Đi mới có được cảm giác mê hồn khi chiêm ngưỡng những cảnh sắc sơn kỳ thủy tú. Đi mới biết cuộc sống đáng yêu biết bao, khi được gặp gỡ những trái tim nồng ấm ở nơi băng giá nhất.
(Ảnh minh họa, từ nguồn ảnh tác giả Ngô Chí Hòa)
“Phượt” là từ ngữ xuất hiện mấy năm gần đây, nó là một loại hình du lịch “bụi”, trào lưu của giới trẻ hiện nay. Tựu chung là chỉ những chuyến đi du lịch ngẫu hứng, nhằm chinh phục những địa danh lý thú, khám phá cuộc sống muôn màu. Người đi “phượt” lên đường bằng niềm đam mê, không ngại đường xa, địa hình, thời tiết, không cầu kỳ với những dịch vụ ăn nghỉ. “Phượt” dường như chỉ dành cho giới trẻ, với những người có sở thích “xê dịch”, nhưng với những người làm báo như chúng tôi, nó lại không hề xa lạ. Ngẫm ra, đời làm báo chính là những chuyến đi “phượt” nối tiếp nhau, nếu người làm báo đặt mình ở tâm thế đi để tìm hiểu, khám phá và thụ hưởng những trải nghiệm thú vị. Có lẽ, trong mọi thời điểm, những chuyến đi vào mùa xuân thường mang lại cảm xúc nhiều nhất. Những bài báo, chương trình tết có hay, có đẹp hay không là nhờ sự thăng hoa của tâm hồn trên những cung đường “phượt mùa xuân”.
Phượt lễ hội
Đi phượt đem lại rất nhiều điều thú vị, bổ ích, nó không chỉ đơn thuần là sự thư giãn mà còn đem đến những cảm nhận tuyệt vời, những khám phá mới về cảnh đẹp, con người, văn hóa ở mỗi vùng miền. Và đặc biệt, phượt theo mùa lễ hội mang lại cho chúng ta cảm giác hưng phấn lạ thường. Mùa xuân, thú nhất là những chuyến phượt “lên rừng xuống biển” cùng các lễ hội.
Xứ Thanh là vùng đất của lễ hội, vào đầu xuân năm mới, lễ hội diễn ra ở khắp các vùng miền. Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xứ Thanh rất phong phú, nhiều lễ tục và trò chơi, trò diễn. Có thể liệt kê các lễ hội nổi bật như: Lễ hội Pồn Pôông, lễ hội Bàn Bù, ở huyện Ngọc Lặc; lễ hội Mường Khô, huyện Bá Thước; lễ hội Nàng Han, huyện Thường Xuân; lễ khai hạ, lễ hội chùa Chặng, chùa Rồng, huyện Cẩm Thủy; lễ hội chùa Mèo, lễ hội Chá Mùn, huyện Lang Chánh; lễ hội Mường Đòn, huyện Thạch Thành; lễ hội Mường Ca Da, huyện Quan Hóa; lễ hội Mường Xia, huyện Quan Sơn; lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, lễ hội Phủ Na, huyện Như Thanh; lễ hội Đình Thi, lễ hội dâng trâu tế trời ở đền Chín Gian, huyện Như Xuân… Đến với các lễ hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số, chúng ta sẽ được hòa mình trong không khí âm vang cồng chiêng và rộn ràng nhịp khua luống, chìm đắm trong sắc màu của điệu múa cây bông cây hoa, ngất ngây trong hương rượu cần men lá…
Ở vùng đồng bằng, các lễ hội hầu như diễn ra suốt mùa xuân. Ngay sau Tết Nguyên đán, hàng loạt lễ hội gắn với hoạt động tâm linh ở các đền, đình, chùa được tổ chức. Lễ hội chùa Thông (chùa Du Anh) diễn ra vào ngày 9 tháng Giêng trên địa bàn xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, đến đây du khách được vãn cảnh Động Hồ Công và có thể lên thăm Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Lễ hội Trò Chiềng ngày 12 tháng Giêng tại xã Yên Ninh, huyện Yên Định, trong phần hội có trình diễn trò tượng binh đánh trận rất độc đáo. Lễ hội đền Sòng – Chín Giếng ở thị xã Bỉm Sơn diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26-2 âm lịch, gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tam Phủ, đến đây sẽ được xem các thanh đồng trình diễn các giá đồng trong không khí huyền ảo, mê hoặc. Lễ hội đền Bà Triệu diễn ra từ 20 đến 22-2 âm lịch tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tưởng nhớ nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, cùng với tế lễ có nghi thức rước kiệu rất linh đình. Trên địa bàn xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc còn có lễ hội phủ Trịnh diễn ra vào ngày 18-2 âm lịch gắn với lễ giỗ Thái Vương Trịnh Kiểm, lễ hội rước nước chùa Báo Ân ngày 28-2 âm lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Thoải, có màn trình diễn thuyền rồng rước nước trên sông rất sôi động. Lễ hội đền Đồng Cổ ngày 15-3 âm lịch tại làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định được tổ chức đông vui, nhằm tưởng nhớ Đồng Cổ Sơn Thần có công hộ quốc an dân.
