Thú nhận sự thật, phượt thủ Hoàng Lê Giang viết: “Tôi đã không lên đỉnh Denali. Sự thật, tôi đã đăng ký khoá huấn luyện và khoá leo đỉnh Denali. Tuy nhiên, tôi chỉ hoàn thành khoá huấn luyện mà chưa leo đỉnh Denali… Nỗi lo sợ vào khoảnh khắc cận kề cái chết khi mình bị chấn thương trong hành trình leo vừa qua, đã làm tôi có một hành động khờ dại và không đúng đắn. Tôi cảm thấy rất có lỗi với mọi người; gia đình tôi, với nhà tài trợ và có lỗi với cả bản thân mình”.
Hình ảnh Denali do Hoàng Lê Giang đăng tải Trước đó, Hoàng Lê Giang đã có những dòng chia sẻ trên trang cá nhân về trải nghiệm trekking đỉnh Denali (đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ, có độ cao 6.190m). Chia sẻ này sau đó bị một phượt thủ khác “lật tẩy”, rằng Hoàng Lê Giang chưa bao giờ thật sự trekking Denali.
Câu chuyện sẽ chẳng ầm ĩ nếu như anh này không phải là một người có “số má” trong giới phượt. Đến nỗi, nhân vụ bốc “phốt” này, nhiều người đặt ra dấu hỏi về những hành trình trước đây mà phượt thủ này chia sẻ. Được biết đến là một người đặt chân đến hơn 30 quốc gia, khám phá dãy Himalaya, nằm trong top 10 Iron Man 2016 và đoạt huy chương vàng cuộc thi Obstacle Run – Champion Dash, Hoàng Lê Giang trở thành người truyền cảm hứng “lên đường” cho nhiều bạn trẻ, xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, báo chí.
Trước Hoàng Lê Giang, Huyền Chíp- tác giả của cuốn sách Xách ba lô lên và đi cũng gây ồn ào dư luận về những thông tin được cho là hư cấu trong cuốn sách này. Sự việc chỉ lắng xuống khi tác giả này sang Mỹ du học; song cho đến giờ, những nghi vấn đặt ra vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng.
Mở rộng ra, không chỉ trong giới phượt, có hàng loạt vụ “sống ảo” nhằm câu view (lượt xem), câu “like” (lượt yêu thích) cũng bị cộng đồng mạng bóc mẽ. Đến nỗi, có người còn cho rằng, “sống ảo” đã trở thành căn bệnh trầm kha của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Thông qua Facebook, WhatsApp, Instagram hay Snapchat, Zalo, Twitter… càng ngày, càng khó nhận ra bao nhiêu phiên bản đã qua chỉnh sửa, được/bị hoàn hảo hóa, khác xa với đời thực.
Các nhà tâm lý học từng cho rằng, các trang mạng xã hội ngày càng chạm vào ước muốn được đám đông lắng nghe của con người. Đó là một thế giới mà họ trưng ra những thứ họ muốn người khác thấy, muốn người khác nghĩ- đôi khi rất khác xa bản chất. Ám ảnh về sự “hoàn hảo”, “sang chảnh”, “ngầu lòi”, họ không ngại “photoshop” chính mình, rồi đưa lên mạng xã hội, để được nổi tiếng. Cứ thế, họ từ bỏ sống thật, để chạy theo đám đông ồn ào trên mạng hết ngày này qua tháng nọ, cho tới khi bị vạch trần.
Nhưng đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Chẳng có chi tiết “ảo” nào mãi mãi không được bóc trần, và khi ấy, chẳng ai còn muốn tin một kẻ chuyên nói dối, ngay cả khi họ nói thật. Bài học mà truyện ngụ ngôn Cậu bé chăn cừu với một cậu bé thích nói dối cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Cốc Vũ