên chùa. Đoạn này khá mất sức – Leo cầu thang, đường đẹp vậy chứ mất sức lắm, không tập luyện, không có sức khỏe mà sung quá là “gãy” chứ chẳng chơi, vì vậy đoạn này bạn cứ từ từ mà đi, chậm mà chắc, giữ sức cho đoạn sau. Những bậc thang này sẽ dẫn bạn đến chùa. Tranh thủ vào viếng chùa, nghỉ mệt một xíu rồi bắt đầu chặn 2 với đường mòn, đường đá và đường rừng. Đoạn đường sau thì gập ghềnh hơn, có vẻ thách đố hơn chặn cầu thang đầu, những vẫn tiêu chí chậm mà chắc để chinh phục thì sẽ không có gì khó khăn cả, thậm chí còn đỡ mệt hơn phần đường bậc thang kia. Tùy tốc độ leo của đòa, trung bình khoảng 3-5 giờ bạn sẽ đến đỉnh núi. Ưu điểm của đường này là dễ đi và đoạn đường bậc thang có người bán nước, lưng chừng núi có chú bán mì gói với nước ngọt.
Núi Bà Đen nhìn xuống địa phận tỉnh Tây Ninh
Sau đó sẽ đến quán nước + mì gói nằm lưng chừng núi, chỗ này có tảng đá sống ảo như hình
Sau đó là đến vách núi có từng nấc sắt như hình, khúc này leo cẩn thận vì có thể sẽ trơn
Cung đường cột điện:
Cung đường này bình yên hơn, độ khó vừa phải, 2 bên có khá nhiều cây, có bóng mát nhưng lại không có quán nước nào chỉ có một quán cô Năm ở đoạn bắt đầu hành trình – cũng là chỗ gửi xe luôn đó. Vì vậy bạn cần chuẩn bị đủ nước trước khi bắt đầu hành trình.
Ngoài ra còn một số đường nữa để chinh phục đỉnh núi Bà Đen nhưng cung đường Ma Thiên Lãnh, nhưng hãy ưu tiên 2 cung đường trên nếu bạn là người mới bắt đầu.
Thật ra là còn 1 lựa chọn nữa cho những bạn có sức khỏe không tốt, đó là chỉ leo 1 chiều, và chiều còn lại thì đi cáp treo – bởi hiện nay đã có cáp treo từ chân núi lên đến đỉnh núi rồi!
Chóp mới của Núi Bà Đen – xuất hiện khi có cáp treo
4. Một số lưu ý đặc biệt
- Hãy chọn một bộ trang phục phù hợp, đủ rộng rãi và thật thoải mái để leo núi. Tránh sử dụng quần Jean, quần tây.
- Một đôi giày tốt sẽ hỗ trợ bạn nhiều trong chuyến đi, không nhất thiết phải là một đôi giày xịn sò chuyên dụng, nhưng hãy đảm bảo phần gai đế của nó đủ bám.
- Chuẩn bị dư nước, một ít đồ ăn ngọt sẽ hỗ trợ nhiều trên đường đi. Và đừng quên thức uống bù khoáng.
- Ăn sáng có thể đơn giản là mì gói, hay sandwich chả + cà phê hoặc milo.
- Hãy dậy sớm để săn mây, không phải lúc nào cũng có mây để săn, có duyên sẽ gặp.
- Đối với những bạn yếu khớp gối thì nên chuẩn bị gậy hoặc băng hỗ trợ đầu gối, vì khi đi lên thì bình thường, chứ đi xuống mà yếu khớp gối thì chỉ có lết xuống theo đúng nghĩa đen – Hoặc là đi cáp treo.
- Chi phí cho một chuyến đi trekking núi Bà Đen giao động khoảng 300.000 – 400.000đ. Tùy vào đoàn đông hay ít người. Chủ yếu chi phí tập trung vào tiền xăng xe, phí thuê lều, và tiền ăn các bữa.
- Nếu được hãy đem theo bếp, bếp cồn hoặc bếp gas để nấu ăn.
- Nếu có nhóm lửa đừng quên nguyên tắc không để lại dấu vết trước khi rời đi.
- Rác đem lên thì đem xuống, không vứt hay đốt tại chỗ cắm trại.
- Buổi tối trên đỉnh núi sẽ lạnh, hãy mang theo áo ấm và túi ngủ để đảm bảo giấc ngủ nhé!
Cuối cùng chúc bạn có một chuyến đi thuận lợi với những trải nghiệm tuyệt vời.