Vào mùa xuân, các làng chài xứ Thanh cũng rộn ràng không khí lễ hội. Vùng cửa biển Lạch Bạng có lễ hội đền Quang Trung vào ngày mùng 5 tết, tưởng nhớ vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn đại thắng quân Thanh, trong lễ hội có tổ chức thi bơi chải trên sông giữa các làng với nhau. Ở Sầm Sơn có lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng. Cuối tháng 2 âm lịch, đất Diêm Phố, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc sẽ có lễ hội Cầu Ngư diễn ra tưng bừng với nghi lễ rước kiệu vàng và hóa thuyền Long Châu để tế thần, sau lễ cũng có hội đua thuyền trên biển. Cuối tháng 3 âm lịch, tại huyện Nga Sơn diễn ra lễ hội Mai An Tiêm, tưởng nhớ một nhân vật huyền sử của nước Văn Lang vào cuối thời Hùng Vương, là người có công khai phá, xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn, gây giống quả dưa hấu.
Phượt thiện nguyện
Tôi có may mắn tham gia nhiều chuyến đi “phượt” thiện nguyện cùng nhiều đội nhóm, câu lạc bộ khác nhau. Đối với tôi, vui nhưng cũng đầy gian khổ là những chuyến “phượt” thiện nguyện, bởi điểm đến bao giờ cũng là những nơi khó khăn, những bản làng heo hút. Ngày nay, giới trẻ có xu hướng đi làm thiện nguyện nhưng cũng là đi phượt để trải nghiệm cuộc sống. Những chuyến đi cùng các bạn trẻ đến với các bản làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào dịp tết đến, xuân về cho tôi rất nhiều tư liệu và cảm xúc. Những người “phượt” thiện nguyện đa số là các bạn trẻ, họ không ngại khó khăn, có lối sống hiện đại và thích chia sẻ, có hoài bão lớn lao về việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn và khát vọng mãnh liệt được cống hiến. Những chuyến đi đối với họ là một lần được trải nghiệm để thử thách rèn luyện bản thân, để bồi đắp dòng máu nóng của lòng nhân ái trong trái tim mình.
