Tôi đến Paris vào những ngày hè nóng không khác gì Sài Gòn. Thành phố được mệnh danh lãng mạn nhất thế giới vẫn vậy, đầy những cạm bẫy.
Xung quanh tháp Eiffel tràn ngập những người bán hàng rong, vì thế, bạn hãy cứ ngắm nhìn cảnh đẹp và đừng nên bận tâm đến những lời chèo kéo. Bên cạnh đó là những nhóm người chơi trò đỏ đen có “đồng nghiệp” giả làm người chơi để mồi chài du khách. Và cuối cùng, hãy nhớ mang ba lô của mình đúng cách “cái gì phía trước là của bạn, đằng sau là của người khác”. Trong một báo cáo hồi đầu năm, Paris, Pháp nằm trong nhóm dẫn đầu về nạn móc túi, cùng với Venice, Ý và Barcelona, Tây Ban Nha.
Hành trình “phượt” châu Âu lần này của tôi qua các nước, gồm Pháp – Hà Lan – Đức (Berlin) – Ba Lan – Na Uy – Thụy Điển – Đan Mạch – CH Czech – Đức (Frankfurt – để bay về Việt Nam). Ngoại trừ những chặng di chuyển quá xa và thời gian không cho phép như Ba Lan – Na Uy, Đan Mạch – CH Czech buộc phải bay; hoặc những chặng không có tàu như Na Uy – Thụy Điển phải đi bằng buýt, còn lại gần như trọn hành trình, tôi sử dụng tàu lửa xuyên quốc gia hoặc tàu điện ngầm tại mỗi nước.
Từng di chuyển nhiều lần bằng máy bay bên trong châu Âu trước đây, nên tôi có đủ kinh nghiệm để biết, 5 tiếng ngồi tàu cũng bằng bay 1 tiếng, vì còn phải đến sân bay trước để làm thủ tục và cả thời gian vào trung tâm thành phố (do sân bay thường ở xa trung tâm).
Nhưng việc đặt vé tàu không hề đơn giản, nhất là vào mùa hè bởi đây cũng là cao điểm du lịch. Tôi đặt vé từ Paris đến Amsterdam trước một tháng nhưng chỉ còn chuyến muộn lúc 18 giờ, giá vé lại khá cao, lên tới 120 euro (khoảng 3,1 triệu đồng) cho chặng đường 3 giờ, ngang vé máy bay.
Giá vé tàu xuyên quốc gia ở châu Âu không cố định, đắt hay rẻ tùy thuộc vào thời điểm đặt vé và giờ tàu chạy, hạng toa, số ghế.
Để lên chuyến tàu đi Amsterdam, tôi phải mua vé chặng bên trong Pháp rồi di chuyển từ nhà ga trung tâm Paris ngược về hướng sân bay Charles de Gaulle. Từ đó, tôi lên tàu tốc độ cao để đến thủ đô Hà Lan, băng ngang Bỉ. Con tàu đều đặn rải những nhịp gõ lên đường ray, lướt qua những dãy nhà đìu hiu thưa thớt bóng người cuối chiều rồi tăng tốc giữa đồng không mông quạnh.
Chẳng mấy chốc, con tàu vào Amsterdam.
Nhà ga trung tâm Amsterdam là một tòa nhà cổ, điển hình của những căn nhà có kiến trúc Tân Phục Hưng phổ biến ở châu Âu, được xây dựng vào thế kỷ 18. Bước ra khỏi nhà ga, băng qua dòng kênh, Amsterdam là một thế giới khác. Đó là “đặc sản” của điểm đến: Phố đèn đỏ.
Những năm gần đây, Hà Lan muốn xóa đi “đặc sản” này, bằng cách hạn chế du khách tìm đến qua việc tăng giá dịch vụ khách sạn. Một căn phòng gần phố đèn đỏ, chuẩn “không sao” có khi lên đến 200 – 300 euro/đêm. Thành phố cũng đã đưa ra nhiều quy định mới, nhằm thoát khỏi cái tên “thành phố tội lỗi” được gắn liền hàng chục năm qua.
