Rừng cây si cổ thụ treo trên dòng sông Sêrêpôk là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Buôn Đôn (Ảnh: Phương Liên)
Dư địa lớn để phát triển du lịch
Huyện Buôn Đôn cách thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khoảng 25 km về phía Tây Bắc. Nơi đây nổi tiếng với các cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ như: hệ sinh thái rừng Khộp Vườn Quốc gia Yok Đôn; thắng cảnh trên dòng sông Sêrêpôk thơ mộng với những rặng si cổ thụ, có cây Bồ Đề được công nhận là cây di sản 140 năm tuổi; hệ thống sông, suối, hồ, thác đa dạng (sông Sêrêpôk, hồ Đăk Min, thác Bảy nhánh, thác Phật, thác Drai Yông..) và các bến nước đẹp, còn tương đối nguyên vẹn (bến nước buôn Niêng, buôn Yang Lành, bến Tha Luống, Bay Rong…).
Buôn Đôn còn nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng; có nhiều lễ hội gây ấn tượng với du khách như: lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, hội cồng chiêng, hội voi; nhiều kiến trúc độc đáo như nhà sàn cổ, mộ “Vua voi”, tượng nhà mồ….
Huyện Buôn Đôn còn có Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2005; các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc như: hát Ayray, kể khan, thổi Đinh Năm, Đinh Puốt, chế tác nhạc cụ dân tộc cùng với biểu diễn đàn tính, hát Then của người Tày, Nùng.
Nơi đây cũng lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của cộng đồng 18 dân tộc anh em cùng chung sống, được tái hiện đặc sắc trong lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn định kỳ 02 năm tổ chức một lần tại Trung tâm lễ hội của huyện.
Ở Khu du lịch Buôn Đôn hiện còn 7 con voi từ 38 – 40 tuổi. Chúng chính là phần quan trọng nhất làm nên sản phẩm du lịch cưỡi voi tham quan buôn làng, cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk nổi tiếng trước đây.
Anh Trương Minh Thông, người điều voi của Khu du lịch cho biết, giá vé cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk là 200.000đ/lượt, mỗi lượt gồm 2 du khách trên quãng đường 300m và 400.000 đồng/lượt trên quãng đường 600m. Với mức phí dịch vụ đó, trong dịp Tết, có những nài voi thu nhập tới 40 triệu đồng. Đó là còn chưa kể các dịch vụ “ăn theo” như: thăm quan mộ “Vua voi” Khunjunob; thăm nhà sàn cổ 140 năm tuổi của Y Thu Knul – người được mệnh danh là ông tổ nghề săn voi, đã có công khai phá, mở đất lập ra vùng Buôn Đôn. Đây cũng chính là ngôi nhà mà cháu của “Vua voi” là ông Ama Kông – truyền nhân cuối cùng nghề săn voi ở Buôn Đôn sinh sống.
Những người nuôi voi có thâm niên và kinh nghiệm ở Vườn Quốc gia Yok Đôn như Ma Nang Ylich, Y Khu, Ma Phi… đều khẳng định, những nguồn thu đó là động lực để đồng bào gắn bó, thương yêu, chăm sóc loài động vật to lớn này, nhằm vừa bảo tồn sinh kế cho gia đình, vừa góp phần duy trì sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương.
Ông Vũ Minh Thoại – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, với các thế mạnh trên, hàng năm, Buôn Đôn đón từ 200 nghìn đến 300 nghìn lượt khách đến tham quan du lịch.
Đánh giá đúng và có giải pháp phát huy du lịch văn hoá
Du lịch Buôn Đôn là một thương hiệu lâu đời, nổi tiếng của tỉnh Đắk Lắk nói riêng cả nước nói chung và đã có tên trong bản đồ du lịch thế giới cùng một số guide book. Yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu đó là nhờ sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị” cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk.
