Dù là cung đường trek được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam nhưng quá trình chinh phục Tà Năng – Phan Dũng vẫn ẩn chứa những nguy hiểm khó lường. Sự việc một nữ phượt thủ tử nạn khi băng qua suối mới đây khiến nhiều người phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc tự trang bị kỹ năng sinh tồn và kinh nghiệm cho bản thân khi tham gia những hành trình nhiều thử thách.
Theo thông tin ghi nhận khoảng 15h ngày 7/10, một nữ phượt thủ cùng nhóm bạn khám phá cung đường rừng từ xã Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) xuống xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Khi vừa tới con suối Phan Dũng, gần thác Yavly thuộc xã Phan Dũng thì trời mưa rất to. Nhóm này đã tìm cách vượt suối khi lũ đang đổ về. Do bên dưới là đá trơn, bạn nữ này trượt chân và bị nước cuốn trôi.
Bên cạnh sự thương cảm cho cô gái này, nhiều người cũng mong mỏi giá như những người tham gia vào cung trek được trang bị những kỹ năng sinh tồn tốt hơn thì có lẽ không xảy ra sự việc đau lòng đến thế.
Liên lạc với anh Lê Bảo, một hướng dẫn viên chuyên dắt các tour, cung đường chinh phục trekking leo núi , khám phá núi rừng mạo hiểm, đồng thời cũng là người trực tiếp đưa thi thể bạn nữ xấu số ra ngoài, anh cho biết: “Theo kinh nghiệm dẫn nhiều đoàn qua đây mình thấy hầu hết tất cả các thành viên tham gia không ai trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để đảm bảo an toàn khi đi cung đường này. Con lũ mà trên video mình thấy nhiều rồi. Thậm chí cũng có đi vượt qua đó nhiều. Nó là nước lũ do mưa lớn trên thượng nguồn kéo xuống. Nước đục là do dòng nước đang chảy rất xiết. Nước trên đoạn video không phải quá lớn. Nhưng nó đủ mạnh khiến 1 người đàn ông to khoẻ không thể bước chân nổi. Bạn nữ bị cuốn trôi khá yếu. Vật cản như áo mưa và balo là lý do ảnh hưởng rất lớn khiến chị ấy bị trôi mạnh mà không thể nào bám lại cành cây ven đường”. Anh cũng thông tin thêm rằng đáng lẽ ra thì khi qua suối bạn nữ không được qua 1 mình như thế. Tình huống lúc đó bạn ấy không xử lý được vì hoảng loạn và phản ứng chậm do thiếu kỹ năng.
Bản thân là một người rất nhiều lần dẫn các đoàn chinh phục cung đường Tà Năng – Phan Dũng nên anh Bảo nhận thấy nhiều đoàn du lịch thường nhận khách đông khiến các leader khó có thể kiểm soát hết được, chưa kể là chính leader cũng là người chưa có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho khách.
Anh Bảo cũng chia sẻ thêm rằng bản thân mình nếu dẫn đoàn thường chỉ nhận đoàn từ 10 đến 15 người để đảm bảo chất lượng. Trước hành trình anh cũng tổ chức các buổi tập huấn cho người tham gia nhưng đáng buồn là mọi người đều “lười”, đa số chỉ muốn tới ngày rồi đi. Vì thế anh mong mỏi bản thân chính những người tham gia cung trek này cũng phải tự trang bị cho mình những thông tin và kỹ năng cơ bản, cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Đặt vào vị trí là leader, anh Bảo khẳng định sẽ chắc chắn không cho ai băng suối trong hoàn cảnh nước lũ đang về. Nếu bắt buộc phải qua thì anh sẽ sử dụng bảo hộ leo núi để đảm bảo an toàn rồi đi qua trước, sau đó căng dây thừng, móc khóa leo núi cho từng người đeo đai an toàn rồi đi qua.
“Dây thừng leo núi có khả năng chống cắt, lực căng phải trung bình 1 tấn mới đủ để làm đứt dây… Móc khoá leo núi cũng vậy, các thiết bị an toàn được nhập khẩu từ nước ngoài và có giấy chứng nhận về an toàn mới được lấy ra sử dụng”, anh cho biết.
Chiều 9/10, Công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận nạn nhân Nguyễn Việt Tuyết Q. (32 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã tử nạn trên con suối thuộc xã Phan Dũng. Đến 15h ngày 8/10, thi thể của nạn nhân được tìm thấy. Trong sáng 9/10, gia đình đã đến đưa thi thể nạn nhân về quê lo hậu sự.