Sau 3 ngày, tôi rời Amsterdam để đi Berlin. Ban đầu, hành trình “phượt” một phần châu Âu bằng tàu của tôi không đến Đức nhưng vì muốn tới Ba Lan, tôi buộc phải dừng chân ở Berlin. Tôi lên chuyến tàu lúc 15 giờ chiều (giá vé 100 euro), dự định sẽ đến nơi vào lúc 19 giờ, trong nỗi lo lắng vì trước đó, hãng tàu thông báo có đình công của nhân viên tàu quốc tế Đức. Hành khách phải tự lo đổi hành trình, hoặc dời ngày hoặc chấp nhận mất thời gian nếu vẫn tiếp tục đi trong tuần lễ đình công.
Chuyến tàu vào biên giới Đức ngay lập tức dừng lại ở ga đầu tiên. Ở đó, chúng tôi phải chờ thêm 2 tiếng đón chuyến tàu nội địa Đức để về Berlin vì tàu quốc tế không chạy nữa. Nghĩa là, chỉ có nhân viên hãng tàu quốc tế Đức đình công ở bên trong nước Đức, còn tàu trong nước chạy bình thường.
Trong phòng chờ, tôi gặp anh Hùng, người Việt sinh sống ở Munich và được giải thích vì sao cơ quan quản lý tàu Đức không có bất kỳ xin lỗi nào cho sự bất tiện này. “Có lần, trên chuyến tàu về nhà, khi cách 200 km thì gặp sự cố trục trặc kỹ thuật, tàu phải dừng lại. Thế nhưng, hành khách không được trả lời khi nào tàu chạy lại và sau khi đợi 2 tiếng, anh và bạn bè phải bắt taxi một chặng xa tới ga gần nhất để tiếp tục hành trình. Không có bất kỳ khoản đền bù nào. Cũng như việc đình công, hãng tàu chỉ thông báo trên mạng, còn lại hành khách tự lo”, anh Hùng kể.
Hôm đó, tôi lên chuyến tàu Ba Lan để đến Warszawa từ Berlin lúc 15 giờ, hành trình kéo dài 5 tiếng. Mùa hè, trời châu Âu tối muộn, bầu trời cũng trong xanh hơn. Sau khoảng 2 tiếng, con tàu bắt đầu vào địa phận Ba Lan.
Trên chuyến tàu nhanh của Ba Lan, du khách cũng sẽ bất ngờ khi có những nhân viên đẩy xe bán đồ ăn, thức uống và chào mời từng du khách. Tương tự, ở chặng từ CH Czech về Đức cũng có người bán đồ trên tàu. Đây là điểm khác biệt so với các chuyến tàu tôi từng đi trước đó ở Tây Âu như từ Venice đến Rome, hay từ Paris tới Amsterdam… du khách muốn ăn uống đều phải đến toa nhà hàng.
Vào địa phận Ba Lan, con tàu bắt đầu băng qua những cánh đồng hoa cải đang mùa trổ bông vàng rực rỡ, kéo dài đến tận đường chân trời. Cây cải được trồng nhiều ở các nước châu Âu, chủ yếu lấy hạt để sản xuất dầu hoặc làm mù tạt.
Đi tàu xuyên quốc gia ở châu Âu, biên giới như không hề tồn tại. Bạn chỉ có thể nhận ra dựa vào cảnh quan ven đường hoặc bảng thông báo ga đến sắp tới.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn sẽ thấy cảnh sát xuất hiện trên tàu, nhất là khi hành khách từ nước nghèo đi vào nước giàu hơn. Biên giới các nước châu Âu chính là đây. Giả sử bạn từ Đức qua Ba Lan sẽ không có ai kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ nhưng nếu ngược lại, khi vừa vào Đức, cảnh sát sẽ có mặt, kiểm tra từng hành khách.
