Du xuân ở Đồng Tháp có gì hay ho? Cùng iVIVU tham khảo những điểm đến du lịch Sa Đéc thích hợp cho cả nhà dịp Tết 2024!
Làng hoa Sa Đéc
Du lịch Sa Đéc, bạn không thể bỏ qua làng hoa Sa Đéc. Làng hoa hình thành từ cuối thế kỷ 19, nép mình thơ mộng bên dòng sông Tiền. Tính đến tháng 4 năm 2022, làng hoa Sa Đéc có diện tích hơn 783. Làng hoa là nơi ươm mầm khoảng hơn 2000 loài hoa trên diện tích khoảng 500 ha. Làng có hơn 2300 hộ dân trồng nhiều giống hoa như cúc kim cương, violet, hồng ri, hoa hồng xanh, cúc tia, cúc đồng tiền mini siêu lùn…
Vì đặc trưng địa lý vùng hay ngập úng, nên người dân Sa Đéc phải trồng hoa trên giàn cao. Họ phải đi ủng hoặc chèo ghe để chăm sóc hoa. Chính điều này đã tạo nên sự đặc biệt của làng hoa Sa Đéc. Tháng 12 âm lịch là thời gian hoa ở Sa Đéc nở rộ và cũng là thời điểm làng hoa sôi động nhất. Càng cận Tết Âm lịch, hoa càng nở đẹp hơn, du khách cũng đông đúc hơn. Hoa được chưng khắp nơi, du khách cũng có thể vừa tham quan vừa mua hoa về chưng Tết.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại số 255A, ngay trung tâm thành phố Sa Đéc, bên sông Tiền thơ mộng. Ngôi nhà mang tên người cố chủ, ông Huỳnh Thuỷ Lê, một người Việt gốc Hoa giàu có. Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha ông Huỳnh Thủy Lê) xây dựng vào năm 1895. Ban đầu, đây là một ngôi nhà ba gian truyền thống rộng 258 m2 với nguyên vật liệu chính là gỗ, mái lợp ngói âm dương.
Đến năm 1917, chủ nhân trùng tu lại ngôi nhà bằng gạch bao lấy khung gỗ bên trong. Kiến trúc phương Tây thể hiện rõ ở phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ… Tất cả được trang trí bằng các phù điêu thời Phục hưng. Vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã. Phần kiến trúc phương Đông được thấy qua những đường nét chạm khắc rất sắc sảo. Mặt ngoài nhà có kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa.
Qua thời gian, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và đã trở thành điểm đến du lịch Sa Đéc nổi tiếng. Du khách muốn trải nghiệm lưu trú có thể đặt phòng trước. Mỗi phòng ở được 2 người và đi kèm với bữa sáng, bữa trưa. Năm 2008, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được chứng nhận là di tích cấp tỉnh và được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2009.
Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà, hay Thất Phủ Thiên Hậu Cung, Thiên Hậu Miếu, tọa lạc tại số 1, đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Sa Đéc. Chùa do nhóm người Hoa ở Sa Đéc xây dựng vào năm 1867. Nơi đây để làm nơi thờ cúng và sinh hoạt cộng đồng ở địa phương. Chùa thờ Bà Thiên Hậu, tên là Lâm Mặc Nương, người đảo Mi Châu, thuộc Bồ Dương (Phước Kiến). Bà được sắc phong đời nhà Hán ở Trung Hoa, là Thiên Hậu Thánh Mẫu hộ quốc, tế dân. Bà có công cứu độ những người đi biển bị sóng đánh chìm.
Kiến An Cung
Kiến An Cung, hay chùa ông Quách, được xây từ năm 1924, là điểm du lịch Sa Đéc thích hợp vào ngày Tết. Chùa gồm ba gian: Đông lang, Tây lang và khu chính điện. Mái ngói gồm 3 lớp, mặt trên ngói, giữa gạch, dưới là ngói. Trên những bức tường của chùa là những hình ảnh trong Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa… Phía cổng vào là hai con kì lân bằng đá xanh, phía trên là tấm hoành phi sơn son thếp vàng. Kiến trúc chùa vừa bề thế, lộng lẫy với những tông màu rực rỡ. Vừa trang trọng với những gian thờ được phân chia rõ ràng. Lại vừa cổ kính với tường gạch mái ngói nhuốm màu thời gian.
Những lò gạch cổ
Nằm ngay cạnh dòng Sa Giang, những lò gạch cổ nổi bật nhờ sắc đỏ và cấu tạo trông như những Kim Tự Tháp. Khách du lịch Sa Đéc cũng có thể khám phá các lò gạch trong chuyến đi. Dưới ánh nắng, các lò gạch hiện ra như những tòa lâu đài nhỏ nhắn. Men theo lối nhỏ giữa những bờ tường gạch đỏ, du khách sẽ thấy ngay cổng lò duyên dáng.
Vào thời hưng thịnh, những lò gạch là cả cơ nghiệp của nhiều gia đình. Đồng thời đó cũng là công việc mưu sinh của không ít lao động trong vùng. Không còn mang dáng vẻ của thời hưng thịnh, những lò gạch hơn 100 tuổi khoác lên mình tấm áo cổ xưa thật cuốn hút. Cũng vì vậy mà dù đã bị bỏ hoang, lò gạch ở Sa Đéc vẫn thu hút khách du lịch đến tham quan.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
iVIVU.com Tháng Hai 6, 2024