Cuộc phiêu lưu của cô gái 21 tuổi quốc tịch Mỹ đã phá vỡ kỷ lục Guinness thế giới về người trẻ tuổi nhất đặt chân đến 196 quốc gia có chủ quyền do phượt thủ James Asquith lập vào năm 24 tuổi.
Lexie Alford đã đặt chân lên 196 quốc gia có chủ quyền trên Trái đất.
Sau khi đặt chân đến Triều Tiên, Lexie Alford 21 tuổi đã trở thành cô gái trẻ nhất (tính đến thời điểm hiện tại) đặt chân lên 196 quốc gia có chủ quyền trên Trái đất.
Hiện tại, Alford đã nộp khoảng 10.000 bằng chứng để Sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận thành tích “người chinh phục thế giới trẻ nhất” của cô.
Chia sẻ niềm vui của mình trên Instagram, Lexie nói rằng: “Thật sự điên rồ khi tôi đã rất chăm chỉ nhiều năm để đạt được một khoảnh khắc như vậy. Tôi rất biết ơn mọi người vì đã giúp đỡ tôi. Chương lớn nhất của cuộc đời tôi đang khép lại. Chúc mừng cho một khởi đầu mới”.
Lexie được sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong ngành du lịch tại bang California, Mỹ.
Ảnh hồi bé của Lexie.
Được biết cha mẹ của Lexie cũng là những người đam mê “chủ nghĩa xê dịch”. Họ thường cho cô nghỉ học 1-2 tuần trong năm để đi phượt, học hỏi thiên nhiên. Những chuyến đi ấy trở thành 1 miền ký ức đặc biệt với Lexie.
Năm sinh nhật 18 tuổi, Lexie đã đặt chân tới 72 quốc gia, đó là lúc cô nhận ra rằng: “Tôi sẽ làm được điều phi thường”.
Năm 2016, Lexie tốt nghiệp trung học và có bằng liên kết với một trường cao đẳng tại bang California.
Lexie tâm sự: “Bố mẹ tôi luôn để tôi tiếp xúc với mọi mặt của cuộc sống, họ không bắt buộc tôi phải sống theo một nguyên tắc cố định nào hết. Tôi luôn tò mò về cách người dân tại những miền đất khác sống ra sao, họ tìm thấy hạnh phúc như thế nào”.
Lexie kể mục đích của cô không phải là chuyện phá kỷ lục mà cô chỉ muốn trở thành một phượt thủ, muốn thăm thú cuộc sống khác mình với quyết tâm cho mọi người thấy thế giới luôn tốt đẹp và người tốt luôn ở khắp mọi nơi.
Bức ảnh của Alford ở đền Angkor Wat, Cambodia.
“Thú thực, tôi chỉ muốn đẩy mình tới giới hạn để xem bản thân có thể làm gì, và cố gắng tận mắt thấy càng nhiều điều về thế giới càng tốt. Đến khi giải quyết được các vấn đề khó khăn, tôi mới nhận ra mình có thể truyền cảm hứng tới người khác ra sao, đặc biệt là những cô gái trẻ”, Lexie tâm sự với tờ The New York Times.
Alford cho biết cô yêu những nơi ít phổ biến hơn cả với khách du lịch, những nơi mà cô gọi là “bị nhiều người hiểu nhầm” như Venezuela và Pakistan.
“Tôi thích miền Bắc Pakistan, nơi mang vẻ đẹp tự nhiên của những ngọn núi và lòng tốt của người dân địa phương rất đáng kinh ngạc”, cô nói.
Để thực hiện ước mơ, Lexie phải tự túc toàn bộ lộ phí đi đường. Cô làm đủ các công việc có thể, cùng với khoản tiền tiết kiệm từ năm 12 tuổi, Lexie bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 545 ngày.
Vì kinh tế không cho phép, Lexie không dành hàng tuần ở mỗi nước, nhất là những nơi cô không thoải mái khi độc hành.
Khung cảnh thiên nhiên xanh ngắt ở Apia, Samoa.
Nơi khiến cô chật vật nhất là Tây và Trung Phi, do visa không thuận lợi và thiếu cơ sở hạ tầng du lịch, rào cản ngôn ngữ, cộng thêm chi phí đắt đỏ.
Khó khăn tưởng chừng buông xuôi phải kể đến quốc gia cuối cùng trong danh sách: Triều Tiên – nơi cấm công dân Mỹ nhập cảnh.
Lexie ngậm ngùi: “Tôi rất thất vọng vì không thể khám phá quốc gia này trọn vẹn, nên sẽ quay lại ngay khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Phải đến khi vào phòng đàm phán tại DMZ, tôi mới sực nhận ra mình đã đi xa đến thế nào”.
Lexie chụp tại khu vực phi quân sự DMZ thuộc vĩ tuyến 38, vạch ngăn cách hai miền Nam – Bắc trên bán đảo Triều Tiên.
Tại Việt Nam, Lexie cùng một người bạn và chia sẻ những hình ảnh tại Tràng An, Ninh Bình cùng phố đường tàu tại Hà Nội.
Lời khuyên của Lexie dành cho những người trẻ muốn thực hiện một hành trình như cô là: Hãy tin rằng bạn có thể làm bất cứ điều gì mình tâm niệm. Nếu đặt những chuyến đi lên trên hết, vấn đề chỉ còn là thời gian để bạn biến điều đó thành hiện thực.
Hiện tại, có 206 quốc gia tuyên bố chủ quyền, 193 quốc gia là thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó bộ Ngoại giao Mỹ công nhận 195 quốc gia là nước có chủ quyền.