Thủ đô Warszawa của Ba Lan phần lớn được xây dựng mới với nhà cao tầng chót vót, cách khá xa khu phố cổ. Nếu bạn muốn tìm món ăn Việt, thì thủ đô Ba Lan có thể là nơi hoàn hảo. Các quán ăn ở đây bán theo phong cách rất đơn giản, vào quầy, bên trên có tấm bảng lớn ghi từng món kèm hình ảnh và giá tiền rồi chọn món, thanh toán xong quay về bàn chờ chuông kêu.
Tôi rời Ba Lan bằng chuyến bay giá rẻ Ryanair, để đi Oslo, Na Uy. Chuyến bay kéo dài 2 giờ, có giá 125 euro. Cũng như nhiều hãng bay giá rẻ khác, Ryanair – hãng giá rẻ được xem lớn nhất châu Âu – tính phí hành lý ký gửi “cắt cổ” và hành lý xách tay được cân đúng từng gram. Bạn cũng dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều hành khách lục lọi hành lý để giảm bớt ký trước khi làm thủ tục lấy vé vào bên trong.
Mặc dù sân bay quốc tế, nhưng hành khách đi chuyến hôm ấy phải đi bộ từ nhà ga ra máy bay với quãng đường khá xa. Đi bộ ra máy bay tại sân bay quốc tế ở các nước châu Âu là chuyện không hiếm. Có lần bay từ Pháp qua Santorini (Hy Lạp), tôi cũng phải cuốc bộ vào nhà ga. Điều du khách cần phải lưu ý, là các hãng giá rẻ ở châu Âu thường chọn sân bay xa trung tâm thành phố để đáp nhằm tiết giảm tối đa chi phí, đi bộ ra vào máy bay cũng là một trong số đó. Dù biết rõ thế, nhưng khi đáp xuống sân bay Oslo tôi mới phát hiện sân bay quốc tế này cách trung tâm đến 50 km và vé xe buýt vào trung tâm 50 euro. Tính ra, vé máy bay và vé xe buýt bằng giá vé máy bay các hãng bình thường.
Oslo là thành phố có kiến trúc hiện đại, khác xa với những thủ đô của các nước Tây hay Đông Âu. Điểm đến này nổi tiếng với hành trình du ngoạn trên biển Bắc Đại Tây Dương theo con tàu Viking huyền thoại. Cướp biển Viking xuất hiện từ cách đây hơn thiên niên kỷ, nhưng những câu chuyện về họ vẫn được Na Uy sử dụng để thu hút du khách lên những chiếc tàu giong buồm ra khơi.
Từ Osla, tôi đến Gotenberg, Thụy Điển trên chuyến xe buýt buổi chiều, mất khoảng 3 giờ với giá 30 euro, bởi quãng đường này không có tàu lửa. Gotenberg là thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển, nổi tiếng với điện thoại Ericsson hay xe hơi Volvo.
Sở dĩ tôi đến Gotenberg mà bỏ qua thủ đô Stockhom vì nơi này gần Oslo hơn và từ đây tôi dễ dàng đến Copenhagen, Đan Mạch bằng tàu lửa.
Suốt cả hành trình, tôi đều mua vé tàu lửa từ trước nhưng không dễ và không rẻ. Bởi vào mùa hè, người châu Âu đi du lịch đông đúc hơn và xu hướng không đi xa ra ngoài châu Âu khiến việc đặt vé giờ đẹp khó khăn. Lạm phát tăng cũng khiến giá vé cao hơn rất nhiều so với những năm trước đại dịch.
Hầu hết những chuyến tàu nối các nước trong châu Âu đều có wifi tốc độ cao miễn phí. Có những dãy ghế 4 chỗ ngồi đối mặt nhau, có bàn để hành khách làm việc. Trốn vé là điều không thể diễn ra trên những chuyến tàu này vì cứ sau một ga dừng lại đón khách, nhân viên hãng tàu kiểm tra vé thêm lại một lần. Bạn có thể mua vé có số ghế hoặc không. Nếu không có số ghế bạn gặp đâu ngồi đó nhưng phải trả lại ghế nếu có khách đã đặt chỗ trước.
