Tôi đã mường tượng ngay hành trình của mình như vậy khi may mắn biết đến và đăng ký thành công giải leo núi “Bước chân trên mây”, do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cùng Công ty du lịch Hưng Việt tổ chức đầu tháng 10 vừa qua. Và mặc dù đã từng đi trekking vài đỉnh núi khác, lần này, tôi vẫn mang tâm thế như lần đầu tiên. Cũng đúng thôi, đây chính xác là lần đầu tiên có một giải leo núi dành riêng cho các phóng viên, nhà báo trên cả nước. Cùng với gần 100 đồng nghiệp, tôi sẽ trải qua một thử thách về sức khỏe và ý chí giữa núi rừng hùng vĩ, để chạm tới đỉnh núi cao nhất tỉnh Yên Bái và cao thứ bảy ở Việt Nam: Tà Chì Nhù.
Đỉnh Tà Chì Nhù nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là một phần của khối núi Pú Luông thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Tà Chì Nhù có độ cao 2.979m, độ khó trung bình – theo kinh nghiệm của dân leo núi truyền nhau. Sau 260km từ Hà Nội lên thị trấn Trạm Tấu, chúng tôi được ban tổ chức tiếp đón chu đáo tại hai khu lưu trú rất đẹp và gần gũi thiên nhiên.
Tinh mơ hôm sau, các vận động viên đã sẵn sàng trang phục và tinh thần được xe đưa từ trung tâm huyện di chuyển qua xã Hát Lừu, xã Xà Hồ, qua bản Sáng Pao để đến điểm tập kết là khu Mỏ Chì. Trời mưa tầm tã suốt mấy ngày trước đó, đúng đến hôm thi đấu thì tạnh. Chúng tôi đều phấn chấn, song cũng lường trước đường sẽ trơn trượt, mây mù.
Sau bữa sáng gọn nhẹ, hiệu lệnh xuất phát vang lên, đoàn leo núi thẳng tiến theo con đường gần như độc đạo. Chao ôi, biết trước đường leo Tà Chì Nhù nổi tiếng với những con dốc cao chót vót ngay từ chặng đầu, tôi vẫn phải tìm những ý nghĩ tích cực nhất để động viên mình không bỏ cuộc, đồng thời cũng rất nể phục những anh chị đi xăm xăm dẫn đoàn cứ như đi đường bằng vậy!
Đó chính là ca từ của bài hát “Tà Chì Nhù”, được nhạc sĩ Nguyễn Cường phổ nhạc theo lời thơ của tác giả Myo. Giai điệu bắt tai hùng tráng và dồn dập, hòa với giọng hát vang ngân, ngắt nghỉ gợi liên tưởng đến từng quãng lấy hơi của người lữ khách. Lúc này, nghe bài hát thấy càng hợp cảnh hợp tình.
Tôi hỏi A Phang, anh bạn porter (người dẫn đường và gùi hàng) người H’Mông, về cái tên Tà Chì Nhù và được giải thích trong tiếng H’Mông nghĩa là “núi chân trâu”. Người H’Mông bản địa còn có một tên gọi khác cho đỉnh núi này là Chung Chua Nhà, còn với người Thái thì là Phu Song Sung.
Chỉ sau hơn 2 giờ bắt đầu, cuộc đua tài đã tìm được người chiến thắng là anh Phạm Minh Thành, nhà báo từ Đài Truyền hình Việt Nam.