Còn nhớ dấu ấn về chuyến “phượt” cùng các bạn trẻ trong Dự án “Vì trẻ em vùng cao” do bạn Nguyễn Bá Mai khởi xướng, với điểm đến là bản Cơn, thuộc xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh. Từ đường chính vào bản vô cùng lầy lội, xe ô tô không thể đi được nên cả đoàn đi bộ và “tăng bo” xe máy vào bản. Bản Cơn có 100 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Thái, hơn một nửa thuộc diện hộ nghèo. Do điểm trường bản Cơn cách điểm trường chính tiểu học Yên Thắng II 4km, đường đi rất vất vả nên trẻ em trong bản phải học ở điểm trường nhỏ ngay tại nơi cư trú. Dự án “Vì trẻ em vùng cao” đã đứng ra vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp để xây cho bản Cơn dãy phòng học mới và sửa chữa, nâng cấp dãy phòng học cấp 4 đã cũ, giải quyết dứt điểm tình trạng lớp ghép của học sinh khối 1, 2, 3; khối 4, 5 không còn phải vượt 4 – 5km đường đất lầy lội để đến điểm trường chính. Đồng hành cùng ban Dự án “Vì trẻ em vùng cao” còn có Á hậu Nguyễn Thị Loan, gương mặt đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới năm 2017. Không quản đường sá xa xôi, Loan đã đến với bản Cơn, chung tay góp sức để có ngôi trường mới. Các tình nguyện viên của Dự án “Vì trẻ em vùng cao” vào đến nơi là chia thành từng nhóm, dọn vệ sinh trường lớp, cắt tóc cho trẻ em, người lớn trong bản. Những cậu bé bản Cơn vừa lạ lẫm, vừa thích thú vì lần đầu tiên được “trang điểm” bằng kiểu đầu mới. Bạn gái Nguyễn Phương Dung xinh đẹp thì nhanh chóng tập hợp bầy trẻ, múa hát rất vui nhộn. Không còn sự rụt rè, nhút nhát, chỉ thấy niềm vui tràn ngập trên gương mặt những đứa trẻ của bản làng. Các mẹ, các chị cũng phấn khởi mặc váy áo đẹp, dắt bồng con cháu đến sân trường chung vui. Buổi tối hôm ấy, già trẻ nắm tay nhau nhảy múa quanh ngọn lửa hồng, cảm giác cái giá lạnh của đêm vùng cao như tan biến.
Một lần khác, chúng tôi tham gia phượt thiện nguyện bằng cả một đoàn xe ô tô bán tải. Kiểu “phượt” này là một nét độc đáo chỉ dân “Otofun” mới có. Otofun Thanh Hóa là một tổ chức của những người yêu ô tô ở Thanh Hóa thành lập ra, nhằm trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến ô tô và văn hóa giao thông, ngoài ra tổ chức này thường xuyên thực hiện các chuyến “phượt” thiện nguyện bằng ô tô. Mỗi năm, Otofun Thanh Hóa tổ chức từ 3-5 hoạt động thiện nguyện lớn nhỏ. Tuy không tham gia hết các chuyến đi, nhưng tôi từng có mặt trong những chương trình lớn của Otofun Thanh Hóa như “Nụ cười bản Cặt” xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát; “Vui bước tới trường” xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh…
Vào với các bản làng, không khỏi xót xa khi thấy cảnh những đứa trẻ chưa học xong tiểu học đã phải ở nhà bế em cho bố mẹ lên nương, những em gái chưa kịp hưởng tuổi xuân thì đã phải cất lời ru buồn… Những câu chuyện gom nhặt quanh bếp lửa nhà sàn càng thôi thúc chúng tôi phải đi nhiều hơn nữa. Với mỗi chuyến đi, chúng tôi mong muốn ngọn lửa tình người lan truyền hơi ấm để cuộc sống của đồng bào ở vùng cao biên giới trở nên tươi vui hơn. Cung đường “phượt” càng thêm ý nghĩa bởi đây không chỉ là chuyến du xuân, khám phá cảnh đẹp, mà còn là đi để chia sẻ tình yêu thương. Những nụ cười tỏa sáng trên gương mặt trẻ thơ ở các bản làng, đối với tôi, đó chính là lúc mùa xuân về.
Có người bảo “phượt” là du lịch “hành xác”, tự nhiên cứ lao vào nơi rừng sâu núi thẳm, hay xông đến những nơi sương giá tuyết dày làm gì… Vậy mà dân làm báo, khác gì dân “phượt” chuyên nghiệp, cứ thế lên đường. Đi mới có những giây phút như được chạm tay đến trời ở đỉnh cao mây phủ nào đó. Đi mới có được cảm giác mê hồn khi chiêm ngưỡng những cảnh sắc sơn kỳ thủy tú. Đi mới biết cuộc sống đáng yêu biết bao, khi được gặp gỡ những trái tim nồng ấm ở nơi băng giá nhất. Qua những chuyến “phượt”, bạn sẽ cảm thấy con người mình trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh, gan góc hơn. Mỗi chuyến đi, chúng ta sẽ được bồi đắp tình yêu đời, yêu người, để từ đó biết sẻ chia, cống hiến. Và như thế, mỗi mùa xuân của đời người sẽ diễn ra thật ý nghĩa.
Mai Anh