Tại Copenhagen cũng như các thành phố khác trong hành trình, tôi chủ yếu di chuyển bằng tàu điện ngầm hoặc tàu điện trên cao. Trong nhiều ga tàu ở các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy không có cổng kiểm tra vé theo kiểu rào chắn. Chỉ đơn giản là một cái trụ, khách ra vào chủ động đưa thẻ tàu khẽ chạm. Nếu hành khách nào muốn đi chui sẽ chẳng ai hỏi han gì tới. Tại Hà Lan cũng vậy, các chuyến tàu điện trên mặt đất hành khách ra vào gần như tự do. Tuy nhiên, nhân viên soát vé có thể sẽ tổ chức kiểm tra bất ngờ và hành khách không có vé có thể bị phạt lên tới 100 euro.
Sự khác biệt giữa những con tàu Bắc Âu và Tây Âu còn nằm ở an ninh. Trên tàu Bắc Âu, bạn có thể thoải mái ngó lơ đồ đạc, điện thoại hay hành lý, thì ở những chuyến tàu Tây Âu như Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, hành khách không thể rời mắt khỏi chúng. Nhiều trường hợp được kể, kẻ gian có thể lấy ba lô hay điện thoại của bạn và biến mất xuống nhà ga trong tích tắc khi tàu dừng lại.
Từ Đan Mạch, tôi đáp chuyến bay đêm để về CH Czech trong hành trình 2 giờ, giá vé 150 euro. Praha những ngày hè nhưng khí hậu khá mát mẻ, khoác chiếc áo lạnh nhẹ bước ra quảng trường Con ngựa bên cạnh khu phố cổ để mua một ít đồ lặt vặt trong cửa hàng tiện lợi, tôi gặp nhóm thanh niên bán hàng người Việt.
Người Việt ở CH Czech được công nhận là một dân tộc thiểu số. Ở khu vực trung tâm, cách dễ nhất để nói tiếng Việt, bạn hãy vào một cửa hàng tiện lợi. Nơi này bán nhiều thứ khác nhau, chức năng giống một tiệm ăn uống có bán kèm tạp hóa. Các cửa hàng tiện lợi của người Việt, bạn có thể ăn được các món Việt Nam như bún phở, bánh mì…
Chuyến tàu từ Praha về Frankfurt mất 3 tiếng, giá vé 80 euro, là hành trình gian nan bởi tôi phải đổi chuyến ở biên giới Đức với khoảng thời gian ít ỏi chỉ 2 phút.
Tôi may mắn chạy kịp lên chuyến tàu Đức. Tàu chạy chẳng bao lâu, hai cảnh sát người Đức xuất hiện kiểm tra giấy tờ từng hành khách. Đến lượt tôi, một cảnh sát coi hộ chiếu, còn người kia thẩm vấn về lịch trình, ở lại Đức trong bao lâu và khi nào về, tại sao đến Đức… Đây là lần đầu tiên trong suốt những ngày lên xuống tàu ở châu Âu, tôi bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ, mất thời gian hơn cả khi tôi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Pháp.
Thông thường, cảnh sát chỉ kiểm tra hành khách khi đi từ nước nghèo hơn vào nước giàu hơn. Cụ thể, ở đây, để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp từ CH Czech, phía Đức đã kiểm soát chặt chẽ, hoặc trường hợp bạn đi từ Ba Lan vào Đức, còn ngược lại là hoàn toàn tự do.
Bất cứ hành khách nào trên tàu cũng bị kiểm tra hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khi từ CH Czech vào Đức. Cảnh sát đi từ đầu tàu đến cuối tàu và kiểm tra từng người một. Tuy nhiên, nếu là du khách, cảnh sát sẽ thẩm vấn lâu hơn. Vì thế, không có gì phải mất bình tĩnh một khi bạn có đầy đủ giấy tờ như vé máy bay chặng về hay thị thực…