Tuy nhiên, trong nỗ lực làm giảm các hoạt động ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh sản của loài động vật này, cuối năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đã thống nhất dần loại bỏ sản phẩm du lịch cưỡi voi.
Nhà ông Ama Kông – truyền nhân cuối cùng nghề săn voi ở Buôn Đôn là địa chỉ được du khách quan tâm tìm đến khi dịch vụ cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk dần được loại bỏ (Ảnh: Phương Liên)
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Buôn Đôn phát triển du lịch sau khi sản phẩm nổi tiếng nhất là cưỡi voi bị loại bỏ – ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Buôn Đôn trăn trở.
Trong tình hình mới, yếu tố có khả năng làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng và lôi cuốn khách đến với Buôn Đôn chính là vốn văn hóa của người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Hiện nay, phòng Văn hoá và Thông tin huyện Buôn Đôn đã tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa ở các buôn đồng bào dân tộc Ê-đê, Lào… sinh sống như buôn Yang Lành, buôn Trí B.
Buôn Yang Lành, xã Krông Na là một trong 03 buôn được tỉnh Đắk Lắk chọn đầu tư xây dựng mô hình du lịch homestay theo dự án do Ngân hàng ADB tài trợ. Đây là nơi đồng bào dân tộc Ê-đê sinh sống tập trung, có 15 nhà sàn đẹp, đáp ứng nhu cầu phục vụ lưu trú tham quan tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc Ê-đê.
Khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống của đồng bào như dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc, làm rượu cần; xây dựng đội văn nghệ ở buôn đồng bào dân tộc thiểu số Ê-đê, mở rộng thêm các đội văn nghệ hát then, đàn tính của các dân tộc thiểu số Tày, Nùng di cư từ phía Bắc vào định cư ở các xã Ea Wer, Tân Hòa, Cuôr Knia để biểu diễn phục vụ du khách cũng là các giải pháp được tính đến.
Bên cạnh đó, huyện cũng có kế hoạch hỗ trợ người dân địa phương cung cấp dịch vụ ẩm thực và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm truyền thống; cải tạo, xây dựng đường lên xuống các bến nước, hướng dẫn các buôn phục dựng, duy trì lễ cúng bến nước phục vụ du khách thăm quan, tìm hiểu văn hóa bến nước.
Gắn với du lịch văn hoá, cần tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc cổ như mộ “Vua voi” Khunjunôb, nhà sàn cổ 140 năm tuổi của các “Vua voi” để thay thế dịch vụ cưỡi voi tham quan, ngắm cảnh, vượt sông Sêrêpôk bằng các loại hình du lịch chăm sóc và bảo tồn voi như: xem voi biểu diễn, tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe cho voi, các trò chơi của voi…
Du lịch văn hoá là loại hình du lịch mới ở Buôn Đôn. Do vậy, cần nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển du lịch bền vững. Muốn vậy, cần tạo được mối quan hệ phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý du lịch, chính quyền địa phương, các ngành có liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Văn hoá các dân tộc huyện Buôn Đôn (Ảnh: baodaklak.vn)
Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là chủ thể của văn hoá phải là trung tâm và cần được tạo điều kiện để có cơ hội tham gia cung cấp nông sản, hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, các dịch vụ hỗ trợ, hoạt động biểu diễn văn nghệ… để có nguồn sinh kế từ chính bản sắc văn hoá độc đáo của mình.
Về phía huyện, cần chú trọng mở rộng liên kết với các công ty du lịch lữ hành trong nước để phát triển thêm thị trường khách miền Bắc. Với khách quốc tế, những năm gần đây, Buôn Đôn đã khai thác được thị trường Nga nhờ liên kết với các công ty lữ hành tại Nha Trang. Tới đây, huyện tiếp tục quảng bá, liên kết, thu hút thêm khách thuộc các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan…
Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, khai thác hợp lý, du lịch Buôn Đôn sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần từ chính những thế mạnh “kép” của địa phương./.